Boko Haram gieo rắc nỗi kinh hoàng ở lục địa đen

07:00 | 08/04/2015

1,993 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi Mỹ và các đồng minh ra sức chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Trung Đông thì tại châu Phi, nhóm khủng bố Hồi giáo Boko Haram lại đang gieo rắc nỗi kinh hoàng với người dân lục địa đen.

Boko Haram là ai?

Abubakar Shekau, thủ lĩnh nhóm Boko Haram

Ngày 6/4, ít nhất 24 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong vụ tấn công mới nhất do nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Boko Haram tiến hành tại bang Borno, Đông Bắc Nigeria.

Theo AFP, các tay súng Boko Haram đã tràn vào làng Kwajafa chiều 5/4, bắt một số người dân ra khỏi nhà, sau đó nã súng vào những người này. Trước khi rút đi, nhóm phiến quân đã phóng hỏa nhà cửa, khiến một nửa ngôi làng bị thiêu rụi.

Làng Kwajafa, nằm ở phía Nam bang Borno và cách thủ thủ phủ Maiduguri 220km, là một trong những khu vực hứng chịu nhiều tổn thất nhất trong cuộc nổi dậy kéo dài sáu năm qua của Boko Haram.

Hơn hai tháng qua, được sự yểm trợ của các lực lượng Cộng hòa Chad, Niger và Cameroon, quân đội Nigeria đã giành lại kiểm soát một loạt thị trấn và làng mạc ở khu vực Đông Bắc trước đó bị rơi vào tay nhóm phiến quân.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nhóm Hồi giáo cực đoan này sẽ tăng cường tấn công theo hình thức “vừa đánh vừa chạy” trong bối cảnh bị gia tăng sức ép quân sự.

Trong một vụ tấn công ngày 3/4, Boko Haram đã sát hại bảy người dân thường ở miền Nam Chad, sau đó lực lượng an ninh Chad phát hiện mìn tự chế dọc đường gần biên giới Nigeria.

Ngày 6/4, chính quyền Cameron nói những chiến binh thuộc nhóm Boko Hakam đã cướp thực phẩm và gia súc của nông dân và các chủ trại gia súc ở biên giới phía bắc giáp với Nigeria trong mấy tuần vừa qua.

Boko Haram là ai?

Cảnh thường dân Nigeria bị Boko Haram giết hại

Boko Haram có nghĩa là “phương Tây cám dỗ”. Giáo phái Hồi giáo cực đoan do Mohamed Yusuf, thành lập vào năm 2002. Ban đầu, giáo phái chủ trương hoạt động không bạo lực, thông qua các bài thuyết giáo chống lại bất công xã hội. Mohamed Yusuf muốn hình thành một xã hội dựa trên nền tảng đạo Hồi khắt khe, nhưng không cực đoan như phe thánh chiến.

Với tài diễn thuyết, Mohamed Yusuf thu hút được cảm tình của người dân vùng đông bắc Nigeria, nhất là tại Maiduguri. Theo ước tính của John Luka, một người công giáo từng ở khu vực này thì vào thời điểm đó gần 40% sinh viên đại học, trở thành những cảm tình viên của phái Boko Haram.

Yusuf đã biết cách sử dụng sự bất mãn của một giới trẻ nghèo khó, dù có học hay không, cảm thấy bị chính quyền trung ương bỏ rơi và không tìm được việc làm. Các vụ tấn công vào thời điểm đó chủ yếu nhắm cảnh sát, gái mại dâm hay những kẻ buôn bán rượu.

Sau khi nhà sáng lập Yusuf bị ám sát vào năm 2009, học trò của ông là Abubakar Shekau lên lãnh đạo giáo phái. Lãnh đạo mới tuyên bố trả thù cho cái chết của nhà sáng lập và đe dọa làm cho đất nước “không thể nào điều hành” được nữa. Kể từ đó, Maiduguri, vùng biên giới đông bắc Nigeria chìm đắm trong hỗn loạn, với tình trạng mỗi ngày có hàng trăm nạn nhân thiệt mạng.

Để có tiền hoạt động, Boko Haram tấn công các ngân hàng, bắt cóc đòi tiền chuộc và tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào các nhà tù để giải thoát các chiến binh. Song song đó, để nâng hiệu quả tuyển dụng, Boko Haram không dùng đến ý thức hệ để kêu gọi, mà dùng bạo lực, bắt cóc, đe dọa, tà thuật, cho tiền hay dùng hôn nhân.

Sự bất ổn của vùng Sahel và việc kiểm soát khó khăn các vùng biên giới đang tạo thuận lợi cho sự bành trướng của Boko Haram ra ngoài Nigeria. Theo các nhà phân tích, chiến đấu chống khủng bố là một bài toán hóc búa của khu vực Sahel.

Theo ước tính, Boko Haram có khoảng hơn 10.000 chiến binh. Nhưng chỉ với 10.000 chiến binh đó, nhóm thánh chiến cực đoan này cũng đủ làm cho các bang như Borno, Yobé và Adamawa ở Nigeria hầu như nằm ngoài tầm kiểm soát. Các cuộc tấn công của Boko Haram bây giờ còn nhắm cả vào thường dân, do bởi những người từng ủng hộ họ giờ quay súng chống Boko Haram.

Phái viên Liên Hợp Quốc tại Chad mới đây đã lên tiếng bày tỏ sự tức giận trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không hành động để thông qua việc cử một lực lượng khu vực chiến đấu chống nhóm phiến quân Boko Haram, cho rằng những kẻ cực đoan thuộc nhóm này "còn nguy hiểm hơn" cả các tay súng thuộc Nhà nước Hồi giáo IS.

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc