Bảo vệ người lao động Việt Nam tại nước ngoài như thế nào?

20:32 | 12/12/2017

2,539 lượt xem
|
(PetroTimes) - Khoảng 500.000 lao động Việt hiện đang có mặt tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với hơn 30 nhóm ngành nghề các loại. Hệ thống pháp luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài không ngừng được bổ sung hoàn thiện để phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế.

Hội nhập quốc tế không chỉ tạo nhiều việc làm cho lao động trong nước, mà nó còn tạo cơ hội việc làm cho người lao động đi làm việc ở ngoài nước. Khi các rào cản pháp lý về di chuyển pháp nhân, thể nhân được nới lỏng, các quan hệ kinh tế, đối ngoại, lao động được thiết lập sẽ tạo điều kiện cho lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc.

Thời gian qua hệ thống pháp luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài không ngừng được bổ sung hoàn thiện để phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước, Việt Nam vẫn hình thành được hệ thống thị trường xuất khẩu lao động phong phú và đa dạng, số lao động ra nước ngoài làm việc ngày càng nhiều. Hằng năm, có tới 80.000 người Việt Nam rời quê hương ra nước ngoài làm việc.

bao ve nguoi lao dong viet nam tai nuoc ngoai nhu the nao
Người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài ngày càng được bảo vệ tốt hơn.

Lao động Việt Nam được thị trường nhiều nước chấp nhận, đa số nỗ lực, chủ động học tập, sáng tạo và cần cù trong lao động, được giới chủ sử dụng lao động tin tưởng. Trong quá trình làm việc tại nước ngoài, bộ phận công nhân này được tiếp xúc và làm việc trong môi trường công nghiệp hiện đại nên được đào tạo về nghề nghiệp, nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ, xây dựng tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động. Trong những năm gần đây, dòng tiền kiều hối của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã đạt khoảng 2 tỷ USD. Đây là một con số khá ấn tượng khi nhìn vào bức tranh chung nền kinh tế nước nhà.

Hội nhập quốc tế tạo ra thị trường lao động phong phú, đa dạng cả trong và ngoài nước, góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người công nhân lao động. Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay và chiến lược nâng cao năng suất lao động để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, khi trở về nước cùng với các kỹ năng tiếp thu được có thể góp phần tăng năng suất lao động và giúp đất nước duy trì năng lực cạnh tranh, ví dụ như kỹ năng về dịch vụ khách hàng, nguyên tắc và tác phong công nghiệp, hiệu suất công việc, quản lý quy trình và ứng dụng công nghệ thông tin…

Tuy nhiên, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải đối mặt với rất nhiều thách thức và những nguy cơ tiềm ẩn, như bị người sử dụng lao động xâm phạm quyền lợi, phá hợp đồng và bị chính người lao động cùng bỏ rơi. Đặc biệt nghiêm trọng khi người lao động Việt Nam “dính” phải mạng lưới tuyển dụng lao động bất hợp pháp, vi phạm luật pháp của nước sở tại về quy trình tuyển dụng.

bao ve nguoi lao dong viet nam tai nuoc ngoai nhu the nao
Xuất khẩu lao động sẽ là động lực quan trọng nâng cao chất lượng lao động Việt Nam.

Từ thực tế nêu trên đặt ra một thách thức rất lớn đối với tổ chức công đoàn Việt Nam. Với vai trò là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đã và đang nỗ lực tiến hành các biện pháp tích cực nhất nhằm đảm bảo di cư an toàn và bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Trong đó, sự hợp tác giữa các tổ chức công đoàn của cả quốc gia “xuất khẩu” và quốc gia “sử dụng” lao động đóng một vai trò quan trọng trong trao đổi thông tin và hỗ trợ việc bảo vệ quyền của người lao động di cư.

Ngày 12/9/2017, Tổng LĐLĐVN cùng Bộ Công an đã tổ chức Lễ ký kết quy chế phối hợp. Trong đó, Bộ Công an và Tổng LĐLĐVN đã chú trọng phối hợp làm tốt công tác quản lý lao động, cán bộ công đoàn đi công tác và học tập ở nước ngoài, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm xảy ra, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Theo Tổng LĐLĐVN, hiện có khoảng 500 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc hợp pháp tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.

Tùng Dương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc