Bộ Y tế giải trình về vaccine Quinvaxem gây tử vong

07:00 | 10/06/2013

636 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Y tế vừa có Công văn số 3327/BYT-DP cung cấp thông tin và giải trình việc tạm ngừng sử dụng vaccine Quinvaxem sử dụng trong tiêm chủng mở rộng và cho rằng chưa có căn cứ khẳng định vaccine này gây tử vong cho trẻ.

>> 9 người chết mới chịu ngưng sử dụng vaccine Quinvaxem

Theo Công văn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, toàn quốc ghi nhận 5 trường hợp tử vong sau tiêm, chứ không phải 9 trường hợp như báo chí nêu.

Theo kết luận của Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế, trong số 5 trường hợp tử vong nêu trên có 4 trường hợp không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vaccine, 1 trường hợp chưa chẩn đoán được nguyên nhân tử vong.

Bộ Y tế khẳng định vaccine Quinvaxem không gây tử vong cho trẻ.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thuốc và vaccine khi sử dụng đều có phản ứng bất lợi không mong muốn. Vaccine có chứa kháng nguyên, khi tiêm có thể xảy ra các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng từ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong đối với cá nhân có cơ địa mẫn cảm.

Mặc dù chưa có bằng chứng chứng minh các trường hợp tử vong có liên quan đến vaccine, các trường hợp tử vong trên có thể là sự trùng hợp vì tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi tại Việt Nam là 15,8 phần nghìn, hoặc do các bệnh khác như viêm phổi, tim mạch,… nhưng để thận trọng hơn và bảo đảm an toàn tối đa cho tiêm chủng, Bộ Y tế quyết định tạm dừng sử dụng vaccine Quinvaxem (dự kiến trong khoảng 3 tháng) để các cơ quan chuyên môn tiến hành đánh giá tổng thể về vaccine này.

Dưới góc độ chuyên môn, Bộ Y tế khẳng định việc tạm ngừng sử dụng vaccine Quinvaxem là một thực hành thông thường trong chương trình tiêm chủng; thời gian tạm ngừng sử dụng từ 1 đến 3 tháng không ảnh hưởng đến việc đáp ứng miễn dịch của trẻ.

Nếu xác định chất lượng vaccine Quinvaxem không phải nguyên nhân gây ra các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục sử dụng vaccine này. Trường hợp xác định nguyên nhân do vaccine Quinvaxem thì sẽ sử dụng vaccine khác thay thế.

Trước đó, Bộ Y tế đã có Công văn số 331/BC-BYT ngày 2/5/2013 báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân về việc triển khai các hoạt động về an toàn tiêm chủng và đề nghị được xây dựng đề án thay thế vaccine toàn tế bào bằng vaccinevô bào. Phó Thủ tướng đã đồng ý về việc tạm dừng sử dụng vaccine Quinvaxem.

Bên cạnh đó, tại văn bản số 4445/VPCP-KGVX ngày 3/6/2013 gửi Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm bảo đảm thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng và an toàn tiêm chủng; chỉ đạo việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về tiêm vaccine và đã đồng ý việc tạm dừng sử dụng vaccine Quinvaxem.

Đồng thời, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/6/2013 về hoạt động tiêm chủng trong 10 năm qua, từ năm 2003 đến nay, trong đó nêu rõ các loại vaccine đã sử dụng, xuất xứ vaccine, hiệu quả phòng bệnh, đặc biệt các trường hợp phản ứng nặng, tử vong đối với mỗi loại vaccine đã sử dụng; đề xuất các giải pháp về vaccine trong thời gian tới.

Vaccine Quinvaxem đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền thẩm định về chất lượng vào tháng 9/2006 và đã được sử dụng ở hơn 90 nước trên thế giới với hơn 400 triệu liều.  

Sau 4 năm sử dụng ở các nước khác trên thế giới, được Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng thế giới (GAVI) viện trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), và sau khi thực hiện quy trình đánh giá về hiệu lực và an toàn của vaccine tại Việt Nam, năm 2010 Bộ Y tế đã đưa Quinvaxem vào sử dụng tại Việt Nam.

Tổng số liều đã nhận từ viện trợ là khoảng 16,2 triệu, trong đó đã cấp phát 15,2 triệu liều, chiếm 4,1% so với số liều mà các nước trên thế giới đã sử dụng. 

Khánh An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc