Mất cân bằng giới ở các khu công nghiệp

Bao giờ cho hết nỗi lo?

16:20 | 18/09/2016

1,322 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong chuyến thăm và làm việc tại Khu Kinh tế Nghi Sơn - Thanh Hóa đầu tháng 7 vừa qua, cùng với sự trăn trở về đời sống công nhân, điều khiến Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt quan tâm là tình trạng mất cân bằng giới. Từ thực tế và kinh nghiệm tại nhiều khu công nghiệp (KCN), Phó thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa phải có những chủ trương, giải pháp thật cụ thể để cơ cấu giới tính ở khu kinh tế không bị quá chênh lệch.

Kỳ I: NHỌC NHẰN LAO ĐỘNG NỮ

Phía sau cuộc sống như mơ của công nhân “VIP”

Nỗi lo của Phó thủ tướng là có cơ sở khi hàng loạt KCN ở nước ta đang được xây dựng với tốc độ nhanh chóng. Cân bằng giới cũng không còn riêng của Khu kinh tế Nghi Sơn, mà đã trở thành mối lo của rất nhiều địa phương có KCN đóng trên địa bàn. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này, chỉ nay mai thôi, khi tốc độ phát triển của các KCN, khu chế xuất (KCX) ngày càng lớn, mất cân bằng giới ở công nhân ngày càng tăng… thì hậu quả về các vấn đề xã hội sẽ khôn lường.

bao gio cho het noi lo

Công nhân đi làm việc ở Công ty Samsung Bắc Ninh

Chúng tôi tìm về nơi mà từ lâu vấn đề mất cân bằng giới đã thường trực là Công ty Samsung Việt Nam, thuộc KCN Yên Phong tỉnh Bắc Ninh. Thực tế, Sam Sung Việt Nam chỉ là một trong số rất nhiều các công ty đang hoạt động ở Bắc Ninh, bởi chỉ riêng tỉnh này đã sở hữu một loạt các KCN lớn như: KCN Yên Phong, KCN Tiên Sơn, KCN Quế Võ... thu hút khoảng 150.000 lao động. Phần lớn các công ty đóng ở đây đều là các doanh nghiệp điện tử như Samsung, Cannon, Nokia, Foxconn… Với đặc thù là sản xuất linh kiện điện tử, buộc các “ông lớn” phải lựa chọn đối tượng công nhân, và giống như hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài đóng tại Việt Nam, Samsung ưu tiên tuyển dụng lao động nữ.

Thu hút khoảng 40.000 lao động đủ để thấy quy mô của Khu tổ hợp Công nghệ Samsung ở Yên Phong.

Dự kiến đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 500 KCN được quy hoạch tổng thể trong phát triển các KCN ở Việt Nam.

Theo khảo sát từ Tổng LĐLĐ VN công bố hồi tháng 5-2016 cho thấy: Có 212 KCN đang hoạt động trên cả nước, thu hút hơn 2,4 triệu công nhân, trong đó 60-70% là lao động nữ. Tỷ lệ 10-20% cho thấy sự chênh lệch lớn về giới tính.

Phải đợi đến giờ tan ca, thôn Ô Cách (huyện Yên Phong - nơi đóng đô của Samsung Việt Nam) mới thật sự trở nên sầm uất. Phần lớn công nhân ở đây làm theo “kíp” 12 tiếng/ngày, vì vậy, để gặp được công nhân, bắt buộc phải đợi trong khung thời gian là 8h sáng hoặc 20h. Như đã hẹn, chúng tôi gặp được chị Phan Thị Hòa (30 tuổi, quê huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Sau một ngày làm việc dài, chị Hòa uể oải dẫn chúng tôi về phòng trọ, nơi chị thuê ở cùng một nữ công nhân khác.

Đập vào mắt chúng tôi là một dãy nhà trọ có 6 phòng, mỗi phòng chỉ khoảng 10m2, được lợp mái phibrô xi-măng. Chị Hòa kể: Phòng này chị thuê giá 700.000 đồng/tháng. Chị và cô bạn người Tĩnh Gia, Thanh Hóa tên Lam ở cùng. Hôm chị làm kíp ngày thì Lam làm kíp đêm, thành thử cứ người này đi, thì người kia về. Nói là chung phòng nhưng có khi cả tuần không nhìn thấy mặt nhau. Lướt nhìn căn phòng trọ của 2 cô gái chưa chồng, thật bất ngờ về cuộc sống quá đơn giản của họ.

Thoạt nghe, chị Hòa thuê phòng với giá 700.000 đồng/phòng/tháng, tưởng chừng cũng hợp với mức lương công nhân. Thế nhưng, có đứng trong căn phòng lúc trời vừa tắt nắng, cơn giông cuối hè như muốn ập xuống đầu, mới thấy thật ngột ngạt. Căn phòng được xây tạm bợ này trở nên quá đắt so với giá tiền mà chị Hòa phải trả. Cái nóng từ mái tôn hất xuống, cảm tưởng người trong phòng đang bị rang sống. Nhìn chúng tôi, chị Hòa ái ngại: “Nay được biết thế nào là cuộc sống công nhân nhé, bọn chị sống mãi thế này cũng quen rồi”. Thế là chúng tôi bắt đầu “vỡ mộng” về thực tế cuộc sống của những công nhân được xếp vào hạng “VIP” này.

Khoảng 3 năm về trước, với thu nhập của công nhân Công ty Samsung người ta cho rằng: Samsung đem đến giấc mơ đổi đời cho nhiều người. Thế nhưng, nếu không đến tận nơi, ít ai hình dung được họ đã phải làm việc cật lực đến mức nào. Với mức lương bình quân khoảng gần 500USD (hơn 10 triệu đồng) như chị Hòa thì sẽ phải làm ca tối, ca đêm, tăng ca hai ngày cuối tuần với tần suất trung bình 12 giờ làm việc/ngày. Mặc dù, 4 ngày làm liên tiếp 12 tiếng/ngày, công nhân sẽ được nghỉ 2 ngày nhưng vẫn là quá sức đối với nhiều công nhân.

Một ngày làm công nhân ở Nhà máy Samsung diễn ra theo một quy trình khép kín. Tập hợp đến chỗ làm để 8h bắt đầu công việc thì trong công ty, tất cả các quy trình ăn, nghỉ đều phải tuân theo quy định rất nghiêm ngặt, ngay cả việc đi vệ sinh cũng bị kiểm soát. Mỗi công nhân chỉ được đi vệ sinh trong khoảng 3-5 phút, nếu “đi” lâu hơn thì sẽ bị trừ vào lương, thậm chí là đuổi việc.

Thời gian để họ ăn và nghỉ trưa là 50 phút, được tính và chia thành các phiên từ 12-12h20, tùy từng bộ phận. Theo chị Hòa thì quãng thời gian 50 phút bao gồm cả ăn và nghỉ trưa là quá ngắn. Bởi riêng việc xếp hàng chờ lấy đồ ăn đã mất 10-15 phút, ăn trưa 10 phút thì thời gian nghỉ ngơi còn lại cũng chẳng được bao nhiêu. Chưa kể, dù làm đủ 12 tiếng mỗi ngày, nhưng khi có thiết bị “hot” cần được lắp ráp, công nhân vẫn phải tăng ca. Với tần suất làm việc như vậy đến sức vóc như công nhân nam cũng thật khó bám trụ.

Công việc áp lực là vậy, họ lại luôn phải sống với nỗi lo sợ mơ hồ về bệnh tật. Như vừa mới đây, thông tin về nữ công nhân ở Samsung Thái Nguyên mất đột ngột sau giờ làm việc đã khiến không ít công nhân của Samsung hoang mang. “Sự việc như vậy khiến chúng tôi không khỏi suy nghĩ. Dù chưa rõ nguyên nhân nhưng thật đáng lo ngại. Ở ký túc xá, bình thường cả chục chị em công nhân một phòng cũng chẳng ai quan tâm đến ai, vì mỗi người một quê, mỗi đứa một việc. Nhưng sau mỗi chuyện xảy ra như vậy, chúng tôi lại phải thương lấy nhau. Bởi ngày mai chẳng biết số phận mình sẽ như thế nào. Hôm ấy, nghe tin là vậy, chúng tôi chỉ còn biết ôm nhau mà khóc”.

bao gio cho het noi lo
Nam công nhân KCN Đình Trám đi chợ

Theo chị Hòa thì: “Trước khi vào làm, chúng tôi cũng được nghe nhiều thông tin về việc làm ở Samsung sẽ phải đối mặt với các nguy cơ bệnh tật nguy hiểm, nhưng vì miếng cơm, manh áo vẫn phải nhắm mắt làm liều, trước mắt không có tiền mới là cái khổ…!”.

“Ngậm đắng” làm mẹ đơn thân

Khi hỏi ở đây công nhân giải trí như thế nào, chị Hòa thở dài: “Mỗi ngày bọn chị cũng chỉ lên mạng đọc báo một lúc rồi nói chuyện, đi ngủ. Mấy bạn có người yêu thì vẫn có thể hẹn hò, đi chơi được nhưng KCN này chủ yếu là nữ thì lấy đâu bạn trai để… đi chơi.

Quyết định đến làm ở Samsung trong độ tuổi xuân đẹp nhất, giờ đã 30 tuổi, chị Hòa ngậm ngùi: “Như tuổi này ở quê đã gọi là… đội sổ, ế của tất cả loại ế. Giờ chị làm ở đây được ngày nào biết ngày đó, đến khi lấy chồng, bằng không có đồng vốn thì về, khi ấy cũng già mất, biết lấy ai được em nhỉ?!”.

Cám cảnh “kiếp” công nhân, chị Hòa kể: Cứ nhìn những gương các chị em công nhân ở đây mà thấy hoảng, lại thấy viễn cảnh có chồng thật mịt mờ. Nhiều người muộn chồng, mang phận “gái ế”, cũng có những người vướng phải “lưới tình” rồi ngậm cay đắng cả cuộc đời.

Chẳng xa xôi, chị Hòa dẫn chúng tôi sang gặp P ở ngay xóm trọ của chị. P quê ở huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn. Sinh năm 1993, mới 23 tuổi mà nhìn P chẳng khác người đã ngoài 30, thần thái cho thấy có lẽ cô đã nhiều đêm thiếu ngủ. P ôm đứa bé được khoảng 2 tuổi đang ngủ thiếp trên tay. Được biết, trước khi vào làm việc ở Samsung, P có một thời gian làm việc tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh. Khi mới xuống làm việc cũng như nhiều công nhân khác, P chỉ biết làm việc để làm sao kiếm được nhiều tiền nhất. Cuộc sống liên miên với vòng quay “ăn - làm việc - ngủ”. Đến lúc, P giật mình nhận ra mình bị liệt vào “đội gái ế”. P kể: “Hồi đó em cũng sốt ruột, vì như tuổi của em ở quê là ế lắm rồi, nhưng trong công ty toàn nữ thì hy vọng gì. Đến khi em thấy may mắn vì được 1 trong 6 công nhân nam ít ỏi làm cùng công ty để ý. Anh ấy hơn em cả chục tuổi, kinh tế cũng chẳng dư giả, nhưng nghĩ mình chẳng thể tìm được người ưng ý hơn nên em nhanh chóng gật đầu”.

“Bọn em cũng yêu nhau thắm thiết như nhiều cặp đôi khác, khoảng 4 tháng thì em dính bầu. Em có nói cho anh ấy biết, nhưng anh ấy không mặn mà, mà cũng không đoái hoài đến chuyện tổ chức đám cưới. Em giận thì anh ấy bỏ đi. Đến khi em tìm về quê thì chết lặng vì anh ấy đã có vợ và một con rồi. Lúc đó em hoang mang tột độ, cay đắng ê chề, nhưng em nghĩ bỏ con em thì cũng tội nên em quyết định giữ đứa bé. Đến giờ, vẫn không sao quên được lúc em phải vượt cạn một mình” - vừa nói, nước mắt P chực trào. Đỡ lời P, chị Hòa nói: Công nhân bọn mình nhiều người phải mang tiếng “ế” lắm, bởi vì có tìm được ai đâu, mà tìm được thì lại vớ phải người chẳng ra gì như vậy đấy…!”.

Nam công nhân cũng… ế sưng

Câu chuyện lo ế tưởng chừng như chỉ đến với phái nữ, thế nhưng đối với công nhân thì đã không còn chia phái. Bởi, dù tỷ lệ nam công nhân ở các KCN, KCX thấp, nhưng do không có thời gian, không có cơ hội được gặp gỡ người khác giới thì họ cũng phải đối mặt với nguy cơ ế cao.

Tìm đến “láng giềng” của tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi đến KCN Đình Trám của tỉnh Bắc Giang. Tuy chưa sầm uất như KCN Yên Phong nhưng KCN Đình Trám cũng đang giúp mảnh đất Việt Yên có một diện mạo mới. 5 năm trở lại đây, ảnh hưởng của KCN đến dân cư quanh vùng thực sự rõ rệt. Lượng công nhân ồ ạt đổ về Đình Trám để xin việc đã biến Hoàng Ninh (huyện Việt Yên) từ một xã quanh năm người dân chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thành một vùng quê sầm uất. Đi dọc trục đường chính xuyên suốt thôn My Điền 1, My Điền 2, My Điền 3, chúng tôi cảm nhận được sức sống mãnh liệt đang lan tỏa. Không kể dịch vụ thuê nhà trọ, các dịch vụ khác như làm đẹp, chợ búa, đồ ăn nhanh, “siêu thị mặt đất”… mọc lên như nấm. Theo lời ông Tuấn, Phó thôn My Điền 2 thì “giờ vàng” để thấy lực lượng công nhân là khoảng 17h, khi đó công nhân ùn ùn đổ ra chợ mua đồ về nấu ăn, sinh hoạt buổi tối.

Ông Nguyễn Đình T (40 tuổi) - một nông dân “nuôi người” ở xã Hoàng Ninh phấn chấn: Từ ngày có KCN, Đình Trám phát triển mạnh, người ở các tỉnh đổ về đây làm công nhân giúp đất Hoàng Ninh có giá. Trước đây, người dân chỉ làm nghề nông, rảnh thì đi phụ hồ, làm thợ xây, còn giờ thì nhiều người đã bỏ ruộng, xoay sở nguồn vốn để xây nhà trọ cho công nhân thuê. Xã Hoàng Ninh có hộ xây nhà cho công nhân thuê, mỗi tháng cũng kiếm 40-50 triệu đồng ngon lành.

bao gio cho het noi lo

Nữ công nhân nấu ăn trong căn phòng trọ chật chội ở Ô Cách, Yên Phong, Bắc Ninh

Cũng theo lời ông T, KCN Đình Trám phát triển kéo theo dân số của xã Hoàng Mai tăng lên song cũng nảy sinh lắm chuyện khôi hài. Chuyện các nữ công nhân ngày làm công ty, tối làm “dịch vụ” đã là “chuyện thường ở huyện”. Người ta gọi những cô gái này là “đầu xanh đầu đỏ”. “Tôi cũng định xây phòng trọ nuôi mấy con đầu xanh đầu đỏ nhưng mà nhà tôi không cho” - ông T vừa nói, vừa cười hóm hỉnh.

Thực tế, những câu chuyện như ông T kể đã xảy ra rất nhiều. Chuyện nữ công nhân quan hệ vụng trộm với bạn trai rồi có thai nhưng giấu giếm, đến kỳ sinh nở không đi bệnh viện mà sinh con ngay trong nhà vệ sinh của chủ nhà. Rồi chuyện những giọt nước mắt muộn màng của nhiều nữ công nhân trong phòng phá thai, hay chuyện nam công nhân sa đà, nghiện ngập, không có tiền hút hít thì sinh cướp giật dẫn đến án mạng… Mới đây thôi, ông T kể dân trong làng được phen “thất kinh” khi nữ công nhân ăn nằm với cả hai bố con nhà chủ trọ, đến khi có thai, cô cũng chẳng biết là con của ai. Sau rồi, hai bố con chủ nhà trọ đều trốn tránh trách nhiệm vì cho rằng cô gái này quan hệ linh tinh.

Những câu chuyện buồn này đã từng làm rúng động miền quê yên ả, đeo bám tâm trí những người dân ở đây. Nhưng giờ thì: “Chuyện như cơm bữa, chúng tôi cũng chẳng còn để ý nhiều nữa” - ông T nói.

Một thống kê của thôn Hoàng Mai 3 gần nhất cho thấy, số phòng trọ cho công nhân thuê đã tăng gấp đôi từ 856 phòng (2014) lên 1.500 phòng. Khi chúng tôi đến thôn Hoàng Mai 3 thì cũng là lúc ông Trần Quang Thụy - Trưởng thôn đang cùng bà con đến nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng KCN Vân Trung. Cả thôn có 44 hộ nằm trong diện thu hồi đất, giống như các xóm trọ ở thôn My Điền 2, Hoàng Mai 3 đang phát triển mạnh về các loại hình dịch vụ, ông Thụy nói: “Nhận tiền đền bù người dân vui lắm, vì lại có tiền xây thêm nhà trọ”.

Các khu trọ ở Hoàng Mai 3 cũng thường cho công nhân thuê theo kiểu nam riêng, nữ riêng, chỉ có số ít là cho thuê chung. Điều này cũng khiến nhiều nam công nhân lâm vào cảnh “ê sắc”.

Huế - người ở Bắc Giang đến làm công nhân tại KCN Đình Trám được vài tháng nhưng khi nhắc đến việc đi chơi hay đi tìm bạn gái, anh này chẳng ngần ngại cho biết cả xã Hoàng Ninh không có lấy một địa điểm để vui chơi nên sau giờ làm, Huế và bạn cùng phòng chỉ biết về đóng cửa đi ngủ. “Ở đây muốn đi chơi thì phải đi vào thành phố Bắc Giang hoặc sang Bắc Ninh, cả đi cả về cũng ngót nghét gần 20 cây số nên bọn em ít khi đi. Đi làm về đóng cửa ngủ một mạch rồi chiều dậy nấu nướng, ăn xong rồi lại đi làm thôi” - Huế nói.

Tương tự ở khu nhà trọ tại Ô Cách (Yên Phong, Bắc Ninh), chúng tôi gặp Nguyễn Tùng (Thanh Oai, Hà Nội), chàng trai vừa tròn 20 tuổi nhưng người ốm yếu, xanh xao; không có nét nào cho thấy sức sống của lứa tuổi thanh xuân. Tốt nghiệp lớp 12, Tùng về Samsung làm công nhân. Căn phòng chưa đến 10 mét vuông mà Tùng đang ở còn có thêm ba mẹ con người dì ruột. Ban ngày, cả bốn người cùng đến công ty làm việc. Đêm xuống, Tùng và hai người anh họ nằm ngủ trên gác, người dì nằm dưới nền nhà. Ngày nào Tùng cũng phải tăng ca đến tối mịt mới về. Về đến nhà chỉ mong tắm rửa, ăn uống, nghỉ ngơi. Riêng ngày thứ Bẩy được về sớm, Tùng tự “thưởng” bằng việc ném mình trong cửa hàng game online đến sáng hôm sau mới về. Khi nhắc đến chuyện tình yêu, Tùng cười trừ: Không riêng em, cả 2 anh của em cũng vậy, đi làm quần quật cả ngày, tiền không, thời gian cũng không nên chả dám nghĩ đến yêu nữa!”.

Bà Phạm Thị Thanh Hồng, Phó trưởng ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Chúng tôi đã cố gắng hết sức!

Vấn đề này chúng tôi đã nhận thấy rõ nhưng hiện vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện chúng tôi cũng có nhiều chương trình hành động để giảm thiểu vấn đề mất cân bằng giới như thường xuyên đàm phán với các doanh nghiệp về định hướng ngành nghề, rằng công nhân nam cũng có thể đảm nhận công việc mà nữ công nhân làm chứ không nên xây dựng mô hình theo hướng đặc thù.

Phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã phối hợp với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp xây dựng thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân, lao động ở các KCN. Đồng thời phối hợp với Bộ GD&ĐT khảo sát thực trạng nhà trẻ, mẫu giáo ở các KCN, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các KCN, KCX.

(Xem tiếp kỳ sau)

Huyền Anh - Huy Sơn - Xuân Hinh