Bí ẩn về tàu Noah vượt đại hồng thủy

09:48 | 08/01/2018

1,246 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
108 nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới mới đây đã tham dự một hội thảo khoa học quốc tế kéo dài 3 ngày. Nội dung hội thảo xoay quanh núi Ararat và con tàu Noah ở Ağrı, Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm xác định vị trí cuối cùng của con tàu đã đi vào huyền thoại, theo tờ Express.

Con tàu xuất hiện trong Kinh Thánh

Trong khuôn khổ hội thảo, Giáo sư Paul Esperante, nhà nghiên cứu đến từ Mỹ nói: “Mục đích của tôi là ghé thăm những địa điểm quanh ngọn núi Ararat, để tìm kiếm manh mối về một thảm họa trong quá khứ”.

Giáo sư Oktay Belli thuộc Đại học Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ còn khẳng định: “Tàu Noah vượt đại hồng thủy là câu chuyện hoàn toàn có thật, đã được đề cập trong Kinh Thánh”. (Theo Kinh Thánh, con tàu Noah đã bảo vệ Noah cùng gia đình ông và các loài động vật trên trái đất trong trận đại hồng thủy tiêu diệt phần lớn nhân loại. Nhiều người theo Cơ đốc giáo tin rằng, sau trận lụt kinh hoàng, tàu Noah đã dạt về núi Ararat và bị chôn vùi bên dưới lớp tuyết và tro bụi núi lửa).

bi an ve tau noah vuot dai hong thuy

Di chỉ tàu Noah ở dãy núi Ararat, gần biên giới Iran - Thổ Nhĩ Kỳ

Trước đó, tháng 4-2010, một nhóm nghiên cứu Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành tìm kiếm tàn tích của con tàu Noah. Sau vài tuần, họ tuyên bố đã tìm thấy những mẩu gỗ từ một cấu trúc dạng tàu bị vùi sâu dưới tuyết, ở độ cao 4.000m trên núi Ararat. Đây là đỉnh núi cao nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ với độ cao hơn 5.100m.

Nhóm thám hiểm cho hay, họ đã thực hiện xác định niên đại mẫu vật bằng phóng xạ carbon và kết luận mẫu vật có niên đại 4.800 năm tuổi, cùng thời kỳ tàu Noah ra đời. Ngoài ra, con tàu “huyền thoại” được cho là dài 157m, rộng 26m và cao 16m. Yeung Wing-cheung, thành viên đoàn thám hiểm nói: “Chúng tôi nghĩ 99% đó chính là con tàu Noah”.

Song Nicholas Purcell, giảng viên Lịch sử cổ đại thuộc Đại học Oxford, Anh lại cho rằng, những tuyên bố về việc phát hiện tàu Noah là vô nghĩa: “Nếu nước lụt bao phủ đại lục Á - Âu dưới độ sâu 3.700m, những xã hội phức tạp như Ai Cập và Lưỡng Hà sẽ tồn tại như thế nào?”. Đồng quan điểm, Tiến sĩ Andrew Snelling thuộc Đại học Sydney nhận định, núi Ararat ở Thổ Nhĩ Kỳ không thể là nơi lưu giữ xác con tàu, vì ngọn núi được hình thành sau khi nước lụt rút đi.

Đi tìm dấu vết con tàu huyền thoại

Kể từ thời cổ đại, con người đã tìm kiếm hết đỉnh núi này đến đỉnh núi khác, nhằm tìm ra nơi tàu Noah trong truyền thuyết neo đậu. Nhiều đoàn thám hiểm đã lên đường tìm kiếm tàn tích của con tàu. Họ chọn vô số các dãy núi để thám hiểm ở vùng Cận Đông. Một trong số này là Pir Omar Gudrun, thời xưa gọi là núi Nisir, nằm gần Kirkuk ở Iraq, phía đông quê hương của người Assyria cổ ở dãy Zagros.

bi an ve tau noah vuot dai hong thuy

Các nhà thám hiểm tuyên bố tìm thấy con tàu Noah trên ngọn núi Ararat của Thổ Nhĩ Kỳ

Tuy nhiên, phải tới khi nhà nhiếp ảnh gia Ron Wyatt công bố bức ảnh một mỏm núi hóa thạch giống hình tàu Noah vào ngày 5-9-1960 trên Tạp chí LIFE thì nó mới được mọi người thực sự chú ý đến. Đây có thể coi là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất về con tàu. Năm 1977, chính Ron Wyatt cùng một đoàn thám hiểm lên đỉnh Ararat và khẳng định nơi chụp bức ảnh chính là nơi tàu Noah đang nằm lại.

Sau Ron Wyatt, còn rất nhiều nhà thám hiểm tới nơi đây truy tìm dấu vết của con tàu huyền thoại, nhưng đều không thu được kết quả.

Truyền thuyết về con tàu cứu thế

Chuyện kể rằng, vào một ngày khi phải chứng kiến những tội ác mà con người gây ra, Thượng đế cảm thấy hết sức tức giận và hối hận vì đã tạo ra loài người. Ngài quyết định tạo nên một cơn đại hồng thủy để quét sạch những mầm mống của tội ác.

Lúc bấy giờ, trên mặt đất, có một người tên là Noah với lòng dạ ngay thẳng nên Thượng đế không nỡ giết hại và đã báo mộng cho ông biết ý định của mình. Người khuyên bảo Noah đóng sẵn một con tàu thật lớn để có thể chứa được tất cả những người thân cùng các loài động vật, nhưng mỗi loài chỉ được mang theo 1 cặp.

Nghe lời Thượng đế, Noah đã đóng một con tàu khổng lồ, dài 360m, rộng 23m, cao 13,6m, được chia làm 3 tầng rồi đưa tất cả các loại động vật lên đó. Ngay khi tàu vừa đóng xong cũng là lúc cơn đại hồng thủy ập đến. Nguồn nước từ vực sâu nứt ra, tràn ngập khắp nơi, một cơn mưa lớn và dữ dội kéo dài suốt 40 ngày đêm. Thượng đế đã hoàn thành việc trừng phạt loài người, mọi tội ác cùng với sự sống bị tiêu diệt, ngoại trừ Noah và gia tộc của mình.

Sau 150 ngày, nước bắt đầu rút, Noah trôi dạt trong làn nước mênh mông đã mắc vào đỉnh núi Ararat (ở khu vực phía đông Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, nơi tiếp giáp giữa Armenia và Iran).

Trần Quân