Bao nhiêu cử nhân sư phạm có việc làm?

11:30 | 25/10/2017

1,799 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau hàng loạt trường hợp cử nhân sư phạm, thậm chí là thủ khoa sư phạm ra trường không tìm được việc làm, phải làm trái ngành nghề, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu chấn chỉnh, rà soát chất lượng đào tạo ngành sư phạm.  

Theo thống kê do Bộ GD&ĐT công bố tháng 1/2017, cả nước thừa 26.700 giáo viên. Tại hội thảo khoa học quốc gia về đào tạo giáo viên vào tháng 5/2016, Bộ GD&ĐT dự kiến đến năm 2020, Việt Nam thừa trên 70.000 cử nhân sư phạm. Trong khi đó, theo thông báo của Bộ GD&ĐT, năm 2017, các trường đào tạo giáo viên bao gồm cả trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp vẫn tuyển mới hơn 55.600 chỉ tiêu.

Bên cạnh đó, việc tuyển sinh ngành sư phạm đang vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận do điểm đầu vào quá thấp. Trong đợt tuyển sinh năm 2017, nhiều đại học lấy điểm chuẩn ngành sư phạm rất thấp khiến dư luận lo ngại như: Đại học Hồng Đức (công lập, tỉnh Thanh Hoá) 10/10 ngành sư phạm lấy điểm chuẩn xét theo kết quả thi THPT quốc gia là 15,5; Đại học Hùng Vương (công lập, tỉnh Phú Thọ) 8/10 ngành đào tạo sư phạm có điểm trúng tuyển 15,5; Đại học Sư phạm Huế 10/15 mã ngành lấy bằng điểm sàn quy đổi; Sư phạm Thái Nguyên có 6/14 ngành lấy điểm chuẩn 15,5.

bao nhieu cu nhan su pham co viec lam
Thí sinh tham dự kỳ thi xét tuyển đại học năm 2017

Một số trường cao đẳng sư phạm ở địa phương có điểm trúng tuyển là 9-10 điểm, đã bao gồm điểm cộng, trung bình thí sinh chỉ cần được 3 điểm mỗi môn là trúng tuyển. Chính việc các trường đưa ra mức điểm chuẩn đầu vào ngành sư phạm thấp đã khiến xã hội lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai.

Những năm qua, ngành sư phạm tồn tại nhiều câu chuyện nhức nhối xung quanh việc làm của giáo viên như chờ biên chế hay giáo viên hợp đồng bị buộc thôi việc hàng loạt. Điển hình là vụ 376 giáo viên tại Vĩnh Lộc và sau đó là 647 giáo viên khác tại huyện Yên Định (cùng thuộc tỉnh Thanh Hóa) bị buộc thôi việc...

Có thể nói, ngành sư phạm là một trong những ngành đào tạo quan trọng trong hệ thống giáo dục, bởi đây là ngành đào ra những thầy giáo, cô giáo trong tương lai. Vì thế, việc trường sư phạm bị “hạ giá” hay người giỏi thất nghiệp trong khi cơ cấu giáo viên chưa ổn định đều khiến xã hội băn khoăn.

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017 được tổ chức vào tháng 8/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc đào tạo số lượng giáo viên lớn hơn nhu cầu sử dụng dẫn đến tình trạng sinh viên ngành sư phạm tốt nghiệp khó tìm được việc làm. Đây được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng điểm tuyển sinh vào một số trường cao đẳng, đại học sư phạm thấp.

Phó Thủ tướng nêu vấn đề: “Ngành giáo dục rất dễ dàng trong việc dự báo số lượng nhân lực, câu chuyện thừa giáo viên sao không giải quyết được? Thực trạng bây giờ, nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm. Các cháu làm giáo viên nhiều năm nhưng phải “mai phục” để vào biên chế”.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra vấn đề cơ cấu đội ngũ giáo viên có sự thừa, thiếu cục bộ trong từng môn học, cấp học ở từng địa phương nhưng chậm được xử lý. Số lượng trường đào tạo giáo viên hiện nay đã vượt quá nhu cầu thực tế của xã hội, việc phân bổ giáo viên mang tính địa phương và chất lượng giáo dục không đồng đều cũng là những vấn đề được Phó Thủ tưởng nhắc tới.

Để chấn chỉnh tình trạng đó, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu các trường đại học, cao đẳng có đào tạo giáo viên về việc rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường báo cáo về điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, như số lượng giảng viên và trình độ giảng viên cho từng ngành đào tạo; diện tích mặt bằng sử dụng của toàn trường và từng hạng mục như thư viện, phòng thí nghiệm, hội trường, giảng đường…

Các trường phải thống kê quy mô đào tạo, số lượng sinh viên cho từng loại hình đào tạo (chính quy, liên thông, hệ vừa học vừa làm), từng trình độ đào tạo (cao đẳng, đại học) của từng ngành học trong 4 năm gần đây, từ năm 2014 đến 2017.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường thống kê điểm chuẩn đầu vào của từng ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy bậc cao đẳng, đại học từ năm 2014 đến 2017.

Đặc biệt, công văn cũng yêu cầu các trường đại học, cao đẳng có đào tạo giáo viên phải thống kê số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp các năm 2016, 2017 (tính đến 30/9/2017) và gửi về Bộ GD&ĐT trước ngày 6/11/2017. Trong thống kê có phân loại rõ việc làm đúng ngành, khác ngành hoặc chưa có việc làm.

Theo báo cáo điều tra lao động việc làm quý I năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ ngành nghề chưa có việc làm cao nhất là Kinh doanh và quản lý (27,9%), Công nghệ kỹ thuật (13,6%), Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên (13,5%). Số lao động chưa có việc làm của ngành giáo dục và sư phạm khoảng 62.000 người.

Nhã Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.