BIDV tổ chức Hội thảo về hội nhập AEC

23:05 | 10/06/2015

1,257 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 10/6 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) - Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam”. Nhiều tham luận và ý kiến cho thấy, còn rất nhiều việc phải làm để doanh nghiệp Việt Nam “bớt” bỡ ngỡ trước thềm AEC…

Năm 2015 là năm hội nhập sâu rộng của Việt Nam với hàng loạt các FTA đã, đang được kết thúc đàm phán và ký kết. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký hai FTA với Hàn Quốc (ngày 5/5) và Liên minh kinh tế Á-Âu (ngày 29/5) và dự kiến trong tháng 6 này sẽ ký FTA với Liên minh EU. Tại khu vực Đông Nam Á, theo lộ trình, Việt Nam sẽ cùng với các quốc gia ASEAN hình thành Cộng đồng kinh tế (AEC) ngày 31/12/2015. Đây là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập toàn diện các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á, tiến tới hình thành một cộng đồng chung, dựa trên 3 trụ cột là kinh tế - chính trị, an ninh –văn hóa, xã hội.

Ông Phan Đức Tú – Tổng Giám đốc BIDV cho rằng, hội nhập KTQT là một xu thế tất yếu và tác động của hội nhập được đánh giá là rất sâu, rộng. Đối với nền kinh tế, hội nhập tạo cơ hội mở rộng thị trường,tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, tạo động lực thúc đẩy thu hút nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam cũng như đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài. Hội nhập cũng tạo cơ hội tìm kiếm đối tác, liên kết kinh doanh, giao lưu, học hỏi, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý giữa các nước tham gia. Tuy nhiên, hội nhập KTQT cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, đó là nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn trong khi quy mô nền kinh tế, doanh nghiệp còn nhỏ bé và năng lực cạnh tranh còn thấp.

Các diễn giả tại Hội thảo diễn ra tại Hà Nội ngày 10/6

“Bên cạnh dòng vốn đầu tư, hàng hóa thâm nhập mạnh vào Việt Nam ở quy mô lớn, nếu không có sự điều tiết hợp lý, cân đối vĩ mô có thể bị mất và việc tham gia nhanh hơn vào các hiệp định chung (nhất là cộng đồng kinh tế chung) sẽ ảnh hưởng đến quyền tự quyết của mỗi nước trong việc ban hành một số chính sách phát triển kinh tế; và những thách thức về nguồn nhân lực (rủi ro chảy máu chất xám), tranh chấp thương mại-đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ….cũng là những rủi ro cần tính đến,” ông Tú phát biểu khai mạc sự kiện.

Tham luận tại Hội thảo, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lại chỉ rõ, AEC sẽ bao gồm 4 trụ cột. Đó là một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, một khu vực kinh tế cạnh tranh, sự phát triển kinh tế công bằng và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Để nắm bắt và tận dụng cơ hội kinh doanh, ông Thành cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam cần cần học quản trị sự bất định, cụ thể là piểu và sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro biến động, nhận thức và đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn các hàng rào kỹ thuật, song song đó là cải thiện nhận thức vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô và thay đổi chính sách.

“Vấn đề lớn nhất là các doanh nghiệp cần tìm kiếm cơ hội sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu, làm sao chen chân bằng được sản xuất kinh doanh theo phân khúc, theo mạng, cụm, chuỗi, đồng thời tham gia phát triển kết cấu hạ tầng và mạnh danh nhảy vào kinh doanh lĩnh vực ngành nghề mới phát triển,” TS Võ Trí Thành trao đổi bên lề Hội thảo. “Doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận cạnh tranh cùng học kết nối, chuyển dần từ cách thức cạnh tranh "bằng giá" sang chú trọng cạnh tranh "phi giá" bên cạnh việc phát triển, toàn cầu hóa quá trình tích tụ và phân khúc cụm,mạng,chuỗi.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, trong lộ trình tham gia vào AEC, Chính phủ Việt Nam sớm nhận thấy cơ hội cũng như thách thức của Cộng đồng kinh tế khu vực đối với đất nước nói chung và với doanh nghiệp nói riêng. Nhiều quyết sách và chương trình hành động đã được ban hành và triển khai trên quy mô lớn nhằm chủ động hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT) thành công. Tuy nhiên, làm sao để thông tin đến được từng doanh nghiệp là điều không hề đơn giản.

Sự đồng hành với Chính phủ và biết "đối thoại" pháp lý sẽ quyết định thành bại của doanh nghiệp trước AEC. Doanh nghiệp phải nắm được đầy đủ thông tin về hội nhập cùng chính sách, cải cách của Chính phủ, có thể thông qua hình thức trao đổi, đối thoại đây đủ, sâu sắc doanh nghiệp - Chính phủ. Đa số diễn giả cũng cho rằng vai trò Chính phủ đối với AEC là hài hòa hóa các tuyến hội nhập với vấn đề cải cách/phát triển; xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế đáp ứng cam kết TPP, RCEP, VN-EU FTA,...

Lê Tùng – Cẩm Tú (theo Năng lượng Mới)