Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 6)

07:00 | 03/08/2014

8,329 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ðời nó sẽ gặp những dịp may bất ngờ và rồi cũng bị họa vì những cái may đó. Tôi cố dạy cháu chữ Hán, dạy nó xem bói để sau này có cái nghề mà sống. Thằng này càng làm to, càng giàu có thì họa càng lớn.

Năng lượng Mới số 343

>> Bí mật những cuộc đời (Kỳ 5)

Lúc nghỉ, Lân lườm Vũ:

- Sau này mày sướng hay tao sướng.

- Tao không biết. Nhưng bây giờ mày sướng vì mày có bố giỏi, dạy mày học. Bố tao quanh năm suốt tháng đi buôn bè.

- Dưng mà bố mày có tiền. Buôn bè giàu lắm.

- Tao chả biết bố tao giàu bao nhiêu, nhưng tao thích bố tao ở nhà.

- Bố tao lắm chữ nhưng không có tiền. Bố mày ít chữ lại lắm tiền. Tao thấy chữ có ăn được đâu.

- Thế sao hôm qua thầy dạy “Hữu thư chân phú quý”.

- Xì, nhiều chữ như ông Nguyên ở xóm Ðông là cùng chứ gì? Ông ấy là nhà văn,  viết năm, sáu quyển sách dày cộp, thế mà quanh năm vác rá đi vay gạo. Tao thấy chỉ có nhiều tiền là sướng. Theo mày, thế nào là sướng.

- Thầy dạy rồi “Tri túc thường lạc”, biết đủ là vui sướng.

- Mày đúng là con mọt chữ. Nhưng mà học dốt như mày, chữ viết xấu như mày. Sau này không kiếm nổi miếng cơm mà ăn đâu.

Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 6)

 

Vũ nghe Lân nói mà thấy ấm ức.

Một hôm, bố Vũ mang gạo đến biếu ông giáo Hàn sau một chuyến đi buôn bè từ Tuyên Quang về:

- Em mua được ít gạo nếp nương ở mạn ngược, giấu mãi mới thoát được về đến đây. Biếu thầy dăm cân để ăn tết.

- Cảm ơn anh!

- Thằng Vũ nhà  em học hành thế nào hả thầy.

- Nó học chậm nhưng có tư chất.

- Em nghe nói cháu Lân nhà thầy học giỏi và viết chữ đẹp lắm.

- Nó học nhanh nhưng học trước, quên sau. Ở trường các thầy cô cũng kêu nó như vậy.

- Tử vi của cháu sau này có khá không?

- Ðời nó sẽ gặp những dịp may bất ngờ và rồi cũng bị họa vì những cái may đó. Tôi cố dạy cháu chữ Hán, dạy nó xem bói để sau này có cái nghề mà sống. Thằng này càng làm to, càng giàu có thì họa càng lớn.

Nhưng rồi Vũ chỉ học chữ Hán với Lân được hơn một năm thì phải bỏ vì trường phổ thông phản đối cách dạy học của ông giáo Hàn và cho là nhồi nhét vào đầu trẻ em tư tưởng phong kiến.

***

Một buổi, Vũ và Lân đang học thì có mấy ông cán bộ của Phòng Giáo dục thị xã và một nhân viên công an áo vàng đến.

Ông Trưởng phòng Giáo dục thị xã nói đanh thép:

- Chúng tôi được bà con phản ánh là ông bắt con mình và cháu Vũ học  những tư tưởng bại hoại, lạc hậu của chế độ phong kiến. Hôm nay mới được tận mắt nhìn thấy.

Ông giáo Hàn nhìn người trưởng phòng  bằng con mắt khinh bỉ. Ông nói mỉa mai:

- Ngày xưa, tôi đã từng là người dạy chữ cho anh. Nhờ chữ của tôi mà nay anh lên quan lên chức và có lẽ là nhờ những tư tưởng phong kiến ấy mà anh nên người đấy. Tôi dạy chữ Hán cho con tôi, cháu tôi thì việc gì đến chính quyền.

Anh Trưởng phòng ngượng ngùng:

- Tình thầy trò thì để lúc khác. Còn bây giờ là việc của chính quyền. Ông dạy cho con cháu ông nhưng ông phải hiểu con cháu ông là công dân của Nhà nước. Chúng đã được nhà trường dạy dỗ.

Anh công an nói:

- Chúng tôi được lệnh cấp trên mời ông ra đồn công an thị xã làm việc. Còn bây giờ, đề nghị ông từ nay không được mở lớp dạy chữ Hán tại nhà nữa.

Nói rồi cả đám người lại kéo nhau đi. Khi họ khuất ngoài ngõ, ông giáo Hàn xoa đầu Vũ:

- Thôi con ạ, thầy không được dạy con nữa rồi. Con về đi. Những điều thầy dạy, con nhớ điều gì nhất.

Vũ khoanh tay, nước mắt rơi lã chã:

- Con nhớ... Con nhớ Khổng Tử... con nhớ thầy dạy là khi chăm sóc cha mẹ phải luôn vui vẻ, như thế là có hiếu.

Ông giáo Hàn cười buồn:

- Thế là được. Con nhớ một điều ấy là được rồi.

***

Hôm sau, ông giáo Hàn lên đồn công an thị xã từ đầu giờ sáng. Và đâu chỉ có công an làm việc với ông mà có cả đại diện Phòng Giáo dục; Sở Văn hóa Thông tin... Họ đã thay nhau lên án ông giáo Hàn.

Anh Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính thị xã nói gay gắt:

- Chính quyền cách mạng phấn đấu bao nhiêu năm gian khổ, bao nhiều người hy sinh cũng chỉ vì nhằm xóa bỏ cái chế độ phong kiến lạc hậu. Mà Nho giáo là đại diện tiêu biểu cho phong kiến. Vậy mà ông Hàn lại công khai dạy “Tam tự kinh” cho bọn trẻ. Ðành rằng đó là con ông, còn cháu Vũ là người được họ nhờ ông. Nhưng ông phải biết rằng, hai cháu đó là công dân tương lai của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ông Hàn hơi cúi đầu, ngồi lặng im.

Anh Trưởng phòng Giáo dục cao giọng:

- Chúng tôi đã hỏi thầy cô giáo ở trường cấp I, cháu Lân và cháu Vũ học sút kém hẳn. Ðặc biệt là cháu Lân hay xuyên tạc những bài hát cách mạng. Ðã vậy, cháu lại cậy là mình giỏi chữ Trung Quốc hơn các bạn cho nên không chịu học hát. Bài gì nhỉ... à bài "tung pháng hùng" ... tức là bài  "Ðông phương hồng" ca ngợi Mao Chủ tịch.

Anh công an thị xã, vẫn đeo xà cột ngang người, phát biểu với giọng rất quan trọng:

- Kính thưa đồng chí Phó chủ tịch thị xã, thưa các đồng chí. Theo cấp trên cho biết, sắp tới, rất nhiều khả năng đế quốc Mỹ sẽ dùng không quân đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Thậm chí ta đã phát giác ra những kế hoạch của chúng là cho quân đổ bộ lên khu vực Vĩnh Linh, lấy đó làm bàn đạp tấn công vào hậu phương lớn, ngăn cản sức chi viện cho tiền tuyến lớn. Chính vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị đối phó một cách chủ động, tích cực. Và một trong nhiều biện pháp là chúng ta phải đồng lòng, nhất trí, phải vững mạnh về tư tưởng, không được giao động. Cách dạy dỗ trẻ con như của ông Hàn đây là mang nặng tư tưởng phong kiến, thiếu tinh thần lạc quan cách mạng... Một số bài thơ của ông vừa in trên Báo Văn nghệ đã thể hiện thái độ hoài nghi vào chế độ mới. Ðây, tôi đã chép được ba bài, lát nữa đồng chí Phó chủ tịch nghiên cứu thêm.

Anh Trưởng phòng Giáo dục đế thêm vào:

- Bài thơ "Mưa đầu hè" của ông Hàn lại có những câu tăm tối đến thế này: "Mưa rơi rơi mãi rơi hoài/ Mờ trời, mờ đất, mờ người đợi nhau". Chết thật thôi, giữa lúc cả nước đang sôi nổi thi đua thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ hai, vậy mà lại có những câu thơ lạc lõng đến thế, biểu tượng hai mặt thâm đến thế.

Mọi người nhìn ông Hàn bằng ánh mắt căm phẫn.

Ông Hàn vẫn ngồi bất động.

Cho đến lúc mặt trời đứng bóng thì ông được về.

Ông đi lảo đảo trên đường và khi về đến nhà, ông nằm vật ra. Bà giáo Hàn bê mâm cơm đến:

- Thầy thằng Lân dậy xơi cơm. Hôm nay họ bảo ông việc gì mà lâu thế. Tôi ở nhà cứ lo lo là...?

Ông giáo Hàn ngồi dậy, mở lồng bàn. Bữa cơm đạm bạc có rau muống luộc, mấy quả cà, đĩa vừng, một bìa đậu phụ luộc. Bà giáo mở  vung nồi cơm. Nồi cơm toàn những lát khoai khô cõng hạt cơm. Bà nhìn ông như có lỗi:

- Mai mới đến hạn đong gạo của tổ nhà mình...

Ông cười buồn:

- Có cơm độn khoai ăn là tốt rồi. Tôi sợ mấy ngày nữa còn không có mà ăn. Mình chạy ngay về quê, nói với các cậu cho mượn một sào đất... Hôm nọ các cậu hứa rồi. Phải về trồng thêm ngô khoai mà ăn thôi.

- Sao thầy nó nói lạ thế? Có chuyện gì với chính quyền à?

- Hôm nay họ quy tôi là phản động, là cố tình truyền bá tư tưởng hủ bại của Nho giáo. Họ lại lấy ba bài thơ tôi đã in ở Báo Văn nghệ hồi nọ ra phê phán và bảo đó là biểu tượng hai mặt, là chống Ðảng. Rồi họ bắt tôi viết bản tự kiểm điểm, tôi không chịu... Chắc thế nào họ cũng bắt tôi thôi. Ông Nguyên, nhà văn ở xóm Ðông cũng bị quy là chống đối  và đưa đi cải tạo rồi.

***

Ba ngày hôm sau, một buổi trưa, ông giáo Hàn đang ngủ thì công an, dân quân thị trấn và cán bộ thị xã đến. Họ đọc lệnh bắt ông Hàn đi tập trung cải tạo. Một nhân viên công an mặc áo vàng, đeo xà cột,  dõng dạc:

- Mời ông Hàn đứng dậy nghe lệnh của Chủ tịch Ủy ban Hành chính thị xã.

Ông giáo Hàn đứng dựa lưng vào cột nhà, nét mặt lạnh lùng, chấp nhận. Bà giáo Hàn đứng góc nhà sợ run bần bật. Lân và ba đứa em cùng với Vũ đứng ngoài sân sợ hãi dòm vào.

Anh công an đọc tiếp:

- Mặc dù đã được chính quyền nhiều lần giáo dục, được bà con ở khu phố góp ý, giúp đỡ, nhưng ông Hàn vẫn không chịu từ bỏ những tư tưởng cũ kỹ, lạc hậu mà còn mở lớp dạy học trái với quy định của chính phủ. Không những thế, ông Hàn còn bí mật lưu giữ và truyền bá những văn hóa phẩm độc hại.

Vì những lẽ trên, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thị xã Hòa Phương quyết định đưa ông Hàn đi trường giáo dục cải tạo. Thời gian là 18 tháng.

Nghe đến thế, bà giáo Hàn run lên, lao vào ôm lấy ông Hàn:

- Giời ơi là giời. Nhà tôi dạy học chứ làm gì nên tội mà bắt nhà tôi đi tù.

Ông Hàn trừng mắt lên hỏi:

- Tôi lưu giữ và truyền bá văn hóa phẩm độc hại nào?

Anh cán bộ của Sở Văn hóa cười nhạt:

- Ông không phải thắc mắc. Tôi hỏi ông: Ông đã mang các quyển Nhân văn giai phẩm Mùa xuân cho ai? Ông đã đưa sách chữ Hán truyền bá tư tưởng Nho giáo cho ai? Ông cứ vào trại cải tạo rồi cán bộ sẽ cho ông xem những chứng cứ đó. Ai còn gửi cho ông tài liệu tiếng Pháp, ông biết chứ.

- Ðó là tập thơ của Pháp do một ông nhà thơ gửi cho tôi để  dịch.

- Ðó là thơ của bọn thực dân, ông nghe chưa?

Ông Hàn hiểu ra, gật gù cười đau khổ:

- À ra thế. Vậy thì tôi phải đi cải tạo là đáng rồi - Nói xong, ông quay về phía bà giáo Hàn:

- Mình đừng khóc. Tôi đi ít ngày rồi về thôi mà. Biết đâu vào trại chả học thêm được nghề nào đó.

- Tất nhiên rồi. Lao động sẽ giúp ông gột rửa được những tư tưởng cũ kỹ trong cái đầu của ông - Một anh cán bộ nói cắt ngang với giọng trịch thượng.

Khi họ dẫn ông Hàn ra, Lân nhìn mọi người bằng con mắt nảy lửa. Ông giáo Hàn thấy ánh mắt của con, ông hơi rùng mình. Ông nói với anh công an:

- Xin anh cho tôi vài phút. Tôi muốn viết lại cho nhà tôi và các cháu một chữ. Một chữ thôi.

Anh công an gật đầu:

- Ông viết nhanh lên nhé.

Ông giáo Hàn quay rất nhanh vào nhà. Ông lấy bút lông thấm mực trong nghiên rồi vung bút viết lên tường vôi trắng trong nhà chữ "Nhẫn" to tướng. Ông ghi ngày tháng ở dưới rồi dặn bà giáo Hàn:

- Tôi đi rồi, mình hãy dạy các con và thằng cháu Vũ chữ  "Nhẫn" này nhé.

***

Hôm sau, Vũ và Lân ngồi viết chữ "Nhẫn" trong vở tập viết. Chờ mỗi đứa viết xong một trang, bà giáo Hàn giảng giải:

- Các con có hiểu chữ nhẫn này không?

Lân láu táu:

- Nhẫn là nhẫn nại, chịu nhịn nhục ạ.

- Thế còn thằng Vũ, chữ nhẫn này là thế nào? - Bà giáo hỏi Vũ.

- Thưa bác, chữ nhẫn gồm hai chữ "đao" và "tâm" gộp lại. Bộ "đao" ở trên bộ "tâm" ở dưới. Quả tim mà bị dao đâm vào thì đau đớn lắm, nhưng phải chịu đựng ạ.

Bà giáo Hàn hơi cười hài lòng:

- Ðấy mới là hiểu chữ con ạ - Bà nói với Lân như thế rồi bảo:

- Bây giờ mỗi đứa viết ra những suy nghĩ về chuyện ông giáo bị bắt hôm qua. Lấy chữ "Nhẫn" mà bình.

***

Hình ảnh ông giáo Hàn bị bắt đưa đi tập trung cải tạo đã ám ảnh Vũ suốt nhiều năm và cho đến giờ, mỗi khi phải ký lệnh bắt ai, Vũ lại nhớ tới thầy giáo Hàn và tự nhủ lòng mình: Hãy thương người ta như thương thân mình. Cũng vì sự ám ảnh đó mà từ khi còn nhỏ Vũ ghét cay ghét đắng những người công an. Thế rồi sau khi ông giáo Hàn bị bắt đưa đi cải tạo nửa tháng thì một  hôm, ông bác họ của tôi là một cán bộ công an nghe nói làm rất to ở Hà Nội, đi xe com-măng-ca về chơi.

Chiếc xe com-măng-ca chạy từ từ trên con đường làng.

Bọn trẻ con nhảy cẫng lên chạy theo xe và hò hét:

- Ôtô về! Ôtô về!

Xe dừng trước ngõ vào nhà ông Hàn, từ trên xe, một người cán bộ công an cao lớn, xách cặp da và đeo súng ngắn oai vệ bước xuống. Bà mẹ Vũ đang băm bèo cho lợn thấy ông, vội buông dao:

- Ôi, bác Tâm! Sao nhà em bảo bác đi B rồi.

- Tôi đã có tên được cử đi, nhưng chưa biết bao giờ. Chú ấy đâu?

- Nhà em mang tre ra trận địa tên lửa để ủng hộ cho bộ đội làm hầm. Sắp về rồi bác ạ.

- Thế là tốt. Bọn Mỹ đánh phá ngày càng ác liệt. Chú thím nhớ phải làm hầm cho cẩn thận. Làm một cái hầm chữ A ngoài vườn, rồi đào dưới bộ phản này cái nữa. Ban ngày thì chạy ra hầm chữ A, ban đêm thì chui ngay xuống phản.

- Hầm chữ A nhà em làm rồi. Bác ngồi chơi, em đi làm cơm ù một tý là xong thôi.

Ông Tâm xua tay:

- Không, thím đừng làm cơm. Tôi có chút quà cho chú thím - Nói rồi ông đỡ lấy cái túi từ tay người lái xe và bày lên bàn - Tôi cho thằng cháu Vũ năm thếp giấy để làm vở viết, cho chú ấy hai bao thuốc, và cho thím hai hộp thịt này. Còn đây, tôi mang biếu thầy giáo Hàn.

Bà mẹ Vũ ngơ ngác:

- Bác chưa biết gì à?

- Biết cái gì! Sao?

- Thầy giáo Hàn bị đưa đi cải tạo lao động rồi.

Ông Tâm ngơ ngác:

- Thầy Hàn làm gì mà phải đưa đi cải tạo?

- Em chỉ biết là họ bảo vì thầy dạy chữ Nho thằng Vũ nhà em và cho thằng Lân rồi thầy cho ai đó mượn sách... mượn sách giai phẩm gì đó.

- Ði lâu chưa?

- Ðược nửa tháng rồi.

 Ông Tâm thở dài rồi bảo:

- Tôi nhờ thím mang những thứ này cho bà giáo Hàn. Thím đừng nói gì cả nhé. Tôi sẽ tìm hiểu sớm chuyện này. Thôi, tôi đi đây.

Ông nhìn thấy Vũ đang đứng ở gốc cau liền hỏi:

- Cháu Vũ đấy à, bác mang vở viết cho cháu đấy. Học giỏi nhé, lớn lên bác cho đi làm công an bắt gián điệp.

Vũ phản ứng ngay:

- Cháu không thèm làm công an! Công an ác lắm.

Bà mẹ Vũ mắng át đi:

- Vũ, không được nói hỗn.

Ông Tâm kéo Vũ vào lòng:

- Sao cháu lại bảo công an ác. Các chú công an làm gì cháu nào?

Bà mẹ Vũ đỡ lời:

- Bác đừng để bụng. Ngày trước nó mê công an lắm, chỉ thích làm công an đi bắt gián điệp, nhưng từ hôm nó nhìn thấy công an đến bắt thầy Hàn thì nó ghét công an lắm.

Ông Tâm cười khẽ lắc đầu:

- Trẻ con bây giờ ghê thế đấy! Ðừng bảo là chúng nó không biết gì nhé.

Ông nói tiếp:

- Cháu đi ôtô với bác lên đồn công an. Bác cháu mình cùng nghe xem vì sao thầy Hàn của bác và của cháu bị bắt nhé.

Vũ trố mắt:

- Bác là học trò thầy Hàn.

- Ừ, thầy Hàn nuôi bác hồi xưa và dạy bác chữ đấy.

Ông Tâm đưa Vũ lên đồn công an thị xã. Các cán bộ công an thấy ông vội đứng dậy giơ tay chào. Anh trưởng đồn công an thị xã mời ông Tâm:

- Thủ trưởng mới về ạ.

- Tôi đi công tác qua, nhân thể tạt vào thăm thầy giáo Hàn. Nhưng lại nghe nói là thầy đã đi cải tạo tập trung.

Anh trưởng đồn tái mặt:

- Báo cáo thủ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thị xã duyệt ạ. Mới đi được nửa tháng rồi.

- Thầy Hàn là cơ sở bí mật của tôi trong kháng chiến chống Pháp. Gia đình nhà thầy đã nuôi giấu tôi, thầy còn dạy chữ cho tôi. Thầy còn nuôi giấu cả đồng chí Bí thư tỉnh ủy nữa đấy. Công lao của thầy rất lớn. Tôi không thể tin được một người như thầy Hàn mà lại có tư tưởng chống Ðảng. Tôi có lỗi là chưa kịp báo cáo làm các chế độ khen thưởng cho thầy. Ðồng chí đưa tôi xem hồ sơ duyệt tập trung cải tạo thầy Hàn.

Anh trưởng đồn gọi một sĩ quan cấp hàm thiếu úy tới:

- Ðồng chí lấy hồ sơ của ông... à, của thầy giáo Hàn ra cho thủ trưởng Tâm xem.

Thiếu úy vội chạy đi, mấy phút sau đem một cặp hồ sơ dày đến và đưa cho ông Tâm. Ông đeo kính chăm chú xem một lát rồi đập bàn:

- Có thế này mà các đồng chí nỡ đem người ta đi tập trung cải tạo. Dạy trẻ con chữ Nho, dạy quan điểm đạo đức của Khổng Tử cho chúng là có tội à? Cho mượn mấy quyển Nhân văn giai phẩm là có tội à? Giữ trong nhà sách của Khổng Tử là có tội à? Thế còn đây... đây là quyển gì đồng chí biết không? - Ông gí vào mặt anh trưởng đồn một quyển sách mỏng bên ngoài có chữ Hán - Quyển gì anh biết không?

- Thưa... thưa thủ trưởng, tôi chưa rõ ạ!

- Ðây là tập thơ Nhật ký trong tù của Bác Hồ bằng nguyên bản chữ Hán đấy. Lại còn đây nữa. Ðây là những cuốn vở thầy Hàn chép lại những bài thơ của Bác và tự viết lời bình. Sao, cũng là tài liệu phản động à.

Ông trì chiết:

- Các đồng chí làm thế này thì dân biết trông cậy vào ai? Các đồng chí phải coi mỗi người dân là một phần máu thịt của mình chứ. Bắt họ, xử họ nếu họ phạm tội là cần thiết, nhưng phải biết đau nỗi đau nhân tình chứ. Nếu cha mẹ, họ hàng đồng chí mà có người bị bắt đưa đi cải tạo vì những lý do này, vì sự dốt nát này thì đồng chí nghĩ sao?

- Bác cáo thủ trưởng... báo cáo thủ trưởng, tôi xin lỗi!

- May mà các đồng chí chưa, tống người ta vào tù đấy. Chiều hôm nay, đồng chí cho chuyển toàn bộ hồ sơ của thầy giáo Hàn lên Cục Chấp pháp của Bộ. Ðồng chí rõ chưa?

- Báo cáo thủ trưởng, rõ!

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong