'Bộ lạc chuột' ở Bắc Kinh

16:17 | 04/12/2015

4,730 lượt xem
|
Bắc Kinh không chỉ bẩn bởi ô nhiễm mà còn nhiều vấn đề xã hội khác. “Trung Quốc mộng” của ông Tập Cận Bình là giấc mơ còn quá xa vời với đại đa số người dân nước này…

Những “bộ lạc chuột”

Phóng sự từ chuyên san ngoại giao Foreign Affairs thuật: Wei Kuan, 27 tuổi, làm nghề môi giới bảo hiểm. Sau ngày làm việc, Wei trở về nhà, trong một chung cư bóng lộn nằm ở trung tâm Bắc Kinh. Tuy nhiên, thay vì vào cổng chính, Wei bấm thang máy nằm ở cửa ngoài bên hông chung cư để đi xuống tầng hầm, sâu trong lòng đất, với một mê cung chằng chịt. Đó là “nhà” của Wei. Cậu thanh niên này thuộc thành phần mà người ta gọi là “bộ lạc chuột”, những người chui rúc tạm bợ trong lòng Bắc Kinh với tình trạng sống tồi tàn nhếch nhác.

bo lac chuot o bac kinh
Nhìn về một giấc mộng không có thực 

Ước tính có khoảng hơn 1 triệu người như vậy trong 21 triệu người Bắc Kinh. Hầu hết là dân nhập cư từ các tỉnh, khăn gói lên Bắc Kinh với giấc mộng đổi đời, một giấc mộng mà năm 2013 ông Tập đã nói với thanh niên Trung Quốc và kêu gọi họ sống phải “dám mơ, làm việc cần cù để hoàn thành giấc mơ và đóng góp cho sức sống quốc gia”.

Với hầu hết dân thành thị Bắc Kinh, giấc mơ này có nghĩa đổi đời, leo lên tầng lớp trung lưu, kiếm được việc lương cao và được học hành tử tế. Với dân nhập cư, giấc mơ này là kiếm được tiền gửi về quê, xây nhà mới, cho con đến trường hoặc có chút vốn mở tiệm buôn bán hay lập cơ sở sản xuất nhỏ. Và với thành phần “bộ lạc chuột”, giấc mơ họ thậm chí đơn giản hơn: kiếm được việc đủ nuôi thân và tìm được chỗ để ngủ!

Annette Kim, Giáo sư Đại học Nam California, đã “vẽ bản đồ” thành phố ngầm dưới lòng Bắc Kinh bằng cách nghiên cứu hơn 7.000 mẫu quảng cáo cho thuê trên mạng. Annette phát hiện kích thước trung bình một “ổ chuột” là 9,75m2 và giá thuê trung bình 70USD/tháng. Có tầng hầm chứa 20-30 phòng, có tầng đến 100 phòng hoặc hơn. Chỗ tắm giặt và nấu nướng buộc phải dùng chung, trên tinh thần tập thể vô sản! Nhiều tầng hầm có cửa bít không khí bởi trước kia là hầm trú bom mà ông Mao cho xây chằng chịt khắp Bắc Kinh vào thời điểm quan hệ Bắc Kinh - Moskva căng thẳng. Thời Đặng Tiểu Bình, hầm được “thương mại hóa”, nằm dưới sự quản lý bởi công ty quản lý chung cư hoặc Cơ quan Quốc phòng dân sự.

“Giấc mộng ảo”

Xuất thân từ một ngôi làng nhỏ ở Hà Nam, Wei Kuan nếm đủ hương vị của cảm giác sống trong nghèo khó. Bỏ học năm 14 tuổi, ở tù 3 năm khi lên 16 vì tội đánh cắp ôtô, Wei làm đủ nghề, từ giao hàng, khóc mướn đám tang, nhân viên phòng xông hơi đến nhân viên massage. Cuối cùng, Wei đánh liều lên Bắc Kinh, nhập vào thế giới “bộ lạc chuột”.

Tương tự Wei, Zhang Qiuli, 25 tuổi, làm nghề “nail”, cũng là dân “sống chuột” chuyên nghiệp. Giấc mơ của Zhang là “thoát lên trên”, tức là đủ tiền mua căn hộ chung cư chứ không phải sống tăm tối dưới hầm. Tuy nhiên, dù có tiền mua căn hộ hay không thì những người như Zhang hay Wei vĩnh viễn là công dân hạng hai, bởi chính sách hộ khẩu.

bo lac chuot o bac kinh

Hộ khẩu tại Trung Quốc (bắt đầu áp dụng từ năm 1953) là “ác mộng” của nhiều người, đặc biệt dân nhập cư. Không hộ khẩu, đừng mơ xin cho con đi học, đừng mơ mua xe, đừng mơ sắm nhà và thậm chí không thể xin cấp bằng lái. Chính sách kiểm soát cư trú theo mô hình hộ khẩu vô hình trung đã tạo ra hai tầng lớp - thị dân và cư dân miền quê, ảnh hưởng từ đời này sang đời kia (bởi rằng dù sinh tại bất cứ đâu, em bé cũng phải theo hộ khẩu bố mẹ). Tình trạng này đặc biệt không công bằng khi ngày càng có nhiều người miền quê lên thành thị kiếm sống và lưu trú dài hạn.

Ngay thời điểm hiện tại, hộ khẩu tiếp tục là vấn đề xã hội bức xúc tại nhiều thành phố lớn Trung Quốc. Asia Times cho biết, hiện Thâm Quyến có hơn 10 triệu cư dân nhưng vỏn vẹn 1,5 triệu người là có hộ khẩu thường trú. Như nhận xét của nhà nghiên cứu Wang Chunguang (Viện Xã hội học Trung Quốc), nếu tình trạng tồn tại của tầng lớp “công dân hạng hai” kéo dài, chắc chắn sẽ nảy sinh thêm nhiều tiêu cực như là mặt trái không thể chối bỏ của hình thức quản lý cư trú bằng hộ khẩu.

“Nhiều người sống và làm việc tại thành phố hơn 20 năm bây giờ đã không còn ruộng đất cũng như kỹ năng canh nông. Nếu các thành phố lớn nơi họ làm việc nhiều năm nay không chấp nhận họ, họ còn biết đi đâu?” - Wang Chunguang nói.

Rõ ràng khi cơn sốt đô thị hóa bùng nổ và liên tục “xâm thực” đất nông nghiệp, nhiều nông dân phải bỏ nghề nông lên sống ở thành thị, do đó, nếu không xem họ là cư dân thành thị thì họ là gì bây giờ? Theo cách hiểu thông thường, đô thị hóa là tiến trình trong đó tỷ lệ cư dân đô thị trong tổng dân số bắt đầu phát triển mạnh. Theo đó, hơn 100 triệu công dân nhập cư tại các tỉnh thành lớn ở Trung Quốc nên được xem là cư dân đô thị.

Trên Asia Times, tác giả Wu Zhong cho biết tình trạng phân biệt đối xử vẫn tồn tại trong xã hội Trung Quốc. Tác giả dẫn lại cuộc thăm dò từ tháng 5 đến tháng 10 của Giáo sư Cai Dingjian thuộc Đại học Luật - Chính trị Trung Quốc (thực hiện tại Bắc Kinh, Quảng Châu, Vũ Hán, Nam Kinh, Thẩm Dương, Tây An, Thành Đô, Trịnh Châu, Thanh Đảo…); với kết quả vấn đề hộ khẩu (43%) vẫn là rào cản lớn đối với bình đẳng xã hội. Cư dân từ nơi khác muốn đạt tiêu chuẩn nhập hộ khẩu Bắc Kinh phải thuộc đối tượng có trình độ chuyên môn cao hoặc doanh nghiệp có từ 100 nhân viên trở lên. Trong khi đó, vài thành phố khác hạn chế nhập hộ khẩu bằng cách chỉ cho nhập đối với đối tượng có hộ khẩu thường trú tại các thị trấn giáp giới tỉnh thành mình. Nói chung là mỗi địa phương có chính sách riêng cho vấn đề nhập hộ khẩu.

Một chế độ giả dối

Tháng 2/2013, trong chuyến công du một ngôi làng nghèo tại Cam Túc, ông Tập nói với dân làng rằng: “Đảng và chính phủ sẽ hỗ trợ bà con”. Tháng 12/2012, Tổng bí thư Tập cũng thực hiện chuyến công du với thông điệp tương tự tại một vùng quê nghèo ở Hà Bắc. Ngày 4/2/2013, Bắc Kinh công bố bản kế hoạch chi tiết chương trình xóa đói giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, với 35 điểm, gồm tăng lương tối thiểu, tăng ngân sách đầu tư giáo dục, hỗ trợ nhà ở... Chính phủ cũng đề ra nhiều mục tiêu tham vọng, trong đó có việc tăng gấp đôi thu nhập bình quân từ 2010-2020…

Đó là những lời hứa mà người dân Trung Quốc đã nghe quen tai mỗi khi có bộ máy lãnh đạo mới. Thực tế diễn ra hằng ngày vẫn là vô vàn câu chuyện cho thấy khoảng cách giàu - nghèo tiếp tục “giãn nở” từ “độ nóng” của sự bùng nổ phát triển mất cân đối, sinh ra nhiều vấn nạn kỳ quặc đặc thù “Trung Quốc tính”. Chẳng hạn một thế hệ mới, được gọi là “phòng nô” (房奴) - những “nô lệ” suốt đời phải “kéo cày” để trả nợ cho căn hộ hoặc căn nhà trả góp của mình (căn hộ 150m2 tại một thành phố lớn hiện trị giá tương đương 40 năm thu nhập bình quân/năm). Bloomberg cho biết, tiền trả góp nhà tại Mỹ chiếm trung bình chưa đến 9% thu nhập hàng tháng; trong khi đó, tỷ lệ trên tại Trung Quốc là 30-50%!

Trung Quốc hiện có 2,7 triệu phú (đôla) và 251 tỉ phú (đôla) nhưng cùng lúc cũng có 13% dân số (khoảng 170 triệu người) đang sống với thu nhập còm cõi không đến 1,25USD/ngày - theo số liệu Liên Hiệp Quốc. Hãng tin Bloomberg cũng từng cho biết, số tài sản tích cóp được trong năm 2011 của 70 nghị sĩ giàu nhất Trung Quốc lên đến 89,8 tỉ USD, so với vỏn vẹn 7,5 tỉ USD của 660 nhân vật chính trị gia hàng đầu nước Mỹ (gồm 535 thành viên Quốc hội, Tổng thống và toàn bộ nội các). Thừa nhận hố cách biệt giàu - nghèo tại nước mình, Chính phủ Bắc Kinh nói rằng, thu nhập những người giàu nhất cao hơn 23 lần những người nghèo nhất. Tuy nhiên, Tổ chức nghiên cứu kinh tế quốc gia Trung Quốc cho biết, tỷ lệ chênh lệch trên thật ra là 65 lần!

Nhiều câu hỏi đang được đặt ra: Sự “giàu có” của Trung Quốc có phải được xây từ mồ hôi và nước mắt của người nghèo? Sự thịnh vượng và hào nhoáng của nhiều thành phố lớn Trung Quốc có phải được dựng từ những khổ cực và nhọc nhằn của hàng triệu triệu công dân nhập cư vốn chỉ được xem như những “tấm thảm chùi chân” (của các ông trọc phú mới nổi), vốn chỉ được xem là công dân hạng hai bởi những hạn chế ngặt nghèo từ “luật” hộ khẩu…? Còn có tầng lớp nào nữa, chiếm bao nhiêu phần trăm tỉ lệ dân số, đang được xem như những viên gạch lót đường cho sự “thăng hoa” của “sức mạnh” kinh tế Trung Quốc, đang giúp làm giàu cho một nhóm nhỏ quyền lực?...

Báo cáo gần đây của Tổ chức D&B Country RiskLine (chuyên đánh giá rủi ro của các quốc gia) đã ghi nhận bằng một cụm từ ngắn gọn khi đề cập đến Trung Quốc: “Trend: deteriorating” (Xu hướng: tồi tệ hơn). Sự “tồi tệ hơn” đã thể hiện ở con số các cuộc bạo động quần chúng. Bộ Công an Trung Quốc cho biết có hơn 128.000 vụ biểu tình lớn, bày tỏ chống đối tham nhũng, chiếm hữu đất đai, ô nhiễm môi trường, an toàn lao động… (năm 1993, số vụ công chúng bạo động được công bố chính thức là 8.709; và năm 2009, khoảng 90.000 vụ). Tuy nhiên, theo Hạ Nghiệp Lương, giáo sư kinh tế Đại học Bắc Kinh, con số thật có thể lên đến “hơn 200.000 vụ mỗi năm”, tức khoảng 550 vụ mỗi ngày...

Ở Bắc Kinh, những vụ biểu tình như thế gần như không xảy ra. Thành phần “bộ lạc chuột” đã dồn hết thời gian cho việc mưu sinh nhọc nhằn. Họ nuốt nước mắt sống trong cảnh đời tăm tối trong khi phía trên đầu họ là sự hào nhoáng choáng ngợp lấp lánh hàng chữ “Trung Quốc mộng” được bật sáng lóe mắt che phủ sự bất công.

 

M.Kim

Năng lượng Mới số 480

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc