Bạo lực học đường: Nguyên nhân và giải pháp

16:30 | 03/05/2018

10,406 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Bạo lực học đường đã trở thành điểm nóng báo động không chỉ trong ngành Giáo dục mà còn đối với toàn xã hội.

Theo báo cáo sơ bộ của cơ quan công an tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước thì từ năm 2010 cho đến nay đã có 7.735 học sinh, sinh viên tham gia váo các vụ đánh nhau, bị xử lý kỷ luật.

Đáng chú ý, không chỉ các em học sinh nam đánh nhau mà thực tế đã xảy ra khá nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau hội đồng, thậm chí số vụ bạo lực học đường của học sinh nữ còn nhiều hơn nam. Nhiều vụ ẩu đả bắt nguồn từ những lý do vu vơ như: thấy “ngứa mắt”, bị “nhìn đểu”, thấy bạn… xinh và học giỏi. Mức độ bạo lực đi từ “võ mồm”, đến túm tóc, cào cấu, xé quần áo giữa đám đông và cao hơn nữa là sử dụng đủ loại “vũ khí”, từ giày, dép, guốc, cặp sách, ghế ngồi đến gậy gộc, gạch đá, dao lam, tuýp nước… Đã có nhiều vụ việc gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.

Điều lo ngại hơn nữa là trước những hành vi bạo lực ấy, rất nhiều người thấy thờ ơ, vô cảm, không những không can ngăn mà còn sử dụng điện thoại di động quay các clip rồi tung lên mạng xã hội để “câu view, câu like”.

bao luc hoc duong nguyen nhan va giai phap
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet

Có thể nói, bạo lực học đường được xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, do các em học sinh chưa được giáo dục đầy đủ về đạo đức, nhân cách, lối sống và chưa có đủ kỹ năng để ứng phó, giải quyết các tình huống xảy ra hằng ngày. Cùng với đó, do sự thay đổi về tâm sinh lý lứa tuổi nên các em luôn muốn khẳng định mình, dễ dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát và thiếu kiềm chế bản thân.

Nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là từ giáo dục nhà trường. Hiện nay, nội dung chương trình giáo dục đạo đức công dân còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn, chưa cuốn hút học sinh, chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm giúp học sinh nhận thức được các bài học về giá trị của lòng nhân ái, bao dung, sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân với những người xung quanh.

Cùng với đó, vai trò của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội có phần giảm sút, giáo viên chủ nhiệm chưa thực sự sâu sát với học trò, một số thầy cô giáo thậm chí còn chưa thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Từ góc độ giáo dục gia đình, một số phụ huynh thiếu quan tâm đến con cái, không thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư và những diễn biến tâm sinh lý, tình cảm của con cái để kịp thời uốn nắn những biểu hiện lệch lạc.

Từ phía xã hội, những mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động, cuốn giới trẻ theo lối sống thực dụng, đua đòi, đề cao bản thân và tiếp xúc dễ dàng, thường xuyên với những hành vi bạo lực trên internet, phim ảnh và trò chơi điện tử. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp trong việc ngăn chặn hành vi bạo lực ở giới trẻ cũng như quản lý, giáo dục họ.

Có thể nói, ở lứa tuổi đang có những thay đổi về tâm sinh lý, cộng thêm sự thiếu quan tâm sát sao của gia đình và nhà trường, nhiều em rất dễ có những suy nghĩ và cách hành xử thiếu chuẩn mực trong giải quyết những va chạm hằng ngày ở trường, nhất là dễ xem bạo lực như một cách giải quyết mọi mâu thuẫn và để khẳng định cái tôi của mình. Điều đang lưu ý là, khi các vụ bạo lực học đường bị phát hiện, nhiều khi biện pháp xử lý lại là buộc các em phải thôi học hoặc là tự học sinh sẽ bỏ học. Khi đó nguy cơ các em đi vào con đường phạm pháp là rất lớn.

Giải pháp nào cho tình trạng bạo lực học đường ?

Để đẩy lùi được tình trạng bạo lực học đường, có quan điểm cho rằng nên đưa môn Giáo dục công dân vào kỳ thi THPT Quốc gia. Thực tế, hiện nay môn Giáo dục công dân đã được đưa vào tổ hợp môn khoa học xã hội trong kỳ thi THPT Quốc gia nhưng chưa thành một môn thi riêng. Hơn nữa, tâm lý học để thi hiện vẫn còn phổ biến nên học sinh đa phần học theo nghĩa vụ, học để đối phó với thi chứ chưa thực sự thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của môn học. Do đó, hiệu quả của việc đề cao môn Giáo dục công dân, với những nội dung như hiện nay để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường là rất hạn chế.

Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường thì rất cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các ngành các cấp, các tổ chức đoàn thể xã hội để xây dựng các môi trường giáo dục nhà trường, môi trường gia đình và môi trường xã hội lành mạnh, tạo điều kiện cho học sinh phát triển hài hòa thể chất, trí tuệ, tâm hồn và đạo đức.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống thông qua giảng dạy tích hợp các môn học, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, triển khai công tác tham vấn, tư vấn tâm lý học đường. Ngành Giáo dục cũng cần phối hợp với các bộ, ban, ngành tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, đảm bảo an ninh, trật tự và phòng chống tội phạm cũng như những vi phạm pháp khác trong nhà trường.

Các nhà trường cần đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, quan tâm bồi dưỡng và tôn vinh tấm gương học sinh, sinh viên tiêu biểu, nhất là trong giúp đỡ người khác để đề cao tinh thần tương thân, tương ái trong giới trẻ.

Trên thực tế, trong các giải pháp chống lại bạo lực học đường thì giải pháp từ phía gia đình là quan trọng nhất bởi gia đình là nền tảng để giáo dục và quản lý con em mình. Hơn ai hết, gia đình phải luôn quan tâm, tạo điều kiện và nắm bắt được tâm lý của con em. Đặc biệt, công nghệ và mạng xã hội hiện rất phát triển và đây cũng là nguồn mà giới trẻ tiếp xúc với nhiều yếu tố thiếu lành mạnh cũng như dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo nên phụ huynh rất cần chú ý quản lý việc tiếp cận và sử dụng mạng xã hội của con cái.

Ngoài ra, cần siết chặt hơn về mặt quản lý nhà nước đối với lứa tuổi vị thành niên. Ví dụ, không bán các chất kích thích, thuốc lá, rượu bia cho các em ở độ tuổi này. Thêm vào đó, cần có những địa điểm, cơ sở vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên.

Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước cần thắt chặt kiểm soát những thông tin, nội dung đăng tải trên Internet, những phim ảnh và trò chơi lưu hành ngoài thị trường, những hội nhóm được thành lập với mục đích lôi kéo giới trẻ. Chính quyền địa phương cần chủ động làm trong sạch môi trường xã hội xung quanh các cơ sở giáo dục trên địa bàn cũng như phát huy vai trò của các ban ngành, tổ chức, đoàn thể tại chỗ trong phối hợp với nhà trường và gia đình quản lý và giáo dục học sinh cá biệt, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

Lứa tuổi học sinh là lứa tuổi nhạy cảm về tâm lý, không ổn định về nhận thức nên giải pháp tâm lý sẽ chiếm vai trò quan trọng. Trong các biện pháp giáo dục, cần tránh giáo điều khô cứng mà phải tế nhị, linh hoạt thích hợp mà. Theo đó, phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn tới con cái, hiểu con; ở lớp học, giáo viên cần sâu sát với học sinh và tạo điều kiện để học sinh chia sẻ với mình nhiều hơn, từ đó xây dựng môi trường lớp học luôn cởi mở, thân thiện và gần gũi giữa các học trò.

Đặc biệt, trong xử lý các vụ việc bạo lực học đường cần có cái nhìn bao dung với sai phạm trong lứa tuổi học trò để có phương án xử lý thích hợp, mang tính răn đe và phòng ngừa chung, nhưng cũng luôn tạo cơ hội để các em vi phạm hiểu và sửa đổi. Cùng với đó, cần xử lý, nhắc nhở những hành vi và biểu hiện cổ súy bạo lực học đường như quay video clip rồi đưa lên mạng...

Rõ ràng, bạo lực học đường có nhiều nguyên nhân như đã phân tích nên rất cần sự chung tay phối hợp của nhà trường, gia đình và xã hội với nhiều giải pháp thì mới có thể ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này một cách hiệu quả.

Chinhphu.vn

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.