Bảo hiểm nợ và nợ bảo hiểm 2

07:07 | 25/12/2015

1,765 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bảo hiểm xã hội (BHXH) thường chỉ trích các đơn vị và doanh nghiệp lâu nay trốn đóng BHXH cho cán bộ, công nhân; xâm phạm quyền lợi của người lao động. Trong khi đó, Quốc hội và Chính phủ vừa cảnh báo nguy cơ vỡ Quỹ BHXH vì cơ quan này đem tiền BHXH cho vay tràn lan, nguy cơ khó đòi.

Quỹ BHXH là tiền do người lao động đóng góp. BHXH là cơ quan giữ tiền cho người lao động thì phải làm cho quỹ an toàn, hiệu quả trong dài hạn. Nhưng hiện nay, việc BHXH Việt Nam đem hơn 70% số tiền kết dư cho các tổ chức tín dụng Nhà nước vay với lãi suất thấp hơn lạm phát, chi phí quản lý luôn có xu hướng gia tăng. Các khoản cho vay không khác gì gửi tiết kiệm với lãi suất thấp mà BHXH Việt Nam đang thực hiện có dấu hiệu không an toàn.

bao hiem no va no bao hiem
 

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu ra một số liệu đáng báo động: Công ty Cho thuê tài chính 2 (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam) còn nợ BHXH Việt Nam số gốc là 787,5 tỉ đồng và lãi là 264,6 tỉ đồng. BHXH Việt Nam cũng cho công trình Thủy điện Lai Châu vay 2.248 tỉ đồng, đưa tổng số vay lên 3.748 tỉ đồng (chiếm 1,6% tổng số kết dư). Cho đến nay, số chưa đòi được còn rất lớn và nguy cơ khó trả đang nằm trong tầm tay.

Với những con số này, trong phiên thẩm tra báo cáo của Chính phủ về quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2012 của Ủy ban Các vấn đề xã hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội  (ĐBQH) bày tỏ sự lo ngại về khả năng đòi được nợ từ hai con nợ này.

Với 3.748 tỉ đồng tiền BHXH coi như mất trắng ấy, ĐBQH Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) đặt câu hỏi: “Tại sao người lao động không đóng BHXH thì đòi xử lý hình sự, trong khi BHXH lấy tiền của họ cho vay và làm thất thoát thì lại không ai chịu trách nhiệm?”.

Lâu nay, số kết dư Quỹ BHXH Việt Nam được đầu tư bằng các hình thức: Cho ngân sách Nhà nước vay (55,22%); cho các ngân hàng thương mại Nhà nước vay (24,72%); mua trái phiếu Chính phủ (18,19%); cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam vay (0,15%); cho Ngân hàng Chính sách xã hội vay (0,10%).

Trước những cảnh báo về việc Quỹ BHXH sẽ “vỡ” vào năm 2023-2024, nếu tiếp tục duy trì tình trạng đầu vào và đầu ra mất cân đối như hiện nay (hiện số người tham gia BHXH bắt buộc bình quân là 0,3 triệu người/năm, số nghỉ hưu hưởng chế độ BHXH lớn gấp đôi 0,6 triệu người/năm), nhiều ý kiến lo ngại sẽ xảy ra tình trạng khó đòi sau khi cho vay từ số kết dư Quỹ BHXH.

Trước những băn khoăn của ĐBQH và dư luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu quan điểm, chỉ được đầu tư vào nơi an toàn, bảo tồn được vốn, không được cho vay vì đây không phải tiền của BHXH mà là tiền của người về hưu, BHXH đâu phải là nhà kinh doanh mà tìm cách sinh lời. Vì vậy, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, mua trái phiếu Chính phủ là yên tâm nhất.

Theo quy định thì tiền tạm thời nhàn rỗi của các quỹ bảo hiểm được đầu tư theo các hình thức như: Mua trái phiếu, tín phiếu, công trái của Nhà nước, của ngân hàng thương mại Nhà nước; cho ngân sách Nhà nước vay; cho ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, cho Ngân hàng Chính sách xã hội vay; đầu tư vào các công trình kinh tế trọng điểm quốc gia, một số dự án có nhu cầu lớn về vốn do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Ngoài ra, các hình thức đầu tư khác do Hội đồng Quản lý quyết định. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là BHXH được cho vay tràn lan, tùy thích. Trong các danh mục được phép cho vay, đầu tư, BHXH cần ưu tiên lĩnh vực an toàn, bảo toàn được vốn, đó là trái phiếu Chính phủ. Nếu trong cơ cấu cho vay, BHXH Việt Nam đem hơn 70% số tiền kết dư cho Nhà nước và các tổ chức tín dụng Nhà nước vay thì cũng cần xem xét. Bởi tỉ lệ này tại sao còn cao hơn tỷ lệ mua trái phiếu. Trong khi, trái phiếu năm 2015 chỉ bán được 20%.

Tại sao BHXH lại chủ yếu dành quỹ để cho vay nhiều như vậy? Bởi cho vay hấp dẫn hơn mua trái phiếu, lãi suất từ trái phiếu không cao bằng cho vay là điều dễ nhìn thấy. Tỷ lệ lãi suất bình quân mà BHXH cho các tổ chức trên vay ở mức khoảng 10,4% thì lãi suất từ trái phiếu chỉ khoảng 7%. Nghĩa là cho vay đem lại lợi nhuận nhiều hơn.

Quỹ lương hưu luôn luôn phải được bảo đảm độ an toàn. Vì vậy cần ưu tiên đầu tư cho những lĩnh vực ít rủi ro. Các đơn vị vay tiền của BHXH tuy thuộc Nhà nước nhưng cũng là những doanh nghiệp. Mà doanh nghiệp vẫn có rủi ro, hôm nay ăn nên làm ra nhưng không thể tin tưởng hoàn toàn rằng nó không bị phá sản khi kinh doanh kém. Chính vì thế, BHXH kinh doanh trên lợi ích của cộng đồng thì không thể cho vay vô tư như vậy được!

Những người hưởng lương hưu và các chính sách xã hội nghe thông tin này thật sự lo lắng trước lối làm ăn mạo hiểm của BHXH. Không lo lắng sao được khi hơn nửa triệu con người đã cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng, nay về nghỉ hưu, hằng tháng chỉ trông chờ vào khoản lương khiêm tốn để duy trì cuộc sống.

Từ mấy năm nay, đã có báo động về nguy cơ thiếu hụt trầm trọng Quỹ BHXH vào năm 2030 bởi số người nghỉ hưu tăng lên, tuổi thọ tăng lên và số người tham gia đóng BHXH tăng rất ít. Điều đó đồng nghĩa với việc người hưởng lương hưu và chính sách xã hội sẽ bị mất quyền lợi. Hôm nay lại thêm thực trạng BHXH cho vay hàng nghìn tỉ đồng có nguy cơ mất trắng thì nỗi lo trong xã hội càng tăng lên.

Quỹ lương hưu được tích lũy từ tiền của người dân gửi vào nên phải thật sự minh bạch. Số tiền cho vay thì sinh lãi suất. Một câu hỏi cần đặt ra cho ngành bảo hiểm là lãi suất bấy lâu nay được sử dụng vào việc gì? Điều quan trọng nhất là phải quy rõ trách nhiệm nếu xảy ra rủi ro khi đem tiền của quỹ lương hưu đi cho vay. Trước đây đã từng xảy ra tình trạng BHXH cho vay nhưng không đòi được tiền gốc chứ chưa nói đến lãi. Vậy đã mấy ai trong ngành bảo hiểm bị xử lý?

Vì thế, nếu bây giờ xảy ra rủi ro gì thì phải quy trách nhiệm trước hết thuộc về thủ trưởng các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam và trách nhiệm trong quản lý điều hành của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam. 

Còn nói về nợ bảo hiểm. Không chỉ cơ quan BHXH mà dư luận từ lâu đã nói nhiều đến việc các đơn vị và doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động. Đó là thể hiện thái độ thiếu trách nhiệm của những chủ sử dụng lao động. Nhiều doanh nghiệp có hàng ngàn công nhân, chủ sở hữu bóc lột sức lao động của công nhân rất tàn tệ bằng nhiều hình thức như tăng ca, tăng giờ làm; thậm chí còn hạn chế cả thời gian nghỉ giải lao và đi vệ sinh. Trong khi đó, họ chây ỳ trong thời gian dài không đóng bảo hiểm cho người lao động, giữ lại lương để khống chế công nhân phải tiếp tục làm việc theo yêu cầu khắt khe do họ đề ra. Có trường hợp xin nghỉ thôi việc hoặc chuyển sang làm việc nơi khác đã bị chủ quỵt lương và không có sổ bảo hiểm. Có người xin nghỉ hưu sớm nhưng do chưa được doanh nghiệp đóng bảo hiểm nên không được giải quyết chế độ. Họ muốn tự bỏ tiền đóng bảo hiểm cũng không được bởi ngành bảo hiểm yêu cầu cả công ty phải đóng.

Những thiệt thòi rất lớn đó của hàng vạn lao động cần có sự đấu tranh quyết liệt của các công đoàn cơ sở; đồng thời cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Bảo hiểm nợ và nợ bảo hiểm đang đến mức báo như thế đó! Không có giải pháp quyết liệt thì nguy cơ vỡ quỹ BHXH sẽ diễn ra sớm hơn dự kiến.

Đức Toàn

Năng lượng Mới 484