Biến tố trong tiếng La Tinh

07:16 | 09/08/2016

|
Bạn đọc: Sẵn chuyện về Từ điển Annam-Lusitan-Latinh trên số 544 & 545, xin ông An Chi cho hỏi thêm: Phần tiếng La Tinh trong quyển từ điển này có nhiều chỗ làm cho tôi thắc mắc, như ngay mục thứ hai, cột 1 là “ác, dữ” thì có “malus, a um”, “ludo, is”, “lusor, oris”. Tại sao lại có những cái đuôi như “a um”, “is”, “oris”? Hay đó cũng là những từ độc lập có nghĩa riêng? Xin cảm ơn ông.Bằng Thuận (TP Vũng Tàu)  

Học giả An Chi: Thắc mắc của bạn liên quan đến đặc điểm từ điển học về tiếng La Tinh. Ngôn ngữ này có 8 từ loại, trong đó có 4 từ loại có biến hình khi được đưa vào câu là: danh từ, tính từ, đại từ và động từ. Những cái “đuôi” mà bạn đã nêu là những biến tố (inflection, cũng viết inflexion) liên quan đến việc biến hình này. Nhờ những biến tố mà trật tự của từ trong câu tiếng La Tinh có thể tự do hơn, so với vị trí của từ trong câu tiếng Việt. Xin lấy danh từ rosa (= hoa hồng) ở mấy cách khác nhau làm thí dụ:

1a.- Rosa floruit, nghĩa là bông hồng đã nở.

2a.-Puella carpsit rosam, nghĩa là cô gái trẻ đã hái bông hồng.

3a.-Poeta laudavit formam rosae, nghĩa là nhà thơ đã ca ngợi vẻ đẹp của bông hồng.

Thứ tự của các từ trong ba thí dụ trên đây có thể thay đổi mà nghĩa của câu vẫn được giữ nguyên, chẳng hạn:

1b.- Floruit rosa.

2b.- Rosam carpsit puella.

3b.- Rosae formam laudavit poeta.

Nếu cứ theo thứ tự mới này mà dịch thì các câu tiếng Việt sẽ là:

1b’.- Đã nở bông hồng.

2b’.- Bông hồng đã hái cô gái trẻ.

3b’.- Bông hồng vẻ đẹp đã khen nhà thơ.

Nhưng người La Mã vẫn hiểu các câu 1b, 2b, 3b như các câu 1a, 2a, 3a. Đó là nhờ các cách khác nhau của danh từ “rosa” ở những câu 1, 2, 3 đã nêu. Ở cả 1a lẫn 1b thì nó đều là “rosa”, nghĩa là ở danh cách (nominative) nên nó phải là chủ ngữ của “floruit”, nghĩa là “đã nở”. Ở cả 2a lẫn 2b, nó đều là “rosam”, nghĩa là ở đối cách (accusative) nên bắt buộc phải là bổ ngữ của động từ “carpsit” mà chủ ngữ là “puella”. Ở cả 3a lẫn 3b, nó đều là “rosae”, nghĩa là ở sinh cách nên phải được hiểu là “của bông hồng” mà cái phụ thuộc là “formam”, tức “vẻ đẹp”; còn “poeta” thì ở danh cách nên phải là chủ ngữ của “laudavit”, tức “đã ca ngợi”.

Xin nêu một thí dụ khác, liên quan đến động từ và tính từ:

- Errare humanum est,

nghĩa là

“Phạm sai lầm (errare) [vốn] là (est) đặc tính của con người (humanum)” (1)

Nếu ta theo trật tự của câu tiếng La Tinh mà dịch thì câu tiếng Việt sẽ là:

“Phạm sai lầm đặc tính của con người [vốn] là” (2)

Đây là một câu ngược đời; nó cũng giống như nói *“Tôi người Hà Nội là” thay vì “Tôi là người Hà Nội”. Nhưng người La Mã luôn luôn hiểu thí dụ đã nêu theo cách dịch ở câu (1). Đó là nhờ sự phối hợp về giống, về số của danh từ và tính từ cũng như về biến ngôi của động từ. Trong tiếng La Tinh, nói chung, động từ ở thức bất định (infinitive) được xem như một danh từ giống trung (neuter). Errare là một động từ như thế. Vì vậy nên, phối hợp với nó, tính từ humanus cũng phải thuộc về giống trung là humanum còn est là ngôi thứ ba số ít thời hiện tại (của esse, là động từ có nghĩa là “là” ở thức bất định hiện tại) mà errare (được xem là danh từ ở số ít) là chủ ngữ.

Vì nghĩa của câu phụ thuộc vào các biến tố liên quan đến biến cách của danh từ, tính từ, đại từ và các biến tố liên quan đến hệ biến ngôi (conjugation) của động từ - trước đây thường gọi là cách “chia” động từ - nên áp dụng đúng biến tố cho từng trường hợp là một việc quan trọng và cần thiết. Những cái “đuôi” mà bạn đã nêu thì liên quan đến việc này.

Nếu mục từ là tính từ thì người ta thường ghi kèm theo biến tố giống cái và giống trung của nó (mục từ gốc thì thuộc giống đực). Trong trường hợp “malus, a, um”, mà bạn đã dẫn thì “malus” thuộc giống đực, có nghĩa là xấu, ác; “a” là biến tố của giống cái (mala) còn “um” là biến tố của giống trung (malum). Về động từ thì trong từ điển, người ta lấy ngôi thứ nhất, số ít, thời hiện tại, thái chủ động, thức trần thuật làm tên cho mục từ, liền theo đó là:

- Ngôi thứ hai, số ít, thời hiện tại, thái chủ động, thức trần thuật;

- Thức bất định hiện tại;

- Ngôi thứ nhất số ít, thời (thể?) hoàn thành, thức trần thuật, và cuối cùng là;

- Vị tính từ bị động (supin).

Trong trường hợp “ludo, is” mà bạn đã dẫn thì “ludo” là ngôi thứ nhất, số ít, thời hiện tại, thái chủ động, thức trần thuật còn “is” là biến tố của ngôi thứ hai, số ít của các thời, thái và thức nói trên. Vì đây là từ điển song ngữ mà tiếng La Tinh là ngôn ngữ dùng để dịch nên A. de Rhodes không đi vào chiết, nghĩa là không nêu ba yếu tố còn lại. “Ludo” là tôi chơi/đùa; Ludis” là mày/mi/ chơi/đùa.

Còn danh từ tiếng La Tinh thì có năm hệ biến cách khác nhau. Tùy thuộc vào sinh cách (genitive) của nó mà danh từ phải theo hệ biến cách nào: hệ thứ nhất là của danh từ mà biến tố của sinh cách là -ae; -i là của hệ thứ hai, -is là của hệ thứ ba, -us là của hệ thứ tư và -ei là của hệ thứ năm. Mỗi hệ có những biến tố riêng mà nếu không thuộc lòng thì rất dễ dùng sai. Vì thế nên đối với những mục từ là danh từ, người ta thường ghi kèm theo biến tố sinh cách của nó để giúp cho người sử dụng có điều kiện chọn đúng hệ biến cách thích hợp. Trong trường hợp “lusor, oris” mà bạn đã nêu thì “[or]is” là biến tố thuộc sinh cách của danh từ “lusor” là “người chơi”.

A.C

Năng lượng Mới số 546