Bệnh tăng vì… ăn uống

07:30 | 17/09/2016

250 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kết quả điều tra các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam vừa được Bộ Y tế công bố cho thấy, có tới 73% các trường hợp tử vong là do bệnh không lây nhiễm với các bệnh chủ yếu: tim mạch, ung thư, đái tháo đường... Nguyên nhân lại được cho là do ăn uống.  

Bệnh vào theo miệng

Theo điều tra của Bộ Y tế trong năm 2015 ở 4.000 người độ tuổi 18-69 tại 63 tỉnh, thành cho thấy, sinh hoạt ăn uống của người Việt đang theo chiều hướng xấu dần cho sức khỏe. Ví như việc uống rượu, bia đúng là người Việt vẫn giữ danh hiệu “đệ nhất nhậu” với 44% số người được hỏi trả lời có sử dụng, trong đó riêng nam giới hơn 77%. Còn 44,2% nam giới và 1,2% nữ giới uống rượu bia tới mức nguy hại (6 đơn vị cồn trở lên, tương đương 6 cốc bia và gần 200ml rượu mạnh). Nhìn con số này mới thấy Tổ chức Nghiên cứu thị trường Eurowatch và Viện Chiến lược chính sách, Bộ Y tế đã từng công bố Việt Nam là quốc gia xếp thứ nhất khu vực ASEAN, thứ 3 châu Á và trong số 25 nước tiêu thụ rượu, bia nhiều nhất thế giới quả là “chuẩn”. Chỉ tính riêng năm 2015, người Việt đã uống 3,4 tỉ lít bia (tương đương hơn 3 tỉ USD), tăng 1 tỉ lít so với năm 2010. Đồng thời còn uống hơn 340 triệu lít rượu. Đáng buồn là số người sử dụng rượu, bia nhiều nhất mới 18-29 tuổi.

benh tang vi an uong
Tại một quán “nhậu” ở TP Hồ Chí Minh

Trong khi uống rượu, bia đã được đúc kết “đa tửu bại tâm”, nghĩa là với những người nghiện rượu, bia bao giờ ảnh hưởng đầu tiên cũng là thần kinh trung ương. Tiếp đó là đến gan, thận. Các nhà khoa học đã tính, khi trong 100g máu có 0,52ml rượu nguyên chất thì trong não có 0,41ml, thận có 0,39ml, cơ bắp có 0,33ml. Với lượng “tửu” ấy, cồn tác động mạnh đến hệ thần kinh làm cho góc nhìn bị thu hẹp, thời gian phản ứng chậm, giảm trí nhớ, loạn thần. Bởi theo nghiên cứu, chỉ uống 100ml rượu vang, thần kinh đã bị tác động, đặc biệt là não. Nếu uống 50g cồn hằng ngày sẽ để lại tác động vĩnh viễn với hệ thần kinh. Hay uống 1 cốc bia, khoảng 100 nghìn tế bào não sẽ bị giết chết. Trong tình trạng say rượu thì số tế bào bị giết còn lên tới 10 triệu. Cùng với đó gan sẽ ảnh hưởng nặng nề như một thống kê đã chỉ rõ 1/3 số người uống rượu sẽ bị viêm gan; 9-25% tiến triển sang xơ gan. Rồi bị cả bệnh gút, suy thận… Chưa nói đến nếu rượu “dởm” được sản xuất từ cồn công nghiệp hay chất methanol thì người uống rượu còn tứ thân bất toại nữa.

Ông Nguyễn Phương Nam, chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam khẳng định: “Bia hay rượu đều là đồ uống có cồn. Nếu uống một lượng cồn lớn trong thời gian ngắn sẽ làm tăng gánh nặng cho gan khiến gan phải làm việc vất vả để đào thải độc tố. Các thống kê cho thấy hơn 70% trường hợp tử vong do xơ gan có sử dụng rượu bia. Bên cạnh những gánh nặng về bệnh tật thì lạm dụng rượu, bia còn là nguyên nhân hàng đầu gây ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Việt Nam (chiếm khoảng 60%), gần 70% các vụ bạo lực gia đình”.

Ít ăn rau quả

Bên cạnh sử dụng rượu, bia với số lượng khủng thì việc ăn thiếu rau xanh cũng là nguyên nhân được các chuyên gia y tế đề cập đến trong bản báo cáo kết quả điều tra các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm. Có tới 57% dân số trưởng thành ăn thiếu rau hoặc trái cây so với khuyến cáo của WHO (400g/ngày). Tỷ lệ này ở nam giới còn lớn hơn. TS Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh: “Trong khi WHO khuyến cáo ít nhất mỗi người phải ăn 5 suất rau, trái cây (400g) hằng ngày để phòng bệnh ung thư, tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác, thế nhưng chưa được một nửa dân số trưởng thành ăn đúng theo khuyến cáo như vậy. Đã vậy, thói quen ăn uống của nhiều người Việt lại khiến cho họ tiêu thụ lượng muối nhiều gấp đôi so với quy định, làm cho các bệnh không lây nhiễm gia tăng”. Theo ông Bắc, lượng muối này quy định chỉ được ăn 5g/ngày, nhưng người Việt ăn mặn đã tiêu thụ đến 9,4g/ngày, gấp đôi so với quy định. Do đó, những bệnh không lây nhiễm như huyết áp, đột quỵ, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương… ngày càng tăng. Chưa kể đến 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực ít nhất 150 phút/tuần như WHO khuyến cáo càng làm cho tỷ lệ người mắc bệnh không lây nhiễm cao hơn. “Đã có 15,6% người Việt thừa cân béo phì vì nguyên nhân này”, ông Bắc nói. Theo đó, tỷ lệ hiện mắc bệnh tăng huyết áp là 18,9% (nam giới cao hơn nữ giới); tỷ lệ có rối loạn đường huyết lúc đói và tăng đường huyết là 4,1%; 30,2% số người trưởng thành có tăng cholesterol máu và phần lớn dân số có HDL (một loại cholesterol tốt cho sức khỏe) ở mức thấp.

Gánh nặng kép

Theo ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng “kép” về bệnh tật. Trong khi tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm đang giảm thì tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng: từ 40% vào năm 1986, lên 60% năm 2006 và 71,6% vào năm 2012. Điều này dẫn đến chi phí khám chữa bệnh gia tăng nhanh chóng - cao gấp 40-50 lần so với điều trị các bệnh lây nhiễm do đòi hỏi kỹ thuật cao, thuốc đặc trị đắt tiền, thời gian điều trị lâu dài, dễ bị biến chứng… Đồng thời còn gây ra tình trạng quá tải bệnh viện. Theo thống kê của WHO năm 2012, bệnh không lây nhiễm chiếm 66% tổng gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam, làm cho 160 nghìn trường hợp tử vong sớm ở tuổi 30 và 70. Từ đó còn dẫn đến thiệt hại về kinh tế vì giảm hiệu suất lao động. Như ước tính củaWHO đã cho thấy bệnh không lây nhiễm gây thiệt hại 47.000USD trong vòng 20 năm tới do hiệu suất lao động trên toàn cầu giảm. Còn bình quân từ năm 2015-2025, mỗi năm tổn thất lũy tích về kinh tế đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình là 500 tỉ USD.

“Chính vì vậy, từ năm 2012, WHO đã tuyên bố: “Bệnh không lây nhiễm là vấn đề ưu tiên của toàn cầu và khu vực. Bởi đây là vấn đề khủng hoảng đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực Thái Bình Dương” - ông Long nhấn mạnh.

Để giảm thiểu tình trạng bệnh không lây nhiễm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng phải đẩy mạnh can thiệp phòng chống các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, tập trung vào các yếu tố nguy cơ đang có xu hướng gia tăng như: Tăng cường chính sách pháp luật về phòng chống tác hại của rượu bia, kiểm soát quảng cáo khuyến mại rượu bia, kiểm soát giờ bán và điểm bán rượu bia; Phải điều chỉnh chính sách giá và thuế đồ uống có cồn. Bên cạnh đó can thiệp hiệu quả để giảm tiêu thụ muối thông qua các chương trình thông tin, giáo dục, truyền thông, cảnh báo về tác hại của ăn nhiều muối trên nhãn sản phẩm, thực phẩm. Xây dựng chương trình kiểm soát thừa cân béo phì lồng ghép trong kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng. Ngoài ra, tăng cường dự phòng, phát hiện sớm và quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng. Bảo đảm các dịch vụ tại trạm y tế xã để phát hiện sớm, quản lý điều trị liên tục, lâu dài đối với một số bệnh không lây nhiễm phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường; đẩy mạnh hoạt động tầm soát ung thư…

Bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho rằng: “Việt Nam còn khá nhiều khoảng trống về pháp lý trong việc phòng chống tác hại của việc lạm dụng rượu, bia như thiếu các quy định về quản lý sản xuất bia cũng như quảng cáo khuyến mại, tài trợ rượu bia. Hiện chúng ta chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, còn lại được quảng cáo như hàng hóa, dịch vụ bình thường nên không hạn chế về đối tượng tiếp cận, nội dung và thời gian”.

Nguyễn Bách

Năng lượng Mới 558