Bộ GD-ĐT giữ "bí mật" điểm thi nhằm mục đích gì?

19:00 | 24/07/2015

1,989 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một trong những mục tiêu của Bộ Giáo dục & Đào tạo khi tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia đầu tiên đó là: Minh bạch trong thi cử. Thế nhưng dường như những gì mà Bộ đang làm lại đi ngược tiêu chí này?

Điểm thi THPT Quốc gia 2015 đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố vào chiều 22/7. Phổ điểm các môn thi THPT cũng được công bố vào chiều tối 23/7. Tuy nhiên, nhiều ý kiến than phiền cho rằng: Bộ công bố vậy thì biết vậy.

Và hiện tại thì, dù đã biết điểm thi nhưng cũng thật khó cho các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ khi chưa biết chọn trường nào cho phù hợp.

Nguyên do là bởi: Điểm thi được Bộ Giáo dục & Đào tạo giữ kín.

Khác với mọi năm, điểm thi Tốt nghiệp THPT hay điểm thi vào các trường ĐH, CĐ đều được công bố rộng rãi thì điểm thi của kỳ thi THPT Quốc gia được bảo mật. Mỗi thí sinh có một mã số riêng để đăng nhập vào hệ thống quản lý điểm thi do Bộ Giáo dục & Đào tạo cấp mới biết được điểm thi của mình. Còn lại, không có con số công khai cho các nhà trường, thậm chí là các Sở GD-ĐT.

Theo giải thích của Bộ Giáo dục & Đào tạo thì: Điểm thi cần được bảo mật để đảm bảo quyền riêng tư cho thí sinh.

Có trường hợp trượt tốt nghiệp mà... đỗ đại học?

Có trường hợp trượt tốt nghiệp mà... đỗ đại học?

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo Thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục & Đào tạo lý giải vấn đề này như thế nào?

Lần đầu tiên Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức kỳ thi “kép” khi số điểm vừa để dùng xét tốt nghiệp, vừa là cơ sở để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Đã có nhiều ý kiến lo ngại có sự không công bằng giữa các cụm thi do trường ĐH chủ trì và các cụm thi do Sở Giáo dục & Đào tạo địa chủ trì.

Giờ đây thêm việc điểm thi được “giữ kín”, không khỏi khiến nhiều người nghi ngờ. Nhiều ý kiến cho rằng Bộ nên công khai điểm thi. Vì khi công khai điểm thi, thí sinh sẽ có được sự lựa chọn đúng để đăng ký nguyện vọng vào đại học.

Từ số điểm được công khai mới thống kê được số điểm cao hay thấp, tạo điều kiện cho thí sinh có căn cứ biết số điểm đầu vào để nộp nguyện vọng.

Như hiện tại, các thí sinh đều phải tự “mò mẫm” truy cập vào từng trường với những thông số chỉ là “dự kiến”, nên không ít thí sinh có số điểm khiêm tốn phải băn khoăn.

Bộ GD-ĐT giữ
PGS. Văn Như Cương

Điều này cũng khiến PGS. Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) bức xúc.

Ông nói: Phổ điểm thì tôi cũng đã xem nhưng Bộ công bố vậy thì tôi biết vậy, chứ điểm do Bộ quản. Nói hơn 91% đỗ tốt nghiệp, tỷ lệ thế nào thì cũng biết thế, nhưng không có căn cứ nào để kiểm chứng cả.

Nếu Bộ không công bố toàn bộ dữ liệu thì thật khó để đánh giá. Vì chất lượng cuộc thi tốt thì phải dựa vào con sốcụ thể như thế nào? Như vậy mới tạo cơ sở để xã hội tin tưởng và cảm thấy thuyết phục.

Tôi không hiểu tại sao lại có sự giấu giếm như vậy?

PGS. Văn Như Cương cho rằng: Thông tin điểm thi cần được minh bạch rõ ràng để tất cả mọi người đều được biết. Về công bố điểm thi nên giữ cách thức như trước giờ vẫn làm. Điều này tạo điều kiện thuận tiện cho phụ huynh, học sinh tra cứu và nhà trường cũng dễ dàng trong việc nắm bắt tình hình thi cử của học sinh mình.

PGS. Văn như Cương lo ngại những ngày tới là thời gian thí sinh được phúc khảo điểm thi… Vậy không biết rằng, Bộ sẽ xử lý thế nào. Điều gì bảo rằng tất cả đều minh bạch?

Thực tế, việc “không công khai” điểm thi cũng có thể là cách mà Bộ giáo dục & Đào tạo “tiếp thu” từ các nước phương Tây. Bởi nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển thì điểm thi của mỗi thí sinh là dữ liệu bảo mật, điểm thi của học sinh nào thì chỉ học sinh đó được biết.

Điều này không sai. Công bằng mà nói thì nó thực sự hiệu quả nhưng trên cơ sở của nền giáo dục thực sự minh bạch. Nhưng ở Việt Nam, khi giáo dục còn quá nhiều bất cập thì những ghi ngờ như trên không phải không có cơ sở!

Huyền Anh

Năng lượng Mới