Biết sai thì phải sửa

07:12 | 21/09/2017

795 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một số cơ quan công quyền có nhiều việc làm sai trái, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân và uy tín của cán bộ, công chức.

Khi người dân khiếu kiện, nếu được xem xét, giải quyết kịp thời thì thiệt hại không lớn. Trái lại, các cơ quan công quyền cố tình làm ngơ hoặc do vô cảm, lãng quên thì hậu quả sẽ nặng nề. Vì vậy, khi đã có những việc làm sai trái mà biết kịp thời sửa sai mới thể hiện hết trách nhiệm.

Một số vụ việc mới đây thể hiện sự sửa sai kịp thời, hợp lòng dân, cần được nhân rộng.

Tháng 7 vừa qua, Báo Điện tử Petrotimes (Năng lượng Mới) có bài “Thương binh thật thành thương binh giả”, nói về thương binh chống Mỹ Đoàn Văn Nhuận ở xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông Nhuận đang hưởng chế độ thương binh thì bỗng bị cấp trên thông báo cắt tiêu chuẩn này từ ngày 1-1-2016 vì hồ sơ thương binh của ông là giả. Các đồng đội cựu chiến binh của ông đã làm đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng các cấp, đồng thời báo chí vào cuộc. Nguyên nhân đã được tìm ra, sai sót bắt đầu từ cấp tỉnh và tiếp đó, cấp bộ, ngành cũng vội vã ra quyết định nên sai theo. Ông Nhuận và đồng đội đã phải vào Nam, ra Bắc xin xác nhận lại giấy tờ, khẳng định ông là thương binh thật.

Ngày 14-9 vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Nam Định đã ra Quyết định số 8836/QĐSLĐTBXH về việc khôi phục chế độ ưu đãi thương binh cho ông Đoàn Văn Nhuận kể từ ngày 1-1-2016. Đồng thời, quyết định cũng nêu rõ “cấp kinh phí chi trả khoản truy lĩnh trợ cấp thương tật kể từ ngày 1-1-2016 đến 30-9-2017; số tiền cụ thể là 27.804.000 đồng…”.

biet sai thi phai sua
Vợ chồng ông Nhuận nhận quyết định của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định

Như vậy là ông Nhuận đã được khôi phục chế độ ưu đãi thương binh và lấy lại danh dự cho bản thân mình. Nhưng cũng phải nói rằng, ông Nhuận có các đồng đội với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, kiên trì đấu tranh, đòi lại sự công bằng đúng với giá trị của nó nên mới không bị thiệt thòi, oan ức.

Thiết nghĩ, chuyện của ông Nhuận chưa thể kết thúc ở đây và rồi đi vào quên lãng. Vấn đề cần giải quyết tiếp và công khai cho nhân dân biết là ai đã gây ra sự sai phạm và quy kết ông Nhuận giả mạo giấy tờ? Những cán bộ đó sẽ chịu hình thức kỷ luật như thế nào? Điều này, các cơ quan như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định đến cơ quan thanh tra Bộ LĐ-TB&XH phải làm rõ!

Ở Nghệ An, UBND huyện Tương Dương vừa phải hoàn trả số tiền 5,7 tỉ đồng hỗ trợ học sinh nghèo từ năm 2014. Với lý do “quên” và bị dư luận phát hiện thì huyện mới trả lại các cháu học sinh số tiền này. UBND huyện cũng đã nhận sai sót và có thư xin lỗi nhân dân và học sinh trong huyện. Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Nguyễn Văn Hải thừa nhận, huyện đã dùng tiền đó để chi vào mục đích khác. Nếu không bị phát hiện thì số tiền ấy sẽ bị quên lãng và không biết sẽ rơi vào túi những ai; các cháu học sinh nghèo thì thiệt thòi.

Trả lại tiền và xin lỗi cũng chỉ là một phần khi nhận ra sai phạm. Kiểm điểm, quy trách nhiệm cụ thể đến từng cá nhân sai phạm mới là biện pháp răn đe những công bộc mắc khuyết điểm.

Vào đầu tháng 8-2017, TAND huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử 14 cán bộ liên quan đến các sai phạm về đất đai ở xã Đồng Tâm. Trong số 14 bị can được đưa ra xét xử có 10 người nguyên là cán bộ ở xã Đồng Tâm, 4 người còn lại là cán bộ ở Phòng Tài nguyên & Môi trường và Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức. Đó là thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và làm đúng nguyên tắc: Ai mắc sai phạm thì phải xử lý.

Hai tháng vừa qua, dồn dập thông tin về các cán bộ sai phạm từ nhỏ đến lớn, ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, một số vụ được kết luận, xử lý và kết thúc nhưng kết thúc chỉ mang ý nghĩa tương đối bởi trường hợp này, kết thúc không đồng nghĩa với chấm dứt. Cán bộ sai phạm chỉ bị thuyên chuyển công tác hoặc “rút kinh nghiệm sâu sắc”.

Cách xử lý vấn đề chưa triệt để khiến người dân băn khoăn, chưa hoàn toàn chấp nhận. Tiền lệ xử lý cán bộ Nhà nước vi phạm với hình thức nhẹ nhàng, tượng trưng như thế vẫn tồn tại. Vì thế nên người dân đã nói rằng: “Đừng để luật cho dân, lệ cho quan”.

Không xin lỗi, không sửa sai vốn là một căn bệnh của nhiều cán bộ. Ở Nhật, dù chưa biết lỗi do ai thì các lãnh đạo vẫn cúi đầu xin lỗi khi có sự việc sai trái xảy ra. Còn ở nước ta, dù có lỗi cũng rất ít cán bộ cúi đầu nhận lỗi với nhân dân. Đây cũng là một nguyên nhân khiến dân không phục, không tin vào cán bộ.

Vì thế, khi cán bộ sai phạm, cần xử lý nghiêm khắc hơn những hành vi tương tự của người dân bình thường. Những vụ việc cán bộ sai phạm đã sửa sai và xin lỗi dân gần đây là động thái đáng mừng, cần được nhân rộng. Có như thế mới tạo được niềm tin tuyệt đối trong nhân dân.

Linh Trang

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc