Báo động nguồn nước chạy thận không bảo đảm!

22:37 | 05/08/2017

386 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay sau khi xảy ra vụ tai biến chạy thận do nguồn nước cung cấp cho máy lọc làm 8 người tử vong, đã có một chương trình tập huấn quy trình chạy thận nhân tạo cho các bệnh viện khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều bệnh viện lúng túng vì 70% mẫu nước đầu nguồn không đạt tiêu chuẩn. 

Bó tay với nước máy đầu nguồn

Tại buổi tập huấn quy trình chạy thận cho các đơn vị chạy thận nhân tạo khu vực phía Bắc tổ chức vào hạ tuần tháng 7 tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Thị Hường, Trưởng khoa Thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã rất lo lắng cho biết, mặc dù biết rõ nước có vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống chạy thận nhân tạo, thế nhưng điều này lại nằm ngoài khả năng xử lý của bác sĩ, bởi để xây dựng một quy trình chạy thận thì phải xây dựng quy trình lọc nước tinh khiết trước khi đưa vào sử dụng.

Nhiệm vụ này lại phụ thuộc vào người chuyên trách về hệ thống lọc nước chứ không phải bác sĩ. Do đó bác sĩ khoa chạy thận nhân tạo khá lúng túng, không biết đào tạo như thế nào cho nhân viên y tế của mình, hay nói đúng hơn là đào tạo về nguồn nước cho nhân viên y tế chưa có. Chưa kể đến nguồn nước hôm nay tốt, mai không bảo đảm chất lượng do nguyên nhân khách quan… khiến bác sĩ không thể nào xử lý được. Chính vì vậy, bác sĩ Nguyễn Thị Hường nói: “Chúng tôi rất mong được đào tạo bác sĩ chuyên về nước cho quy trình chạy thận”.

bao dong nguon nuoc chay than khong bao dam
Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai

Bác sĩ Nguyễn Văn Thắng, Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, xử lý nguồn nước trong hệ thống chạy thận nhân tạo quả thực rất khó khăn, làm bác sĩ ở nhiều bệnh viện như “đi trên dây” khi chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân. Ông cho rằng, quy trình lọc nước tinh khiết chạy thận nhân tạo phải trải qua một quá trình phức tạp với nguồn nước đầu vào là nước máy. Sau đó, hệ thống lọc phải xử lý sắt, clo, mangan, asen, độ cứng... với nhiều bước. Do đó, quan trọng nhất trong vận hành hệ thống máy lọc phải là nguồn nước và phải có hành lang pháp lý, tiêu chí để đánh giá nguồn nước này. Trong khi hiện nay chỉ đi kiểm tra, chưa có tiêu chí so sánh chuẩn mực về nguồn nước.

Thực ra để nhận biết và xử lý nguồn nước bảo đảm cho hệ thống chạy thận là cả một vấn đề quan trọng, phải có sự phối hợp giữa bác sĩ và bộ phận chuyên môn. Nếu chỉ giao cho bác sĩ thì khó thực hiện được, bởi đúng như băn khoăn của bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai: “Bác sĩ chỉ biết sử dụng máy móc, còn việc nhận biết nguồn nước có sạch hay không thì đúng là khó”.

Nồng độ vi khuẩn cao

Không chỉ các bác sĩ lúng túng về việc xử lý nguồn nước cung cấp cho máy lọc thận mà ngay cả nguồn nước hiện nay, theo PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế, có tới 70% mẫu nước đầu nguồn của 41 bệnh viện ở 25 tỉnh, thành phố (có khoa, đơn nguyên thận nhân tạo) không đạt tiêu chuẩn. Đây là mẫu nước các bệnh viện gửi về xét nghiệm sau sự cố 8 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tử vong.

Cụ thể, các bệnh viện đã gửi về để xét nghiệm mẫu nước đầu nguồn (trước khi lọc thô); nước RO (nước trực tiếp cho chạy thận nhân tạo) và nước sau rửa quả lọc dùng trong chạy thận nhân tạo. Kết quả xét nghiệm cho thấy, các mẫu nước đầu nguồn có tới 70% mẫu không đạt tiêu chuẩn (22/31 mẫu). Trong đó có mẫu của 2 bệnh viện không đạt tiêu chuẩn về độ pH, 2 bệnh viện không đạt chuẩn độ đục và 7 bệnh viện không đạt chỉ số Pecmanganat. Các mẫu nước đầu nguồn này cũng có đến 17/40 (chiếm 42,5%) không đạt chuẩn về Coliform và 3/40 mẫu không đạt về tiêu chuẩn Ecoli (chiếm 7,5%). Kết quả xét nghiệm mẫu nước RO, đã phát hiện có tới 60% mẫu nước (chiếm 24/40 mẫu) có nồng độ Endotoxin (nội độc tố vi khuẩn) cao hơn ngưỡng cho phép.

Theo các chuyên gia, có kết quả này là do liên quan đến nồng độ vi khuẩn cao ở nước đầu nguồn. Vì nồng độ vi khuẩn trong nước nguồn rất cao nên sau khi xử lý, vi khuẩn chết gây “ô nhiễm” nội độc tố trong nước RO. Mà nồng độ nội độc tố cao hơn ngưỡng cho phép có thể gây các biến chứng cho bệnh nhân: giảm huyết áp, buồn nôn, nôn, sốt, thậm chí tử vong, tùy thuộc vào cơ địa bệnh nhân.

Bên cạnh các kết quả trên, còn phát hiện 1 mẫu nước rửa quả lọc tồn dư chất diệt khuẩn.

Tuy nhiên, PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho rằng: Nước đảm bảo hay không nhìn mắt thường không thể biết được, mà phải xét nghiệm và xét nghiệm thường xuyên để xác định chất lượng nguồn nước.

Quy trình lọc nước tinh khiết chạy thận nhân tạo phải trải qua một quá trình phức tạp với nguồn nước đầu vào là nước máy. Sau đó, hệ thống lọc phải xử lý sắt, clo, mangan, asen, độ cứng... với nhiều bước.

Nguyễn Bách