Bình yên cho “thung lũng tử thần”

07:06 | 13/07/2015

2,348 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xã Na Ư (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) giờ không còn là “thánh địa” của ma túy nữa. Cái chuyện công an, biên phòng vào Na Ư được các “ông trùm” chào đón bằng những loạt AK liên hồi găm vào vách đá giờ đã chìm vào quá khứ.

Năng lượng Mới số 438

“Thung lũng tử thần” - cái cách người ta nói về Na Ư những năm trước - nay đã trở lại với sự bình yên, tĩnh lặng vốn có của bản làng miền Tây Bắc.Tất thảy những thay đổi này là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp chính quyền và đặc biệt là lực lượng Công an tỉnh Điện Biên. Một ngày đầu tháng 7, giữa cái nóng oi bức miền biên ải, tôi đã tìm về Na Ư để cảm nhận sự thay đổi này.

Gặp gỡ Na Ư

Đây là lần đầu tiên tôi đến Na Ư. Nhưng trái với cảm giác hồ hởi, phấn khích khi lần đầu năm 2008 tôi được đến các bản, làng vùng rừng núi Tây Bắc và những đêm “3 cùng” với cánh “vàng tặc” ở Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên), Na Ư khiến tôi có cảm giác hơi chùn bước. Một phần bởi thông tin mà tôi nắm được về vùng đất này đều gắn với các chuyên án ma túy lớn vào loại bậc nhất nước, rồi cả những cuộc đấu súng kinh hoàng giữa lực lượng chức năng với bọn buôn bán “cái chết trắng”.

Đã có thời người lạ không được chào đón ở Na Ư, thậm chí bị coi là kẻ thù. Ở đây từng có chuyện, một anh bán kem chẳng biết vô tình hay hữu ý đi lọt vào vùng đất này đã bị quây bắt, và bị chúng dần cho một trận thừa sống thiếu chết chỉ vì chúng nghi anh ta là… công an ngụy trang.

Hoặc chuyện của Đại úy Nguyễn Danh Thuận - cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang khi đi làm nhiệm vụ đã bị bọn buôn ma túy rình, đánh đập đến ngất, chúng tưởng anh chết nên đem xác vứt vào rừng sâu, nhưng may mắn thay anh đã được người dân phát hiện và đưa về đơn vị.

Bình yên cho “thung lũng tử thần”
Một góc bản Na Ư

Vào Na Ư chỉ có một con đường độc đạo, tính từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang vào đến trung tâm xã cũng chỉ khoảng 10km. Trước đây đoạn đường này là đường đất, cứ ba đến năm bước chân là có một ổ gà, ổ voi. Trời nắng thì bụi mù bụi mịt, lúc mưa thì lầy lội, trơn trượt, ngay cả dòng xe U-oát, gắn bánh đặc chủng của công an nhiều lần vào Na Ư gặp trời mưa cũng phải nằm lại vì dù có cài cầu thế nào, bánh quay tít mù thì xe vẫn cứ xoay và trượt ngang về… phía vực.

Tàn tích cái thời còn là “thủ phủ”, “thánh địa” của ma túy là vô số những đường mòn, lối mở dọc hai bên đường vào Na Ư. Đồng chí “cán bộ đường lối” của Công an tỉnh Điện Biên cho biết, đó là “lối thoát hiểm” do nhiều nhóm buôn ma túy khác nhau mở ra để “chạy hàng”. Na Ư có khoảng 24km đường biên giáp với tỉnh Phong Sa Lỳ của nước bạn Lào, vùng đất nổi tiếng về buôn ma túy.

Trước kia, người dân Na Ư chỉ cần mất chừng 30 phút chạy một chiếc xe máy tòng tọc, xuyên rừng là có thể sang bên kia biên giới mua ma túy rồi về nhanh và dễ dàng hơn đi chợ. Và trên con đường này, đã diễn ra hàng trăm cuộc chiến sinh tử giữa lực lượng đánh ma túy của công an, biên phòng với các băng nhóm, đối tượng sẵn sàng chết vì lợi nhuận của ma túy.

Nói là “sinh tử” bởi đám buôn ma túy luôn găm “hàng nóng” và sẵn sàng xả súng chống lại lực lượng chức năng. Con đường chưa đầy 10km này vì thế được mệnh danh là “cung đường ma túy” hay “con đường tử thần”. Những người lần đầu đặt chân đến Na Ư có cho ăn “gan hùm, mật gấu” cũng chẳng ai dám bén mảng tới cung đường này.

Trụ sở xã Na Ư đặt tại bản Na Ư - nơi được ví là “rốn ma túy” của “thánh địa ma túy”, 100% dân cư là người Mông. Vào thời kỳ “nước sôi lửa bỏng”, hầu hết người dân ở Na Ư tham gia vào các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy. Người già, người trẻ, dân buôn mà cán bộ xã, rồi cả già làng, trưởng bản cũng buôn bán “cái chết trắng”.

Thấy động công an, biên phòng vào Na Ư đánh án thì nhà nào nhà nấy chẳng ai bảo ai đều chặt lá xanh treo lên cửa. Bởi vì phong tục của người Mông, cổng nhà cắm lá xanh có nghĩa gia đình đang có việc bận (“làm lí, làm chài”), không tiếp khách. Lãnh đạo tỉnh, huyện vào làm việc ở Na Ư có khi đến trưa muộn cũng phải quay ra Điện Biên ăn cơm vì chẳng ai tiếp. Còn vào dân mua gạo, mua thịt thì cũng chẳng ai bán.

Thậm chí, công an, biên phòng đến thì lãnh đạo xã, bản trốn biệt, không hợp tác. Đặc biệt có đoàn còn được chào đón bằng những loạt AK liên hồi găm vào vách núi. Chuyện chống ma túy ở Na Ư vì thế mà khó khăn, vất vả và không kém phần nguy hiểm.

Bình yên cho “thung lũng tử thần”
Khẩu hiệu tuyên truyền tại Na Ư

Thông tin ban đầu về Na Ư với tôi được biết là như vậy. Cho nên, dù đã được các đồng chí cán bộ của Phòng Công tác Chính trị (Công an tỉnh Điện Biên) trấn an rằng, Na Ư giờ đã bình yên, vấn nạn ma túy cũng không còn, người dân Na Ư đã qua cái thời “sống chết” với ma túy, rồi cả chuyện công an, biên phòng vào bản được “chào đón” bằng những loạt AK chỉ còn trong quá khứ thì tôi vẫn thấy đôi phần ái ngại. Nhưng rồi cái cảm giác đó cũng dần qua đi khi chúng tôi đặt chân đến “thung lũng tử thần”.

Đường vào trung tâm xã giờ đã được trải nhựa phẳng lỳ. Hai bên đường rừng già xanh mướt. Lưới điện quốc gia bám đường chạy về từng thôn, bản, từng nóc nhà. Trời Na Ư trong và xanh. Đường ngang, ngõ dọc ở bản Na Ư được đổ bê-tông. Trường tiểu học, trung học cơ sở, rồi cả trường mầm non được xây dựng kiên cố, mái lợp tôn đỏ chót. Một Na Ư rất mới mẻ, tĩnh lặng và bình yên!

Nói không với ma túy

Chừng 20 phút trải nghiệm với những biến đổi cảm xúc trên “con đường tử thần”, chúng tôi tìm đến trụ sở UBND xã Na Ư. Tiếp chúng tôi là chị Mùa Thị Đớ - Phó chủ tịch UBND xã Na Ư. Chị Đớ là người Mông, quê ở Sơn La, chuyển lên đây từ những năm 90 của thế kỷ trước và chị làm việc tại UBND xã từ năm 1998. 25 năm gắn bó với Na Ư, lại làm qua nhiều vị trí trong HĐND, UBND, Hội và Chi hội ở Na Ư nên chị hiểu rất rõ những biến đổi của mảnh đất này.

Bình yên cho “thung lũng tử thần”
Công an huyện Điện Biên giúp dân phá bỏ cây thuốc phiện năm 2014

Theo lời chị Đớ, từ năm 1998 đến 2009, chuyện cán bộ xã ngồi tiếp chuyện với công an, biên phòng và đặc biệt là mấy anh nhà báo là điều hiếm có. Ở đây, vì không chỉ người dân mà cả lãnh đạo, con cháu lãnh đạo xã cũng tham gia buôn bán, vận chuyển ma túy nên người ta tìm mọi cách tránh né tiếp xúc với người ngoài.

Một số đối tượng còn lợi dụng uy tín của các già làng, trưởng bản người Mông để làm vỏ bọc che chở, xây dựng các băng nhóm, đường dây hết sức cục bộ và liều lĩnh. Bản nào cũng có người nghiện ma túy, đi đâu cũng gặp nghiện hút. Thanh niên trai tráng, thậm chí cả người già, phụ nữ cũng dính đến ma túy. Có nhà, già trẻ gái trai cứ đủ lớn là đi vận chuyển ma túy thuê. Tiền công nhận được bao nhiêu thì mang đi hút hít hết. Ruộng đồng, nương rẫy vì thế bị bỏ bê, hoang hóa.

Cái nghèo, cái khổ cứ vậy đeo đẳng mãi không dứt. Rồi chuyện học hành của bọn trẻ cũng thế, bị bỏ bê, chẳng ai quan tâm. Giáo viên vào tận nhà vận động nhưng cũng chẳng có mấy ai cho con cái đi. Trường lớp vắng teo, có khi không một bóng học sinh. Bọn trẻ nhiều đứa lớn lên trong làn khói trắng, giữa ngập ngụa ma túy và “hàng nóng”.

Tình hình an ninh, trật tự ở Na Ư ngày đó cũng vô cùng phức tạp. Các đối tượng sẵn sàng dùng “hàng nóng” chống trả người thi hành bất kỳ lúc nào nếu thấy bị uy hiếp. Thế nên ở Na Ư mới có chuyện: Có vụ hai đối tượng buôn ma túy ngồi nghỉ bên đường. Cùng lúc đó, hai chiến sĩ công an trên đường vào Na Ư cũng nghỉ chân ở đó.

“Có tật giật mình” không nói không rằng, chúng liền rút súng chĩa về phía hai chiến sĩ công an. Nhưng rất may, trong vụ đó, ngay sau khi dừng chân, người thấy “mùi” ma túy, các anh đã đề phòng nên nhanh chóng khống chế được chúng. Và sau khi khám xét hiện trường đã phát hiện 3 bánh ma túy được giấu dưới rìa suối.

Nói về quãng thời gian này, chị Đớ bảo: “Đây là giai đoạn đen tối nhất của Na Ư. Cả xã có hơn trăm hộ dân, với gần 1.800 nhân khẩu thì có tới 4 án tử hình, hơn 70 đối tượng đang chấp hàng án tù từ 15 đến 20 năm và chung thân.

Không ít lần máu của các chiến sĩ đã đổ xuống trên các “cung đường ma túy” như trường hợp của Trung úy Phạm Văn Cường - cán bộ của phòng Phòng chống tội phạm ma túy (Công an tỉnh Điện Biên), và hai đồng chí dân quân tự vệ đã hy sinh khi gặp phải sự chống trả bằng súng của các đối tượng Lý A Va, Lý Giống Minh”.

Phó chủ tịch Mùa Thị Đớ hồ hởi kể rằng, với quyết tâm xóa bỏ “cái chết trắng”, đem lại bình yên cho Na Ư, lần lượt các đội công tác tăng cường cắm xã, cắm bản của công an, biên phòng đã được thành lập. Các đội công tác này có nhiệm vụ tham mưu, giúp đỡ cấp ủy chính quyền địa phương củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Đặc biệt là năm 2010, tỉnh Điện Biên đã triển khai đồng bộ, quyết liệt “Cuộc vận động củng cố toàn diện các mặt công tác tại địa bàn xã Na Ư giai đoạn 2010 - 2012” do một đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách và Công an làm thường trực đã làm thay đổi toàn diện bức tranh kinh tế - xã hội của Na Ư.

“Thời gian đầu xâm nhập vào Na Ư đối với các lực lượng chức năng là vô cùng khó khăn. Nhận thức của người dân thì hạn chế, tiền thu về từ việc buôn bán, vận chuyển ma túy lại lớn nên việc kêu gọi bà con trở lại với đồng ruộng là không hề đơn giản.

Tuy nhiên, với tinh thần xả thân chiến đấu của các lực lượng công an, biên phòng ở Điện Biên, một loạt các chuyên án ma túy lớn đã được bóc gỡ; hàng chục đối tượng buôn bán “cái chết trắng” lần lượt đưa ra xét xử, trong đó có cả đội ngũ cán bộ, người thân của lãnh đạo xã; cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền trong vận động, tuyên truyền người dân nói không với ma túy, vấn nạn ma túy ở Na Ư nay đã giảm, và từng bước được xóa bỏ” -

Trung úy Phan Thanh Trung - cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, người trực tiếp phụ trách đội công tác tăng cường của biên phòng ở Na Ư - tiếp lời chị Đớ.

Và như để chứng minh cho nhận định trên, Trung úy Phan Thanh Trung nói: “Trước đây, chuyện người dân Na Ư tố cáo tội phạm ma túy hay những đối tượng có dính líu đến ma túy là điều không tưởng. Người ta nói về ma túy, bàn chuyện mua bán ma túy công khai mà không có một chút đề phòng.

Thì nay, đội công tác nhận được thư tố giác tội phạm và từ đó phá được một vụ án ma túy không còn là chuyện hiếm. Câu chuyện thường ngày của người dân Na Ư cũng không còn liên quan đến ma túy nữa, có chăng đó chỉ là nhắc lại những quá khứ đen tối để răn đe, nhắc nhủ giới trẻ. Cái tên “cung đường ma túy” hay “con đường tử thần” đã bị xóa sổ. Cán bộ tỉnh, huyện, công an, biên phòng hay thậm chí cả người lạ có thể vào công tác, làm việc hay khám phá Na Ư bất kỳ lúc nào.

Bình yên cho “thung lũng tử thần”
Một cửa hàng tạp hóa ở trung tâm bản Na Ư

Hay như chuyện gắn số nhà cho các hộ dân ở Na Ư cũng lắm công phu. Đại tá Nguyễn Đình Du - Trưởng Công an huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên tự hào rằng: Na Ư là xã duy nhất ở Việt Nam được gắn số nhà như ở phố. 100% hộ dân ở đây đã được gắn số nhà. Việc gắn số nhà không chỉ giúp việc quản lý nhân khẩu được tốt hơn mà còn giúp công tác phòng chống ma túy được thuận lợi hơn.

Ở cái xã miền biên ải này, chuyện tên người dân giống nhau là thường. Vậy nên, có lần, khi nhận được tin báo, anh em trinh sát đã ập vào nhầm nhà dân vì có tên giống đối tượng tình nghi. Việc người dân chấp thuận việc gắn biển số nhà vì thế còn khẳng định sự thay đổi nhận thức về ma túy một cách rõ ràng.

“Sóng ngầm”

Dạo một vòng quanh bản Na Ư, tôi không hề bắt gặp những ánh mắt dò xét, giấu mình sau liếp cửa mà thay vào đó là những ánh mắt, nụ cười hết sức thân thiện của người dân nơi đây. Nhà nào nhà nấy đều sắm cho mình cái máy cày, máy tuốt lúa… Ngô, sắn phơi đầy sân, treo nặng trĩu cả xà nhà. Na Ư đang chuyển mình không chỉ ở bộ mặt kinh tế - xã hội địa phương mà còn từ chính nhận thức của mỗi người dân về ma túy.

Người dân ở “thung lũng tử thần” đã không còn tin vào lời kẻ xấu, đắm chìm vào ma túy nữa mà họ đã biết tin, biết dựa vào chính bản thân mình để làm giàu, vượn lên thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương mình.

Từ chỗ có trên 50% hộ nghèo vào những năm 2010, đến nay, tỉ lệ này ở Na Ư chỉ còn 18%. Cả xã cũng có hơn 20 cháu đi học trung cấp, cao đẳng, đại học và hiện đang công tác tại các xã, huyện Điện Biên. Cấp 1 có 130 cháu, cấp 2 cũng có trên 100 cháu đang theo học…

Bình yên cho “thung lũng tử thần”
Trường PTDL bán trú tại xã Na Ư

Na Ư đang sống trong những ngày tháng yên bình vốn dĩ của một bản làng miền núi Tây Bắc. Nhưng theo chị Mùa Thị Đớ, đằng sau cái vẻ yên bình vẫn âm ỉ những “cơn sóng dữ”. “Cơn sóng” đó là sự dụ dỗ, lôi kéo của một số đối tượng vẫn đang âm thầm buôn bán “cái chết trắng”.

Lợi nhuận từ hoạt động ma túy mang lại thì quá lớn, vận chuyển trót lọt một bánh ma túy qua biên giới là được trả công cả chục triệu đồng. Trong khi đó, làm ruộng, làm nương quanh năm có khi cũng chỉ đủ ăn.

Theo một điều tra của lực lượng chức năng ở Na Ư, một bánh hêrôin loại I ở bản Pang Hốc (tỉnh Phong Sa Lỳ) có giá khoảng 5.000USD thì khi vận chuyển trót lọt qua biên giới, tới Na Ư sẽ có giá từ 9.000 đến 10.000USD. Lượng ma túy này nếu vận chuyển được về tới Hà Nội thì giá sẽ tăng gấp đôi, lên tới 18.000 đến 20.000 USD, còn chia nhỏ, bán lẻ thì lợi nhuận thu về là không tính nổi.

Và cũng chính bởi lợi nhuận siêu khủng như vậy nên dù biết có thể lĩnh án tử hình, chung thân nhưng vì hám lợi, nhiều đối tượng vẫn bất chấp tất cả, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng để tham gia buôn bán, vận chuyển ma túy. Cuộc chiến phòng chống ma túy ở Điện Biên vì thế vẫn rất cam go, quyết liệt.

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, Đại tá Nguyễn Đình Du nói: “Những năm gần đây, đặc biệt là từ khi “Cuộc vận động củng cố toàn diện các mặt công tác tại địa bàn xã Na Ư giai đoạn 2010 - 2012” được UBND tỉnh Điện Biên, trong đó lực lượng công an làm thường trực, giữ vai trò chủ công, nòng cốt, công tác tuyên truyền, vận động người dân không tham gia buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng ma túy được đẩy mạnh.

Tại địa bàn xã Na Ư, Công an huyện Điện Biên có 1 đồng chí trực tiếp cắm chốt tại bản Na Ư để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nắm bắt thông tin, tình hình địa phương. Tình hình tội phạm ma túy ở đây vì thế đã giảm mạnh. Tuy nhiên, việc xóa sổ hoàn toàn tội phạm ma túy trên địa bàn xã Na Ư là điều vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không tưởng. Mỗi năm Công an huyện vẫn phá trên 200 vụ án ma túy và trên 20 chuyên án lớn nhỏ liên quan đến ma túy”.

“Na Ư nằm ngay vựa ma túy Phong Sa Lỳ, lợi nhuận từ nó lại quá lớn, nhận thức của người dân còn hạn chế nên tội phạm về ma túy ở vùng đất này vẫn âm ỉ hoạt động. Chỉ có điều ở Na Ư bây giờ, ma túy không còn được buôn bán theo kiểu phong trào, cả nhà, cả bản kéo nhau đi vận chuyển ma túy, rồi nghiện ngập như trước nữa.

Khó khăn, thách thức đặt ra trong cuộc chiến phòng chống ma túy trong thời gian tới là rất lớn nhưng với tinh thần chủ động, quyết tâm tấn công trấn áp tội phạm, lại nhận được sự ủng hộ của người dân, chúng tôi tin rằng, “sóng ngầm” ma túy ở huyện Điện Biên nói chung và xã Na Ư nói riêng chắc chắn sẽ được kiểm soát, “cơn lũ ma túy” sẽ không bao giờ có thể xuất hiện trên mảnh đất này” - Đại tá Nguyễn Đình Du nhấn mạnh.

Rời Na Ư, rời Điện Biên, mặc dù trong lòng vẫn còn rất nhiều điều trăn trở, nhưng tôi vẫn tin rằng, với những thay đổi đang diễn ra trên mảnh đất này, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương và đặc biệt là sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức của người dân về ma túy, một cuộc sống thanh bình, tĩnh lặng sẽ trở lại với Na Ư.

Bình yên chắc chắn sẽ trở lại với “thung lũng tử thần” Na Ư!

Thanh Ngọc