'Bệnh viện' của... tiền? (Kỳ 2)

07:05 | 30/12/2015

2,399 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một nguyên nhân nữa khiến nhiều doanh nghiệp chết oan, đó chính là lỗi từ cơ chế, chính sách… 
'Bệnh viện' của... tiền? (Kỳ 1)

Tỷ dụ như mấy năm rồi, khi thị trường bất động sản phát triển nóng, thậm chí ảo… Thế là lập tức ra lệnh cấm hoặc hạn chế lĩnh vực bất động sản. Thậm chí coi đó như tội đồ nhưng có biết rằng, kèm theo bất động sản là hàng chục ngành sống theo như xi măng, gạch ngói, sắt thép, nhựa… Rồi để thắt chặt cho vay bất động sản, cả xã hội xúm vào “tẩn ông bất động sản” lên bờ xuống ruộng, mà bất cần biết ai xấu, ai tốt.

Nếu như cách đây gần chục năm, được vào làm ngân hàng, đó là ước mơ như lên… cung trăng của rất nhiều người. Người ta bảo rằng, vào được ngân hàng là “ngồi mát ăn bát vàng”, nhưng bây giờ thì khác rồi đấy. Cán bộ làm tín dụng thì nơm nớp sợ tù, sợ gây nợ xấu và không ít cán bộ ngân hàng đương nhiệm ngày hôm nay thì phải lo xử lý hậu quả từ các thế hệ trước để lại. Áp lực bây giờ đè lên vai cán bộ ngân hàng cực nặng. Mà giờ lại nhiều chính sách xem ra ngày càng cởi mở, như vay nợ không cần thế chấp, rồi đòi hỏi phải tạo thông thoáng cho doanh nghiệp đến vay tiền.

benh vien cua tien ky 2
Phòng Tài chính Kế toán của VAMC

Khổ lắm. Ai chẳng muốn cho doanh nghiệp vay tiền. Không cho vay được thì ôm cục tiền người dân gửi để làm của nợ à. Ngày xưa các cụ đã có câu, “tiền trong nhà tiền chửa, tiền ra ngoài cửa tiền đẻ”. Nhưng nếu như cho vay bây giờ mà lại xảy ra nợ xấu thì chết. Thôi cứ phải xiết chặt cho an toàn, trước hết phải lo thân mình đã. Tâm lý cán bộ tín dụng ngân hàng bây giờ là thế.

Vậy tại sao phải giải quyết nợ xấu bằng cách thành lập VAMC?

Vấn đề là, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, cộng với một thời gian dài tăng trưởng nóng cả về sản suất kinh doanh cũng như tín dụng, dẫn tới nợ xấu tại các tổ chức tín dụng ngày có chiều hướng gia tăng mà bản thân các tổ chức tín dụng không tự xử lý ngay được, khiến nợ xấu trở thành cục máu đông gây ách tắc cho nền kinh tế, nếu không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Việc thành lập VAMC để xử lý nợ xấu trong giai đoạn vừa qua khi xử lý nợ xấu không dùng vốn ngân sách là giải pháp quá khôn ngoan và tỉnh táo, vừa tạo điều kiện cho ngân hàng tái cơ cấu, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Không giải quyết nợ xấu thì doanh nghiệp vĩnh viễn không bao giờ phát triển được, vì khi đã có nợ xấu thì không ai dám cho vay nữa. Mà khi doanh nghiệp đã chết thì tiền cũng chết luôn.

Còn bây giờ cho rằng mua bán nợ xấu thực chất là khoanh món nợ đấy lại, gạt sang một bên cho đẹp sổ sách? Thì cứ cho là thế đi nhưng vai trò của việc trước mắt xử lý nợ xấu không dùng vốn ngân sách như thế nào? Thực tế đã chứng minh có doanh nghiệp được tái cơ cấu, được miễn giảm lãi, được vay vốn tiếp và từng bước vượt qua khó khăn, trả đươc nợ ngân hàng, có doanh nghiệp bắt buộc phải bàn giao tài sản hoặc tự bán tài sản để trả nợ, rồi đây cũng là cơ hội không phải bán thốc bán tháo tài sản của doanh nghiệp đi với giá rẻ mạt, rồi các ngân hàng có điều kiện, thời gian để tái cơ cấu và chấn chỉnh công tác tín dụng…

Và rồi mọi người cho rằng, nợ xấu do ngân hàng cho vay thì phải có trách nhiệm xử lý. Thực tế nợ xấu xảy ra có nhiều nguyên nhân song chính ngân hàng cho vay thì phải chủ động xử lý. Tuy nhiên, nếu để một mình ngành ngân hàng tự xử thì vô cùng khó khăn. Nhưng để làm được, thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Muốn đòi được nợ, muốn bán được nợ thì ngân hàng phải được sự ủng hộ các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương cùng bắt tay vào xử lý.

Để giải quyết nợ xấu, nếu chỉ một mình ngành ngân hàng thì khó làm được triệt để. Mà khổ nỗi, khi ngân hàng đòi quyết liệt, thì lại mang tiếng “ác”… Không cho vay hoặc cho vay ít cũng mang tiếng “ác”; khi mất tiền, đi đòi nợ, cũng lại bị tiếng “ác”. Thế mới thấy câu “đồng tiền là bạc”, là “khi cho vay thì đứng, khi đòi nợ thì quỳ”.

Đòi được nợ hoặc xử lý tài sản thu nợ như đem đi phát mại là công việc cực kỳ khó khăn và rất nhiêu khê.

Một ví dụ đơn giản là có một ông A, đem nhà, đất thế chấp ngân hàng vay tiền. Đến khi không trả được, tòa án xử, thu tài sản, giao cho ngân hàng phát mãi… Nhưng làm thế nào để nào để đuổi người ta ra khỏi nhà? Luật nào cho phép? Luật Đất đai, Luật Nhà ở… Luật nào cũng bảo vệ dân, bảo vệ tất cả người ngay lẫn… kẻ gian. Thế là ngân hàng cứ việc mà chờ đợi.

Rồi muốn thu giữ tài sản khi con nợ cùn, chây ì, không chịu trả thì sao đây? Ai bảo vệ cán bộ ngân hàng. Không ít vụ kẻ nợ tiền huy động cả họ, cả làng ra chửi bới, lăng mạ, rồi đe dọa cán bộ ngân hàng.

Rồi lại khi bán đấu giá tài sản nữa. Rất nhiều thủ tục lằng nhằng, mà không phải cứ muốn là được ngay. Mỗi lần muốn đấu giá, phải mất hàng tháng… Đó là chưa tính đến chuyện người vay khai khống tài sản. Biết là họ cố tình đấy, nhưng phải tổ chức định giá, phải thương thảo, phải thuyết phục, rồi kể cả “giáo dục”… Có vụ, chỉ đấu giá một khoản nợ 400 tỉ mà mất đứt 5 tháng. Rồi giá cả tài sản thì thay đổi. Một ngôi nhà, đầu năm định một giá, giữa năm lại một giá, mỗi lần thay đổi là lại họp, lại bàn… Rồi oái oăm nữa là đòi hỏi phải có sự “đồng thuận”? Đồng thuận với người tử tế, họ làm thua lỗ do khách quan, do không may mắn thì dễ. Còn trông mong sự đồng thuận của những người quyết chí lập công ty để lừa đảo thì làm sao mà có được.

benh vien cua tien ky 2

Chẳng có nước nào như nước ta, muốn giải quyết nợ xấu thì lại không có thị trường mua bán nợ. Mua nợ thì không phải khó lắm, nhưng khi bán, thì bán cho ai? Nếu bán dưới giá gốc khi khách hàng không đồng thuận thì lại bị coi là đã để… thất thoát. Mà đã “thất thoát tài sản XHCN” thì ôi thôi…

Quả là rất khó đòi được nợ, bán được nợ, nếu như chúng ta không có một hành lang pháp lý cho việc xử lý và mua bán nợ. Cách làm hiện nay, vẫn “nặng về tình”, mà “nhẹ về lý”. Con nợ thì không sợ cán bộ ngân hàng, bởi lẽ, pháp luật đang có rất nhiều điều “bảo vệ con nợ”. Thời chưa “đổi mới”, có các đơn vị thanh toán công nợ đi xử lý việc nợ nần. Thành phần “đội xử lý công nợ” này gồm cán bộ Ngân hàng, Công an, Viện Kiểm sát… Tổ thanh toán công nợ yêu cầu người vay tìm mọi biện pháp trả nợ bao gồm bàn giao tài sản bảo đảm, đánh giá thu hồi nợ để phát mại, trường hợp dây dưa cố ý sẽ xử lý theo qui định của pháp luật.

Trước hết, là phải cần có luật xử lý trách nhiệm người đi vay, ngân hàng phải có quyền phát mại tài sản mà không cần phải qua tầng tầng lớp lớp rào cản. Khi ngân hàng xử lý rủi ro bằng quỹ dự phòng của mình thì không nên xem xét xử lý hình sự cán bộ, tạo tâm lý yên tâm cho cán bộ nói chung và cán bộ tín dụng nói riêng, rồi người vay bán hết tài sản không còn gì nữa mà vẫn thiếu nợ thì có cơ chế rõ ràng minh bạch để miễn giảm.

Lẽ ra, việc mua bán nợ xấu, phải do một tổ chức trực thuộc Chính phủ và dùng một phần tiền ngân sách để mua nợ xấu. Mà “kinh doanh nợ xấu” là có lãi, chứ không thể lỗ… Ví dụ Nhà nước chỉ cần bỏ ra khoảng 50 ngàn tỉ, để mua khoản nợ 200 ngàn tỉ. Mua xong, xử lý chút ít, bán lại… là có lãi.

Hiện nay, các con nợ đang ám ảnh chuyện “trả nợ rồi, có bị tù không”? Vì chuyện sợ đi tù, mà họ đã cố tình che đậy nợ xấu, cố tìm cách chạy vạy, dây dưa chuyện trả nợ. Cho nên, muốn để các con nợ này trả nợ, thì nên có một thứ luật “ân xá” nào đó, nghĩa là càng nộp nhiều tiền thì càng nhẹ tội. Nhà nước cần thu tiền chứ không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Chúng ta đang càng ngày càng dân chủ hóa và nói “sống làm việc, theo Hiến pháp và Pháp luật”. Nhưng khổ nỗi, pháp luật thì không đồng bộ, thiếu tính thực tế, các chế tài thì thiếu tính khả thi… Đó là chưa nói đến việc thực hiện không nghiêm của không ít cán bộ có trách nhiệm. Cho nên việc đòi nợ, mua nợ, xử lý nợ… vẫn cứ lúng túng như gà mắc tóc.

Nếu chúng ta không sớm có luật, có cơ chế xử lý nợ xấu thì chưa biết đến khi nào mới xử lý xong “cục máu đông” này.

Trong hoàn cảnh khó khăn bộn bề như vậy, mà hơn 3 năm qua, VAMC đã xử lý được 18.705 tỉ đồng, trên tổng số 236 ngàn tỉ nợ đã mua, thì tuy là con số còn khá khiêm tốn, nhưng cũng đã là quá giỏi.

Giải quyết món nợ này không khó.

Vấn đề là phải có luật, có cơ chế phù hợp.

Kết quả mua bán nợ của VAMC

Từ 2013 đến đầu tháng 8-2015, VACM đã mua được 24.185 khoản nợ, giá mua là 199.543 tỉ đồng cho tương ứng 234.218 tỉ đồng dư nợ gốc. Cũng trong giai đoạn này, VACM đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi được 18.075 tỉ đồng từ việc bán nợ hoặc bán tài sản đảm bảo. Trong các khoản nợ xấu đã mua, nợ xấu từ bất động sản chiếm tỷ lệ cao nhất, tương ứng trên 65%; tài sản trên đất chiếm trên 8%; máy móc thiết bị và phương tiện vận tải chiếm trên dưới 5%.

Nguyễn Như Phong