Bên dòng sông Giăng

08:50 | 13/09/2017

600 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 11 giờ trưa Trường Tiểu học và THCS Cao Vều, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An tan học. Lương Văn Huỳnh (SN 2004, học lớp 7) vội dắt chiếc xe đạp ra khỏi cổng rồi phóng nhanh về hướng bản Vều 3 dưới cái nắng mỗi lúc một chói gắt.

Đạp xe qua chặng đường gần 4km, cậu rẽ vào một ngôi nhà bên đường để gửi xe rồi men theo lối mòn nhỏ, hai bên cây cối rậm rạp để xuống bờ sông Giăng. Đến mép sông, cậu bước lên chiếc bè nứa mỏng manh như nằm chờ sẵn, rồi dùng hết sức để đẩy ra giữa dòng.

ben dong song giang
Lương Văn Huỳnh trên con đường cheo leo, gập ghềnh ra bờ sông Giăng

Chiếc bè đã cũ, có thể chở được vài người qua sông, bè được gắn với một sợi dây thừng dài kéo từ bờ bên này sang bờ bên kia. Sợi dây thừng này có tác dụng vừa giữ cho chiếc bè không bị nước đẩy trôi về phía hạ nguồn, vừa để người đứng trên bè bám vào, dùng lực đôi bàn tay kéo bè di chuyển qua sông. Chiếc bè này do 6 hộ gia đình ở vùng đồi Gon, nằm bên hữu ngạn sông Giăng, thuộc bản Vều 3 góp nguyên liệu, công sức và kinh phí để phục vụ cho việc đi lại. Bởi vùng đồi Gon nằm cách trở, tách biệt với các vùng khác của bản Vều 3 nói riêng và vùng Cao Vều nói chung.

ben dong song giang
Lương Văn Huỳnh vượt sông đến trường bằng chiếc bè nứa mỏng manh

Chúng tôi theo Huỳnh, chiếc bè tròng trành giữa dòng nước, càng ra giữa dòng nước càng chảy xiết, sợi thừng mỗi lúc bị kéo căng. Đôi bàn tay nhỏ bé nhưng khá rắn chắc của cậu học trò vùng biên thoăn thoắt trong từng thao tác với sợi dây, có cảm giác như cậu đang làm xiếc với chiếc bè và dây thừng. Lần đầu tiên đứng trên chiếc bè chênh chao ấy, chúng tôi phải giữ nguyên một tư thế, không dám cử động mạnh vì sợ nó thêm tròng trành hoặc lật nghiêng. Những lúc qua luồng nước xiết hay gặp cơn gió kéo căng sợi dây, trống ngực đập liên hồi, thậm chí có lúc như “thót tim”.

Sau chừng 10 phút, bè nứa cũng cập bờ, tấm áo Huỳnh lúc này đã ướt đẫm mồ hôi. Từ đây về nhà rất gần, đường đi là một lối mòn nhỏ cheo leo giữa mép sông và vách núi. Huỳnh chưa về ngay mà ngồi dưới bóng râm tạm nghỉ, đôi mắt của cậu buông ánh nhìn xa xăm sang bờ bên kia. Hỏi đang nghĩ gì, Huỳnh trả lời: “Em nghĩ về một cây cầu, giống như cầu ở Làng Yên (Môn Sơn - Con Cuông), nơi tuần trước em vừa theo mẹ lên thăm người bà con”.

Rồi cậu bé kể rằng, dòng sông Giăng và chiếc bè nứa kia gắn bó từ thuở mới lọt lòng, nay đã gần 13 năm. Ngày ấy, mẹ sinh hạ cậu ở trạm y tế xã, hôm sau bố mẹ bế về nhà, cũng vượt sông bằng bè nứa. Nghe kể lại, hôm ấy vào ngày mưa to, nước sông chảy mạnh, bố cậu phải rất vất vả để kéo thuyền qua sông. Lớn thêm một tí, cậu đã được cho ra sông tắm, rồi chài cá, bắt tôm và qua lại bằng chiếc bè nứa. Vì thế, việc kéo bè qua sông với Huỳnh trở nên rất đỗi bình thường, nó còn dễ hơn việc nấu một bữa cơm hay lùa trâu lên núi.

ben dong song giang
Lên bờ, Lương Văn Huỳnh vào nhà người quen lấy xe đạp tiếp tục hành trình

Và rồi, gần 7 năm qua, cậu bé bản Vều hằng ngày qua sông trên chiếc bè mỏng manh để đi tìm con chữ. Hiện tại, vùng đồi Gon ngoài Lương Văn Huỳnh còn có Lương Văn Trương và 4 em bậc mầm non hằng ngày lên bè vượt sông đến lớp. Học sinh mầm non phải có bố mẹ đi cùng, còn Huỳnh và Trường mấy năm nay đã tự kéo được bè. Khác với Huỳnh, Trường bữa đi bữa bỏ, hôm nay không hiểu vì lý do gì mà cậu không đi học.

Ngày thường, dòng sông Giăng khá hiền hòa, dòng nước trong xanh soi tỏ từng hòn cuội, từng đàn cá bơi lội tung tăng. Nhưng chỉ cần một trận mưa lớn đổ xuống nước trở nên đục ngầu, cuồn cuộn chảy. Huỳnh không thể nhớ nổi đã bao nhiêu chiếc bè bị lũ cuốn trôi, bao nhiêu lần phải thay dây thừng mới. Những ngày như thế cậu vẫn không nghỉ học, vì “nghỉ một buổi học, hôm sau rất khó để theo kịp các bạn”. Có điều, Huỳnh không vượt sông để đến lớp, mà men theo sườn đồi và cắt rừng để qua cầu Vều, rồi tiếp tục cuốc bộ. Chặng đường ấy ngót 8km với bao lầy lội và trơn trượt, có những hôm bị ngã bùn lấm hết cả áo quần, bị vắt bám đầy chân. Phải đi từ lúc gà vừa cất tiếng gáy, phải cầm theo chiếc đèn pin để soi đường, trong cặp có nắm xôi nhỏ cho bữa trưa. Chiều Huỳnh lại cuốc bộ qua cánh rừng khi chim đã về tổ, gà đã về chuồng nên lại phải bật đèn pin mà đi.

ben dong song giang
Đến lớp, Lương Văn Huỳnh luôn chăm chú nghe giảng

Nghỉ được một lúc, dường như mệt nhọc đã vơi đi, Huỳnh đứng dậy bước nhanh về nhà. Đã quá 12 giờ trưa nhưng cửa nhà vẫn khóa chặt, mở cửa bước vào, việc đầu tiên là nhóm lửa nấu cơm. Huỳnh cho biết: “Bố đang vào miền Nam làm ăn, mẹ đi rẫy chưa về, 3 chị đã lấy chồng. Nấu cơm thì em đã quen từ lâu rồi...”. Sự nhanh nhẹn, hoạt bát của cậu chứng minh nấu ăn cũng là việc hằng ngày của cậu học trò vùng biên, bởi một lúc sau cơm đã chín, nồi canh rau rừng đã bốc khói nghi ngút. Trong bữa cơm, cậu tâm sự, ước mơ sau này sẽ được vào học ngành thú y, vì từ nhỏ cậu đã theo bố chăn mấy con trâu, cậu quý nó như bạn. Thương nhất là những ngày trâu bị ốm, mắt chúng chảy nước như đang khóc. Hơn nữa, trâu, bò ở bản chưa được chăm sóc và phòng dịch đầy đủ, cậu muốn giúp bà con chăm sóc và phát triển đàn trâu, bò, vì đó là cả gia tài lớn...

Chúng tôi gặp thầy Hoàng Ngọc Yêng - Hiệu trưởng trường Cao Vều nhận xét về cậu học trò lớp 7 ở đồi Gon: “Lương Văn Huỳnh là một học trò chăm chỉ, vượt khó và đến lớp đều đặn. Trong học tập, em luôn nỗ lực để đạt kết quả tốt nhất. Năm học này, với điểm số hiện tại, Huỳnh có khả năng đạt loại khá”.

Trần Công Kiên