“Bêu” tên cũng là một hình thức giáo dục, răn đe!

18:30 | 25/03/2017

511 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Vi phạm trật tự đô thị đang là vấn đề nóng, vì một xã hội văn minh thì cần có sự chung tay của tất cả mọi người. Những cách thức, biện pháp đưa ra nếu không vi phạm luật và nằm trong thẩm quyền thì nên ủng hộ”.

Mới đây, thành phố Hà Nội đã chính thức ban hành những quy tắc ứng xử nơi công cộng áp dụng với người dân trên địa bàn Thủ đô. Ngoài những quy tắc chung và quy tắc áp dụng tại các địa điểm công cộng, Thành phố Hà Nội cũng quy định:

“Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại quy tắc ứng xử này, tùy mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng...”. Sau khi ban hành, quy định này đã vấp phải sự phản đối của dư luận, nhiều ý kiến cho rằng việc “bêu” tên người vi phạm trên báo, đài đã đi ngược với những gì thuộc về quyền riêng tư của con người.

beu ten cung la mot hinh thuc giao duc ran de
Luật sư Hoàng Văn Hướng

Xoay quanh quy định này, PetroTimes đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hoàng Văn Hướng (Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) để làm rõ vấn đề ở góc độ pháp lý.

Luật sư Hoàng Văn Hướng nêu quan điểm, vấn đề trật tự xã hội đang là vấn đề nóng, vì một xã hội văn minh thì cần có sự chung tay của tất cả mọi người, nên những cách thức, biện pháp đưa ra nếu không vi phạm luật, nằm trong thầm quyền thì nên ủng hộ.

Cũng theo luật sư Hướng, về mặt chế tài có hai hình thức xử phạt là hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Các cơ quan có thẩm quyền được phép bổ sung hình phạt và “bêu” tên cũng có thể coi là một hình thức xử phạt bổ sung.

Trên cơ sở đó luật sư Hướng cho rằng, trong lĩnh vực trật tự đô thị, những hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến môi trường chung thì phải bị xử lý. “Cấm hút thuốc nơi công cộng mà người dân vẫn vi phạm là không được vì ảnh hưởng đến người khác. Thậm chí, nhiều quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc họ còn mạnh tay hơn mình, ở vấn đề xử phạt người vi phạm tôi cho rằng cần phải làm mạnh” - luật sư Hướng nói.

Trên tinh thần xây dựng, vị luật sư này nhận định mục đích của việc xử phạt là để giáo dục và răn đe và cần được người dân ủng hộ.

Trước đó, chia sẻ với PetroTimes về vấn đề này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình khẳng định việc công khai tên người vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng là đi ngược với những gì thuộc về quyền riêng tư của con người: “Tôi cho rằng những vi phạm chỉ nên nhắc nhở chung và không nên nhắc đến tên từng người thì tốt hơn. Đối với những trường hợp vi phạm nhiều lần và đã nhắc nhở thì mới cần chế tài xử phạt cao hơn” - PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia xã hội học cũng nhận định bộ quy tắc của thành phố Hà Nội không có tính khả thi cao. Để những quy tắc ứng xử có hiệu quả thì không có cách nào khác là các cơ quan chức năng Hà Nội phải tuyên truyền và giáo dục cho các tầng lớp dân cư ở từng khu vực hiểu và chấp hành.

Xuân Hinh - Quang Thịnh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc