Big Oil - Hành động hay là tụt hậu?

06:00 | 22/06/2017

1,641 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những người khổng lồ dầu khí thế giới phải đa dạng hóa lĩnh vực sản xuất, đầu tư vào năng lượng tái tạo, nếu không muốn bị tụt hậu trong một bối cảnh năng lượng đang thay đổi nhanh chóng.  

Nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và than đá có thể vẫn đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của toàn thế giới trong 5, 10 hay 20 năm tới, nhưng rõ ràng là các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch không còn hấp dẫn như trước nữa. Giá dầu và khí đốt tự nhiên vẫn chìm nổi phập phù trong suy thoái nghiêm trọng, buộc các công ty năng lượng lớn phải hoãn lại các dự án dài hạn và tốn kém như khoan ở vùng nước sâu. Nhiều chính phủ đã bắt đầu giải quyết vấn đề phát thải carbon thông qua nhận thức về sự ấm lên toàn cầu.

Tuy Mỹ đã quyết định rút khỏi Hiệp định về khí hậu ở Paris, nhưng hầu hết các quốc gia và nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp vẫn cam kết thực hiện mục tiêu thúc đẩy sản xuất và sử dụng năng lượng sạch. Các phương tiện giao thông vận tải sử dụng các loại năng lượng sạch như: xe điện, xe tự hành bằng năng lượng mặt trời… Những loại phương tiện này đang ngày càng được nghiên cứu phát triển tối ưu hơn, trở thành một xu thế tiêu dùng được lựa chọn nhiều hơn.

big oil hanh dong hay la tut hau
Biểu đồ dự báo sự tăng trưởng của công suất điện mặt trời (trái) và điện gió (phải) đến năm 2035 của Wood Mackenzie
“Việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đang diễn ra. Quá trình chuyển đổi đó đang buộc ngành dầu khí phải suy nghĩ lại về tương lai của chính mình”. (Trích Báo cáo của Wood Mackenzie)

Trong bối cảnh đó, một báo cáo mới công bố của Công ty Tư vấn năng lượng Wood Mackenzie dự báo rằng, điện gió và điện mặt trời sẽ có tốc độ tăng trưởng hằng năm lần lượt là 6% và 11%, trong khi tốc độ tăng trưởng của dầu mỏ chỉ là 0,5%.

Theo nhóm nghiên cứu của Wood Mackenzie, nhu cầu về dầu mỏ và dự báo tăng trưởng nhanh chóng của các nguồn năng lượng tái tạo đang tạo ra cả mối đe dọa và cơ hội mà các công ty dầu khí thuộc tốp đầu thế giới (còn gọi là các Big Oil), như BP (Anh), Shell (Anh - Hà Lan) và Total (Pháp) không thể bỏ qua.

Bà Valentina Kretzschmar, Giám đốc nghiên cứu của Wood Mackenzie cho biết: “Động lực đằng sau những công nghệ năng lượng tái tạo bây giờ là không thể ngăn cản được. Họ (các công ty dầu mỏ) đang nhận ra đó là một xu hướng lớn chứ không phải là mốt nhất thời. Rõ ràng là hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ đang đối mặt với một rủi ro không tầm thường”.

Bởi vì nếu chậm chân, các Big Oil sẽ cần phải tăng chi tiêu để có được chỗ đứng trong thị trường năng lượng mới. Nếu muốn chiếm được 12% thị phần trong thị trường năng lượng tái tạo, bằng với thị phần hiện nay họ đang nắm giữ trên thị trường dầu khí toàn cầu, các Big Oil sẽ phải đầu tư 350 tỉ USD từ nay đến năm 2035.

Wood Mackenzie dự báo rằng, chi tiêu vào năng lượng tái tạo vẫn có thể chiếm 1/5 vốn phân bổ sau năm 2030 của các Big Oil. Và thực tế là dù chậm trễ nhưng hầu hết các công ty dầu khí lớn đang bắt đầu thay đổi tư duy, khi đối mặt với các chính sách về biến đổi khí hậu và nhu cầu dầu mỏ chậm lại. Họ nhận thấy năng lượng tái tạo sẽ gây ra một nguy cơ đối với sự tồn tại, phát triển của họ và sự cần thiết phải phòng ngừa mối đe dọa này bằng cách đa dạng hóa lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Báo cáo “Triển vọng Năng lượng Mới” (NEO) của Bloomberg New Energy Finance (BNEF) mới đây cũng đưa ra nhiều dự báo về năng lượng tái tạo cho đến năm 2040. Theo BNEP, chi phí sản xuất năng lượng gió và mặt trời đang giảm nhanh chóng và xu hướng chuyển sang sử dụng năng lượng sạch hơn đang diễn ra nhanh hơn dự kiến. Tác giả chính của NEO 2017, chuyên gia Seb Henbest nhận định: Năng lượng mặt trời đã có chi phí cạnh tranh với than đá và khí tự nhiên ở nhiều khu vực thuộc châu Âu và Mỹ. Thậm chí, ở Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Mexico, năng lượng mặt trời sẽ trở nên rẻ hơn cả nhiên liệu hóa thạch vào năm 2021. “Không thể phủ nhận rằng, công nghệ này đang trở nên rẻ hơn chúng ta từng nghĩ” - ông Henbest nói.

Linh Phương

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps