Bệnh “sính” vắc-xin dịch vụ

07:00 | 16/03/2015

759 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khoảng một tuần nay, mặc cho trời mưa rét, nhiều gia đình vẫn cắt cử người ra xếp hàng từ tờ mờ sáng tại các điểm tiêm chủng dịch vụ. Thậm chí có người còn ngủ trọ, ngủ ngay trên ôtô hoặc thuê khách sạn gần nơi đăng ký để kịp có tên trong danh sách mua thuốc. Quả thực đây là chuyện “lịch sử” trong ngành y tế về tiêm phòng dịch bệnh. Thế nhưng, không phải bây giờ mới diễn ra mà từ năm ngoái đã có cảnh này. Tuy nhiên, trớ trêu ở chỗ, vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tức là tiêm miễn phí thì thừa trong khi thuốc dịch vụ khan hiếm như… hàng “độc”.

Năng lượng Mới số 404

Trắng đêm xếp hàng

Trên các diễn đàn xã hội, các trang điện tử cá nhân, đặc biệt là của các ông bố, bà mẹ nuôi con nhỏ tràn ngập hình ảnh, nội dung về cuộc “săn lùng” vắc-xin dịch vụ. Một bà mẹ, dẫu vừa ở cữ vậy mà cũng phải đội mưa, dậy từ 4 giờ sáng tất tả đi từ Đại Kim đến Viện Kiểm định Quốc gia Vắc-xin và Sinh phẩm y tế, Bộ Y tế để “rình” mua thuốc 5 trong 1 Pentaxim phòng các bệnh: ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não.

Xếp hàng đăng ký mua vắc-xin dịch vụ ở Viện Kiểm định Quốc gia Vắc-xin và Sinh phẩm y tế từ mờ sáng

Vậy mà 4 giờ 30 chị có mặt ở Viện Kiểm định Quốc gia Vắc-xin và Sinh phẩm đã dài dằng dặc người xếp hàng ở đó. Người nào người nấy nét mặt căng thẳng, mệt mỏi vì chờ đợi. Có người còn ngủ luôn dưới mái hiên của nơi đăng ký mua thuốc để trong danh sách những người được mua thuốc có tên mình.

Đúng 5 giờ 30, nghĩa là 1 tiếng sau kể từ lúc có mặt ở đây, chị là người cuối cùng mua được vắc-xin 5 trong 1!? Còn lại hàng trăm người khác đến sau chị, rệu rã trở về vì không mua được thuốc.

Chị Nguyễn Thúy Mai, ở phố Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội buồn phiền nói: “Mình đã cố gắng dậy sớm, có mặt ở đây vào lúc chưa đến 5 giờ để đăng ký vắc-xin cho cậu con trai 3 tháng tuổi. Số thứ tự của mình là 330. Vậy mà ngồi chờ bao nhiêu tiếng cuối cùng sắp đến lượt mình thì hết vắc-xin. Thật là mệt mỏi với công cuộc “săn lùng” này quá! 

Thế nhưng với nhiều bà mẹ dẫu vất vả vậy vẫn mua được thuốc là còn may mắn. Còn nhiều nơi khác như Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh), Trung tâm Dịch vụ Khoa học kỹ thuật và Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, ở 131 Lò Đúc hay ở phòng tiêm của Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1, ở Làng Quốc tế Thăng Long, những người nuôi con nhỏ muốn xếp hàng từ sớm để mua thuốc cũng không có bởi ở đây câu trả lời thường trực của nhân viên là “thuốc hết lâu rồi”.

Sợ hãi mơ hồ?

Vậy tại sao một số bà mẹ chỉ chăm chăm tiêm phòng vắc-xin dịch vụ với giá khoảng 750 nghìn đồng/liều thay vì tham gia chương trình Tiêm chủng mở rộng được miễn phí? Trả lời câu hỏi này, nhất nhất các mẹ đều  đồng thanh cho rằng vì sau quá nhiều tai biến do sử dụng vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là vắc-xin 5 trong 1 quinvaxem của Hàn Quốc nên họ không đủ niềm tin để tiêm cho con. Họ sẵn sàng mất tiền, xếp hàng thâu đêm suốt sáng hoặc bất kể giá nào mua bằng được vắc-xin dịch vụ cho con tiêm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng.

Trước vấn đề này, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định: “Vắc-xin dù nhập khẩu hay sản xuất trong nước đều được Bộ Y tế kiểm tra và bảo đảm an toàn chất lượng. Nếu xảy ra trường hợp biến chứng như trường hợp đã tiêm quinvaxem trước đây là do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý sẵn có ở trẻ tại thời điểm tiêm chủng. Còn Bộ Y tế đã đánh giá nguyên nhân gây ra phản ứng này hoàn toàn không liên quan đến chất lượng thuốc. Cho nên sự lo lắng của các bà mẹ trong trường hợp nói trên là không chính xác”.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng nói: “Phụ huynh không nên lo lắng về chất lượng vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng bởi nó phải trải qua nhiều bước kiểm định, thử nghiệm lâm sàng… mới được đưa vào sử dụng khi cho kết quả an toàn”.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo: “Giám sát dịch bệnh thời gian qua cho thấy, phần lớn các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà là do không được tiêm, hoãn tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi. Nên việc cha mẹ không đưa con đi tiêm sớm mà chờ đợi vắc-xin dịch vụ là rất nguy hiểm. Do nếu trẻ không được tiêm đúng lịch, có thể sẽ bị mắc bệnh trước khi được tiêm vắc-xin. Để phòng bệnh cho trẻ tốt nhất, cần bảo đảm trẻ được tiêm đúng lịch hoặc càng sớm càng tốt khi tới tuổi cần phải tiêm. Không nên để trẻ chờ đợi”.

Về vấn khan hiếm vắc-xin dịch vụ, PGS.TS Trần Đắc Phu, cũng cho hay, thực ra tình trạng khan hiếm thuốc dịch vụ như này đã được dự báo trước, cụ thể là vắc-xin 5 trong 1; 6 trong 1 (phòng các bệnh hệt như vắc-xin 5 trong 1 chỉ thêm viêm gan B), vắc-xin thủy đậu, dại… bởi khuyến cáo từ các nhà sản xuất đã cho thấy do thay đổi về cơ sở sản xuất nên số lượng và thời gian nhập khẩu vắc-xin về Việt Nam sẽ không đáp ứng đủ đơn đặt hàng. 

Tú Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc