Bão Nock-teen suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

07:00 | 01/01/1970

1,291 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi đổ bộ vào Thanh Hóa, Nghệ An với cường độ cấp 8, bão Nockten đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Thiệt hại ban đầu một người chết, nhiều tuyến đê kè bị sạt lở.

Bão Nock-ten khi đổ bộ vào đất liền đã suy yếu còn cấp 8, tuy nhiên hoàn lưu trước bão đã gây mưa rất to cho các tỉnh miền Trung, như thành phố Vinh 200 mm, Hòn Ngư (Nghệ An) 240 mm, Linh Cảm (Hà Tĩnh) 170 mm, Tuyên Hóa (Quảng Bình) 100 mm…


Tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), nơi tâm bão đi qua, đến 21h trời vẫn mưa rất to, gió giật cấp 6-7. Một số cây bị kéo đổ, bật gốc. Điều lo ngại nhất đối với huyện này là bão vào đúng lúc triều cường đe dọa nhiều tuyến đê xung yếu.

Vì vậy suốt hôm nay chính quyền các xã ven biển như Quỳnh Bảng, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thuận, Quỳnh Thanh, Tiến Thủy đã túc trực liên tục để kiểm tra mực nước, sẵn sàng xử lý nếu đê vỡ. Hiện chưa ghi nhận sự cố nào đối với tuyến đê biển của huyện.

Trước đó trên đường vào bờ, bão Nock-ten đã giật đổ một số cột điện của xã Thọ Sơn, huyện miền núi Anh Sơn khiến ông Phạm Xuân Tứ (68 tuổi) bị điện giật chết.

Thành phố Hải Phòng không phải là tâm bão, nhưng thiệt hại lại rất lớn. Tại huyện đảo Cát Hải, triều cường kết hợp sóng lớn tràn qua đê gây ngập lụt 1/3 thị trấn Cát Hải. Toàn bộ tuyến đê Bến Gót – Gia Lộc dài 3 km bị sạt lở nghiêm trọng. Huyện phải cưỡng chế hơn 300 người dân ở khu vực đê xung yếu thuộc khu Hải Lộc, Kiến Lộc về nơi an toàn.

Tại Đồ Sơn, sóng mạnh cao hàng chục mét đã phá vỡ hơn 600 m bờ kè khu vực du lịch quốc tế Hòn Dấu. Nước biển tràn vào trung tâm quận gây ngập sâu. Hiện Đồ Sơn có rất nhiều khách du lịch. UBND quận đã chỉ đạo không để bất cứ ai xuống tắm biển.

Tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa, mặc dù tâm bão đi qua nhưng theo người dân, cả sức gió và lượng mưa đều không lớn nên hiện chưa xảy ra sự cố. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện vẫn yêu cầu người dân tiếp tục theo dõi, không được chủ quan.

Tại xã ven biển Ngư Lộc (Hậu Lộc), một trong những vùng được xác định bão sẽ đổ bộ, từ khoảng 9h sáng trời bắt đầu mưa, nhưng không lớn. Đến 12h trời nổi gió, tăng dần từ cấp 4 đến cấp 7 và liên tục đổi hướng. Đến chiều tối, gió có xu hướng giảm, mưa cũng không nặng.

Đến 11h, tất cả hơn 8.500 tàu thuyền với 28.500 lao động của tỉnh đã có liên lạc, trong đó 8.100 phương tiện đã về các bến trong tỉnh. Còn 236 tàu với gần 1.500 người trú bão ở đảo Bạch Long Vĩ, Cát Bà (Hải Phòng), Cô Tô (Quảng Ninh), Nam Định, Ninh Bình. Các phương tiện trên vẫn thường xuyên liên lạc với gia đình và địa phương.

Trước đó đêm 29/7, tại cửa Lạch Sung có 2 tàu với 8 lao động của xã Minh Lộc (Hậu Lộc) trên đường vào bờ tránh bão đã bị gãy chân vịt. Bộ đội Biên phòng đã điều động phương tiện, lực lượng ra ứng cứu. Tàu đã thay thế xong chân vịt, nhưng do nước cạn chưa vào bờ được.

Đề phòng bão đổ bộ gây mưa lớn, chia cắt địa bàn, Sở Công thương tỉnh đã dữ trữ 590 tấn gạo, 10.550 thùng mì tôm, 1.760 thùng nước uống, 36.500 m2 vải bạt, 1.605.000 lít xăng dầu phục vụ cho các huyện miền núi dễ bị cô lập.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã về Thanh Hoá để chỉ đạo công tác phòng chống bão.

Tại Nghệ An, từ 9h sáng, hoàn lưu bão gây mưa to cho các huyện trung du miền núi và đồng bằng ven biển. Suốt buổi chiều, trời mưa như trút nước, gió thổi liên hồi, biển động mạnh, rất nhiều ngư dân đã bất chấp biển động, tranh thủ ra giằng thêm dây néo cho tàu thuyền.

Vừa tất tả giằng lại dây néo chiếc tàu tại cảng Cửa Hội, ngư dân Nguyễn Đức Minh lo lắng: “Năm nay bão vào sớm, nghe nói là sẽ vào trực tiếp Nghệ An nên bà con lo lắm. Mặc dù tàu thuyền đã vào bờ an toàn cả nhưng nếu gió giật mạnh thì các tàu thuyền đang đậu cũng rất dễ bị chìm”.

Tại bãi biển Cửa Lò, trước thực trạng một số khách du lịch vẫn tranh thủ tắm biển ngày bão, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã ra lệnh cấm tắm, dùng loa kêu gọi tất cả du khách lên bờ.

Tại thành phố Vinh, mưa to khiến cho nhiều con đường như đại lộ 3/2, Minh Khai, Phong Định Cảng, Nguyễn Văn Cừ đã bị ngập, nhiều ôtô chết máy trên đường. Trưa nay, công tác sơ tán, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm ở tỉnh Nghệ An đã cơ bản được hoàn thành.

Ủy ban phòng chống lụt bão Nghệ An cho biết tỉnh đang có 7 hồ đập đã tích nước từ trước, nếu xảy ra mưa to thì sẽ phải xả để tránh nguy hiểm. Khi đó, người dân xung quanh các hồ đập này sẽ được sơ tán khẩn cấp.

Trước đó từ sáng sớm, suốt dọc các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh, người dân hối hả chạy đua với bão.

Tỉnh Thái Bình trưa 30/7 mới có mưa nhỏ, gió nhẹ. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, các phương tiện tàu thuyền, đê kè đều đã được kiểm tra. Phương án sơ tán dân được đưa ra với hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy với tổng số 760 người, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ.

Tại Nam Định, đến trưa nay, ngoài trận mưa nhỏ vào sáng sớm, trời khá yên ả. Theo ông Lê Văn Trực, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp, tỉnh đã lên phương án đối phó trong trường hợp bão đổ bộ. Toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi trú tránh, mực nước đệm đã được rút để đề phòng mưa lớn. Chỉ trong trường hợp mưa rất to (300-400 mm) thì Nam Định mới lo ngập úng.

Về chỉ đạo sơ tán dân của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão, Nam Định cũng đã thống kê và có phương án cụ thể với những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm ở huyện Giao Thủy. "Chúng tôi đã chuẩn bị, trong trường hợp bão vào trực diện dân sẽ được sơ tán”, ông Trực nói.

Sáng nay tại các huyện ven biển của Nghệ An như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Cửa Lò và thành phố Vinh bắt đầu có mưa rào và dông, gió thổi mạnh. Theo dự báo, Nock-ten sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Nghệ An nên lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu di dời khẩn cấp 4.300 hộ với 13.500 nhân khẩu ở khu vực có khả năng bị ảnh hưởng.

Hai khu chung cư cũ C8, C9 Quang Trung (thành phố Vinh) được đánh giá là có thể sụp đổ khi bão đến nên từ sáng sớm, 110 hộ dân bắt đầu lục tục dọn đồ đạc, chuẩn bị sơ tán đến Trường mầm non Hoa Hồng và một khu chung cư mới xây. Hệ thống loa truyền thanh liên tục nhắc nhở người dân các phương án di chuyển.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Khối phó khối 9 phường Quang Trung cho biết, những người không chịu di chuyển sẽ phải cưỡng chế. Các hộ dân cũng được khuyến cáo chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc men trong 2 ngày.

Tại huyện ven biển Diễn Châu, lực lượng phòng chống lụt bão tại chỗ đang sơ tán dân ở các xã ven biển như Diễn Ngọc, Diễn Vạn, Diễn Bích… Ông Phan Xuân Vinh, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết, 5.000 người ở các khu vực nguy hiểm của huyện sẽ được sơ tán, dự kiến 12h trưa nay công việc này phải hoàn tất.

Tại Thanh Hóa, từ 7h30 sáng, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện khẩn yêu cầu các huyện thị ven biển chủ động sơ tán dân tại các vị trí xung yếu, sát mép nước, cửa sông và phải xong trước 12h trưa nay.

Dự kiến khoảng 61.100 người sinh sống trong phạm vi 200 m tính từ mép nước trở vào ở 13 xã ven biển của các huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hoàng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc và thị xã Sầm Sơn phải di dời.

Hiện cán bộ của những huyện ven biển đã xuống vùng trọng điểm để triển khai phương án phòng chống.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trong đêm nay và rạng sáng mai (31/7), bão tiếp tục giữ hướng tây, tốc độ 20 km mỗi giờ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Sáng 31/7, trung tâm vùng áp thấp nằm trên khu vực Trung Lào.

Vịnh Bắc Bộ và vùng ven biển Hải Phòng – Nghệ An đêm nay còn có có gió mạnh cấp 6 cho đến cấp 10, biển động mạnh, nước biển dâng kết hợp với triều cường cao 3-5 m. Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to. Mực nước hạ lưu các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng lên báo động 1, ở thượng lưu có khả năng lên báo động 2, có nơi cao hơn. Người dân cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng và đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.