Biển phía cửa sông

13:31 | 20/02/2018

617 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Gió lên đi cho thuyền ta ra khơi. Thênh thang trên biển rộng, lòng ta như biển trời”...

Chúng tôi vừa hát vừa nắm tay nhau chạy xuống dốc, gió vù vù bên tai và đôi chân rất nhẹ. Buổi tối có trăng, những đứa trẻ phố thị thường rủ nhau ra con dốc này chơi. Chúng tôi rất thích chạy từ đỉnh con dốc xuống vì tốc độ nhanh hơn, rất nhanh. Hình như đứa trẻ nào đang lớn cũng thích tốc độ. Đó là những năm cuối cùng của thập niên 60 thế kỷ trước, khi ấy đôi chân là phương tiện phổ biến nhất của những người dân.

bien phia cua song

Buổi trưa, khi tan học, bọn chúng bạn đi về nhà, tôi không vội. Tôi đi ra công trường xây cầu Đại Tám. Cây cầu này bắc qua sông Ninh Cơ, bị bom Mỹ đánh sập và đang được xây lại. Tôi xuống nơi trước đây là lòng sông, bây giờ chỉ còn xâm xấp nước. Tôi đã phát hiện một con cua ra đang ẩn mình dưới lớp đá hộc. Tôi chuyển những viên đá để bắt con cua. Tôi bắt được nó rồi, nó to bằng nửa bàn tay tôi và tay tôi thì bé tí. Tôi bỏ nó vào cái túi đựng sách vở. Tôi lại phát hiện ra một con nữa rồi một con nữa... Khi về nhà tôi lấy chiếc chậu thau nhôm đổ lũ cua ra. Mẹ bảo:

- A, nhiều phết. Tối nay mẹ sẽ cho con đi cất rạm trôi.

Buổi tối mẹ quẩy đôi thùng gánh nước và một tay cầm mấy chiếc vó tép. Mẹ nhờ tôi cầm chiếc cần cất vó. Hai mẹ con đi ra sông đào. Sông đào nối với sông Ninh Cơ để dẫn nước vào đồng. Gọi là sông nhưng nó khá nhỏ. Hằng ngày lũ trẻ chúng tôi thường ngụp lặn ở con sông này, đứa nào biết bơi thì bơi sang bờ bên kia rồi lại bơi về. Trời vẫn còn sáng. Mẹ đặt vó xuống sông, rồi mẹ ném cám rang xuống những cái vó vừa đặt xuống nước. Chờ khoảng vài phút, mẹ bảo đưa cho mẹ cái cần, mẹ cất vó ở dưới sông lên. Chiếc vó đầu tiên chỉ có một con rạm. Mẹ hất chiếc vó rất điệu nghệ, con rạm bay vèo vào chiếc thùng.

Mẹ cất chiếc vó thứ hai, oa những ba con… Đến chiếc vó thứ bảy thì lòng vó chật những rạm là rạm. Hai mẹ con quay vòng, chiếc cuối cất xong thì quay về chiếc thứ nhất. Khi trời tối sập đen thui thì mẹ bảo, về thôi đầy thùng rồi. Mẹ lễ mễ gánh đôi thùng gánh nước đầy ắp rạm trôi. Mẹ còn treo những cái vó ướt ở đầu gánh. Tôi vẫn chỉ cầm giúp mẹ cái cần cất vó.

Về nhà, mẹ đổ rạm vào chiếc lu vốn đựng nước mưa. Bố cầm đèn dầu ra soi:

- Có một chốc mà cất được nhiều thế à?

- Chắc hôm nay họ mở cống, rạm trôi theo nước lợ mà về. Béo lắm. Anh ra ao vớt lấy ít bèo cái cho vào lu, ăn cả tuần không hết được, để chúng chết phí đi.

Tôi sinh ra ở thị trấn Liễu Đề. Bố mẹ tôi làm ở Bệnh xá Nghĩa Hưng. Đến năm tôi 9 tuổi, cả nhà tôi chuyển lên thành phố Nam Định. Chín năm đầu đời tôi được sống ở một miền quê trù phú giữa đạo và đời. Có những thứ đặc sản trời đất ban cho như gạo tám xoan (cây cao), nếp râu (hạt thóc nếp to tròn và có cái râu ở đầu), rươi.

Con rươi là cả một câu chuyện về một món ăn đặc sản của vùng cửa sông. Một hôm, trong bữa ăn có món rươi nướng, mẹ kể chuyện với bố:

- Buồn cười quá đi mất, sáng nay có một chị đến đẻ. Đang ôm bụng nhăn nhó đau đớn thì nghe ở ngoài đường có bước chân chạy rình rịch và tiếng người xôn xao, rươi về. Chị ta bèn ôm bụng chạy luôn ra khỏi bệnh xá, về nhà lấy thúng đi vớt rươi.

- Thế có đẻ rơi ở ngoài ruộng không?

- Gần, te tái chạy vội vào bệnh xá, quần áo vẫn ướt lướt thướt, leo ngay lên bàn đẻ, còn phấn khởi khoe, em vớt được cả thúng chị đỡ à. Chị đỡ cho em ra con trai em mang biếu chị mắm rươi em làm ngon lắm ý!

- Vậy con trai hay con gái?

- Con trai.

- Vậy sắp được ăn mắm rươi rồi.

- Ăn rươi nướng đã, mắm ăn sau. Anh chồng nướng rươi mang biếu đấy…

Bây giờ mọi người chỉ được thưởng thức món chả rươi chứ ít người được ăn mắm rươi và rươi nướng. Và có nhẽ đã tuyệt chủng món mắm rươi rồi.

bien phia cua song

Vùng cửa sông vô cùng nhiều tôm cá. Thi thoảng tôi được theo bố mẹ đi tăng cường cho các trạm xá xã. Tôi bắt gặp từng đống cá khoai to như đống rơm trên bờ đê chắn sóng. Những thuyền cá về, họ chỉ thu những loại cá có giá trị. Cá khoai bị vứt lại cho các gia đình nuôi lợn ra lấy về. Mẹ tiếc rẻ:

- Cho tôi mấy con về nấu canh.

- Mợ ăn thứ đó làm gì, biếu mợ mấy con cá thu tươi ngon này.

Ngày ấy, người dân ở đây rất quý và yêu các thầy thuốc. Và họ rất yêu biển, yêu đất đai. Họ lấy vừa đủ, không để cho lòng tham lấn át.

Bỗng tiếng bước chân dồn dập, bỗng tiếng trẻ con cười như nắc nẻ:

- Rảo chân lên, chạy nhanh đi ra phía cửa sông ấy.

Cả làng đổ xô ra bắt cua giống. Cua bể rất có giá trị nên ngày nay nhiều hộ đã biết quy trình nuôi cua. Còn cua giống khi ấy vẫn còn loay hoay để tạo quy trình, vẫn phải phụ thuộc vào biển. Cua giống ở đâu ra bò kín cả bãi biển. Có người trúng hàng triệu đồng một ngày. Ở đâu ra? Biển cho đấy chứ!

Muôn đời biển vẫn yêu và thương con người, nhất là con người vùng cửa sông. Chỉ có con người là bạc với biển. Người dân quê tôi đã biết điều biển nhắn nhủ họ để họ không bạc với biển nữa.

Y Ban

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.