Bỏ dưỡng sinh, các cụ nhảy... hiphop

13:48 | 10/11/2012

2,969 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hồ Gươm xanh ngắt trong cái nắng dịu nhẹ của sớm thu Hà Nội, dưới tán cây lộc vừng chín gốc là tiếng nhạc rộn ràng và không khí vui khỏe bao trùm lên những hàng dài các cụ già đang tập nhảy… hiphop. Hằng ngày, cứ 8 giờ sáng, biết bao người đi qua đây đều nán lại để mỉm cười “vui lây” theo “khí thế mở đầu ngày mới” ấy…

Quần hoa, áo cánh nhảy hiphop

Tiếng nhạc rộn rã cất lên, đó là những âm thanh và giai điệu mà nhiều khi những người trẻ vốn thích thể loại nhạc nhẹ cũng không ưa cho lắm. Rồi những cái lắc đầu, lắc hông uyển chuyển bắt đầu. Điệu nhảy hiphop biên soạn theo điệu “Lý ngựa ô” được các cụ già từ 60 tuổi trở lên nhảy một cách say sưa, điệu nghệ. Nhiều người đã tò mò và khó giải thích vì sao bộ môn nhảy hiphop của giới trẻ giờ đây lại thu hút nhiều các cụ già đến vậy.

Từ trước tới nay, bộ môn nhảy hiphop được nhiều người cho rằng, phải có sức trẻ, sức khỏe để có thể nhảy theo những bài nhạc nhanh, sôi động. Và trog ấn tượng của nhiều người, hiphop đi liền với những trang phục lôi thôi, quần trùng, áo dài kỳ dị. Bởi thế, một số người đánh giá giới trẻ thời nay thường tự tin thái quá, thích hướng tới những thú vui theo phong cách không giống ai.

Tuy nhiên, nếu bất cứ ai một lần chứng kiến các cụ nhảy hiphop ở Hồ Gươm (Hà Nội), chắc hẳn sẽ có cái nhìn khác về hiphop.

Các cụ già U70 tập nhảy hiphop với quạt theo điệu “Lý ngựa ô” bản remix

8 giờ sáng, khu vực Hồ Gươm gần cầu Thê Húc nhộn nhịp hẳn lên, những cụ già đi giày thể thao, mặc áo ba lỗ, “diện” quần hoa nhún nhảy theo điệu nhạc sôi động. Trên nền thể loại nhạc Elechtro house, các động tác Flare (đá ngựa) lại được thực hiện bởi những người tuổi đã ngoài 50. Sự sôi động, huyền bí kỳ ảo bởi các âm thanh đặc trưng trống và bass dồn dập. Từng cảm xúc sâu lắng hay hoang dã hoặc u ám làm nền cho những cái lắc hông, chao lượn sải tay, tạo sóng của các thành viên lớp học.

Và người giáo viên dạy các cụ già nhảy lại không ai khác chính là anh Nguyễn Viết Thành, trưởng nhóm nhảy Bigtoe nổi tiếng. Anh tâm sự: “Lớp học chỉ tình cờ được lập khi tôi ra Hồ Gươm để luyện tập sau chấn thương. Các cụ thấy tôi tập và hỏi rằng đang tập môn gì, tôi trả lời rằng mình đang tập nhảy hiphop và rủ các cụ tập cùng cho vui thôi nhưng không ngờ hiệu quả của việc tập nhảy hiphop lại cao như vậy”.

Bác Nguyễn Thị Hạnh, 63 tuổi sống tại phố Thuốc Bắc, Hà Nội chia sẻ: “Ban đầu lớp chỉ có vài người, thầy Thành vẫn dạy rất nhiệt tình, ban đầu chỉ là những nhịp điệu nhảy chân sáo, những cái lắc đầu, lắc tay cho quen và sau đó mới đến từng bước nhảy. Sau đó càng ngày càng đông dần lên. Ngày trước cứ trở trời là tôi không bước chân ra được khỏi nhà vì bệnh đau khớp. Thế mà từ khi học nhảy hiphop của thầy Thành, cả năm nay tôi chẳng phải nằm ở nhà ngày nào, cũng không phải đi viện nữa”.

Có những người ngày nào cũng đi ôtô buýt hơn chục cây số từ Tây Mỗ ra Hồ Gươm để học nhảy. Bác Lê Thị Xoan, Tây Mỗ, Từ Liêm tâm sự: “Ngày trước cứ chương trình nhảy nhót trên tivi là tôi tắt tiệt, không xem nữa. Và cũng không bao giờ nghĩ là mình sẽ đi học nhảy nhót để chữa bệnh. Nhưng từ khi thấy bạn tôi tập rồi nói rằng, đã khỏe mạnh và đi lại bình thường nhờ tập nhảy hiphop nên tôi cũng ra thử tập xem sao. Tôi tập được nửa năm rồi và thấy xương khớp đỡ đau hẳn, khỏe khoắn và rất thích. Ở nhà tôi còn hướng dẫn cho mấy bà trong xóm để tập”.

Ban đầu chỉ vài người nhưng sau một năm, các cụ truyền tai nhau thì lớp có thời gian lên tới gần 100 người theo học. Nhưng do thầy giáo cũng khá bận, nên mỗi tuần lớp chỉ học tuần ba buổi. Mỗi buổi hai tiếng đồng hồ các động tác từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp đều được thầy giáo Thành chỉ dạy một cách tận tình.

Cần cách nhìn mới về nhảy hiphop

Từ trước đến nay tại Việt Nam, không ít người kỳ thị với nhảy hiphop. Bởi có một nhóm xuống phố với phong cách ăn mặc kỳ dị, rộng thùng thình, xăm trổ, đeo khuyên tai, khuyên môi, khuyên mũi với hàng mớ dây xích loằng ngoằng trên người trông như bụi đời. Và hiphop bị gắn cho các cái “mác” như “nổi loạn”, “chơi ngông”.

Đây cũng là điều khó tránh khỏi khi nhiều người nghĩ rằng hiphop phải nhuộm đầu xanh, tóc vàng… Tuy nhiên, với những ai thực sự ham mê và hiểu về hiphop thì đó chính là nghệ thuật của cái đẹp, của âm nhạc thăng hoa cùng các động tác cơ thể. Và hiphop cũng nhẹ nhàng, uyển chuyển như các điệu nhảy khác, như múa bale và sẽ cho người tập một sức khỏe tốt.

Bác Phạm Thị Điền năm nay đã 80 tuổi, đứng trong đội hình nhảy hiphop rất “bốc” bác vui vẻ chia sẻ rằng: “Trước đây lưng tôi gù lắm, đi cứ gập cả người xuống. Ở nhà vẫn phải bán hàng, nhiều khi chân tay đau nhức không bán hàng được thì lại ảnh hưởng đến kinh tế. Thế mà từ ngày tập tại lớp hiphop này, đến giờ tôi đã đứng thẳng được, lưng không còn gù gập xuống nữa”.

Nhìn các cụ già ngoài 60 tuổi tập nhảy với những động tác nhanh nhẹn, dứt khoát và tiếng cười giòn tan trên môi khiến cho biết bao người thấy cuộc sống sảng khoái hơn.

Anh Nguyễn Viết Thành chia sẻ: “Nhiều người rất ngạc nhiên khi thấy tôi lại dạy nhảy hiphop cho người già và lo ngại, liệu những động tác mạnh của nhảy hiphop có ảnh hưởng đến sức khỏe của các cụ hay không. Nhưng thực chất những bài tập và những bài nhạc mà tôi dàn dựng cho các cụ đều phù hợp. Và rút ra từ chính những kinh nghiệm tự chữa của bản thân tôi. Trước đây tôi đã từng bị chấn thương nặng mà không thể nhảy hay hoạt động mạnh được. Nhưng khi tôi nhảy lại với những động tác nhẹ nhàng tác động thì lại thấy vết thương của mình thuyên giảm.

Cũng không biết tác động đến sức khỏe của các cụ như thế nào, nhưng khi tập xong cụ nào cũng vui vẻ, cũng khoe với tôi là hết đau chỗ này, chỗ khác thì tôi thấy rất vui. Và tôi thấy rằng, những học viên lớn tuổi của mình lại có những điều mà lớp trẻ không bao giờ có được, đó là họ có sự kiên trì, bền bỉ và một khả năng tập trung cao độ, đó là điều người trẻ hiếm có. Với họ buổi đầu chỉ là để rèn luyện sức khỏe nhưng giờ hiphop lại là niềm đam mê, là sở thích”.

Mong muốn của anh Thành là làm sao phá bỏ định kiến của nhiều người về học và nhảy hiphop. Bất cứ ai cũng có thể yêu hiphop, học nhảy hiphop. Hiphop không chỉ dành cho người trẻ mà dành cho tất cả những ai yêu nó. Hiphop là không biên giới và không lứa tuổi.

Bác Phạm Thị Tiền cười vang chia sẻ: “Giờ nhiều người giúp việc cho gia đình còn phải “chạy” theo bà lão gần 80 này. Leo cầu thang, tự mang quần áo lên tầng thượng phơi, giúp đỡ con cái bán hàng ăn, tất cả điều này có được là nhờ học nhảy hip hop”.

Anh Thành chia sẻ: “Từ lâu, nói đến hiphop người ta hay nghĩ đó là cái gì nhí nhố, chơi bời, khác người nhưng khi nhìn lớp học nhảy này bạn sẽ phải thay đổi cách suy nghĩ. Không có cái gọi là phải thế này hay phải thế kia trong việc mang lại niềm đam mê với ai thích hiphop. Người già cũng có thể học và nhảy hiphop như người trẻ. Tôi muốn bất cứ ai đến với lớp học, trước tiên sẽ có sức khỏe và sau đó là niềm đam mê với những thứ mà họ đã từng nghĩ rằng, họ không bao giờ “thích”.

Diệu Thuần

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.