“Bầu” Kiên phủ nhận vai trò của mình ở ACB

15:33 | 04/12/2014

807 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều 4/12, HĐXX Tòa án Nhân dân Tối cao tiếp tục làm rõ hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" đối với Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Bị cáo Kiên phủ nhận vai trò của mình tại Ngân hàng ACB.

>> Vai trò của “bầu” Kiên ở ACB

Trước những lời khai của các bị cáo về hoạt động ủy thác tiền gửi, Nguyễn Đức Kiên cho rằng, bản thân là cổ đông lớn của ACB, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập, Chủ tịch hội đồng đầu tư. Tuy nhiên, vai trò chi phối Ngân hàng ACB không đúng như bị cáo Trịnh Kim Quang nói.

“Luật không có khái niệm cổ đông lớn. Đề nghị tòa đưa ra yếu tố xác định tôi là cổ đông lớn. Tôi là một trong 6 cổ đông sáng lập, hoạt động theo quy chế của Ngân hàng ACB. Xác định căn cứ nào để khẳng định tôi chi phối hoạt động Ngân hàng ACB” - bị cáo Nguyễn Đức Kiên khẳng định.

Cũng theo bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Ngân hàng ACB là doanh nghiệp lớn được quản trị, điều hành bởi các quy chế, quy định của pháp luật, không có phép bất cứ cá nhân nào được chỉ đạo. Với vai trò, trách nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập, bị cáo khẳng định đã làm đúng các quy định pháp luật với vai trò là cơ quan tư vấn. Trong 6 năm tư vấn, bản thân bị cáo không đưa ra ý kiến nào trái pháp luật. Tất cả ý kiến của đều vì quyền lơi của Ngân hàng ACB. Bản thân cũng không chỉ đạo, gây áp lực, tạo ảnh hưởng với bất kỳ ai ở Ngân hàng ACB từ cấp thấp nhất đến cao nhất.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và Ngân hàng ACB.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói: “Tôi không chỉ đạo ACB chuyển tiền liên ngân hàng. Không phải thành viên Hội đồng Tín dụng Ngân hàng ACB, không chỉ đạo Kế toán trưởng hay bất kỳ ai cấp hạn mức đầu tư cho các ngân hàng khác. Hạn mức Ngân hàng ACB cấp cho các ngân hàng không phải đi mua cổ phiếu vì ACB là đối tác chiến lược với Ngân hàng Kiên Long và Vietbank. Ngân hàng ACB đã cấp hạn mức trên 4.000 tỉ đồng và Kiên Long trên 2.000 tỉ đồng”.

Lý giải về ủy thác tiền gửi, bị cáo Nguyễn Đức Kiên dẫn chứng, ngày 22/3/2010, cuộc họp HĐQT diễn ra. Trong thời điểm này, bị cáo có cuộc họp khác bên cạnh nên không tham gia từ đầu. Trong phần biểu quyết bị cáo tham gia là lãi suất huy động của ACB. (Trần Mộng Hùng và Nguyễn Đức Kiên có ý kiến khác nhau về tăng hay giảm lãi suất huy động. Ông Trần Mộng Hùng muốn giảm, Nguyễn Đức Kiên muốn giữ. Lý do, lãi suất huy động của ACB lúc đó thấp nhất trên thị trường và liên quan đến bảng tổng kết).

Do đó, trong kết luận không có nội dung tăng hay giảm lãi suất. Nội dung này không liên quan đến quyết định ủy thác gửi tiền. Bàn lúc nào bị cáo không biết, chỉ hay khi ông Trần Xuân Giá biểu quyết nội dung nghị quyết. Ngoài ra, bị cáo không có ý kiến khác về nội dung này. Điều này hoàn toàn khác với nhận định của Viện kiểm sát là bị cáo đã chỉ đạo các thành viên HĐQT thông qua Nghị quyết ủy thác. Các từ này đều không đúng bản chất sự việc ngày hôm đó. Vì bị cáo không có thẩm quyền này. Quyền này chỉ thuộc các thành viên HĐQT. Sau cuộc họp, bị cáo không dự bất kỳ cuộc họp nào của ACB bàn về vấn đề này. 

“Tôi không dự cuộc họp diễn ra ngày 28/3/2011, không trao đổi ý kiến với các thành viên về bất kỳ nội dung nào. Sau cuộc họp, tôi nhận được thông báo nội dung cuộc họp qua hệ thống mạng nội bộ. Bản thân tôi lúc đó nghĩ đây là hoạt động bình thường của HĐQT. Cho nên, tôi hoàn toàn miễn trừ trách nhiệm trong việc ủy thác gửi tiền. Tôi đang bị quy kết là chủ mưu việc này” – bị cáo Kiên quả quyết.

Đánh giá thiệt hại hay không thiệt hại gửi tiền, quan điểm cá nhân bị cáo cho rằng, Ngân hàng ACB không thiệt hại và chưa thiệt hại. Nghị quyết ngày 22/3/2011 gây ra thiệt hại 718 tỉ. Nếu nhìn tổng thể, ACB không thiệt hại, tổng thu Nghị quyết này hơn 3.000 tỉ. Nếu vì lý do gì đó, không thu được 718 tỉ thì đó là tổn thất kinh doanh, trừ đi ACB vẫn thu được hơn 2.000 tỉ.

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc