Bộ Khoa học và Công nghệ tham gia kiểm định thiết bị đăng kiểm: Không cần thiết!

16:30 | 12/10/2017

1,021 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN. Trong đó có quy định 10 thiết bị phục vụ đăng kiểm xe cơ giới phải kiểm định hằng năm bởi các đơn vị kiểm định thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thay vì Cục Đăng kiểm Việt Nam như hiện nay.

Coi chừng tăng phí

Theo quy định, tại các đơn vị đăng kiểm, những bộ phận thiết bị trong một dây chuyền kiểm định là đồng bộ, không tách rời. Dây chuyền này được Chính phủ giao cho Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra trong các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới (Nghị định số 63/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính Phủ). Việc kiểm tra được thực hiện định kỳ hằng năm.

bo khoa hoc va cong nghe tham gia kiem dinh thiet bi dang kiem khong can thiet
Một khâu trong quá trình đăng kiểm xe ôtô

Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ cũng giao Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch và quản lý các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới từ năm 1995. Do đó, việc quy định thêm Bộ Khoa học và Công nghệ tham gia quản lý đối với dây chuyền thiết bị chuyên ngành là không cần thiết và gây ra chồng chéo giữa các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như gây khó khăn cho doanh nghiệp, gây tốn kém, lãng phí.

Ông Nguyễn Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 2903S cho biết, các bộ phận trong dây chuyền đăng kiểm đồng bộ, không thể tách rời khi hoạt động. Việc tháo rời các bộ phận thiết bị trên dây chuyền đi kiểm định, khi đưa lại hoạt động phải được kiểm tra, đánh giá lại của cơ quan quản lý chuyên ngành. Đó là chưa kể đến việc, các bộ phận của thiết bị kiểm định cồng kềnh nên việc vận chuyển thiết bị từ nơi này đến nơi khác dễ gây ra hư hỏng. Nếu giao Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) thực hiện việc kiểm định thiết bị đăng kiểm, các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội có thể thực hiện. Nhưng đối với các trung tâm đăng kiểm ở vùng sâu, vùng xa sẽ rất phức tạp. Việc mang các thiết bị đi kiểm định cũng đồng nghĩa với việc ngưng trệ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới của đơn vị, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải của các doanh nghiệp và người dân tại các địa phương.

Ngoài các yếu tố trên, nhiều đơn vị đăng kiểm cũng bày tỏ sự lo lắng về giá kiểm định dây chuyền kiểm định quá cao (theo thông báo của Viện Đo lường Việt Nam thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng khoảng 55 triệu đồng/dây chuyền kiểm định so với chi phí hiện nay là 3,1 triệu đồng/dây chuyền).

Quản lý chồng chéo

Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Trần Khanh - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2903V cho hay, các đơn vị luôn tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ và Luật Đo lường. Từ trước đến nay, các thiết bị này do Cục Đăng kiểm Việt Nam hiệu chuẩn. Nếu giao cho quá nhiều đơn vị kiểm tra sẽ dẫn đến chồng chéo, vì thế nên quy định về một đầu mối là Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý thực hiện đối với các dây chuyền thiết bị chuyên ngành và Bộ Khoa học và Công nghệ có thể thanh kiểm tra, hậu kiểm xác xuất dây chuyền này.

bo khoa hoc va cong nghe tham gia kiem dinh thiet bi dang kiem khong can thiet
Bộ Khoa học và Công nghệ tham gia kiểm định thiết bị đăng kiểm là không cần thiết!

Bên cạnh đó, vị Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2903V cũng cho rằng, giá kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ đã được Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính xây dựng trên cơ sở giá hiện hành. Ngành đăng kiểm hoạt động cung cấp dịch vụ công với mục tiêu đảm bảo an toàn kỹ thuật và môi trường chứ không phải lợi nhuận. Phí phương tiện hiện nay tương đối thấp chỉ đủ các đơn vị trả lương công nhân viên và tái đầu tư cơ sở vật chất, dây chuyền kỹ thuật. Nếu được tăng phí kiểm định xe thì đơn vị sẵn sàng mang dây chuyền về Viện Đo lường Việt Nam kiểm định nhưng việc tăng giá này sẽ đánh trực tiếp vào “túi tiền” của chủ xe mang phương tiện đến đăng kiểm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Trí - Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, việc có thêm tổ chức kiểm định là không cần thiết, làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp, bởi dây chuyền thiết bị kiểm định xe cơ giới có các yêu cầu kỹ thuật riêng của nhà sản xuất về sử dụng mẫu, tiêu chuẩn đánh giá cũng như đào tạo người sử dụng, kiểm tra, đánh giá thiết bị và Cục Đăng kiểm thực hiện với đầy đủ các trang thiêt bị kỹ thuật và nguồn nhân lực được đào tạo cấp chứng nhận. Cục Đăng kiểm Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có văn bản đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ không đưa các bộ phận thiết bị kiểm tra trong dây chuyền kiểm định xe cơ giới vào danh mục phương tiện đo nhóm 2.

Thiên Minh - Xuân Hinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc