Bầu người đại diện với trách nhiệm cao nhất

07:35 | 14/05/2016

424 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cử tri và đồng bào cả nước đang náo nức chuẩn bị và chờ đón ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021. Trước đó, với tinh thần yêu nước, thể hiện rõ niềm vinh dự và trách nhiệm cao, bà con ta ở một số nơi vùng cao, vùng xa, vùng sâu, các cử tri huyện đảo Trường Sa đã đi bầu cử sớm trước một tuần.

Cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp lần này có ý nghĩa đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, cử tri cả nước có trách nhiệm tìm hiểu kỹ lưỡng, lựa chọn ra những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân trong thời kỳ mới, nhiều thuận lợi, song cũng không ít khó khăn, thách thức. Nói bài bản thì như thế. Còn nói cụ thể là tìm ra những người thực đức, thực tài, trong đó đức là gốc, để gánh vác công việc rất nặng nề trong 5 năm tới và những năm tiếp theo.

bau nguoi dai dien voi trach nhiem cao nhat

Từ đầu năm đến nay, bên cạnh những thuận lợi, có rất nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế đất nước, tác động hằng ngày, hằng giờ đến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Nỗi lo nợ công, nợ xấu tăng cao đè lên gánh nặng kinh tế đất nước. Hạn hán, thiên tai ở Tây Nguyên và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân. Đáng lo ngại nhất, hao tổn tâm lực nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ quan là chính, dẫn đến tai họa cá chết ở bốn tỉnh miền Trung và một số nơi khác.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương vào cuộc để sớm tìm ra nguyên nhân cá chết hàng loạt. Thủ tướng chỉ đạo, tiến hành khẩn trương, làm rõ vụ việc, trả lời công khai, minh bạch; sai tới đâu xử lý tới đó, không loại trừ đó là đơn vị nào gây ô nhiễm môi trường.

Sự vào cuộc quyết liệt đó của Chính phủ và lãnh đạo nhiều ngành, địa phương đã bước đầu tạo niềm tin của nhân dân ở Chính phủ khóa mới. Niềm tin ấy là “vốn” rất quý để chúng ta tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là thuận lợi rất cơ bản trước khi bước vào cuộc bầu cử.

Câu hỏi thiết thực nhất, dễ hiểu nhất ở một cuộc bầu cử là: BẦU AI?  Điều 79, Hiến pháp năm 2013 quy định: “ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước”. Vậy là có hai ý: Một, bầu người đại diện xứng đáng; Hai, chú ý cơ cấu địa phương và Trung ương.

Cuộc bầu của Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ này có điểm mới, số dư bầu cử là 1,74 là số dư khá cao để cử tri chọn lựa. Số ứng cử viên là phụ nữ (35%), là người dân tộc thiểu số (18%) đều đạt và vượt so với quy định.

Bây giờ cử tri hỏi: Ai là người xứng đáng? Chính người bỏ phiếu trả lời là chính xác nhất, vì họ có toàn quyền sử dụng lá phiếu của mình. Các cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử trong thời gian qua đã diễn ra dân chủ, cởi mở, thẳng thắn. Người hỏi, người trả lời đều đã nói rất rõ ý kiến, trình độ ứng cử viên cũng được thể hiện qua các câu trả lời. Những câu hỏi đại loại: Ông/bà sẽ làm gì nếu trúng cử? Giải pháp nào khả thi để chống tham nhũng, không để tình trạng càng chống  càng tăng?

Cách nào để những đơn từ khiếu nại, tố cáo của dân không nằm trong ngăn kéo của các vị đại diện? Trước những câu hỏi như thế, từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đến lãnh dạo các cấp, các ngành đều đã trả lời rất cụ thể. Trong đó, điều đáng quan tâm là: Phát triển kinh tế nhanh và bền vững, bảo vệ môi trường; chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt hơn, có kết quả cụ thể hơn; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Đương nhiên, đó mới chỉ là nói, còn làm mới là điều quyết định, là quả. Cử tri gửi gắm, sau khi trúng đại biểu rồi thì ông/bà phải gần dân, có trách nhiệm với dân. Xin bỏ qua những việc làm mang tính hình thức, đầu cuộc họp và sau cuộc họp Quốc hội, HĐND thì đoàn to đoàn nhỏ, đoàn nọ đoàn kia đi tiếp xúc cử tri rất bài bản, hoành tráng. Còn sau đó thi như… mặt hồ lặng sóng. Có chuyện gì muốn gặp ông/bà hội đồng chì bị “chặn” từ rất nhiều cửa của bộ máy hành chính lâu nay mắc căn bệnh nan y là quan liêu, cồng kềnh, nhũng nhiễu. Rồi theo dõi qua báo chí thấy nhiều vị họp toàn thấy ngủ gật, thấy hội trường vắng hoe, có vị cả năm giời chẳng thấy phát biểu lần nào, mang tiếng là “nghị gật”. Cử tri đã nói thẳng như thế, “mất lòng trước hơn được lòng sau”.

Cần lưu ý, việc tổ chức bầu cử sao cho trang trọng, những thuận tiện, thực chất. Chớ mắc bệnh thành tích thể hiện qua việc “hoàn thành sớm” , qua tỷ lệ 98 hay 99% cử tri đi bầu. Điều quan trọng là con số đó có phản ánh khách quan, trung thực không. Mọi cử tri có nhận rõ vinh dự và trách nhiệm của mình, tự giác đi bầu cử hay không. Đã qua nhiều kỳ bầu cử, ở nhiều nơi cả thành thị lẫn nông thôn, tình trạng bỏ phiếu giúp, bỏ phiếu hộ, một người bỏ phiếu cho cả nhà 6, 7 người là khá phổ biến.

Nhiều nơi bằng cách này mà kết thúc bỏ phiếu từ 11 giờ, thật là tưng bừng, thật là rôm rả. Rồi có những cụ già ốm yếu, trí nhớ không còn Ban Tổ chức cũng cho người mang hòm phiếu đến xin cụ… gạch. Chứng kiến điều này có cả cán bộ cấp trên và phóng viên báo chí, máy quay phim quay rè rè. Điều này quả là không cần thiết. Ít lâu sau thấy giấy khen treo sáng rực Hội trường UBND xã vì thành tích bầu cử (!).

Khóa bầu cử ĐBQH nào Trung ương cũng có các đại biểu ứng cửa tại các địa phương. Khóa XIV, số đại biểu Trung ương chiếm khoảng 39%. Dù là đại biểu ở cơ quan Trung ương tham gia ứng cử tại địa phương, nhưng bao giờ ĐBQH cũng là vị đại diện quyền lợi địa phương và quyền lợi quốc gia. Và dù là đại biểu do Trung ương phân công về ứng cử, nhưng khi trúng cử, đại biểu đó cũng thuộc các đoàn cụ thể như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Giang, Cà Mau…

Tuy nhiên, thực tế qua nhiều khóa, có tâm lý số đông cử tri muốn bầu cho ứng cử viên là người huyện mình, tỉnh mình. Một vấn đề khác, các địa phương muốn có các đại biểu Trung ương thuộc các cơ quan hành pháp, không “thích” đại biểu làm chuyên trách hoặc thuộc các đoàn thể chính trị, xã hội. Vì đại biểu ở cơ quan hành pháp thì có điều kiện giúp địa phương trong nhiều lĩnh vực cụ thể, nhất là việc đầu tư xây dựng cơ bản, tạo điều kiện về vốn, ngân sách, v.v…

Như vậy, nếu số đại biểu trúng cử Quốc hội có tỷ lệ quá cao là người tại chỗ thì có hai khả năng xảy ra: Một là, trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng các chương trinh dễ rơi vào tình trạng cục bộ, phân tán, không đại diện cho lợi ích quốc gia, lợi ích toàn thể; Hai là, khả năng giám sát của Quốc hội sẽ “vướng” vì nhiều lý do, rất khó đạt hiệu quả.

Từ những thực tế trên chúng tôi thấy rằng, trong quá trình lãnh đạo bầu cử cần hết sức sâu sát, cụ thể, coi trọng việc bảo đảm cơ cấu đại biểu, trong đó chú trọng cơ cấu Trung ương và địa phương.

Tiếp theo thành công tốt đẹp Đại hội lần thứ XII của Đảng, thành công của việc kiện toàn bộ máy các cơ quan Đảng và Nhà nước, chúng ta tin tưởng, cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp lần này sẽ lựa chọn được những đại biểu xứng đáng - những đại biểu hết lòng phụng sự lợi ích của đất nước, của nhân dân trong thời kỳ mới.

 

Hải Đường

Năng lượng Mới 522