“Bắt mạch” doanh nghiệp nhỏ và vừa

06:00 | 06/02/2017

440 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo nhiều chủ doanh nghiệp và các chuyên gia, với hệ thống chính sách thuế như hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) Việt Nam không thể lớn lên được, thậm chí có người nhận định là “không muốn lớn”, bởi vì ngoài các khoản thuế khá cao phải nộp cho ngân sách Nhà nước còn gánh chịu phí bôi trơn, được gọi là “thuế đen”.

Bài 1: Thấp cổ bé họng

Sợ nhất kiểm tra chuyên ngành

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế cho hay, mức bình quân về tỉ suất thuế, bảo hiểm bắt buộc trên lợi nhuận doanh nghiệp (DN) của các nước ASEAN 6 là 31%, thấp hơn Việt Nam là 4,5%. Nguyên nhân khiến tỷ lệ nộp thuế, bảo hiểm bắt buộc trên lợi nhuận DN ở Việt Nam cao hơn là do tỷ lệ đóng góp của bảo hiểm bắt buộc ở Việt Nam cao hơn gấp đôi so với ASEAN 6 (23,7% so với 11%).

Trong khi đó, theo một nghiên cứu mới đây của GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), DNVVN cũng khó tiếp cận tín dụng ngân hàng vì dù chỉ vay vài trăm triệu đến 1 tỉ đồng cũng phải có tài sản thế chấp với thủ tục phiền hà. Chính vì vậy, chỉ 20-25% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại là tín dụng đối với DNVVN, 75-80% cho các đại gia, tập đoàn kinh tế Nhà nước, tập đoàn kinh tế tư nhân vay. Và như VINASHIN, VINALINE nợ quá hạn, không có khả năng thanh toán lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng và hiện nay là Hoàng Anh - Gia Lai gánh nợ trên 32 ngàn tỉ đồng vì thế là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Và một Thực trạng phổ biến tại nhiều địa phương, kể cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là cơ quan thuế gây phiền hà, kéo dài hằng năm việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN nên DN không có tiền trả lương, làm vốn lưu động phải vay tín dụng đen với lãi suất 3%/tháng vì ngân hàng không cho vay do không đủ điều kiện.

bat mach doanh nghiep nho va vua
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Ngoài ra, một kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về thủ tục hành chính thuế cho thấy, 52% DN bị thanh, kiểm tra thuế bởi nhiều cơ quan khác nhau, không chỉ là riêng cơ quan thuế; 26% DN cho biết nội dung thanh, kiểm tra thuế còn trùng lặp.

Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa thông tin, nhiều DN phản ánh, mỗi năm tiếp hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra, thậm chí có tháng một DN tiếp 4-5 đoàn thanh tra. Đối tượng thanh tra đa số là các DNVVN. Gần đây có DN ở Quảng Trị phản ánh, năm 2015 họ đón tới 45 đoàn thanh tra, kiểm tra đến làm việc.

Còn ông Nguyễn Sơn - Phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, mỗi năm, DN nhập hơn 1 triệu tấn bông sợi, tương đương với 50.000 container. Cục kiểm định thực vật sẽ lấy mẫu kiểm tra trung bình 35%, tương đương 18.000 container. Phí kiểm tra hiện nay là 1 triệu đồng/mẫu 0,5kg.

Tổng giám đốc Tổng Công ty May Nhà Bè Phạm Kiều Oanh nhận định: Trong bối cảnh các FTA sắp có hiệu lực, DN rất cần có sự đồng hành của các cơ quan, ban, ngành quản lý Nhà nước tạo điều kiện tối đa; nhưng, thực tế DN dệt may đang bị làm khổ, làm khó từ một thông tư của Bộ Công Thương ban hành đã nhiều năm nay. Các DN trong ngành đã có hơn 10 văn bản kiến nghị gửi các cơ quan, ban, ngành và cả trình bày trực tiếp tại các diễn đàn. Tuy nhiên, thông tư ban hành sửa đổi sau đó (Thông tư 37 ngày 30-10-2015 ) thay thế thông tư trước đó lại còn gây khó khăn, phiền nhiễu hơn nữa cho DN.

“Có những lô hàng nhập khẩu, DN nhập về làm mẫu với khoảng 5-7m, giá trị chỉ chừng 10USD (230 nghìn đồng) nhưng phí kiểm định lên tới hơn 2 triệu đồng” - bà Phạm Kiều Oanh nói.

Và áp lực phí giao thông

Việc hình thành và phát triển một đội ngũ DNNVV để làm “cầu nối”, là “hạt nhân”, mắt xích theo nhiều chuyên gia là yêu cầu tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế. Nhưng theo kết quả khảo sát của VCCI thì phần lớn DNNVV hiện nay là nhỏ và siêu nhỏ, năng lực quản trị, trình độ công nghệ… lại rất yếu và thiếu. Việc hỗ trợ DNNVV phát triển, “trưởng thành” vì thế đòi hỏi cấp bách đối với quá trình hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình này, bên cạnh những rào cản về chính sách vốn, tiếp cận thông tin thị trường… thì bài toán phí giao thông cũng được chỉ ra là bài toán khó đối với DNNVV.

Chủ trương Đối tác Công - Tư (PPP) hoặc Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) để thu hút vốn đầu tư xã hội xây dựng hạ tầng giao thông là đúng đắn, đang được ngành giao thông thực hiện khá tốt. Tuy vậy đã phát sinh xung đột lợi ích giữa chủ DN đầu tư BOT với DN kinh doanh vận tải và người tham gia giao thông. Và dù lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhiều lần khẳng định rằng, chi phí làm đường cao tốc Việt Nam không cao so với các nước khác nhưng giới chuyên gia kinh tế đã đưa ra dẫn chứng đầy thuyết phục về việc thu phí đường cao tốc quá cao bắt đầu bằng việc đội giá thành xây dựng tính trên 1km. Ví như ở Mỹ, chi phí làm đường cao tốc là là 5,7 triệu USD, ở Trung Quốc chưa đến 10 triệu USD thì đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng gần 20 triệu USD. Và đây là nguyên nhân chủ yếu để chủ đầu tư quyết định mức phí phải nộp của các phương tiện vận chuyển, cũng như đưa ra lộ trình tăng phí bất chấp phản ứng của các chủ phương tiện. Chẳng hạn, từ 0h ngày 1-4-2016, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) tăng mức phí lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trung bình 25% so với mức đầu tháng 12-2015; còn ở Quốc lộ 5 tăng khoảng 50%.

Theo ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, thành phố cảng hiện có 1.200 doanh nghiệp vận tải và 14 ngàn phương tiện thường xuyên hoạt động trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng, chuyên chở một lượng hàng hóa và hành khách rất lớn. Do đó, việc tăng phí đường sẽ làm tăng chi phí vận chuyển, đẩy giá thành rất nhiều mặt hàng thiết yếu lên cao và giảm an sinh xã hội.

Còn ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng (Hải Phòng) thì cho hay, doanh nghiệp của ông hiện có 80 đầu xe chạy dọc cả 2 tuyến đường sắp tăng mức phí qua trạm thu. Bình quân 1 tháng, đơn vị phải chi trả tới 800 triệu đồng tiền phí cho phương tiện. Ông Hải đặt câu hỏi: Đã là cơ chế thị trường thì mọi doanh nghiệp phải có quyền bình đẳng với nhau. Tại sao lại vì một doanh nghiệp mà sẵn sàng đẩy hàng nghìn doanh nghiệp khác vào thế khó khăn.

Ông Nguyễn Mại nhấn mạnh: Giá cả đầu ra của ngành này là chi phí, giá thành đầu vào của sản phẩm ngành khác, do vậy trong kinh tế thị trường không thể tùy tiện nâng giá - một cách làm khá dễ dàng đối với nhiều doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần có quan điểm cân bằng lợi ích trong đầu tư và kinh doanh, không chỉ biết kêu khi bị thiệt, mà cần biết chia sẻ khi thuận lợi, có phương thức hành xử theo quan điểm hiệu quả kinh tế - xã hội. Con đường cao tốc được coi là hiện đại nhất Việt Nam do phí quá cao nên rất ít phương tiện qua lại, buộc phải tăng phí đường 5 để buộc các phương tiện sử dụng đường cao tốc, nhưng rất nhiều ôtô vận tải phải đi đường tránh, xa hơn nhưng ít chi phí hơn. Nếu giảm khoảng 1/3 chi phí mà tăng gấp đôi số phương tiện sử dụng thì lợi nhuận sẽ cao hơn, thu hồi vốn sẽ nhanh hơn.

Nguyễn Sơn