Mất cân bằng giới ở khu công nghiệp

Bao giờ cho hết nỗi lo? (Kỳ 2)

07:00 | 22/09/2016

869 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Samsung Bắc Ninh đi vào hoạt động được 7 năm, góp phần mang đến diện mạo mới cho các vùng quê. Mảnh đất này cũng nghiễm nhiên trở thành quê hương thứ 2 của hàng nghìn công nhân. 

Nói không ngoa, một KCN “nuôi sống” nhiều làng mạc xung quanh, bởi chỉ riêng Công ty Samsung Việt Nam thì người dân ở 7 làng: Mẫn Xá, Ngô Xá, Ô Cách, Trần Xá, Yên Lãng, Âm Đồn, Chi Long đều được hưởng lợi từ cung cấp dịch vụ. Mặc dù, nhiều người nhận xét rằng Samsung Bắc Ninh không nhiều tệ nạn xã hội bằng Samsung Thái Nguyên nhưng hẳn bên trong vẫn là những “con sóng ngầm”. Câu chuyện về những nam nữ công nhân sống thử, rồi chuyện công nhân lăng loàn bị nhà chủ đuổi… đã không còn là mới.

Khu công nghiệp liền khu… đèn đỏ

Chị N.T.L (30 tuổi, người dân làng Mẫn Xá) chọn hành nghề xe ôm thay vì làm công nhân cho Công ty Samsung kể: “Đúng là cái gì cũng phải đánh đổi. Làng Mẫn Xá quê chị, trước kia là một vùng quê nghèo. Khi Samsung về đây, đất ruộng bán hết cho Samsung, giờ người dân như chị không có ruộng làm nông nghiệp thì cũng chỉ có thể làm xe ôm, không làm được nghề gì khác vì bản thân chị cũng chỉ học hết lớp 4. Chị nói, rất nhiều thanh niên thất học như chị kể từ ngày Samsung về mang đến nhiều … “giấc mơ đổi đời”.

Nhà chị L cũng có phòng cho công nhân thuê. Chị L bảo: Chuyện nữ công nhân bị đuổi ra khỏi nhà chủ ở đây xảy ra như cơm bữa. Bản thân những người có nhà cho thuê như chị nhiều lúc cũng muốn “nhắm mắt cho qua” bởi liên quan đến cơm, áo, gạo, tiền. Thế nhưng, nhiều lúc cũng không chịu nổi lối sống buông thả của công nhân. “Chúng tôi biết cả mà, nhưng vì chẳng ảnh hưởng tới mình nên cũng nói làm gì? Nhưng nhiều cô sống ở chỗ tập thể mà không biết điều, họ cứ nghĩ họ bỏ đồng tiền ra thuê phòng thì làm gì cũng được. Tháng trước tôi vừa đuổi một cô đi chơi về khuya. Chẳng biết cô ta cãi nhau gì với bồ, về phòng đến 1 giờ đêm còn mở nhạc loạn xị. Hôm sau tôi cho cuốn gói ngay, tôi thấy buồn cho những nữ công nhân phải tha hương làm ăn mà không giữ được mình…” - chị L phân trần.

bao gio cho het noi lo tiep theo va het
Các cặp đôi tham gia chương trình Lễ cưới tập thể do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Công nhân TP HCM tổ chức

Câu chuyện làng quê đổi đời trước phát triển của những KCN đã không còn là mới. Đến KCN nào cũng bắt gặp những câu chuyện tương tự. “Còn ở thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM thì bên trong đó những cơn sóng ngầm.

Tại TP HCM, sự phát triển như vũ bão của các KCX Linh Trung, KCN Dệt may Bình An, KCN Bình Chiểu, KCN Đồng An, KCN Sóng Thần… kéo theo đời sống của những khu dân cư liền kề gặp nhiều biến động. Theo số liệu mà Ban Quản lý các KCN & KCX TP HCM cung cấp cho thấy: Toàn thành phố có 16/18 KCN, KCX đã đi vào hoạt động với tổng số lượng công nhân là khoảng hơn 284.000 người. Trong đó, có khoảng 172.000 lao động nữ, chiếm 60,6%. Với tỷ lệ chênh lệch là 10,6% một lần nữa cho thấy sự mất cân bằng giới giữa nam và nữ. Chính sự mất cân bằng này đã biến các KCN, KCX của TP HCM rơi vào tình cảnh tương tự như KCN Yên Phong hay KCN Đình Trám.

Chúng tôi gặp Hải, là công nhân của một công ty may mặc trên địa bàn phường Tân Hiệp, quận Tân Phú, TP HCM. Hải sắp bước sang tuổi 30, cao xấp xỉ 1m7 nhưng người gầy nhẳng, mắt trũng sâu. Khi biết tin cuối năm nay Hải sẽ cưới vợ, chúng tôi hỏi đùa: “Cứ tưởng chú cũng chung phận ế chứ?”. Hải bộc bạch: “Đến tuổi này mới lấy vợ là ế quá rồi đó anh! Em may mắn thoát ế, chứ tụi bạn em thì…!”.

Theo lời Hải, chỉ nhìn những phòng khám sản mọc lên ở khu vực này cũng đủ thấy vấn nạn từ công nhân ở đây nhức nhối đến thế nào. Chúng tôi buột miệng hỏi về khu đèn đỏ, Hải trả lời ngay: “Có đấy”.

Hải dẫn chúng tôi chạy dọc theo con đường Bình Long, giáp ranh giữa phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) và phường Tân Quý (quận Tân Phú). Lúc đó là 21 giờ, người và xe qua lại tấp nập, hàng quán vẫn ồn ào huyên náo. Bề ngoài mọi sự diễn ra bình thường. Thế nhưng, khi qua những con hẻm hơi tối hoặc dưới những tán cây đã che khuất bóng đèn, bắt đầu xuất hiện các cô gái. Nơi thì một cô, nơi thì vài ba cô đứng tụm lại với nhau. Không chỉ có các cô gái đứng đường chờ khách mà hai bên đường Bình Long còn có không ít quán cà phê đèn mờ. Con đường chỉ khoảng 2km nhưng có đến hàng chục quán cà phê như vậy. Không cần ngụy trang, trước quán cà phê nào cũng có một đến hai chậu cây cảnh quấn dây đèn nhấp nháy. Bên trong, các cô gái đã “cuối mùa nhan sắc” với những chiếc áo trễ vai, quần ngắn cũn cỡn đang ngồi như chờ đợi. Tôi hỏi Hải: “Thế cánh công nhân vẫn thường ra đây à?”. Hải cười: “Ít thôi. Mấy cô gái này từ khắp nơi đổ về, cũng có cô sau thời gian làm công nhân thì ra đây ‘kiếm thêm’. Khách hàng chủ yếu là mấy ông bốc vác, thợ hồ”. Như nhận ra thắc mắc của tôi, Hải tiếp tục: “Đám công nhân thì có chỗ khác”.

Chúng tôi tiếp tục theo chân Hải tới khu Tên Lửa. Trên các con đường như Vành Đai Trong, đường số 7, đường Tên Lửa (thuộc phường Bình Trị Đông B và phường Tân Tạo, quận Tân Bình) vẫn là khung cảnh tấp nập, sôi động với la liệt quán nhậu, quán bar, karaoke, massage, khách sạn… không khác gì những khu vực trung tâm thành phố. Được biết, nơi đây tập trung nhiều công nhân đến từ hai KCN lớn là Tân Tạo và Bon Chen. Hải nói nhỏ vào tai tôi: “Nhìn bên ngoài vậy thôi, chứ bên trong mới có chuyện”.

Hải kể, trước kia, khi chưa có người yêu, thỉnh thoảng vào thứ Bảy, Chủ nhật, Hải cùng nhóm bạn của mình rủ nhau tới khu Tên Lửa đi bar hoặc karaoke. Rượu vào, máu yêng hùng nổi lên, một số người lại nhờ chủ quán cho gọi đào. Đào lúc nào cũng sẵn, chỉ phụ thuộc vào khách có nhu cầu hay không mà thôi.

Và những đứa trẻ… vô thừa nhận

Mặc dù quá trình phát triển KCN, KCX ở Việt Nam chưa thật lâu nhưng hệ lụy thì đã thấy rõ. Chỉ riêng về tình trạng mất cân bằng giới ở công nhân đã kéo theo những câu chuyện đau lòng. Không riêng chuyện sống thử, không riêng chuyện những phố đèn đỏ len lỏi vào khu dân cư, những phòng phá thai chui mọc lên như nấm… mà cả số phận của những sinh linh bị bỏ rơi. Ở KCN Yên Phong chúng tôi bắt gặp những “nhân chứng sống” là kết quả những mối tình vụng trộm. Đó là trường hợp của bé Thái Bảo, đang được sư trụ trì chùa Đông Thái (Yên Phong, Bắc Ninh) nhận nuôi.

bao gio cho het noi lo tiep theo va het
Bé Thái Bảo được sư thầy Thích Đàm Hà nhận nuôi từ năm 2013

Khi chúng tôi tìm đến chùa Đông Thái, nhìn hai cậu bé đang nô đùa trong vườn chùa đem đến nhiều cảm xúc. Một trong hai cậu bé có Thái Bảo là em bé bị bỏ rơi ở cổng chùa năm 2013. Năm nay, Thái Bảo lên 4 tuổi. Nhìn cậu rất nhanh nhẹn, khôi ngô. Theo lời sư trụ trì Thích Đàm Hà thì vào đêm 30-4-2013, có người thấy đứa trẻ vừa lọt lòng bị bỏ lại ở cổng chùa. Sư thầy kể: “Rất may là số cháu được làm người, vì bị bỏ lại ở cổng chùa ban đêm, hôm đó dù đã khuya nhưng có người làng đi qua thấy thùng xốp có tiếng trẻ con khóc nên gọi thầy, chứ không biết rồi chuyện gì sẽ xảy ra”.

Đã gần 4 năm trôi qua, nhưng khi nhắc lại thầy Hà vẫn không nén được xúc động. Theo lời thầy: “Khi ấy Bảo nhỏ lắm, chỉ khoảng 2kg, tiếng khóc như con mèo hen, người tím ngắt. Thầy nhìn thương quá mang vào nhà ủ ấm rồi cho uống sữa, một lúc sau bé ấm dần lên và ngủ. Sáng hôm sau (1-5-2013), thầy lập tức đi làm giấy khai sinh cho thằng bé, lấy tên Thái Bảo và nuôi bé đến giờ”.

Được biết, Thái Bảo không phải là đứa bé duy nhất bị bỏ lại cổng chùa. Bởi sau Bảo còn có 2 trường hợp nữa, trong đó một bé sư thầy còn biết đích danh người mẹ là công nhân Samsung, do không được nhanh nhẹn nên bị lừa, thành ra lầm lỡ. Không có điều kiện nuôi con, nữ công nhân đem đến cửa chùa, thầy nhận, đặt tên cho bé là Khánh Huyền. Nay bé Khánh Huyền được thầy gửi về ngôi chùa ở Hà Nam nuôi dạy. Còn một em bé khác thì bị bỏ lại ở chùa Đào Xá, xã Phong Khê, cách chùa Đông Thái khoảng 4km. Hiện bé vẫn được sư trụ trì chùa ở đây nuôi dưỡng.

Trông chờ gì từ doanh nghiệp?

Nếu hỏi trông chờ gì?, sẽ có rất nhiều mong muốn được nói ra. Nhưng có lẽ chưa thể mơ, bởi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài thì điều quan tâm tiên quyết là lợi nhuận, chứ mấy đơn vị quan tâm sát sao đến đời sống công nhân. Vì sao các doanh nghiệp chủ yếu chuộng công nhân nữ? Là bởi đa phần công nhân nữ vừa khéo tay, vừa chịu khó, lại tuân thủ kỷ luật lao động cao hơn nam giới. Từ thực tế cho thấy, lĩnh vực điện tử tưởng chừng hợp với nam nhiều hơn nhưng sự thật nhà tuyển dụng lại rất ưu tiên nữ. Câu chuyện cười ra nước mắt mà ông Bùi Hoàng Mai, Trưởng ban Quản lý KCN, KCX tỉnh Bắc Ninh nói: “Không chỉ riêng Samsung mà Cannon, Nokia… cũng đều ưu tiên tuyển công nhân nữ”. Theo ông Mai, doanh nghiệp họ không dại gì mà thông báo thẳng chỉ tuyển nữ, nhưng đằng sau thì họ âm thầm làm điều này, mình cũng không thể trách họ.

bao gio cho het noi lo tiep theo va het
Nữ công nhân Công ty Samsung đi chợ Ô Cách

Để rồi cũng khi chúng tôi hỏi, hầu hết lãnh đạo các KCN, KCX đều thừa nhận như ông Mai rằng: Đây là vấn đề “biết rồi, khổ lắm nói mãi” nhưng vẫn chưa biết phải “làm như thế nào”.

Ở KCN Đình Trám, chúng tôi tìm gặp ông Thân Mạnh Đăng, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông Đăng phân trần: Lực lượng lớn công nhân đổ về KCN nhiều, riêng đất Hoàng Ninh đã có trên dưới 50 công ty lớn nhỏ hoạt động. Ở Hoàng Ninh hiện có khoảng 7.000 công nhân đang thuê trọ với khoảng trên 3.000 phòng. Từ khi có KCN, bộ mặt Hoàng Ninh đã thay đổi nhiều so với trước. Nhưng cũng vì thế mà có một vài thôn trên địa bàn xã Hoàng Ninh phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do lượng rác thải quá nhiều, nguồn nước sinh hoạt thiếu trầm trọng… Chưa kể, những vấn nạn xã hội thì địa phương cũng đang phải đối mặt. Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2008, Hội Liên hiệp Thanh niên của tỉnh đã phát động Chương trình “Thanh niên công nhân xóm trọ”. Mỗi xóm là một câu lạc bộ để các xóm công nhân giao lưu, làm quen, kết bạn với nhau cải thiện việc “nam cô đơn, nữ trống vắng” nhưng cũng chưa thực sự có chuyển biến rõ rệt.

Còn ở TP HCM, Phó chủ tịch UBND phường Hiệp Tân (quận Tân Phú, TP HCM) - bà Huỳnh Phương Thảo nói: Do phường tập trung nhiều nam công nhân nên vấn đề nổi cộm nhất của phường là tình trạng nhậu nhẹt, đánh nhau. Trước đây đã có chuyện, hai công nhân ở khu vực khác đến tụ tập bạn bè ăn nhậu ở phường Hiệp Tân. Cuối buổi nhậu, hai người tranh nhau trả tiền, bia rượu khiến cả hai không còn tỉnh táo, người này lấy chai đập lên đầu người kia dẫn đến tử vong. Còn những chuyện sống thử, bà Phương Thảo thừa nhận vấn đề này không thể quản lý được vì công nhân thường xuyên có sự thay đổi giữa các công ty cũng như nơi lưu trú. Mặt khác, công nhân đi làm hết giờ hành chính mới về nên bộ phận quản lý rất khó tiếp cận được với họ. Hay nạn phá thai thì thường công nhân nữ đăng ký phá thai theo dạng bất hợp pháp nên phường cũng không thể quản lý được về vấn đề này.

Phân trần của ông Bùi Hoàng Mai, Trưởng ban Quản lý KCN, KCX tỉnh Bắc Ninh khiến những người viết bài này cũng cảm thấy cám cảnh. Ông Mai kể: “Chúng tôi đã nhận rõ sẽ có biến động khôn lường về xã hội, nếu như các KCN không chú ý đến cân bằng giới. Có những lúc cả Ban Quản lý dự án, Liên đoàn Lao động và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ngồi lại với nhau để bàn. Thế nhưng, thú thật là… chưa ra”.

Khó là vậy, chúng tôi càng nóng ruột hơn với loạt con số “biết nói” trong công trình nghiên cứu của TS Bùi Phương Chi, Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về giải pháp nâng cao chất lượng đời sống công nhân làm việc trong các KCN, KCX. Để thực hiện đề tài này, TS Bùi Phương Chi đã tiến hành khảo sát 1.500 công nhân tại 29 cụm KCN cho thấy, chính các công nhân cũng né tránh không nói đến khó khăn mà mình gặp phải.

Cụ thể, trong khảo sát số công nhân trả lời đã từng “góp gạo thổi cơm chung” trước hôn nhân rất thấp, chỉ chiếm 6,2%. Nhưng khi được hỏi về việc đề nghị anh (chị) quan sát tại nơi mình ở có hiện tượng nam/ nữ sống chung, sống thử trước hôn nhân hay không thì có đến 49,1% công nhân trả lời có hiện tượng trên. Điều này cho thấy tâm lý dè chừng của công nhân khi trả lời những câu hỏi mang tính chất nhạy cảm. Bản thân công nhân cũng băn khoăn, bày tỏ lo lắng của mình về những hiện tượng như: Tình trạng quan hệ tình dục bừa bãi trước hôn nhân 49,5%; Tỷ lệ nạo phá thai trước hôn nhân 8,5%; lao động nữ đẻ và nuôi con một mình 20,2%; tình trạng sống độc thân 19,3%. Từ đó cho thấy rõ ràng việc yêu, tiến tới hôn nhân, xây dựng hạnh phúc gia đình là quyền của mỗi người, là nhu cầu tự nhiên.

Sở dĩ có tình trạng này cũng bởi quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta phát triển quá nhanh, kéo theo nhiều ngành nghề mới nên việc tuyển dụng lao động diễn ra ồ ạt, khó kiểm soát. Trong khi các ngành nghề lại mang tính đặc thù quá lớn. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, trong quá trình xây dựng đề án thu hút đầu tư thì các chính sách của ta dường như đặt giá trị kinh tế lên đầu mà quên mất những yếu tố xã hội, nên mới vấp phải những bất cập như hiện nay.

Vẫn biết những “cái khó” mà Ban Quản lý các KCN, KCX và ban, ngành chức năng hiện nay là thắt chặt luật sẽ thu hẹp khả năng thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Thế nhưng, có lẽ đã đến lúc phải làm. Bởi bài học kinh nghiệm từ các nước có nền công nghiệp phát triển là để phát triển kinh tế bền vững thì chắc chắn phải được xây dựng trên một nền tảng môi trường bền vững. Do đó, thay vì yếu tố kinh tế được đặt lên hàng đầu thì đã đến lúc chúng ta phải cân nhắc nghiêm túc đến các yếu tố xã hội!

Nguyên ĐBQH Nguyễn Thị Hoài Thu - Nguyên chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Tăng cường chương trình giáo dục giới tính, sinh sản cho công nhân Tình trạng mất cân bằng giới tính cũng là vấn đề của cả xã hội, tuy nhiên không nên đổ trách nhiệm cho mỗi ông chủ doanh nghiệp.

Tôi nghĩ Công đoàn, Đoàn Thanh niên cần có những chương trình giáo dục về giới tính, giáo dục sinh sản cho các công nhân. Nhưng công đoàn trong các công ty người ta chỉ chăm lo được một phần về vật chất thôi chứ không thể chăm lo một cách toàn diện tất cả về vật chất văn hóa được. Chủ yếu người công nhân phải có ý thức, tự lập trong mọi việc thì đời sống công nhân mới có thể tốt lên. Hiện nay, ở các xã có KCN thường có các hoạt động như tổ chức thanh niên công nhân, các đoàn đội… Tuy các tổ chức này hoạt động yếu, nhiều khi mang tính hình thức. Về lâu dài, tôi nghĩ nước ta cũng cần có chế tài nhất định đối với các doanh nghiệp đặt tại Việt Nam. Không nên dễ dài, thu hút đầu tư bằng mọi giá, cần định hướng phát triển theo lộ trình, bởi phát triển ồ ạt như thời gian qua chúng ta khó có thể kiểm soát. Mà cứ trượt dài ở tình trạng mất kiểm soát tốc độ phát triển thì hệ lụy sau này khó có thể tưởng tượng được!

Huyền Anh - Huy Sơn - Xuân Hinh

Năng lượng Mới 559