Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 7)

06:55 | 06/08/2014

9,759 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mười ngày sau, thầy Hàn trở về. Và thầy lại tiếp tục gọi Vũ đến để dạy chữ Hán cùng với Lân. Không còn ai đến hỏi gì thầy nữa mà thỉnh thoảng lại thấy anh Trưởng đồn Công an thị xã và có khi cả Chủ tịch thị xã đến chơi với thầy Hàn.

Năng lượng Mới số 344

>> Bí mật những cuộc đời (Kỳ 6)

Nhưng bây giờ thái độ của họ khác xưa rất nhiều. Chỉ có điều thầy Hàn là sống trầm lặng hẳn. Năm 1966, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc ngày càng ác liệt, thế là Vũ đi sơ tán khỏi thị xã và việc học của Vũ ở  thầy Hàn cũng chấm dứt.

Năm Vũ học đến lớp 9 thì thầy giáo Hàn mất. Lân bỏ học sau khi học xong lớp 7, suốt ngày chỉ lang thang đi câu cá, câu ếch, thậm chí cả đi bắt rắn để kiếm tiền giúp mẹ nuôi các em. Khi Vũ đang học lớp 10 thì có đợt tuyển quân, Vũ xung phong đi bộ đội. Hôm có giấy gọi nhập ngũ, Vũ gặp Lân:

- Chủ nhật tao lên đường nhập ngũ rồi.

Lân trố mắt nhìn Vũ:

- Mày dại thế, ở Quảng Trị đánh nhau rất to.

Vũ nói:

- Tao thấy ở trường bọn lớp 10 xung phong đi nhiều lắm, đi đợt này may ra còn được đánh nhau, chứ đi đợt sau khéo giải phóng miền Nam rồi.

Lân cười sằng sặc:

- Thôi, “một xanh cỏ, hai đỏ ngực”. Mày thích làm anh hùng thì cứ đi. Nhà tao thì không phải đi bộ đội.

- Tại sao?

- Bố tao bị quy là phản động. Tao có xung phong cũng chẳng ai cho đi.

- Lẽ ra tao cũng không phải đi vì nhà chỉ có mỗi mình tao là con trai. Nhưng thấy mọi người lên đường, nằm nhà sốt ruột lắm.

- Sao mày không học hết lớp 10 rồi hãy đi.

- Ðánh giặc xong về học cũng được.

Lân bần thần hồi lâu rồi bảo:

- Tao có hai thứ tặng mày mang đi.

- Cái gì vậy.

- Chờ tao một chút.

Lân chạy vào buồng lấy ra một cuộn cước, một gói lưỡi câu bày lên bàn:

- Mày cầm theo. Biết đâu chả có lúc kiếm được cái ăn ở sông suối Trường Sơn.

Lân gói cả lại, nhét vào túi Vũ rồi lấy bút lông, chấm vào nghiên mực và viết vào một tờ giấy kẻ ôly chữ "Phúc". Nét chữ của Lân bay bướm thoáng đạt. Lân ghi cả ngày tháng năm rồi cầm lên hong ra nắng cho khô. Lân gấp lại làm tư nhét vào túi áo Vũ:

- Mày cầm đi cho may mắn.

Vũ vẫn đứng lặng trước ban thờ. Mắt ngân ngấn nước khi nhớ lại những ngày tốt đẹp đã qua.

***

Ly rón rén đứng sau lưng Vũ, hai tay cầm bức ảnh đen trắng khổ 13x18 của Lân. Cô đặt lên ban thờ. Hai đứa em của Ly mở cửa trông thấy, chúng sững người rồi òa lên khóc nức nở.

***

IV. Kim đồng hồ trong phòng trực ban của quản giáo chỉ 8 giờ tối.

Cả khu biệt giam tù tử hình vắng lặng. Ðàn chuột cống bắt đầu chạy lên chúng gí mũi vào từng cánh cửa sắt của các buồng giam.

Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 7)

Lân vẫn đọc truyện Tam quốc cho gã tử tù ở buồng bên tên là Cao nghe, mà là đọc không có sách:

"... Nếu Tào Tháo đến thì tướng quân làm thế nào?

Vân Trường đáp:

- Ðem quân ra chống cự.

Khổng Minh lại hỏi:

- Nếu cả Tào Tháo và Tôn Quyền đem quân đến thì tướng quân tính sao?

Vân Trường đáp:

- Chia quân ra chống lại.

Khổng Minh nói:

- Nếu vậy thì Kinh Châu nguy mất. Tôi có tám chữ này, tướng quân phải học thuộc thì mới giữ được Kinh Châu.

Vân Trường hỏi:

- Tám chữ gì vậy, xin quân sư cứ dạy.

Khổng Minh nói:

- Bắc cự Tào Tháo, đông hòa Tôn Quyền...".

 Thôi, hôm nay dừng ở đây. Tao mệt quá. Mai lại đọc tiếp nhé.

Tiếng gã tử tù từ bên kia vọng sang:

- Anh ạ, mai có thằng ra đi đấy.

- Sao mày biết, ai vậy!

- Em thấy chiều nay ông Vân ra tỉa hoa bắt sâu ở vườn hồng. Hồi xưa, khi em mới bị án 3 năm, được làm tự giác ở trại này, em biết. Ông ấy được giao việc trói phạm vào cọc, bịt mắt, bắn xong lại hạ xác xuống, khâm liệm. Hôm nào thi hành án tử hình là thế nào chiều hôm trước ông ấy cũng ra vườn hồng.

- Mày giỏi thật. Chiều nay tao cũng nghĩ như vậy. Thôi, ngủ đi. Biết đâu sáng mai chẳng đến lượt mày hoặc lượt tao?

Lân ngồi dựa lưng vào tường. Mắt nhìn lên bóng đèn điện đỏ đục trên trần nhà... và nhớ lại.

“Ðời người ta có những khi gặp may đến mức nằm mơ cũng không thấy. Tôi làm trợ lý cho ông Thảo, Trưởng phòng Kinh doanh được 3 tháng thì ông Thảo bị ốm nặng, thế là giám đốc vội vã cho đề bạt tôi làm phó phòng nhưng phụ trách phòng thay ông Thảo. Ông ta làm như vậy cũng là để lập công với bố nuôi tôi và cái ghế ông muốn nhắm tới là Giám đốc Sở Xây dựng của tỉnh.

Một buổi sáng Chủ nhật, ông ta đến nhà bố nuôi tôi..."

***

Ông Hiển đang cho con khướu ăn thì ông Tuấn đi ôtô tới. Ông mang theo một túi quà khá to:

- Em chào anh - Ông Tuấn lễ phép - Ôi, ông anh có con khướu mun đẹp quá. Nó hót thế nào hả anh?

- Sao đến sớm thế. Cậu ôm gói gì to thế kia?

- Thưa anh, em vừa đi công tác ở Trung Quốc về ạ. Có ít thang thuốc cải lão hoàn đồng em cắt ở bên đó mang về biếu anh.

- Làm quái gì có thuốc "cải lão hoàn đồng" trên đời này. Nếu có, các  bậc đế vương khối người đã chả chịu chết trẻ. Cậu vào nhà đi.

- Vâng, cũng là nói cho thêm sắc màu thôi anh ạ.

- Thằng Lân nhà tôi, nó nói câu rất hay: “Thuốc tốt thì chỉ chữa được bệnh chứ không chữa được mệnh”. Càng ngẫm càng thấy đúng. Người ta ai chẳng có số mệnh, khi mệnh đó đã hết thì có thuốc giời.

Nghe chủ tịch nhắc đến Lân, ông Tuấn vội xun xoe:

- Tuổi trẻ bây giờ trí tuệ nó sáng láng, dám nghĩ, dám làm. Cậu Lân về, cứu cả công ty em đấy Chủ tịch ạ.

- Cậu quá lời rồi. Nó là thằng trợ lý... mà trợ lý là gì, anh biết rồi đấy.

- Không anh ơi - Ông Tuấn hào hứng - Chính Lân đã tham mưu cho ông Thảo thắng thầu được hai dự án mở rộng con đường nhánh từ mình sang Sơn La. Mỗi dự án hơn hai chục tỉ. Thế là cả công ty em sống được rồi.

Ông Hiển nghiêm nét mặt:

- Nó mà tham mưu được à? Tôi không gọi đến nóng cả điện thoại cho các anh ở Bộ Giao thông thì cứ ngồi đấy mà chờ?

Tuấn cười nịnh:

- Vâng, chúng em biết là nhờ có bóng anh. Nhưng cũng phải công nhận là cậu Lân năng động, quyết đoán, mà nghĩ ra việc. Một người lo bằng cả kho người làm.

Chủ tịch Hiển thở dài:

- Một thời gian nữa, Chính phủ sẽ có một dự án xóa đói giảm nghèo rất lớn cho ba huyện miền núi của tỉnh ta. Số tiền đầu tư là hơn 500 tỉ đồng. Các anh ấy yêu cầu ta phải chuẩn bị lực lượng để tiếp nhận tiền thực hiện dự án. Vì thế, Sở Xây dựng, Sở Giao thông và nhiều ban, ngành khác phải tăng cường cán bộ giỏi, đủ sức làm việc. Quan điểm của tôi là kiên quyết phát huy nội lực. Cái gì ta làm được, phải gồng mình lên mà làm. Trung ương cứ rót vốn về đây, còn ta thực hiện.

- Quan điểm của anh rất mới. Các ban, ngành khác em chưa rõ, nhưng Sở Xây dựng thì... thì nội bộ hình như có vấn đề.

- "Hình như" gì nữa - Ông Hiển thẳng thắn nói - Nội bộ nát như tương. Suốt ngày nói xấu nhau rồi lại còn xì tài liệu nội bộ cho mấy thằng nhà báo chuyên viết theo kiểu đâm thuê, chém mướn. Hôm nọ, tôi bực quá, khi ông Toán, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh đến xin tiền tổ chức giải bóng bàn, tôi bảo: "Các anh cho nhà báo thi đấu bóng bàn làm gì. Nên tổ chức thi môn thọc gậy bánh xe và ném đá giấu tay".

Ông Tuấn cười lấy lòng:

- Thế thì chắc ông Toán ngượng lắm.

- Sự thật nó là thế. Mấy vụ án công an làm vừa rồi khi điều tra ra đều có bàn tay nhà báo tham gia chạy án. Mà thôi, cậu am hiểu xây dựng, cậu tiến cử cho tôi một người làm Giám đốc Sở được không?

Tuấn ngồi thần mặt rồi mạnh bạo nói:

- Kể ra... kể ra nếu em... em về làm phó cho anh Chung Giám đốc Sở thì cũng hay. Em làm giám đốc công ty đã lâu, phải bươn chải kinh doanh, thấy mình không còn sức bật nữa. Cũng nhân hôm nay, em xin ý kiến anh. Em định xin phép anh cho đề bạt Lân trước mắt làm Phó phòng Kinh doanh nhưng phụ trách phòng vì anh Thảo lại sắp phải đi viện rồi.

- Thế phó phòng cũ đâu mà không đôn lên?

- Thưa anh, có một cô phó phòng nhưng vừa nghỉ đẻ. Vả lại cô ta không biết làm kinh doanh mà chỉ làm công tác tổ chức thôi.

Ông Hiển đứng dậy, đi lại trong phòng một lát rồi nói:

- Việc cơ quan của anh tôi không can thiệp. Nếu thằng Lân có đủ năng lực đủ phẩm chất thì các anh tính, chớ có bắt "đẻ non, đái ép". Còn nếu quyết tâm đề bạt thì cần phải tiến hành theo đúng các thủ tục đã quy định.

- Anh cứ yên tâm. Em sẽ không để anh phải lo lắng đâu.

- Tôi tin ở anh. Lúc nãy anh nói gì nhỉ... à, anh muốn về làm phó giúp việc cho Giám đốc Sở hả. Không được. Không thể giúp việc cho cái tay "nửa ông, nửa thằng" ấy được. Phải làm trưởng, chứ không làm phó.

***

Hai ngày sau, một cuộc họp cán bộ chủ chốt của công ty dưới sự chủ trì của Giám đốc Tuấn được tổ chức để xét đề bạt Trần Hùng Lân.

Phó giám đốc công ty là Duy có vẻ khó chịu:

- Tôi vừa nghe anh Tuấn trình bày ý định đề bạt anh Lân. Ðúng là Phòng Kinh doanh cần cán bộ phụ trách. Nhưng anh Lân... mới về làm được mấy tháng. Mình đề bạt như vậy có vội không? Người ta lại bảo là nịnh con nuôi Chủ tịch. Theo tôi, anh cứ nên cho bỏ phiếu kín. Nếu quá hai phần ba thì ta đề bạt, còn nếu dưới thì cứ để bồi dưỡng thêm. Phòng Kinh doanh nếu thiếu cán bộ, cử một phó giám đốc kiêm trưởng phòng.

- Ðúng đấy, cứ cho bỏ phiếu kín - Một người nói.

- Ðề bạt bây giờ sớm quá.

Thấy ồn ào và mọi người có thái độ không đồng tình, Tuấn lúng túng chưa biết nói thế nào thì Hoàng, Trưởng phòng Kỹ thuật đứng lên phát biểu:

- Tôi đề nghị các anh, các chị nghĩ cho kỹ. Thứ nhất, ai đã kiếm về cho công ty ta hai dự án vừa rồi - anh Lân đấy. Thứ hai, anh Lân là ai? Là con nuôi Chủ tịch tỉnh đấy. Còn vì sao Chủ tịch lại đưa anh ấy về đây mà không để ở Hà Nội thì mọi người phải tự tìm hiểu lấy. Còn chuyện bỏ phiếu tín nhiệm, chúng ta đều là cán bộ, là đảng viên cả, việc gì mà không dám bộc lộ chính kiến của mình. Tôi đề nghị cứ cho biểu quyết giơ tay. Ai dám... ai dám trả thù những người không giơ tay nào?

Ông Tuấn phấn khởi vì có người ủng hộ, tuy nhiên ông ta vẫn khôn khéo:

- Những điều anh Hoàng nói vừa rồi là rất thật lòng. Thôi, nếu các đồng chí băn khoăn thì ta để khi khác bàn. Tôi sẽ tranh thủ thêm ý kiến của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh

Phó giám đốc Duy thấy vậy có ý sợ nên thay đổi:

- Thì ta cứ bàn thêm luôn đi. Tôi thì cũng muốn đề bạt anh ta, bởi lẽ rõ ràng đó là người có năng lực. Chỉ ngại là ta làm nhanh quá, sợ bên ngoài miệng tiếng thôi.

- Cứ sợ mồm thiên hạ thì chỉ còn nước về hưu may ra mới thoát - Hoàng lên tiếng - Theo tôi, cứ cho biểu quyết hôm nay.

Ông Tuấn thấy vậy liền hăng hái:

- Thôi, ta cứ làm luôn cho gọn. Không cần bỏ phiếu, giơ tay là được. Nào, ai đồng ý đề bạt anh Lân thì giơ tay.

Nói xong, ông Tuấn giơ tay rõ cao. Hoàng nhanh nhảu giơ theo và mọi người sau phút ngập ngừng, rụt rè rồi cũng giơ tay, duy có một cô gái có nét mặt cương nghị là ngồi im - đó là Lê Thị Hồng, Trưởng phòng Hành chính - Tài vụ.

Ông Tuấn đếm rồi dõng dạc:

- Như vậy là mười một trên mười hai người dự họp đồng ý. Ðề nghị ta đưa vào biên bản họp rồi làm văn bản xin ý kiến lãnh đạo Sở và Ban Tổ chức chính quyền tỉnh. À, theo tôi, Chi bộ Phòng Kinh doanh cũng nên hướng dẫn cho cậu Lân làm thủ tục kết nạp Ðảng đi. Vừa làm thủ tục, vừa bồi dưỡng. Khi nào chín muồi, ta kết nạp. Có như vậy sau này mới còn đường phấn đấu.

***

Thế là không đầy một tuần sau, Lân được nhận quyết định đề bạt phó phòng và được giao phụ trách phòng vì ông trưởng phòng đi bệnh viện cắt hành tá tràng. Lân và Hoàng nhanh chóng trở thành chiến hữu với nhau. Hoàng tuy là dân làm kỹ thuật, nhưng lại rất mưu mẹo trong việc nhìn người và đấu đá trong nội bộ. Cả Ban Giám đốc, Hoàng không coi ai ra gì, nhưng không hiểu sao Hoàng lại rất nể Lân.

Một lần Hoàng theo Lân đi câu khi ngồi bên cạnh, Hoàng tâm sự:

- Người ta bảo “làm đầy tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại”. Làm việc với mấy ông Ban Giám đốc mới thấy đúng những đồ "bút bi hết mực". Suy nghĩ làm ăn thì toàn quan điểm xưa như trái đất. Cấp trên ho một tiếng thì sợ rúm cả lại... Tôi nói thật với ông, nếu người như ông mà làm giám đốc là anh em được nhờ đấy.

- Ông nói quá rồi. Tôi chưa có kinh nghiệm làm kinh doanh. Mấy hợp đồng vừa rồi cũng là do may mắn mà thôi.

- Tôi ở đây lâu, tôi lạ gì các ông ấy. Cuối năm nay hoặc muộn lắm là đầu sang năm, ông Duy nghỉ hưu, thì ông phải chiến đấu giành cho được cái ghế ông Duy. Tôi xem các gương mặt ở đây, không ai được như ông.

- Ông nghĩ xa quá. Tôi xin vái cả nón. Chẳng đến thứ tôi đâu.

- Ông tưởng tôi nịnh ông, nói đãi bôi à? Nghe nói ông giỏi chữ Nho, đọc sách thánh hiền nhiều, thế mà không biết nắm lấy cơ hội này thì biết bao giờ mới có cơ hội nữa đây?

Nghe Hoàng nói đến hai chữ "cơ hội", Lân bỗng cảm thấy bàng hoàng trong người và ngồi thần ra. Thậm chí khi phao chìm nghỉm, Lân cũng không giật, Hoàng phát hiện ra điều ấy và cười tinh quái:

- Ông nên suy nghĩ nghiêm túc về những điều tôi nói.

Lân thăm dò:

- Tôi nghe nhiều người nói, ông là kỹ sư giỏi nhất ở đây, mà tại sao con đường quan lộ có vẻ gập ghềnh thế.

- Cũng là vì chưa gặp chủ thôi. Nhưng tôi cảm thấy bây giờ thì đã tìm thấy rồi đấy.

Thế là từ đó, Lân với Hoàng gắn bó với nhau và vô cùng tâm đầu ý hợp, đi đâu cũng có nhau. Trong các cuộc họp Lân và Hoàng kẻ tung người hứng và Lân cảm thấy mình đã có quyền lực. Thậm chí có lúc vợ Lân bảo: “Anh và anh Hoàng cứ như phải lòng nhau”.

Hoàng khôn ngoan, ranh ma, rất biết cách chỉ huy công nhân khai khống khối lượng công trình, bớt xén vật liệu và rất giỏi xin bổ sung tiền. Hoàng cũng là người đầu tiên đưa Lân vào con đường ăn chơi vương giả. Nhưng người đầu tiên phát hiện ra chân tướng Hoàng lại chính là vợ Lân.

Mai, vợ Lân là một phụ nữ không đẹp nhưng có duyên. Mai có vóc người đậm, da ngăm đen, mặt tròn thoạt nhìn nom không có nét con gái. Nhưng hễ nói chuyện với Mai, nhìn nụ cười, ánh mắt thì mới thấy đúng là cái duyên trời cho đã lặn vào trong. Mai là cô giáo dạy văn và cũng nổi tiếng là cô giáo dạy văn giỏi ở một trường trung học phổ thông.

Lân và Mai lấy nhau hoàn toàn do gia đình gả bán. Bố Mai và bố Lân đều là học trò của ông giáo Hàn ngày xưa. Và một hôm đến chơi, thấy bố Lân ngỏ ý muốn tìm vợ cho Lân với mục đích là thêm người đỡ đần việc nhà và cũng là để quản lý Lân, thì ông bèn gả luôn con gái cho Lân. "Con gái em xấu người những đẹp nết. Bác cứ tin em đi. Vả lại, vợ chồng lấy nhau sống trong bốn bức tường, có ai đem vợ ra đường mà khoe đâu?" - Ông nói với bố Lân như vậy.

Chỉ sau một lần xem mặt, bố Lân ưng Mai ngay và bắt Lân phải cưới. Lúc đầu, tôi cũng khó chịu nhưng khi cưới về thì lại thấy vợ chồng hợp nhau. Mai chăm lo việc nhà, khéo cư xử, lại là người đọc sách nhiều vì thế rất được bố chồng yêu quý. Lân cũng thực sự nể vợ bởi lẽ cảm thấy trí tuệ và sự hiểu biết của vợ hơn hẳn mình. Lấy nhau được một năm thì vợ Lân sinh bé gái đặt tên là Hương Ly. Nhưng phải bảy năm sau, vợ chồng Lân mới sinh thêm 2 cậu con trai. Khi bố mẹ Lân lần lượt qua đời trong có bốn năm, việc nhà, việc họ dồn hết lên vai vợ Lân. Và từ khi Lân được làm ở Công ty Hoa Ban Trắng rồi được đề bạt thì cuộc sống gia đình đã bắt đầu có xáo trộn. Lân sống sang trọng hơn, đi đêm về hôm nhiều hơn, rượu chè nhiều hơn và qua những cuộc điện thoại, những cuộc gặp gỡ bạn bè, Lân đã biết bàn mưu tính kế nhiều hơn. Vợ Lân cảm thấy một nỗi lo lắng đầu tiên còn mơ hồ nhưng sau đã dần dần ăn vào tiềm thức.

Lần đó, Lân và Hoàng lên Hà Nội, vào một quán karaoke, xem con gái múa thoát y vũ. Sau đó Lân và Hoàng đã có một đêm hành lạc đến quên cả trời đất... chiếc áo sơmi của Lân choe choét vết son môi...

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong