Bình ổn và kiểm soát giá thị trường Tết Quý Tỵ

07:00 | 30/01/2013

1,145 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hằng năm, vào dịp tết Nguyên đán, việc quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường hàng hóa luôn là vấn đề “nóng”, thu hút sự quan tâm của người dân. Tết Quý Tỵ đã kề cận, nỗi lo về tình trạng gian lận thương mại, tăng giá hàng tiêu dùng và dịch vụ... lại gia tăng.

Siết chặt quản lý giá

Năm nay cũng vậy, để giảm bớt lo ngại của người dân, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 24/1/2013, Bộ Tài chính đã có Công điện số 01 yêu cầu các ngành tài chính, thuế, hải quan, kho bạc các tỉnh, thành phố và tất cả các đơn vị trong hệ thống tài chính từ Trung ương đến địa phương tăng cường các mặt công tác trong dịp tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.

Nội dung chính của công điện chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013; có biện pháp tăng cường đưa hàng hóa nhất là hàng hóa thuộc chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường đến khu vực ngoại thành, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khu công nghiệp, khu tập trung đông dân cư. Chủ động có phương án đề xuất để giãn thời gian điều chỉnh giá trong dịp tết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định của địa phương.

Hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán năm nay được dự trữ với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng

Công tác được Bộ Tài chính đặc biệt lưu ý là kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhân dân trong dịp tết; tập trung tăng cường lực lượng thực hiện tốt công tác chống buôn lậu tại các địa bàn trọng điểm góp phần bình ổn thị trường. Những hành vi vi phạm, lợi dụng tăng giá, phí tùy tiện, trái pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Ngoài việc chỉ đạo, thực hiện, phối hợp thực hiện các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ và công tác phục vụ tết các đơn vị thuộc ngành tài chính có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà tết cho cấp trên; không sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp tết và xuân Quý Tỵ năm 2013; tổ chức tốt công tác thăm hỏi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị; các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình và người có công với cách mạng, các đồng chí lão thành cách mạng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đón tết.

Nhằm đảm bảo cho nhân dân đón tết vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn được hỗ trợ kinh phí để bán hàng rẻ hơn thị trường từ 5-10% để dập tắt các yếu tố đầu cơ và nhằm mục đích dẫn dắt thị trường.

Sẵn sàng phục vụ tết

Được biết, tại Hà Nội, dự kiến nhu cầu tiêu dùng đối với các nhóm hàng phục vụ tết sẽ tăng 20-25% so với các tháng bình thường trong năm. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tết Nguyên Đán, thành phố sẽ tập trung phân phối các sản phẩm thiết yếu tại 710 điểm bán hàng bình ổn giá và khoảng 1.500 đại lý, cửa hàng, bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất; đồng thời, tổ chức 200 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nông dân và công nhân. Nhìn chung, ước tổng lượng hàng hóa dự trữ tăng thêm của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn thành phố dịp trước, trong và sau tết trị giá khoảng 6.000 tỉ đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh đến nay cũng đã cơ bản hoàn tất kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhân dân trong dịp tết. Những mặt hàng thiết yếu như thịt, trứng gia cầm, đường, dầu ăn có lượng chuẩn bị vượt hơn 50% nhu cầu thị trường. Hệ thống phân phối, lượng hàng ở chợ đầu mối vào thời điểm này đã tăng khoảng 50-70% so với ngày thường. Thành phố luôn là địa phương đi đầu trong việc triển khai, thực hiện chương trình bình ổn thị trường, việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ cho thị trường tết cũng rất chu đáo và luôn có nhiều sáng kiến.

Thành phố sẽ tổ chức 879 điểm bán hàng bình ổn thị trường tại các quận ven và huyện ngoại thành, 14 điểm bán tại các khu chế xuất - khu công nghiệp, ba điểm bán tại các xí nghiệp đông công nhân; doanh nghiệp trong Chương trình Bình ổn thị trường chuẩn bị hàng hóa dồi dào, sẵn sàng cung ứng và đủ khả năng can thiệp kịp thời, không để thiếu hàng cục bộ, sốt giá ảo, dự kiến thực hiện hơn 200 chuyến bán hàng lưu động đến các vùng sâu, vùng xa từ nay đến tết. Dự báo thị trường từ nay đến tết sẽ ổn định bảo đảm cho mọi người dân mua sắm các loại hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý, hạn chế tối đa tình trạng găm hàng, nâng giá... Đặc biệt có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã đăng ký tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá một số mặt hàng trong những ngày cận tết.

Tại Đà Nẵng, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết của các doanh nghiệp được đánh giá là “cần đâu có đó”. Hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán năm nay ở Đà Nẵng được dự trữ với số lượng lớn, đảm bảo không thiếu nguồn hàng.Theo Sở Công Thương thành phố thì ngoài sự chủ động từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, Sở đã giao cho Công ty Thương mại Dịch vụ Siêu thị Co.opMart phụ trách lực lượng “phản ứng nhanh”, nếu xảy ra thiếu hàng cục bộ nơi nào thì bung hàng ra ngay lúc đó, có xe lưu động đưa tới hẳn hoi, giá cả bình ổn theo tinh thần phục vụ tết.

Tổng giá trị dự trữ các mặt hàng thiết yếu của một số đơn vị, doanh nghiệp đăng ký gần 400 tỉ đồng, hơn 5.000 tiểu thương tại 8 chợ lớn trên địa bàn cũng chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ tết trị giá hơn 100 tỉ đồng. Để điều phối thị trường khi cần thiết, thành phố dự trữ 1.000 tấn gạo, trị giá khoảng 11 tỉ đồng, thống nhất chủ trương cho phép tổ chức bán thịt heo bình ổn giá, tạm ứng vốn 4 tỉ đồng không tính lãi trong thời gian 60 ngày để dự trữ 35 tấn thịt heo thành phẩm với giá bán thấp hơn thị trường cùng thời điểm 10-15%.

Trong những ngày này, các mặt hàng phục vụ nhân dân đón tết đã được bày bán tràn ngập, do đó, đây được coi là thời điểm “nhạy cảm” để các hành vi gian lận thương mại hoành hành như hàng không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác, hàng giả, hàng nhái, hàng tồn kho, hàng hết hạn sử dụng trà trộn với hàng tốt. Vì vậy, bên cạnh hành động của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác, nêu cao tinh thần đấu tranh, tẩy chay, tố giác những hành vi gian lận thương mại, kinh doanh trái phép và tự biết cách bảo vệ mình.

Ngân Hà