Bộ Y tế sẽ sớm ban hành phác đồ điều trị cúm A/H7N9

06:33 | 10/04/2013

1,501 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Bộ Y tế đang lấy ý kiến của các bệnh viện, các chuyên gia về phác đồ điều trị cúm A/H7N9, dự kiến trong tuần sau sẽ hoàn thành.

>> Đo thân nhiệt tại sân bay ngăn dịch cúm A/H7N9

Nhiều nguy cơ dịch xâm nhập vào nước ta

Chiều ngày 9/4, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại TP HCM.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, nhiều khả năng dịch cúm A/H7N9 sẽ xâm nhập vào nước ta, bởi ngoài hệ thống cảng biển và cảng hàng không, nước ta có đường biên giới với Trung Quốc dài, khoảng 1.406km với 5 cửa khẩu lớn, giao thông giữa hai nước tương đối thuận lợi. Bên cạnh đó, tình hình buôn lậu gia cầm qua các tỉnh biên giới phía Bắc còn diễn biến phức tạp và thủ đoạn rất tinh vi.

Bộ Y tế làm việc với ngành y tế TP HCM về công tác chống dịch cúm A/H7N9

Qua thông tin từ các ca nhiễm cúm A/H7N9 ở Trung Quốc, Bộ Y tế nhận định, bệnh nhiễm virus cúm A/H7N9 diễn biến nhanh, mức độ nặng, tỷ lệ tử vong cao, tương tự như cúm A/H5N1. Đồng thời, do đây là một loại virus rất mới, lần đầu tiên gây bệnh cho người nên các thông tin về biểu hiện lâm sàng của bệnh và mức độ đáp ứng điều trị còn rất ít, gây khó khăn cho công tác phát hiện và điều trị bệnh.

Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng góp ý để tìm ra phác đồ điều trị cúm A/H7N9 hiệu quả nhất. Sau khi thống nhất và hoàn chỉnh phác đồ điều trị, Bộ Y tế sẽ tổ chức tập huấn phác đồ điều trị tại khu vực phía Bắc, dự kiến sẽ tổ chức tập huấn vào thứ sáu tuần sau (ngày 19/4), sau đó sẽ triển khai tập huấn tại khu vực phía Nam.

Hiện nay, Bộ Y tế đặt mục tiêu không để dịch bệnh xâm nhập vào nước ta. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng dự báo và lập kế hoạch ứng phó cho cả 4 tình huống có thể xảy ra: Không có dịch cúm A/H7N9 ở nước ta, có người nhiễm bệnh, dịch trên quy mô nhỏ và tình huống dịch lan tràn.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay đã phát hiện 24 ca bệnh dương tính với cúm A/H7N9, trong đó có 7 trường hợp tử vong tại Trung Quốc. Dịch cúm A/H7N9 ở Trung Quốc diễn biến trên diện rộng, rải rác tại các tình An Huy, Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang.

Sẵn sàng chống dịch

Do có kinh nghiệm phòng, chống các đợt dịch như: SARS, cúm A/H1N1, cúm A/H5N, đặc biệt được tập huấn thường xuyên công tác phòng, chống dịch cúm A/H5N1, một loại cúm lây từ gia cầm, tương tự như H7N9 nên các đơn vị y tế trên địa bàn TP HCM đã chuẩn bị rất tốt công tác phòng chống dịch và sẵn sàng hỗ trợ chống dịch cho các tỉnh phía Nam.

Hiện nay, 3 bệnh viện (BV) được giao tiếp nhận cách ly, điều trị các trường hợp nghi nhiễm và nhiễm cúm A/H7N9 là: BV Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi Đồng 1, BV Nhi Đồng 2. Các BV này đều sẵn sàng cho công tác chống dịch.

BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM sẽ là đơn vị đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 nếu có ca bệnh tại khu vực phía Nam. Do có kinh nghiệm điều trị nhiều bệnh nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là cúm A/H5N1, bệnh viện đảm bảo cung ứng thuốc và vật tư tiêu hao hỗ trợ điều trị như: kháng sinh, hồi sức, truyền dịch. Cung cấp đủ phương tiện kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định chuyên môn, thực hiện điều phối thuốc cho các cở y tế khác khi có sự chấp thuận của Sở Y tế.

Tính đến nay, BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM còn tồn kho số thuốc điều trị cúm Oseltamivir 75mg là 3.500 viên và đang đề nghị Sở Y tế bổ sung.

Phòng An toàn sinh học cấp 3 của BV này đã được Bộ Y tế công nhận đủ tiêu chuẩn hoạt động, đảm bảo vận hành, xử lý và lưu trữ các bệnh phẩm cúm theo quy định về an toàn sinh học của Bộ Y tế và WHO. Do đó, BV có khả năng chẩn đoán virus cúm A/H7N9 mới được phát hiện tại Trung Quốc.

Các BV được giao nhiệm vụ điều trị cúm A/H7N9 nếu dịch xảy ra cũng chuẩn bị số giường bệnh trong các khu vực cách ly đặc biệt để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân: BV Bệnh Nhiệt đới: 50 giường, Nhi Đồng 1: 80 giường, Nhi Đồng 2: 30 giường.

Khu vực cách ly đặc biệt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM

Tại cửa khẩu hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 cũng đang được tăng cường. Trung bình mỗi ngày có khoảng 100 chuyến bay từ nước ngoài đến sân bay này với số lượng hành khách nhập cảnh dao động từ 10.000 – 15.000 người. Do đó, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta qua cửa khẩu này cũng rất lớn. Vì vậy, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế đã ban hành văn bản “Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại sân bay”, thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại sân bay; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, quần áo chống dịch, khẩu trang N95, máy móc, hóa chất khử trùng… sẵn sàng chống dịch.

Tại sân bay hiện có 2 xe cứu thương chuyên dụng túc trực để vận chuyển người nghi nhiễm cúm A/H7N9, đồng thời thiết lập đầu mối liên lạc với Trung tâm cấp cứu 115 để tăng cường xe cứu thương khi có yêu cầu. Tại sân bay cũng trang bị xe vận chuyển phương tiện, hóa chất xử lý máy bay, ô tô.

Hiện nay, mỗi ngày Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế bố trí 15 kiểm dịch viên y tế trực, làm nhiệm vụ giám sát thân nhiệt tất cả hành khách nhập cảnh, quá cảnh, đặc biệt chú ý hành khách đến từ Trung Quốc.

Sau khi kiểm tra và nghe báo cáo về công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại TP HCM, Bộ Y tế đánh giá cao công tác chuẩn bị của ngành y tế thành phố, đồng thời chỉ đạo, TP HCM là tuyến cuối ở khu vực phía Nam trong việc điều trị cúm A/H7N9 nếu dịch xảy ra. Do đó, ngoài công tác chuẩn bị phòng, chống dịch trên địa bàn, ngành y tế TP HCM có nhiệm vụ hỗ trợ, tập huấn, chỉ đạo công tác hậu cần trong khu vực (20 tỉnh, thành phía Nam).

Ngày 9/4, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cho biết, một bé trai 4 tuổi, ngụ tại xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã tử vong do cúm A/H5N1. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên ở Đồng Tháp do nhiễm vurus cúm này trong năm 2013.

Kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur TP HCM cũng xác định bệnh nhân dương tính với cúm A/H5N1, nguyên nhân nhiễm vẫn chưa được xác định. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu để kiểm tra dịch tễ các thành viên trong gia đình bệnh nhân, đồng thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại xã Tân Hội Trung.

Trước tình hình dịch cúm A/H5N1 diễn biến phức tạp tại Campuchia với 9 người mắc bệnh, trong đó có 8 người tử vong, Bộ Y tế cho biết sẽ tổ chức đoàn kiểm tra dịch cúm gia cầm ở biên giới đường bộ các tỉnh Tây Ninh, Đồng Tháp, để tăng cường công tác phòng chống dịch tại đây.

Mai Phương

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.