Báo động tình trạng xâm hại tình dục trẻ em

07:00 | 06/04/2016

835 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ, có tới 11% học sinh bị xâm hại tình dục tại 3 trường học của Hà Nội. Nhiều phụ huynh chắc hẳn không tin hoặc bất ngờ với con số này. Nhưng thực tế, kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Hà Giang và TP HCM từ trước cũng khớp với số liệu trên. Thậm chí, có những học sinh bị xâm hại tình dục đến 14 lần.  

Đủ trò xâm hại

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Mường Khương (Lào Cai) cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với nhân viên bảo vệ Đỗ Văn Nam để điều tra về hành vi dâm ô với trẻ em.

Theo thông tin ban đầu, tại Cơ quan điều tra, Nam khai nhận từ năm 2014 thường xuyên có hành vi dâm ô đối với những em học sinh nữ từ lớp 1 đến lớp 5 tại Trường tiểu học bán trú La Pan Tẩn. Lợi dụng giờ ra chơi, giờ tan học, Nam mua kẹo hoặc bim bim để dụ dỗ các em học sinh vào phòng bảo vệ của mình để thực hiện hành vi dâm ô. Đến nay, có hơn 20 em học sinh tố cáo bị ông Nam dở trò đồi bại.

bao dong tinh trang xam hai tinh duc tre em
 

Một trường hợp khác cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng trong cuối tháng 3 vừa qua là hình ảnh thầy giáo dạy môn Vật lý - Công nghệ ở Châu Đốc, An Giang “luồn tay qua nách” nữ sinh để... chỉ bài.

Lý giải cho những hành động của mình, thầy giáo dạy 15 năm tại Trường THCS Nguyễn Trãi cho rằng, việc mình có, trong lớp là phụ vợ sửa bài cho các em học sinh. Theo thầy giáo này, hành động chỉ bài bằng cách luồn tay qua nách học sinh như thế là “tiện hơn” thay vì dùng tay chỉ bài học sinh từ phía đối diện có thể làm trúng các em. Được biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Châu Đốc đã chuyển công tác thầy giáo này về một ngôi trường khác để tu tâm rèn luyện nhân cách cũng như đạo đức nghề nghiệp.

Thực trạng quấy rối, lạm dụng tình dục đang trở thành vấn đề “nóng” trong xã hội ngày nay. Quấy rối, lạm dụng diễn ra mọi lúc mọi nơi, từ nông thôn đến thành thị, từ công sở, trên tàu xe và cả trong môi trường học đường.

Thực tế, học sinh là đối tượng hay bị những kẻ xâm hại, quấy rối tình dục dễ dàng tiếp cận vì các em còn nhỏ, ít tuổi, ít kinh nghiệm lại không dám kêu, không dám bày tỏ. Đa số các em bị quấy rối, lạm dụng tình dục đều bị tổn thương về mặt tâm lý sâu sắc và nó sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của các em trong suốt cuộc đời.

Tùy hoàn cảnh mà bị xâm hại

Theo số liệu thống kê mới nhất công bố ngày 29-3 tại buổi tọa đàm chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UNICEF khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tổ chức, trong 5 năm (2011-2015) có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong số 8.200 vụ xâm hại trẻ nói chung.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA cho biết: Theo nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ, 11% học sinh bị xâm hại tình dục tại 3 trường học của Hà Nội. Nhiều phụ huynh chắc hẳn không tin hoặc ngã ngửa với con số này. Nhưng thực tế, kết quả nghiên cứu của CSAGA tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Hà Giang và TP HCM từ hơn 6 năm trước cũng khớp với số liệu trên. Thậm chí, có những học sinh bị xâm hại tình dục đến 14 lần.

Còn mạng lưới xã hội dân sự quốc tế (ECPAT) thông tin, trong số 1,8 tỉ hình ảnh được đăng tải mỗi ngày có 270.000 hình ảnh về lạm dụng tình dục trẻ em. Mạng lưới văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em có tới 1,2 triệu GB dữ liệu. Đáng chú ý, người tung hình ảnh bị coi lạm dụng tình dục trẻ phần lớn là cha mẹ (38%), tiếp đến là hàng xóm hay những người bạn của gia đình (26%).

Theo những đánh giá này, các con số có thể khiến nhiều người lớn giật mình, nhưng tội phạm xâm hại trẻ em lại là khái niệm mới ở Việt Nam, có mức độ nguy hiểm cao.

Phía Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho hay, nhiều phụ huynh vẫn chưa nhận thức đầy đủ nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em, dẫn đến mất cảnh giác. Đa phần trẻ em bị xâm hại đều có hoàn cảnh khó khăn, không nhận được sự quan tâm đầy đủ của gia đình. Vì vậy, khi bị xâm hại, các em không có người để chia sẻ, thêm việc tự ti, mặc cảm nên không tố cáo hành động của người xấu.

Bên cạnh đó, chương trình giáo dục của nhà trường, đặc biệt là tiểu học, hiện chưa đưa các nội dung về việc phòng chống xâm hại dẫn đến việc trẻ chưa nhận thức được vấn đề này.

Lợi dụng “động” - “chạm”

Mỗi ngày đi học, ngoài chuyện lo lắng về bài vở, nhiều học sinh còn đối mặt với những hành vi bị xúc phạm, quấy rối tình dục, xâm hại, dẫn đến lo sợ, ám ảnh, nhất là đối với những nữ sinh.

Với nhiều nữ sinh, bị trêu chọc, bông đùa quá đáng cũng là tác nhân gây ảnh hưởng tới tâm sinh lý, tới chuyện học tập. Tuy nhiên, nhiều nữ sinh chọn cách im lặng, mà không biết rằng mình đang bị bạo lực tình dục.

Khó chịu, bất lực vì hay bị các bạn trêu chọc, trêu chọc quá đáng, Đào Lan Anh (lớp 12 của một trường THPT trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Trong giờ học lẫn giờ ra chơi, các bạn nam hay đùa quá đà, nhiều lúc cố tình cầm tay, động chạm vào cơ thể của bạn nữ, nhiều lúc em phản ứng, các bạn ấy vẫn không tha. Lúc học về, em đi xe đạp cũng bị các bạn nam bám theo, trêu chọc như giật tóc, vỗ vào vai, giật quai áo lót khiến em giật mình, rất khó chịu”.

Còn em Lê Thị Lan đang học lớp 11 chia sẻ: “Nhà em cách trường khá xa nên chủ yếu là đi xe buýt. Tuy nhiên, em rất sợ đi xe buýt vì nhiều bạn nam hoặc nam giới lớn tuổi cứ đứng sát vào em, thậm chí còn cố tình động chạm vào người em. Xe đông nên cũng không biết làm cách nào, thành ra mỗi lần lên xe là em tìm chỗ đông phụ nữ để đứng. Ở trường, các bạn nam cũng thường xuyên trêu đùa, cầm tay còn đỡ, chứ nhiều bạn nghe lời thách đố còn nhảy xổ vào ôm em. Lắm lúc bực muốn khóc mà không dám, vì khóc lại bị trêu cả tuần là mít ướt”.

Đây chỉ là hai trong số nhiều trường hợp nữ sinh hiện nay đang hằng ngày phải đối diện với bạo lực giới. Trước thông tin khảo sát tại 3 trường THPT ở Hà Nội cho thấy, có đến 11% học sinh bị xâm hại tình dục khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

“Lâu nay con gái cũng hay tâm sự, chia sẻ chuyện học tập, bạn bè nhưng ít thấy cháu kể về bị trêu chọc, quấy rối. Nên khi xem kết quả khảo sát, tôi không khỏi giật mình. Mong rằng nhà trường quan tâm, tuyên truyền để các cháu nhận thức rõ thế nào là hành vi quấy rối, xâm hại tình dục, bạo lực, các cách phòng tránh”, chị Trần Thị Hoa, một phụ huynh chia sẻ.

Lý giải về nguyên nhân hiện tượng quấy rối, xâm hại tình dục xuất hiện cả trong môi trường được coi là an toàn với trẻ em là trường học, bác sĩ Phạm Vũ Thiên, Phó giám đốc Trung tâm Sáng kiến và Sức khỏe dân số (CCIHP) cho rằng, sự biến đổi các giá trị sống đã và đang dẫn đến các sang chấn tâm lý, hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và người lớn.

Xã hội chúng ta đang phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ những cái không chuẩn. Các giá trị đạo đức của tất cả các đối tượng thuộc các ngành nghề trong xã hội bao gồm cả giáo viên, học sinh đều bị tác động rất dữ dội. Như vậy mới xảy ra những việc đau lòng như học sinh bị thầy giáo quấy rối, lạm dụng, rồi bạn bè trong lớp quấy rối nhau.

Chính vì vậy để ngăn chặn tình trạng quấy rối, xâm hại tình dục, bác sĩ Phạm Vũ Thiên cho rằng, trước hết phải xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi quấy rối, xâm hại tình dục kể cả học sinh và người lớn; nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề này. “Đồng thời, các em học sinh nên trang bị cho mình kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, cách nhận biết các hình thức quấy rối, lạm dụng. Khi có vấn đề dù đang nghi ngờ hay đã xảy ra thì cần tìm người đủ tin cậy để chia sẻ thông tin. Với những bậc cha mẹ, nên thường xuyên trao đổi, trò chuyện thoải mái với con cái về vấn đề sức khỏe tình dục, để con tin tưởng chia sẻ thông tin”, bác sĩ Thiên cho hay.

 

Thảo Phượng

Năng lượng Mới 511

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc