Bất an chung cư cao tầng

06:45 | 04/04/2018

5,693 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhà ở chung cư, đặc biệt là chung cư cao tầng đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ tại những đô thị hiện đại và cũng là sở thích của nhiều người, nhất là các gia đình trẻ. Tuy nhiên, nhà ở chung cư cao tầng rất khác với nhà ở thấp tầng, trong đó, sự an toàn là một vấn đề cốt yếu, được nhiều người quan tâm.

Tiềm ẩn nguy cơ

Ở chung cư có an toàn không? Đó là câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng của nhiều cư dân khiến cho chung cư “mất giá”. Trong những năm gần đây, nhiều vụ tai nạn xảy ra tại các chung cư là minh chứng rõ ràng cho điều này. Trong đó, nguyên nhân cháy nổ đứng hàng đầu.

bat an chung cu cao tang

Vụ cháy chung cư Carina, TP HCM khiến 13 người thiệt mạng

Sau vụ cháy ở HQC Plaza nằm trên đường Nguyễn Văn Linh (xã An phú Tây, huyện Bình Chánh, TP HCM) vào cuối năm 2016, một số hộ dân ở đây đã tìm cách… bán nhà. Anh Nam, 36 tuổi, từng là chủ nhân một căn hộ ở HQC Plaza nói: “Sau vụ việc đó bỗng nhiên tôi thấy ở chung cư mất an toàn quá. Chúng tôi ky cóp mãi mới mua được căn hộ, nhưng cuối cùng lại phải bán đi để xuống đất ở cho an toàn”.

TP HCM hiện có khoảng 1.000 nhà cao từ 5 tầng trở lên, trong đó có 605 nhà cao trên 10 tầng. Mới đây, qua kiểm tra 645 chung cư, cơ quan chức năng phát hiện có 7 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã cho người dân vào sử dụng. Theo ghi nhận của lực lượng PCCC, không ít chủ đầu tư cũng như ban quản lý chung cư không quan tâm đến vấn đề PCCC.

Anh Nam cũng cho hay, sau vụ việc trên, nhiều gia đình ở HQC Plaza cũng nhanh chóng rao bán nhà nhưng đến nay có căn vẫn chưa bán được. Theo anh, sự cố cháy như một vết đen trong lý lịch khiến người mua không mấy mặn mà, số ít người hỏi mua vin vào đó để ép giá.

Chị Kiều Anh - chủ một căn hộ tại chung cư Topaz 2 (khu dân cư phức hợp cao cấp Saigon Pearl, quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Hồi tháng 4-2017, khu chúng tôi có một vụ cháy thật, một vụ báo cháy nhầm khiến cư dân náo loạn. Bây giờ đến nghe tiếng… chuông đồng hồ tôi cũng giật mình thon thót”.

Còn anh Hữu Cường ở chung cư The Easter City (đường Phạm Hùng, huyện Bình Chánh) phản ánh: “Vừa rồi khu chúng tôi ở có căn hộ bị chập điện nhưng hệ thống báo cháy im thin thít. Sau đó mấy hôm, không có vấn đề gì thì chuông báo cháy lại kêu liên tục. Hỏi ra thì được ban quản lý báo là… thử chuông. Chúng tôi cũng đến mệt mỏi với kiểu báo cháy như thế này. Thật giả lẫn lộn. Chúng tôi có ý kiến lên chủ đầu tư nhưng cũng không biết họ có để ý đến không. Chứ tính mạng của mấy trăm con người cứ như kiểu đánh đu với bà hỏa vậy”.

bat an chung cu cao tang

Tầng hầm chung cư Carina, TP HCM sau vụ cháy

Mới đây nhất, vụ cháy chung cư Carina ở quận 8, TP HCM lại tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các khu chung cư cao tầng. Hậu quả khủng khiếp mà vụ cháy để lại đã khiến nhiều gia đình sống ở các chung cư tại TP HCM cấp tốc lên phương án chống hỏa hoạn.

Anh Đoàn Minh Tâm - chủ một căn hộ cao cấp tại Saigonres Plaza (Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Sau vụ chung cư Carina, tôi phải mở lớp tập huấn phòng, chống hỏa hoạn cho vợ con, mua thêm bình cứu hỏa. Tôi cũng lên mạng tìm những vật dụng cứu hộ, balô thoát hiểm. Dù những vật dụng này khá đắt, trên dưới 15 triệu đồng nhưng tôi vẫn phải để trong nhà cho yên tâm”.

Dịch vụ tiện ích… bất tiện

Ngoài những vụ cháy ở chung cư gây thiệt hai về người và vật chất đáng kể như sự việc đau thương tại chung cư Carina vừa qua, mối hiểm họa ở các khu nhà ở cao tầng còn là những vụ mưa lớn gây ngập lụt tầng hầm, những sự cố thang máy hay những vụ trẻ em trượt ngã từ trên cao... Chưa kể đến những bất tiện nhỏ như mưa ngấm qua cửa tràn vào nhà, vệ sinh tầng trên thấm nước xuống tầng dưới, tắc ống thoát nước, hay mất điện phải leo thang bộ… xảy ra rất thường xuyên. Những tai nạn hy hữu đó khiến cho chung cư cao tầng tuy là niềm mơ ước nhưng cũng lại là mối nghi ngại của rất nhiều người.

bat an chung cu cao tang

Diễn tập PCCC tại chung cư Hà Đô Z751, quận Gò Vấp, TP HCM

Người dân chung cư Đông Hưng Thuận (phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TP HCM) đến nay vẫn chưa thể quên được “trận lụt” tại hầm giữ xe của tòa nhà hồi tháng 10-2017. Chị Thanh Chuyên, cư dân chung cư, kể lại: “Sau cơn mưa lớn lúc rạng sáng, tầng hầm chung cư đã bị nước từ ngoài đường tràn vào. Lúc tôi xuống xem thì hầm chung cư đã thành bể nước”. Chị Chuyên cho biết thêm, trước đây tầng hầm chung cư chưa xảy ra vụ ngập nước nào. Chỉ đến sáng hôm đó mưa quá lớn, nước ngập từ ngoài đường tràn vào chung cư khiến bảo vệ không kịp phản ứng. 2 máy bơm được đưa ra chạy hết công suất nhưng vẫn không xuể. Hàng trăm xe máy, nhiều ôtô bị nước nhấn chìm ở độ sâu gần 2m trong nhiều giờ đồng hồ.

Không gặp phải sự cố ngập lụt như ở chung cư Đông Hưng Thuận, người dân khu chung cư 584 Lũy Bán Bích (quận Tân Phú, TP HCM) đã từng một phen “hú vía” với sự cố kẹt thang máy cách đây 2 năm. Ông Ngô Hoàng Anh, người dân chung cư kể lại: “16 người bị kẹt trong buồng thang máy hơn 30 phút, các số điện thoại cứu hộ dán trong thang máy không liên lạc được, nhiều người mất bình tĩnh, hoảng loạn đến ngất xỉu. Rất may có người sau đó đã kịp thời gọi điện thoại cho lực lượng cảnh sát và cấp cứu đến cứu hộ... Chung cư này hoạt động gần chục năm rồi, có 8 thang máy nhưng hầu như thang nào cũng ít nhất 1 lần bị trục trặc. Bao năm qua, chúng tôi rất ít thấy bảo trì, bảo dưỡng thang máy. Chỉ khi nào có sự cố thì ban quản lý mới kêu thợ đến sửa chữa. Tiền phí dịch vụ chúng tôi đóng đầy đủ, nhưng không biết vì sao lại để tệ hại như vậy. Vừa rồi thang máy lại bị kẹt, sợ quá! Nhiều người bảo nhau chịu khổ cực đi thang bộ cho an toàn. Mình còn trẻ, coi như tập thể dục. Nhưng những người lớn tuổi thì sao đi thang bộ nổi”.

bat an chung cu cao tang

Tường nhà nứt nẻ tại khu chung cư thuộc Dự án Celadon City, quận Tân Phú, TP HCM

Ngoài nỗi lo “rớt” thang máy, chỉ có cư dân ở chung cư mới hiểu cảnh “tắc” thang máy. Do tiết kiệm chi phí và không tính toán tỷ lệ người dân/thang máy, nhiều chủ đầu tư đã hạn chế tối đa thang máy hoặc có nhiều thang máy nhưng chỉ có ít thang hoạt động.

Người dân ở chung cư An Gia Star, quận Bình Tân, đến nay vẫn phải đối mặt với nỗi ám ảnh “tắc thang máy” mỗi khi đến giờ cao điểm. Hàng trăm hộ dân với cả ngàn con người nhưng chỉ có 2 buồng thang máy loại nhỏ cho 6-7 người, chưa kể có lúc 1 trong 2 thang gặp sự cố khiến nhiều người phải đi bộ tận mười mấy tầng lầu vì đợi quá lâu. Điều đáng nói, tại thời điểm rao bán dự án, các nhân viên kinh doanh của đơn vị chủ đầu tư giới thiệu chung cư có 3 thang máy/block. Trong catalog quảng cáo dự án này cũng hiện thị hình ảnh rất rõ có 3 thang máy. Thế nhưng, trong các điều khoản hợp đồng ký kết với khách hàng lại ghi chỉ có 2 thang máy. Đại diện phía chủ đầu tư sau đó trả lời rằng: “Việc hình ảnh có 3 thang máy trong catalog là do lỗi in ấn. Thiết kế dự án này vốn dĩ chỉ có 2 thang máy”. Thực tế, việc in ấn catalog là sai sót vô tình hay có chủ đích thì chỉ có chủ đầu tư mới biết rõ. Còn việc nghe tư vấn, xem catalog và “giấy trắng mực đen” trong hợp đồng là hai chuyện khác nhau. Lúc vỡ lẽ, khách hàng cũng chỉ biết tự trách mình đã không đọc kỹ hợp đồng.

Bất cập trong thiết kế, vận hành

Kiến trúc các tòa nhà cao tầng nói chung và căn hộ chung cư nói riêng thường có độ phức tạp cao, đòi hỏi đáp ứng các yêu cầu về an toàn và tiện ích cho người sử dụng. Các tiện ích được đảm bảo tốt thường sẽ tăng độ an toàn và ngược lại, tai nạn với người sử dụng sẽ là không tránh khỏi nếu các tiện ích không được đảm bảo.

Trong các công trình nhà ở được xây dựng ồ ạt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM hiện nay, thực tế cho thấy có rất nhiều thiết kế chạy theo hình thức, hào nhoáng bề ngoài mà xem thường hoặc bỏ qua nhưng quy phạm an toàn và tiện nghi cho người sử dụng. Nhà ở chung cư được xem là nơi tập trung của một cộng đồng thu nhỏ với đủ mọi thành phần, song có rất ít dự án được nghiên cứu thấu đáo về mặt xã hội học để phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau. Nhiều chủ dự án chỉ quan tâm tăng mật độ xây dựng, tăng chiều cao, giảm giá thành để đạt hiệu quả trong việc bán hàng mà cố tình quên rằng họ đang sản xuất ra một “món hàng” đặc biệt: Nơi cư trú của con người.

Các vụ cháy nổ đã xảy ra ở các khu chung cư cho thấy còn tồn tại rất nhiều bất cập trong khâu thiết kế về an toàn PCCC và hệ thống giao thông, vị trí thoát hiểm. Ví dụ như các thang thoát hiểm không đạt tiêu chuẩn chịu lửa và thông gió, giao thông không mạch lạc, khoảng cách an toàn tới vị trí thoát hiểm không bảo đảm…

Các vụ ngập lụt tầng hầm cho thấy thiết kế chưa tính toán được hết các tình huống có thể xảy ra. Phương tiện và hệ thống kỹ thuật phòng chống còn thiếu và yếu, không đáp ứng được khi có sự cố.

bat an chung cu cao tang

Lưới bảo vệ gia cố thêm ở ban công tăng sự an toàn cho trẻ nhỏ, nhưng gây khó khăn cho việc cứu nạn khi có cháy xảy ra

Ngoài ra, còn có nhiều vấn đề xung đột về mặt pháp lý và thực tiễn. Ví dụ, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, lối ra ban công hoặc lô gia được coi là lối ra khẩn cấp khi có cháy. Việc lắp đặt thêm lưới an toàn hoặc các vật che chắn khác sẽ làm ảnh hưởng đến lối ra khẩn cấp, giảm khả năng tiếp cận của phương tiện cứu nạn, cứu hộ. Đây cũng là lý do nhiều ban công chung cư không được phép lắp đặt lưới an toàn. Song, những kiểu ban công hoặc lô gia hiện nay đều rất dễ xảy ra tai nạn cho trẻ nhỏ, bởi thanh ngang lan can không khác gì những bậc thang cho trẻ leo trèo. Việc người dân tự thiết kế các hàng rào sắt che chắn ban công chính là cách đảm bảo trẻ không bị ngã xuống, mặc dù nếu có hỏa hoạn xảy ra sẽ rất nguy hiểm.

Khi chủ đầu tư làm dự án, thường mọi thiết kế đều theo đúng tiêu chuẩn quy định, đẹp đẽ, hài hòa để vượt qua các bước thẩm định của cơ quan chức năng, và dễ dàng mời gọi khách hàng. Nhưng đến khi thi công thì nhiều thứ lại được thay đổi, từ tổng thể đến chi tiết để làm sao giảm tối đa chi phí, mang lại lợi nhuận lớn hơn cho nhà đầu tư.

Tương tự, người dân cũng thường tự ý lắp đặt cửa sắt bên ngoài cửa chính ở hành lang để tăng cường chống đột nhập nhưng cũng lại cản trở công tác thoát nạn, cứu hộ. Mỗi dự án có một quy định khác nhau, thực tế thì cũng không quản lý được hết các trường hợp, nhất là sau khi ban quản lý dự án đã xong nhiệm vụ, rút khỏi công trường xây dựng.

Chất lượng xây dựng kém

Đây là một nguyên nhân phổ biến. Bởi khi chủ đầu tư làm dự án, thường mọi thiết kế đều theo đúng tiêu chuẩn quy định, đẹp đẽ, hài hòa để vượt qua các bước thẩm định của cơ quan chức năng và dễ dàng mời gọi khách hàng. Nhưng đến khi thi công thì nhiều thứ lại được thay đổi, từ tổng thể đến chi tiết để làm sao giảm tối đa chi phí, mang lại lợi nhuận lớn hơn cho nhà đầu tư.

Vì vậy, nhiều chủng loại vật tư, vật liệu bị thay đổi quy cách hoặc thương hiệu; quy trình thi công không đúng, không đủ; chất lượng thi công thực tế của người thợ không đạt yêu cầu, nhiều hạng mục bị bớt xén. Ví dụ như thay cửa thang thoát hiểm từ vật liệu chống cháy thành vật liệu không có khả năng chống cháy; thay kính chịu lực bằng kính thường; chất lượng bê tông, vữa trát, xi măng không bảo đảm yêu cầu thiết kế…

Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều tòa chung cư sau khi được sử dụng chưa lâu đã phát đủ thứ “bệnh”: Tường nhà bong tróc, nứt, ngấm nước; nền móng sụt lún; nhà vệ sinh thấm nước từ tầng trên xuống tầng dưới; tắc, vỡ ống thoát nước; cửa gỗ cong vênh; điện chập cháy… mà việc sửa chữa thường rất phức tạp và mất thời gian do các căn hộ có nhiều phần chung, hoặc liên quan đến nhau, khó bề giải quyết.

Thậm chí, đã có những sự việc nguy hiểm hơn xảy ra như vữa trát trần nhà rơi cả mảng xuống phòng có người đang sinh hoạt; ống nước vỡ tràn từ tầng trên xuống tầng dưới; thang máy bị sự cố rơi tự do; cửa kính vỡ gây sát thương; hệ thống báo cháy, vòi chữa cháy không hoạt động khi có hỏa hoạn… Tất cả những điều này đều gây mất an toàn và gây ức chế về tâm lý cho người dân ở chung cư.

Bài toán chưa có lời giải

Ngoài những nguyên nhân trên, thì việc quản lý chung cư yếu kém cũng là nguyên nhân gây mất an toàn, bên cạnh đó là ý thức của người dân. Ở chung cư cao tầng trong đô thị khác hẳn ở nhà phố, càng khác nhiều so với vùng nông thôn, đòi hỏi người dân phải có kiến thức và ý thức rất cao, luôn buộc phải tuân theo những nguyên tắc nhất định.

Song, dường như một khu chung cư cao tầng với môi trường sống hiện đại, có những đặc điểm xã hội rất riêng vẫn còn lạ lẫm, mới mẻ đối với nhiều người dân Việt Nam. Ví dụ như cách đây vài năm, một chung cư ở Hà Nội đã có vụ cháy gây chết người, nguyên nhân được xác định là có người bỏ tàn lửa vào cửa đổ rác chung, gây cháy. Hay gần đây nhất, ở vụ cháy chung cư Carina, trước khi sự cố xảy ra, người dân đã có phản ánh về việc bảo vệ hút thuốc trong tầng hầm để xe - điều cực kỳ nguy hiểm bị nghiêm cấm trong bất cứ tòa nhà nào.

Đó chỉ là một vài ví dụ nhỏ trong rất nhiều chuyện về ý thức ở trong chung cư cao tầng. Làm sao để môi trường sống ở chung cư thực sự an toàn vẫn là một bài toán khó chưa có lời giải đúng, khi mà kiến thức và ý thức của con người vẫn chưa “cao” theo những tầng cao của chung cư.

Nguyên Phương

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps