Bảo vệ chủ thể tố cáo và từ chối tố cáo nặc danh

17:46 | 25/10/2011

447 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Không khí sôi nổi trên Hội trường tiếp tục được các đại biểu Quốc hội duy trì từ Dự thảo Luật khiếu nại sang buổi thảo luận, tiếp thu chỉnh lý cho Dự thảo Luật tố cáo sáng nay (25/10).

Toàn cảnh hội trường Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII.

Luật khiếu nại, tố cáo ban hành năm 1998 và được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật khiếu nại, tố cáo, rất nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, đã bộc lộ. Chính vì vậy, Quốc hội khóa XII đề xuất tách Luật khiếu nại, tố cáo thành các Luật khiếu nại và Luật tố cáo, để bổ sung những điều còn hạn chế cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát sinh, đồng thời dự thảo các Luật này dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII lần này.

Đối với dự thảo Luật tố cáo, đa số ý kiến các đại biểu đều tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến chủ thể tố cáo, cùng bày tỏ sự đồng ý như phương án 2 của dự thảo Luật là không nên quy định chủ thể tố cáo là tổ chức. “Trong thực tiễn hiện nay, các tổ chức cùng thực hiện quyền tố cáo đúng là có thật, nhưng việc giải quyết đối với loại tố cáo này gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xác định trách nhiệm của tổ chức, thành viên của tổ chức trong trường hợp tố cáo sai sự thật, lợi dụng việc tố cáo để vu cáo, vu khống. Vả lại, khi Luật khiếu nại, tố cáo chỉ giới hạn chủ thể là công dân mà số lượng đơn thư hàng năm tồn đọng đã quá lớn”, đại biểu Trương Quang Nghĩa (TP HCM) đóng góp cho phần quy định chủ thể tố cáo.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) cho rằng, tố cáo là hành vi làm phát sinh những hậu quả pháp lý và trách nhiệm gắn với cá nhân, chẳng hạn như trách nhiệm hình sự đối với trường hợp che giấu, không tố giác tội phạm, hay vu khống, bịa đặt. Vì vậy, không thể quy định chủ thể tố cáo là tổ chức. Điều này cũng phù hợp với chính sách hình sự của Nhà nước ra đã được quy định trong Bộ luật hình sự hiện hành là cá thể hóa trách nhiệm hình sự, không quy định tổ chức là chủ thể của tội phạm.

Về các lí do phải bảo vệ chủ thể tố cáo, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) dẫn chứng, trong Hội nghị tuyên dương 88 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống tham nhũng do BCĐ TƯ về phòng, chống tham nhũng tổ chức hàng năm, rất nhiều anh chị đã tâm sự, họ từng bị trù dập, cản trở, thậm chí dọa nạt ảnh hưởng đến tính mạng cá nhân và gia đình. “Lâu nay, các thủ tục tố cáo tương đối phức tạp. Để khuyến khích người tố cáo (cũng chính là cánh tay nối dài của chính quyền, cơ quan, đoàn thể), chúng ta cần bổ sung những quy định để họ sẵn sàng trở thành “cộng tác viên” của pháp luật, đặc biệt trước vấn nạn tham nhũng đang lan tràn hiện nay”.

Vấn đề quyền và nghĩa vụ của người tố cáo là điểm nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhất. Đa số ý kiến đề nghị giữ bí mật, danh tính, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân của người tố cáo; trừ trường hợp người tố cáo tự xét thấy không cần thiết.

Đối với chủ thể tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ nhưng có nội dung tố cáo rõ ràng, có bằng chứng cụ thể, có thể thẩm tra, xác minh thì cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết, còn nếu chủ thể tố cáo giấu tên không đáp ứng được những điều kiện trên thì các cơ quan có thẩm quyền không nên xem xét. Đây được coi là tố cáo nặc danh, và đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) đề nghị Dự thảo Luật phải quyết liệt hơn với những trường hợp trên. Về hình thức tố cáo, các ý kiến đề nghị nên tố cáo bằng văn bản chứ không nên qua các hình thức khác như thư điện tử, điện thoại, fax… rất khó khăn trong quá trình thẩm tra, giải quyết tố cáo.

Đối với chủ thể tố cáo sai sự thật, hoặc lợi dụng tố cáo để làm giảm uy tín, gây thiệt hại kinh tế cho người bị tố cáo, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (tỉnh Quảng Ninh) đề nghị chủ thể tố cáo phải bồi thường cho người bị tố cáo toàn bộ thiệt hại, đồng thời cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực, UBTV Quốc hội đã cho chỉnh lý lại Chương IV theo hướng quy định cụ thể những nội dung mang tính đặc thù, cụ thể là gắn thẩm quyền, trình tự và thủ tục giải quyết tố cáo với xử lý vi phạm hành chính; đơn giản hóa trình tự, thủ tục với những tố cáo có nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể để sớm đưa vào xác minh, xử lý.

Hữu Tùng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc