Bangkok sẽ chìm dưới nước năm 2030?

18:55 | 20/07/2013

824 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tình trạng ấm lên toàn cầu do biến đổi khí hậu với nguy cơ không thể kiểm soát như hiện nay sẽ làm tăng nguy cơ ngập lụt trên 42% diện tích bề mặt trái đất từ nay tới cuối thế kỷ. Trong đó, châu Á và châu Phi sẽ là hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đây là kết luận từ công trình nghiên cứu gần đây của nhóm các nhà khoa học thuộc Học viện Đổi mới kỹ thuật – Đại học Tokyo (Nhật Bản) do Yukiko Hirabayashi đứng đầu.

Ngày 27/6 vừa qua, phụ trang địa chính trị của tờ Le Monde (Pháp) có bài viết mang tựa đề “Bangkok sẽ chìm dưới nước vào năm 2030?”. Với vấn đề chung đặt ra, tác giả của bài viết nói trên và cả nhóm nghiên cứu của Yukiko Hirabayashi đều nhận định: Nếu nhiệt độ trái đất tiếp tục nóng lên một cách mất kiểm soát, không có biện pháp đối phó nào hiệu quả thì Thủ đô của Thái Lan cũng như Chính phủ nhiều nước trên thế giới sẽ phải trả một cái giá rất đắt trước hậu quả của biến đổi khí hậu. Số người bị đe dọa lũ lụt sẽ tăng gấp nhiều lần, và một ví dụ điển hình có thể thấy trong tương lai gần, đó là: Chỉ chưa đầy 20 năm nữa thôi, Bangkok sẽ chìm sâu trong nước.

Trong báo cáo về tác động của hiện tượng thay đổi khí hậu trong khu vực thực hiện bởi Ngân hàng Thế giới (World Bank) hôm 19/6/2013, Thủ đô Bangkok của Thái Lan được xếp vào một trong các đại đô thị bị ảnh hưởng nhiều nhất trước những “trở mình quằn quại” của khí hậu trái đất.

Mùa mưa năm 2011, Thái Lan đã phải hứng chịu trận lụt tệ hại nhất trong lịch sử từ hơn 50 năm qua. Không chỉ chính quyền thành phố cũng như người dân Bangkok phải khốn đốn vì phải di dời dân do nước lũ, mà ngay cả nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra – người vừa có những bước đi đầu tiên trên chính trường Thái cũng phải chịu một sức ép ghê gớm trong cuộc chiến chống lại trận lũ lịch sử này.

Thống kê cho thấy, có tới 64/77 tỉnh trên cả nước Thái bị lụt lội, hơn một nửa số quận ở Bangkok, người dân được lệnh sơ tán. Cục Phòng ngừa và Giảm nhẹ Thiên tai của Thái Lan xác nhận, con số người chết vì trận lũ lịch sử lên tới xấp xỉ 600 người, hơn 900 ngàn người Thái mất việc làm vì lũ. Đó là chưa kể, cuộc sống của hơn 13 triệu người, tương đương 20% dân số Thái Lan đảo lộn hoàn toàn vì lụt lội, thiệt hại kinh tế lên tới 35 tỉ USD.

Thủ đô Bangkok – Thái Lan hoang vắng do dân di cư sau trận lũ lịch sử hồi tháng 10/2011 (Ảnh: Reuters)

Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao Thủ đô Thái Lan lại được xem là điểm nhạy cảm trên bản đồ thiên tai lụt lội khu vực và toàn cầu? Tại sao các nhà khoa học lại chắc chắn đến thế về nguy cơ “chìm trong nước” của thành phố nhộn nhịp này?

Theo dòng lịch sử, sau khi Ayuttaya – thủ đô của nước Xiêm cũ bị xâm chiếm, một thủ đô mới đã được thiết lập ở bờ tây sông Chao Phraya – tức một phần của Bangkok ngày nay.

Vua Rama I đã cho xây cung điện ở bờ sông phía đông năm 1782 và đổi tên thành phố này là Krung Thep – “thành phố của các vị thần”. Như thế, ngay từ đầu, Bangkok đã có một “nền tảng” là vùng đất sình lầy ven sông, chỉ cách mực nước biển có 1,5m. Chưa kể, mỗi năm Bangkok bị lún 2cm do tác động của việc khai thác nước ngầm quá mức, cùng với sức nặng của các công trình xây dựng, tình trạng xói mòn đất. Từ lịch sử thành lập đến nay, đã gần 3 thế kỷ trôi qua, Bangkok đang là một trong những vùng trũng nhất thế giới. Hơn 12 triệu cư dân thành phố có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào mỗi khi lũ lụt tràn đến.

Các dự án địa ốc ngày một nhiều tại Bangkok khiến mực nước ngầm bị khai thác quá mức (Ảnh: Reuters)

Hơn thế nữa, lưu vực sông Chao Phraya – nơi ảnh hưởng nghiêm trọng của trận lũ lụt lịch sử tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ qua là một trong hai hệ thống lưu vực sông lớn nhất chảy qua Thái Lan (gồm Mê-kong và Chao Phraya). Trong trận lũ năm 2011, nước từ mưa thượng và trung lưu lưu vực sông kết hợp với nước xả từ các đập thượng lưu đổ về Bangkok ước tính lên đến 16,3 tỉ m3. Theo Cục tưới Hoàng gia Thái Lan (RID), không cần mưa thêm một giọt nào thì lượng nước nói trên để tiêu ra biển cần đã cần từ 1 đến 1,5 tháng(!)

Ở phía nam, Bangkok được bao quanh bởi một phần của Ấn Độ Dương. “Nếu không có chính sách thích ứng, thì do các hiện tượng thiên nhiên cực đoan và mực nước biển dâng lên, diện tích có thể bị ngập lụt của Bangkok là 40%, trong trường hợp nước biển dâng cao 15cm”. Kịch bản này có thể hiện thực hóa từ những năm 2030 – Đây là nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB).

Nếu đúng như tính toán, phân tích của các nhà khoa học thì trái tim của “đất nước Chùa Vàng” đang cùng lúc phải chịu những áp lực là những cơn gió mùa phương Bắc gây mưa lớn và biển cả mênh mông ở phương Nam, tình trạng sụt lún hàng năm do khai thác nước ngầm.  

Các nhà hoạch định chính sách của quốc gia này đang dự kiến sẽ xây dựng những con đập dọc theo sông Chao Phraya chạy xuyên thành phố, hay hệ thống bơm nước và các kênh đào dẫn nước đi nơi khác? Thậm chí, văn phòng kiến trúc sư Thái S+PBA còn đề xuất xây dựng một thành phố nổi được thiết kế theo kiểu các rừng sú vẹt tái sinh.

Hẳn chúng ta đều hi vọng một tương lai tốt đẹp không xa cho mảnh đất Chùa Vàng.

Hương Mai
 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps