Bộ trưởng Vương Đình Huệ: “Năm 2012, giá điện tăng 4,6% nhưng hộ nghèo không bị ảnh hưởng!”

09:01 | 25/11/2011

359 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– 13 câu hỏi được các đại biểu Quốc hội gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính từ cuối phiên chất vấn sáng 24/11, vì vậy Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ chính thức đăng đàn với phần trả lời liên quan đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ngay đầu giờ chiều…

Bộ trưởng Huệ cũng khẳng định tiền bán điện cho hộ nghèo vẫn duy trì ở mức như hiện nay.

Kinh nghiệm 10 năm làm việc với tư cách lãnh đạo của Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã mang đến Quốc hội một không khí hết sức cởi mở bằng những con số cụ thể, có sức thuyết phục xung quanh tình hình lỗ, lãi và điều hành giá bán sản phẩm của 2 Tập đoàn kinh tế trên. Ai cũng ý thức được điện và xăng dầu đều là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của gần 90 triệu người dân Việt Nam.

“Tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội lần thứ XIII này, Bộ Tài chính nhận được tổng cộng 6 phiếu chất vấn từ các ĐBQH, chủ yếu liên quan đến tình hình kinh doanh của EVN và Petrolimex. Vì vậy, tôi xin bắt đầu từ 2 đơn vị này” Bộ trưởng Huệ bắt đầu phần trả lời.

Theo các chất vấn của Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) và Ngô Văn Minh (Quảng Nam) phần lỗ lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng của EVN trong những năm vừa qua có thể liên quan đến vấn đề đầu tư ngoài ngành. Và trong điều kiện lỗ ròng, việc Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh “đau lòng” vì mức lương trung bình 7,3 triệu đồng gây khá nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận.

Thống kê từ bản báo cáo của Bộ trưởng Tài chính cho thấy, lỗ năm 2010 của EVN là 23.500 tỉ đồng, trong đó lỗ thực của riêng lĩnh vực kinh doanh điện là 8.040 tỉ, lỗ do chênh lệch giá là 15.463 tỉ đồng. Nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ khổng lồ trên là do EVN phải thực hiện mua điện giá cao từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh với giá 2.700 đồng/kW. Thủy điện là rẻ nhất, rồi Nhiệt điện chạy than, sau đó mới là Nhiệt điện dầu và cao nhất là Nhiệt điện turbin khí. “Nếu 100% sản lượng điện thương phẩm đến từ thủy điện đi nữa, thì chúng ta vẫn phải duy trì Nhiệt điện phòng trường hợp nước không đủ, mùa khô kéo dài, rồi lượng điện hao tổn trong quá trình tải điện tính theo km chiều dài” Bộ trưởng Huệ khẳng định.

Năm 2011, kế hoạch lỗ cho EVN là trên 11.000 tỉ đồng. Tuy nhiên qua 9 tháng, lỗ thực của Tập đoàn này chỉ là 680 tỉ đồng, với thành tích ấn tượng nhất là việc tiết giảm được 460 tỉ tiền vật tư. Tuy nhiên đến tháng 10 và 11 thì việc 2 Nhà máy Nhiệt điện khí Nam Côn Sơn và PM3 Cà Mau phải mua dầu chạy điện giá cao trong thời điểm đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn bảo dưỡng nên phát sinh tổng cộng 2.655 tỉ đồng, tổng cộng năm 2011 lỗ là 3.540 tỉ đồng, chưa kể chênh lệch tỉ giá. Như vậy, khoản lỗ lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng đã có câu trả lời.

Xung quanh câu hỏi của các đại biểu về việc điều hành giá điện, Bộ trưởng Huệ cho hay, nguyên tắc quản lý giá là kiên trì nguyên tắc thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. “Chúng ta phải tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp, tôn trọng việc hạch toán đầy đủ chi phí hợp lý vào trong giá thành. Tối thiểu phần lãi phải giúp doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có thể trang trải lương cơ bản và chi phí quản trị hành chính”.

Cũng theo Bộ trưởng Huệ, giá điện hiện tại đang bao cấp sản xuất thép và xi măng. Năm 2010, sản lượng điện thương phẩm ưu tiên cho 2 ngành trên chiếm tới 11% sản lượng điện toàn quốc. Với mức giá cụ thể 914 đồng/kWh, ngành điện đã phải gánh tới 2.547 tỉ đồng. Đó là lí do vì sao có hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài nhập khẩu phôi thép, rồi tận dụng chi phí năng lượng rẻ của chúng ta để cán thép thương phẩm rồi xuất ngược lại chính quốc.

Về kịch bản cho giá điện năm 2012, Chính phủ và Bộ Công Thương đã xây dựng trên cơ sở cơ bản lấy giá thành của 2011, không tính phần lỗ của EVN. Do vậy về cơ bản không tính thêm các phần phát sinh giá thành tiêu thụ như hiện hành. Chưa phân bổ chi phí 1.142 đồng của năm 2011 vào giá của năm 2012, do vậy giá điện chỉ dự kiến tăng 4,6% so với giá hiện nay – tăng rất kiềm chế. Tuy nhiên, Bộ trưởng Huệ cũng khẳng định tiền bán điện cho hộ nghèo vẫn duy trì ở mức như hiện nay, đồng thời hộ tiêu thụ mức trung bình giá vẫn đảm bảo thấp hơn mức bình quân chung.

Xung quanh vấn đề kinh doanh xăng dầu của Petrolimex, Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) và Đặng Thế Vinh (Long An) cũng đặt câu hỏi về thực tế lỗ-lãi của doanh nghiệp này. Qua kết quả kiểm toán được Bộ trưởng Tài chính công bố, các ĐBQH thấy rõ ràng Tổng công ty này lãi lớn trong 4 năm trở lại đây, bất chấp tình hình nền kinh tế vĩ mô có biến động mạnh.

“Hiện xăng, dầu thành phẩm đáp ứng nhu cầu tiên dùng trong nước chủ yếu phải nhập khẩu (70%), các nước khác cũng tính theo thị trường; trong khi lượng xăng, dầu trong nước sản xuất chỉ khoảng 1/3. Vì vậy, giá xăng, dầu bán lẻ trong nước chịu tác động trực tiếp của giá thị trường thế giới. Tôi xin nói lại là chúng ta đang bán giá xăng dầu thành phẩm chứ không phải dầu thô, chúng ta cứ tính giá dầu thô lên xuống mà không điều chỉnh thì không theo giá thị trường. Đó là lí do vì sao trong năm 2011, Bộ Công Thương tăng giá xăng 2 lần (24/2 và 29/3), nhưng cũng giảm giá 2 lần (cuối tháng 5 và cuối tháng 8/2011)” Bộ trưởng Huệ thông báo. “Kịch bản xăng dầu sắp tới vẫn kiên trì theo Nghị định 84 sẽ khôi phục giá cơ sở, nếu có điều kiện giảm thì giảm còn nếu giá tăng thì sẽ làm theo quản lý vĩ mô”.

Bổ sung ý kiến trước Quốc hội, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay việc EVN lỗ đậm, lỗ ròng là hoàn toàn dễ hiểu trong bối cảnh Chính phủ điều hành theo hướng dung hòa lợi ích các bên tham gia. Về mức lương 7,3 triệu đồng/tháng mà nhân viên ngành điện đang nhận thì Bộ trưởng Hoàng công bố 1,9 triệu đồng là phụ cấp về an toàn điện, môi trường đặt biệt nguy hiểm, phụ cấp thu hút… và phần còn lại là thu nhập cứng. “Theo tôi, khi so sánh mức thu nhập trên nên đặt trong bối cảnh thu nhập chung của người lao động cả nước. Tiếp đó là cùng loại hình sản xuất kinh doanh và cuối cùng là so sánh với khu vực cùng doanh nghiệp Nhà nước. Chỉ khi đó, chúng ta mới kết luận thu nhập đó cao hay thấp” Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng báo cáo trước Quốc hội.

Trong khi đó, để bổ sung cho phần công bố lãi ròng của Bộ trưởng Tài chính về Petrolimex, Bộ trưởng Công Thương đưa ra cách tính cụ thể – cách tính dẫn đến tuyên bố lỗ của lãnh đạo Tổng công này. Theo Bộ trưởng Hoàng giải thích, Petrolimex đang tồn tại 2 hướng kinh doanh ngay trong nội bộ Tổng công ty. Đó là kinh doanh xăng dầu và kinh doanh ngoài xăng dầu như vận tải, hóa dầu và khí hóa lỏng, kho bãi, xuất nhập… Những ngành nghề kinh doanh trên hoàn toàn độc lập, không tính vào phần kinh doanh xăng, dầu và trong 4 năm gần đây, chính những ngành nghề kinh doanh ngoài xăng dầu này đã mang về phần lãi cho Petrolimex. Chứ nếu tính riêng kinh doanh xăng, dầu thì lỗ đã trông thấy. Và bởi vậy mới rộ lên thông tin trái chiều về chuyện lỗ – lãi của Tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương này.

Xung quanh Quỹ bình ổn giá, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ chủ trương tiếp tục duy trì Quỹ trên nhu cầu bình ổn giá. “Đến cuối năm nay, ước dư Quỹ này là 2.500 tỉ đồng và đây là nguồn khá lớn phòng ngừa cho những tổn thất do bình ổn giá gây ra cho doanh nghiệp. Như vậy, Nhà nước sẽ không phải dùng tiền để bù vào tổn thất đó”.

Dự kiến, trong buổi chất vấn sáng 25/11, thành viên cuối cùng của Chính phủ – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sẽ đăng đàn.

Hữu Tùng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc