Bảo vệ người chống tham nhũng

20:13 | 15/11/2011

1,371 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Người tham nhũng có chức vụ, quyền hạn, có nhiều tiền nên khi bị phát hiện họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để ngăn chặn, trả thù người tố cáo để bảo vệ quyền lợi, địa vị của mình.

Số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý thông qua đơn thư phản ánh, tố cáo chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. Trên thực tế, số vụ việc liên quan đến “đấu tranh tránh đâu” những người chống tham nhũng bị đe dọa, trù dập, trả thù xảy ra khá phổ biến khiến rất ít người dám tố cáo tham nhũng. Lý do được các chuyên gia pháp luật chỉ rõ là bởi còn thiếu cơ chế cụ thể bảo đảm an toàn cho người tố cáo. Đây là tinh thần thảo luận ở hội thảo quốc tế “Bảo vệ người tố cáo tham nhũng” do Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Ngỏ lời tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Phách, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, thẳng thắn nhìn nhận: Thời gian qua dù có nhiều cố gắng nhưng công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa tạo được chuyển biến tích cực. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Số người tố cáo loại tội phạm này còn ít.

Theo ông Phách, nguyên nhân của tình trạng trên là do các quy định bảo vệ người tố cáo về tham nhũng chưa đầy đủ, không khả thi nên nhiều trường hợp chống tiêu cực bị trả thù dưới hình thức tinh vi như: bị đuổi việc, bị vô hiệu hóa, mất việc, bị khủng bố tinh thần, con cái bị ảnh hưởng trong sự nghiệp, thậm chí bị đe dọa tính mạng… Không phải trường hợp nào cũng thắng lợi như vụ án tham nhũng đất ở Đồ Sơn Hải Phòng mà người đương đầu dũng cảm là vị cựu sĩ quan công an hưu trí Đặng Đinh Phú. Ông kiên cường và kiên trì tố cáo hành vi tham nhũng này.

Tuy nhiên, trong hầu hết các phản hồi đều là bao che, bỏ qua… cho đến khi đơn thư và tài liệu của ông đến tay nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và Thủ tướng đương nhiệm Phan Văn Khải… Kết quả là cả một bộ sậu tham nhũng đất ở Hải Phòng bị đưa ra xét xử, lĩnh án. Tuy nhiên, ở Hà Nội, các nhân tố tích cực tố giác tham nhũng như bà cựu chiến binh ở quận Tây Hồ, bà giáo già ở quận Đống Đa, công dân khác ở quận Cầu Giấy… đã không ít lần bị kẻ giấu mặt đe dọa, hành hung; thậm chí đổ chất thải vào nhà trong ngày tết mà không nhận được sự bảo vệ kịp thời của các cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Huy Lân, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh Nghệ An về phòng chống tham nhũng chia sẻ: Chống tham nhũng đã trở thành “cuộc chiến” phức tạp và quyết liệt. Người tham nhũng có chức vụ, quyền hạn, có nhiều tiền nên khi bị phát hiện họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để ngăn chặn, trả thù người tố cáo để bảo vệ quyền lợi, địa vị của mình. Nhận xét về vấn nạn tham nhũng hiện nay, Tướng Nguyễn Ngọc Anh, Bộ Công an nhận xét, nạn tham nhũng đang xảy ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên, tỉ lệ phát hiện và xử lý các vụ việc còn thấp, chưa tương xứng với thực trạng.

Tướng Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên là do người dân e ngại, né tránh lo sợ bị trả thù nên không dám đứng ra tố cáo. Trong khi đó, những kẻ tham nhũng dùng nhiều phương thức tinh vi để đối phó. Vấn đề bảo vệ người tố cáo tham nhũng là yêu cầu cần thiết hiện nay, chẳng hạn khi có thông tin tại tỉnh Nghệ An, trong số 18 người tố cáo tham nhũng được tỉnh khen thưởng thì có đến 1/3 bị hành hung, trù dập và trả thù. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có vụ nào được điều tra đến nơi đến chốn.

Quan tâm đến việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng tại nước ta, nhiều chuyên gia nước ngoài cũng chia sẻ các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Theo đó cách phổ biến nhất là phải bảo đảm giữ bí mật tên tuổi, địa chỉ và thông tin liên quan đến người tố cáo. Thậm chí, họ có thể được thay đổi họ tên, đưa đến cư trú ở nơi khác, thậm chí có thể ra nước ngoài sinh sống… Không chỉ người tố cáo, mà gia đình, thân nhân của họ cũng phải được bảo vệ trước nguy cơ tấn công của tội phạm.

Cụ thể hơn, đại diện phía Hàn Quốc cho hay, theo đạo luật bảo vệ người tố cáo tham nhũng vừa được ban hành ở nước này, mọi thông tin liên quan đến người tố cáo đều không được tiết lộ. Nếu trong quá trình tố cáo, người đứng ra tố cáo phải chịu ảnh hưởng thiệt hại về kinh tế sẽ được đền bù, chuyển công tác sang nơi phù hợp. Đặc biệt, họ sẽ còn có một khoản thu nhất định được trích từ tiền thu được từ vụ tham nhũng do họ phát hiện. Vị khách Hàn Quốc còn cho biết thêm rằng, nếu thấy tính mạng của người đó không được an toàn, cảnh sát địa phương sẽ là người trực tiếp tham gia bảo vệ trong thời gian nhất định. Thậm chí khi đi đâu họ cũng có người bảo vệ.

Đại điện của chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc, ông Jairro Acuna Alfaro khuyến cáo để người dân tích cực tham gia tố cáo, tố giác tham nhũng, cần xây dựng những quy định để bảo vệ và có chính sách khuyến khích họ. Ông cho rằng, một khi người ta thấy an toàn thì các mục tiêu, chiến lược phòng chống tham nhũng mới thực hiện được. Theo một khảo sát cho thấy 77% người làm trong các doanh nghiệp được hỏi không quan tâm đến phòng chống tham nhũng bởi lo bị trù úm.

Lên tiếng tại hội thảo, có đại biểu cho rằng, cần có cách kiểm tra niêm yết tài sản, giải trình tài sản của các quan chức cũng như người thân của họ, trả lương công chức qua hệ thống ngân hàng, kiểm tra đột xuất thường xuyên cách làm việc của các quan chức nhất là ở địa phương phường xã những người trục lợi trực tiếp từ người dân. Pháp luật cần xử lý tội tham nhũng nặng hơn nữa vì đây là ung nhọt làm thiệt hại nặng nề đất nước ta. Điều này phù hợp với ý kiến của các đại biểu Quốc hội mới đây đã đề nghị không giao nhiệm vụ công tham nhũng cho người đứng đầu chính quyền địa phương. Nếu vênh với luật thì đề nghị Quốc hội sửa luật sau khi đã được thí điểm.

Luật Phòng chống tham nhũng ra đời đã hơn 6 năm nhưng rất ít “quan tham” phải chịu án theo luật! Hơn nữa với 12 hành vi tham nhũng chứa đựng trong điều 3 của bộ luật này miêu tả hành vi vi phạm rất chặt chẽ, đã bao trùm tất cả điều cấm mà không có một khe hở nào.

Tại hội thảo các đại biểu nhận định cơ chế, chính sách bảo vệ người tố cáo tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu; việc thực hiện các quy định về bảo vệ người tố cáo còn nhiều hạn chế. Bảo vệ an toàn cho người tố cáo tham nhũng là yêu cầu quan trọng, bức thiết của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng nhưng cũng là vấn đề rất khó khăn và nan giải.

Được biết, tới đây Bộ Công an sẽ xây dựng quy trình quy định cụ thể bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Trong đó, ngoài được bảo vệ, người tố cáo tham nhũng có thể được thưởng đến 30 triệu đồng. Mong sao văn bản này sớm được ban hành.

Bảo Dân

{lang: 'vi'}