Bổ dương hay… "bổ ngửa"?

07:00 | 12/06/2013

1,186 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực chồng chất đã khiến cho không ít người, đặc biệt là cánh mày râu suy giảm về mặt thể chất, cụ thể như “sinh lực” để rồi làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Để cải thiện vấn đề này, một trong những giải pháp mà phần lớn mọi người “nhắm” đến ấy là uống rượu… bổ dương. Tuy nhiên, có phải ai cũng có thể sử dụng “thần dược” này và “thần dược” ấy có thực sự làm mọi người “như ý”.

Cuối tháng 4, vụ ông Nông Văn Mẩy, Trưởng công an xã Chí Viễn, tỉnh Cao Bằng tử vong do uống rượu ngâm một loại rễ cây được cho là “bổ” đủ thứ, trong đó có cả “bổ dương” dường như một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc tùy tiện ngâm rượu thuốc và uống rượu thuốc vô tội vạ nhằm nâng cao “sinh lực” đàn ông.

Cũng cần phải nói thêm, cùng với ông Nông Văn Mẩy còn có 5 người nữa bị ngộ độc nhưng may mắn thoát chết và tất cả số người này đều uống thứ rượu thuốc do một trong số những bệnh nhân nói trên tự ngâm.

 

Không chỉ vụ việc trên đây mà còn nhiều trường hợp nữa bị ngộ độc do rượu thuốc có nguyên liệu là thảo dược hoặc động vật. Điển hình như 21 người ở xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định đã bị “đổ gục” ngay trên bàn tiệc của đám giỗ vì ngộ độc loại rượu vẫn được coi là “dược tửu” khi ngâm từ cây “Ba kích” - rất “bổ thận, tráng dương” cho cánh đàn ông. Số người này, sau khi được cấp cứu tại bệnh viện kể lại: chỉ mới uống hết chén thứ nhất, họ đã cảm thấy mắt mờ, mi sụp xuống và sau gáy giật liên hồi. Nhưng nghĩ đó lại là tác dụng ngay của loại “rượu quý” nên họ tiếp tục uống đến chén thứ 3.

Lúc này, thì không thể chịu được nữa, 21 người trong nhóm “nhậu” đã ói mửa, gục trên bàn và phải đi cấp cứu bệnh viện. Đáng tiếc là 1 người trong số đó đã tử vong.

Quả thực trước những sự việc trên đây, không biết “tửu dược” bổ dưỡng ở đâu, chỉ thấy rặt toàn… “bổ chửng, bổ ngửa”!

Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng, hiện nay, không chỉ người bệnh mà cánh “mày râu” nói chung, dẫu không mắc bệnh gì nhưng cũng uống rượu bổ dương. Trong khi rượu bổ dương theo khái niệm đông y cũng là một loại thuốc. Mà đã là “thuốc” thì chỉ dung cho người bệnh chứ không phải ai cũng dùng được. Đặc biệt là rượu rắn, ông Hướng nhận định, người nào cũng cho rằng đây là rượu… bổ dương  và ai cũng uống được là sai. Trong Đông y, rượu rắn chủ yếu dùng để chữa chứng phong chứ không bổ dưỡng gì và cũng không điều trị được bệnh thấp như nhiều người đồn thổi.

Tuy nhiên, để trị được bệnh thì rượu rắn cũng phải được uống đúng liều lượng nếu không còn phản tác dụng, thậm chí dẫn đến nhiễm độc. Ông hướng cũng khuyến cáo, đối với người suy thận, huyết áp cao, bệnh tim mạch.. không nên uống rượu rắn vì khi ngâm cả con thì trong rắn vẫn còn chút độc tố ở hai bên bành rắn (phần sát cổ). Khi ngâm rượu, nó dung hòa với các chất khác trong cơ thể rắn trong rượu cho nên người có sức khỏe bình thường  nếu uống thì không gây nguy hiểm. Nhưng nếu là người có những bệnh kể trên thì chất độc này không phân giải được sẽ làm thận yếu nhanh hơn, có khi chạy vào tim và làm tim ngừng đập.

Ths Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tựu chung: Rượu bổ dương là một loại thuốc y học cổ truyền cho nên khi dùng phải tuân thủ nguyên tắc như đúng bệnh, đúng người và đúng liều lượng, không được tùy tiện và quá chén. Với rượu bổ dương, hay còn gọi là trợ dương, tráng dương… dùng cho người bị bệnh thuộc thể dương hư hoặc có thể chất thiên về dương hư.

Biểu hiện của bệnh dương hư là sợ lạnh, tay chân lạnh, sắc mặt trắng bệch, mệt mỏi như mất sức, dễ đổ mồ hôi hay có cảm giác khó thở, miệng nhạt, không khát, tiểu tiện trong, dài, hay bị cảm lạnh, di tinh… Những người bị bệnh này có thể dùng các loại rượu: Minh mạng tửu, rượu nhung hươu, ba kích tửu, rượu cật dê, hải cẩu thận tửu…

Nguyễn Hưng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.