Bộ trưởng Y tế: Nếu không nỗ lực, 'thượng đế' sẽ... bỏ đi

07:10 | 09/02/2016

3,209 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử PetroTimes nhân dịp Xuân mới 2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn: Nếu chúng tôi không nỗ lực thì tương lai không xa, thượng đế sẽ… bỏ đi.

PV: Thưa Bộ trưởng, 5 năm qua, Bộ Y tế đã có rất nhiều thay đổi tích cực. Nếu nói ngắn gọn nhất thì sự thay đổi đó thể hiện ở các lĩnh vực nào và ở đâu?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: 5 năm qua là quãng thời gian nỗ lực không ngừng của toàn thể đội ngũ cán bộ, công nhân viên ngành y. Kết quả rõ nét nhất, phải kể đến đầu tiên là giảm quá tải bệnh viện.

chung toi dang no luc
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến

Trước đây quá tải bệnh viện là một vấn đề khiến người dân vô cùng bức xúc và họ đã phải chịu đựng suốt nhiều năm. Thế nhưng đến nay, bằng định hướng và thực hiện các phương án đã đề ra thì tình trạng quá tải bệnh viện đã có những kết quả bước đầu.

Rõ rệt nhất là ở một số bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối như: Bệnh viện K; Bệnh viện Nội tiết; Bệnh viện Nhi Trung ương; Bệnh viện Lão khoa Trung ương; Bệnh viện Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt Trung ương… và nhiều bệnh viện khác. Những bệnh viện này đã giải quyết được cơ bản là không còn tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép.

Để làm được điều này, ngành y tế đã xây dựng hàng loạt công trình mới, trang thiết bị y tế hiện đại ở Bệnh viện K Tân Triều, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cơ sở 2, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên, Bệnh viện Bạch Mai…

Thứ hai là, ngành y đang từng bước đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ người bệnh. Mục tiêu hướng tới sự hài lòng của người bệnh là nhiệm vụ đã được triển khai rộng rãi, quyết liệt trong toàn ngành thông qua nhiều giải pháp đồng bộ như: Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, ký cam kết, xử lý nghiêm qua phản ánh đường dây nóng, hòm thư góp ý, thông tư về quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp, đơn vị chăm sóc khách hàng…

Sau khi triển khai nhiệm vụ này, qua phản ánh từ các phương tiện truyền thông cũng như trực tiếp từ người bệnh thì bước đầu kết quả cũng khá khả quan.

Thứ ba là, thời gian qua, bằng nhiều biện pháp ngành y đã quyết liệt phòng chống, không để dịch bệnh nguy hiểm và tối nguy hiểm xâm nhập vào Việt Nam, trong điều kiện các nước láng giềng và khu vực đều có dịch.

Riêng trong năm 2015, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới được ứng dụng, mang cho người bệnh nhiều cơ hội. Vaccine do Việt Nam sản xuất cũng đã được WHO công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế và các tổ chức quốc tế đã đặt hàng sản xuất một số loại vaccine.

chung toi dang no luc
Khám chữa bệnh nhân đạo là một trong những hoạt động được tổ chức thường xuyên của đội ngũ thầy thuốc ngành y

Thứ tư là, chúng tôi đang từng bước đổi mới cơ chế tài chính, giá dịch vụ y tế bước đầu đã được tính toán phù hợp, có lộ trình để tiến tới có giá trị thật, gắn với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, đồng thời đưa ra các chính sách hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, diện chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi, người sống ở vùng khó khăn v.v...

Thứ năm là, ngành cũng nhận thấy, cần phải đổi mới toàn diện công tác truyền thông. Thời gian qua chúng tôi luôn chủ động cung cấp thông tin một cách công khai, minh bạch cho các cơ quan truyền thông và nhà báo.

Nhờ đó mà việc thay đổi chính sách, công tác điều chỉnh giá dịch vụ, hay các “sự cố” trong ngành như tiêm vaccine… được giải quyết kịp thời, tránh gây hoang mang trong người dân. Từ đây, các tiến bộ về y học cũng được truyền thông chuyển tải đến người dân để họ biết và để nhân dân hiểu được phần nào về công việc đặc thù của chúng tôi.

PV: Tôi biết Bộ trưởng từng nói “Phải coi người bệnh là thượng đế”, có nghĩa là đã thay đổi quan điểm phục vụ đối với người bệnh… Vậy, xin Bộ trưởng cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Rõ ràng nghề y là nghề phục vụ, nhưng là một ngành phục vụ đặc biệt đặc thù là nghĩa vụ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Ở đây có sự tương tác giữa hai chủ thể chủ yếu là “thầy thuốc” và “bệnh nhân”.

Mà mỗi chủ thể sẽ không thể thực hiện tốt yêu cầu và nhiệm vụ của mình nếu không có sự hợp tác. Hiểu rõ được điều đó nên chúng tôi luôn nỗ lực cố gắng một cách tốt nhất để bệnh nhân của mình được hài lòng.

Thực tế thì khám chữa bệnh cũng là một dịch vụ cao cấp của con người. Người bệnh đến khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế, không phải là người đi “xin” để được thầy thuốc “cho” khám chữa bệnh mà là mối quan hệ “cung cấp” và “mua” dịch vụ.

Người bệnh trả chi phí dịch vụ trực tiếp hoặc do bảo hiểm y tế cho trả. Vì thế, cơ sở khám chữa bệnh muốn thực hiện tốt dịch vụ của mình thì phải coi người bệnh là “thượng đế”, nếu không trong tương lai không xa “thượng đế” sẽ bỏ đi. Tất nhiên trên cơ sở tính đúng, tính đủ theo lộ trình.

Cũng phải nói thêm về lộ trình tăng giá dịch vụ theo phương trâm tính đúng, tính đủ. Chủ trương chăm sóc cho bệnh nhân một cách hiệu quả nhất, chúng tôi đã lên phương án tính giá dịch vụ y tế. Từ đó các bệnh viện sẽ có điều kiện mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất với chất lượng cao hơn…

Những điều kiện này sẽ góp phần làm tăng chất lượng dịch vụ y tế. Giá được tính đủ tiền lương, bệnh viện sẽ phải tuyển dụng viên chức có chất lượng để chăm sóc người bệnh tốt hơn, góp phần làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, từ tư duy ban ơn thành trách nhiệm phục vụ.

Mỗi cán bộ y tế phải hiểu được rằng: Người bệnh mới là người trả lương cho mình.

chung toi dang no luc
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.

PV: Vậy hiện nay, điều gì khiến Bộ trưởng lo lắng nhất trong sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho người dân?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Lo thì cũng thật nhiều mối lo, thực tế cho thấy tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, lối sống, già hóa dân số làm gia tăng bệnh mới nổi, bệnh không lây nhiễm...

Trong khi đó, nhu cầu về số lượng và chất lượng chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của người dân thì ngày càng tăng mà cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính của xã hội cho y tế còn rất hạn chế.

Với những điều kiện như vậy thì rất khó để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chưa hết những rủi ro trong nghề rồi tai biến y khoa luôn rình rập, có thể ập đến mọi nơi, mọi lúc đối với bệnh nhân và thầy thuốc, kể từ lúc chưa hình thành bào thai trong bụng mẹ cho đến lúc nằm trong lòng đất của một đời người.

Nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, có điểm tích cực, nhưng cũng có những tác động: Sự chênh lệch về thu nhập, sự khác biệt giữa thành phố và vùng núi, vùng sâu, vùng xa nên các chỉ số đầu ra của kinh tế - xã hội nói chung và y tế nói riêng sẽ có sự khác biệt giữa các vùng miền trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.

Trong khi đó ý thức, sự hiểu biết của người dân còn hạn chế. Hiện tại thông tin mà truyền thông cung cấp sẽ chi phối rất nhiều đến hành vi phòng bệnh và chữa bệnh của người dân. Vì vậy, tôi hy vọng truyền thông sẽ đồng hành với chúng tôi trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Trước rất nhiều những lo lắng như vậy, ngành y chúng tôi đang nỗ lực định hướng thay đổi căn bản, toàn diện để chuẩn bị cho lộ trình nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến bệnh viện trên cả nước.

Hiện, Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới, mở rộng mô hình bệnh viện vệ tinh, thực hiện cơ chế luân phiên từ tuyến trên về tuyến dưới… Để nhân dân trên cả nước đều được tiếp cận dịch vụ y tế một cách chu đáo, toàn diện nhất!

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trò chuyện này!

 

Hoàng Chiến Thắng - Huyền Anh

Số Xuân 2016