Bàn về vị trí của người thầy

07:05 | 23/04/2016

896 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lâu nay, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đã có nghiên cứu, phân tích những “sai lầm”, “chệch hướng”, “suy thoái” của giáo dục Việt Nam (GDVN) và cũng đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm “chấn chỉnh”, “cải cách”, tạo “những trận đánh lớn” với mục đích thay đổi cơ bản chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu, quản lý chỉ thường quan tâm đến những vấn đề “vĩ mô”, xây dựng lý thuyết, triết lý giáo dục nhưng lại không mấy khi bàn đến đội ngũ giáo viên - những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cải cách, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.  

Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với NSND, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần về những suy nghĩ, trăn trở của ông đối với nền giáo dục nước nhà, đặc biệt là về đội ngũ giáo viên - đối tượng đang thực hiện nhiệm vụ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các cơ quan quản lý Nhà nước đặt ra.

ban ve vi tri cua nguoi thay
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần

PV: Được biết NSND, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần là người rất quan tâm tới những vấn đề của GDVN, đặc biệt là những cải cách hiện nay của Bộ GD&ĐT. Theo đạo diễn, vấn đề lớn nhất của giáo dục hiện nay là gì?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Tôi là đạo diễn điện ảnh, nay bàn về giáo dục xem ra cũng có vẻ không đúng vai trò lắm. Nhưng vợ tôi là nhà giáo. Mấy chục năm, những vui buồn, trăn trở của nhà tôi, tôi đều biết. Và thực sự, tôi cũng rất quan tâm đến nền giáo dục nước nhà. Cách đây gần chục năm, nhiều tờ báo đã đăng bài phỏng vấn GS Nguyễn Đăng Hưng, một Việt kiều rất quan tâm đến hiện trạng GDVN. Trong bài phỏng vấn có một câu hỏi và trả lời như sau: “Giả sử, nếu là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam, 3 vấn đề ông ưu tiên giải quyết là gì?”. GS Nguyễn Đăng Hưng đã trả lời: “Tôi không hề nghĩ đến chức vụ ấy bởi tôi cũng chỉ là… một thường dân. Nhưng giả thuyết là Bộ trưởng, tôi sẽ thay đổi ít nhất 50% nhân sự, sa thải những người thiếu trách nhiệm, chỉ giữ lại những người tâm huyết”.

Tất nhiên, tôi không định bàn đến con số 50 hay bao nhiêu phần trăm nhân sự ngành giáo dục cần loại bỏ, bởi hình như vị GS này nói về nhân sự quan chức, cán bộ quản lý ngành. Trong khi đó, cá nhân tôi lại cho rằng, vấn đề lớn của giáo dục hiện nay chính là đội ngũ giáo viên.

Bất cứ ngành kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội nào cũng cần đến lực lượng lao động. Đội ngũ nhân sự có thể nhiều, ít khác nhau, có thể là lực lượng lao động trí óc hay chân tay, thậm chí có những ngành nghề khoa học hiện đại ngày càng sử dụng rất ít nhân sự vì đã có hệ thống công nghệ tự động thay thế. Nhưng giáo dục, dù trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển cũng không thể thay thế vị trí người thầy giáo bằng máy móc, phương tiện kỹ thuật. Ở các nước có nền giáo dục phát triển, người ta đã đưa vào nhà trường khá nhiều thiết bị kỹ thuật để hỗ trợ cho việc dạy, nhưng cũng không thể thiếu vắng người thầy giáo, người truyền thụ kiến thức, hướng dẫn, quản lý, giáo dục học sinh.

ban ve vi tri cua nguoi thay

Giáo viên là những người lao động trí óc có những đặc thù khác với người lao động các ngành nghề khác. Họ luôn luôn phải tiếp xúc trực tiếp với đối tượng giáo dục là học sinh, là con người. Do vậy, giáo viên không chỉ là một cỗ máy truyền thụ kiến thức mà còn là người thể hiện trình độ hiểu biết, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, đồng thời còn thể hiện cả những phẩm chất đạo đức, cá tính, những nét độc đáo… để tạo thành tấm gương, hình mẫu đối với học sinh. Chúng ta đã từng ca ngợi những người thầy dạy giỏi, dạy hay, được học sinh yêu quý, đó là những người có cách nhìn nhận, tiếp cận và phương pháp truyền đạt kiến thức khoa học (chuyên ngành) sâu sắc, độc đáo, riêng biệt, đồng thời là người có đạo đức, tác phong đúng mực, giàu tình yêu thương đối với mọi người, trong đó có trẻ em học sinh. Những người như vậy luôn được học sinh tin tưởng, tạo cho các em sự hào hứng tiếp nhận kiến thức, ham thích học tập, rèn luyện. Họ còn được cả xã hội tôn trọng, các thế hệ học sinh coi là hình mẫu để noi theo trong cuộc sống.

Những tiêu chí về người thầy giáo như trên vốn đã tồn tại trong nền giáo dục quá khứ, khiến cho nhiều thế hệ học sinh sau này vẫn tự hào khoe với mọi người “tôi là học trò của thầy A, thầy B…”. Còn bây giờ những người thầy như vậy thật quá hiếm hoi, những tiêu chí về người thầy chỉ mang tính lý tưởng, chỉ là mong muốn, hy vọng của các thế hệ học trò và toàn xã hội.

PV: Rõ ràng giáo viên có vai trò rất quan trọng trong hệ thống giáo dục Việt Nam, thế nhưng xã hội ngày nay lại có quan niệm “Chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Ông nhận định thế nào về quan điểm này?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Câu nói này không chỉ tồn tại trong xã hội ngày nay, mà đã có từ rất lâu rồi. Đại học sư phạm mất 4 năm đào tạo ra giáo viên THPT, 3 năm cho giáo viên THCS, cao đẳng sư phạm mất 3 năm cho giáo viên tiểu học cơ sở và mẫu giáo. Thế nhưng, trong các kỳ tuyển sinh đại học, người ta đều có thể nhận thấy học sinh tốt nghiệp lớp 12 THPT ít người có nguyện vọng học sư phạm, những học sinh top trên không mấy người xin dự tuyển vào các trường đại học sư phạm, mặc dù được nhiều ưu đãi về học phí.

Nhìn ngược lại quá trình đào tạo giáo viên phổ thông các cấp trong quá khứ cũng có nhiều vấn đề đáng nói. Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, hệ thống giáo dục ở miền Bắc bắt đầu được xây dựng lại với nhu cầu lớn về giáo viên. Thời điểm đó, ngoài việc sử dụng một lực lượng giáo viên trường công, trường tư của nền giáo dục cũ và chúng ta đã từng bước thay thế bằng các hệ đào tạo cấp tốc như sư phạm 7+1 (học hết lớp 7, học thêm sư phạm 1 năm) 7+2, 10+1, 10+2, 10+3, đại học 3 năm, 4 năm… nền giáo dục Việt Nam đã nhanh chóng đáp ứng đầy đủ hệ thống giáo viên phổ thông.

Ngày ấy, những câu vè cửa miệng như: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, Sư phạm bỏ qua, Nông lâm tếch thẳng…” lưu truyền trong thanh niên, học sinh, sinh viên chúng tôi.

Những năm sau đó, cả miền Bắc bước vào cuộc chiến tranh “Chống Mỹ cứu nước”, tình trạng tuyển sinh, đào tạo sư phạm vẫn tiếp tục giữ như vậy, cho đến những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước mới bắt đầu xuất hiện hệ cao đẳng (10+3) đào tạo giáo viên cấp II (THCS hiện nay). Những năm đầu thế kỷ XXI, Bộ GD&ĐT có Dự án “Chuẩn hóa giáo viên các cấp học phổ thông” với phương pháp thực hiện là: Tập trung các giáo viên dưới chuẩn 10+2 (ở cấp tiểu học) và 10+3 (ở cấp THCS) học tập, bồi dưỡng vài tháng để được cấp bằng “Chứng nhận giáo viên đạt chuẩn”.

Nhìn lại chặng đường đào tạo sư phạm hơn nửa thế kỷ qua ta thấy một sự thật đáng quan ngại là: Nhà nước, ngành giáo dục đào tạo chưa thực sự quan tâm đến sự nghiệp đào tạo giáo viên các cấp học phổ thông, từ đó tạo thành những quan niệm xã hội không thực sự coi trọng nghề thầy giáo… Thực tế này đã và sẽ còn có ảnh hưởng đáng kể đến các thế hệ thanh niên, sinh viên, học sinh trong giai đoạn lựa chọn nghề và sự phấn đấu để trở thành nhà giáo hết lòng vì sự nghiệp giáo dục.

PV: Như vậy, việc “coi nhẹ” nghề giáo viên đã xuất hiện từ khi kết thúc chiến tranh chống thực dân Pháp. Thế nhưng, đã hơn 60 năm trôi qua, bản thân giáo viên cũng đã có sự vận động, tự vươn lên để mang kiến thức tới học sinh, sản sinh một số lượng không nhỏ những nhân tài cho đất nước?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Đó là những người giáo viên có ý thức tự vươn lên, tự trau dồi và rèn luyện bản thân để đáp ứng được nhu cầu giáo dục ngày càng hiện đại của xã hội. Nhưng ngoài số đó, vẫn có một bộ phận không nhỏ giáo viên vẫn “chậm chạp”, “thụ động” trong việc cập nhật kiến thức; thậm chí có nhiều người quá lệ thuộc vào những cuốn sách hướng dẫn giảng dạy và những quyển giáo án có tuổi đời cả chục năm.

Trước đây, để đảm bảo cho giáo viên giảng dạy đúng mục tiêu môn học, mục đích - yêu cầu từng bài học. Từ xưa đến nay, ngành GDVN đã có công biên soạn, in ấn, cấp phát cho giáo viên sách “hướng dẫn giảng dạy” cho từng môn học. Trong những cuốn sách này, giáo viên được hướng dẫn giảng dạy từng bài trong chương trình học tập của học sinh từng lớp. Bài hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết từ “Mục đích - yêu cầu”, “Phương pháp giảng dạy”, “Nội dung kiến thức cần truyền đạt” (cần nhấn mạnh, hoặc lướt qua), “Hệ thống câu hỏi” để sử dụng trong từng bước giảng dạy, từng phân mục bài giảng hay củng cố kiến thức của bài học v.v… Có thể nói sách “Hướng dẫn giảng dạy” cung cấp cho giáo viên giáo án của từng bài giảng.

ban ve vi tri cua nguoi thay

Sách hướng dẫn của ngành do các tác giả uy tín biên soạn và qua nhiều cấp duyệt nên chắc chắn là đúng, là hay rồi. Người sử dụng chỉ cần áp dụng theo sách để thực hiện từng bước lên lớp như kiểm tra bài cũ, vào bài mới, phân chia các phân nhỏ với việc sử dụng các câu hỏi và diễn giảng. Tuy nhiên ở các trường học, ban giám hiệu thường vẫn yêu cầu giáo viên phải soạn giáo án (giáo án phải viết tay, không in từ máy tính, có ghi ngày tháng năm… để tránh việc dùng bài soạn cũ) nhưng đó chỉ là hình thức và giáo viên có thể soạn giáo án bằng cách chép từ sách hướng dẫn giảng dạy.

Có lẽ cũng không cần bàn đến chất lượng sách “hướng dẫn giảng dạy” mặc dù sách thường được biên soạn một lần và dùng trong nhiều năm học nên luôn thiếu sự đổi mới, không cập nhật được những thay đổi, tiến bộ của tri thức và đời sống…

PV: Chương trình là thống nhất từ Bắc đến Nam, nhưng điều khiến giáo viên gây ấn tượng đối với học sinh, tạo dấu ấn bản thân lại xuất phát từ chính sự nỗ lực của từng giáo viên?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm ấy. Người giáo viên được phân công môn, lớp giảng dạy trong năm học, được nhận (phổ biến, cung cấp tài liệu) về chương trình, kế hoạch và được cung cấp sách “hướng dẫn giảng dạy”. Hợp lý, đầy đủ, thuận lợi như vậy nên thầy giáo cũng không cần và không có điều kiện nghĩ ngợi, tìm cách thể hiện của riêng mình (thể hiện khả năng sáng tạo, cá tính sư phạm trong giảng dạy kiến thức phù hợp với từng đối tượng học sinh). Cứ như vậy các giáo viên nhanh chóng trở thành những hình mẫu tương đối giống nhau, trở thành những “máy” giảng bài, tuy rằng họ vẫn có sự khác biệt về vẻ mặt, dáng người, cách cười nói… Việc dạy học thiếu cá tính, không sáng tạo khiến cho người thầy không có sức thu hút với học sinh từ truyền dạy kiến thức đến vai trò “dạy làm người” mà chúng ta mong muốn. Không chỉ có thế, sách “Hướng dẫn giảng dạy” còn tạo ra một thói quen, có thể nói là khá nguy hiểm đối với người làm nghề thầy giáo: Cái gì cũng đã có trong sách hướng dẫn rồi, như thế đã là rất đủ cho việc lên lớp… nên người giáo viên dần dần đánh mất khả năng tham khảo, nghiên cứu, học tập, cập nhật kiến thức khoa học (tự nhiên, xã hội, chuyên ngành…) qua sách vở, ngoài xã hội.

Tôi đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các thầy cô giáo phổ thông ở Hà Nội và nhận thấy có không ít giáo viên không bao giờ đọc sách gì ngoài sách giáo khoa và hướng dẫn giảng dạy. Khi hỏi những giáo viên này “Vì sao anh (chị) không có nhu cầu đọc sách?”. Người viết thường nhận được câu trả lời: “Tại sao lại phải đọc khi trong sách hướng dẫn đã có đủ cả?”. Một giáo viên dạy Văn cho tôi xem sách hướng dẫn: “Đây nhé, các nhà văn có trong chương trình dạy, cả nhà văn nước ngoài như Tolstoy, Gorky, Andersen, Cervantes… đều có tiểu sử, bảng liệt kê tên các tác phẩm để tham khảo, mở rộng khi giáo viên dạy một trích đoạn nào đó trong tác phẩm của họ trong sách giáo khoa”. Vâng, bằng cách đọc một hai trang tham khảo này, cô giáo dạy văn biết hết các nhà văn lớn như Victor Hugo, Lev Tolstoy, Maksim Gorky, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… có trong chương trình giảng dạy. Một câu hỏi khác: “Cô là gáo viên dạy văn, cô biết gì về văn học Việt Nam đương đại?”. Câu trả lời sẽ là: “Cần gì phải biết, mà biết cũng có dạy ở lớp được đâu. Những tác giả, tác phẩm đương đại chưa được đưa vào chương trình giảng dạy biết làm gì… Thời gian đọc những thứ ấy dành để mở lớp dạy thêm”.

Không chỉ với giáo viên các bộ môn khoa học xã hội mà giáo viên tự nhiên cũng như vậy: Giáo viên dạy vật lý, toán, hóa, sinh không biết gì về công nghệ thông tin, không sử dụng được máy vi tính, e-mail… là chuyện bình thường. Nhà trường phổ thông từ hơn chục năm nay đã đưa môn tin học vào giảng dạy cho học sinh, thế nhưng bộ môn này hình như chỉ dành cho mấy giáo viên bộ môn và học trò. Phần lớn các giáo viên tự nhiên, xã hội trong hội đồng nhà trường không mấy người thấy cần phải biết về công nghệ thông tin hay sử dụng máy tính.

Có thể nói khả năng cập nhật kiến thức khoa học nói chung, khoa học chuyên ngành (mà người giáo viên giảng dạy) của giáo viên phổ thông là rất đáng lo ngại. Vậy nhưng các giáo viên phổ thông (nhất là giáo viên ở các thành phố) vẫn có các lớp dạy thêm thu hút khá động học sinh? Đó là cách tận dụng ưu thế thầy giáo ở trường để ép phụ huynh phải cho con học thêm tránh sự thành kiến, trù úm, cho điểm kém… mà giáo viên có thể thực hiện trong trường học.

PV: Theo đạo diễn, lý do nào khiến giáo viên “ngại” đổi mới, tìm tòi và nghiên cứu những vấn đề, những cách giảng dạy ngoài sách hướng dẫn của Bộ GD&ĐT?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Giáo viên là những người lao động có môi trường làm việc ổn định. Sau khi tốt nghiệp sư phạm, về trường phổ thông làm giáo viên, sống, dạy học suốt đời trong một môi trường tương đối bình yên, ít có sự va đập, cạnh tranh quyết liệt như các ngành nghề khác. Cũng chính vì vậy nên giáo viên ít có những trải nghiệm với đời sống xã hội.

Hãy kiểm lại mỗi ngày và cả những năm làm nghề của người giáo viên trường phổ thông: Đến trường, gặp gỡ đồng nghiệp, lên lớp giảng dạy, quản lý học sinh, tổ chức các cuộc thi đua, các sinh hoạt tập thể (đoàn đội, câu lạc bộ…) cho học sinh. Thỉnh thoảng gặp gỡ, tiếp xúc với phụ huynh học sinh… Đối tượng tiếp xúc của người giáo viên chủ yếu là học trò (ở lứa tuổi của cấp học) và phụ huynh học sinh. Mối quan hệ giữa hai đối tượng này với giáo viên luôn ở vị thế không bình đẳng: Thầy cô giáo là “thầy”, là người có uy quyền, là người luôn đúng… Thầy cô giáo có thể cáu giận, quát nạt, trấn áp, thi hành kỷ luật học sinh. Với phụ huynh học sinh, dù nhiều người có cương vị xã hội, có học vấn, hiểu biết… nhưng khi gặp thầy cô giáo ai cũng phải nhún nhường, tỏ ý tôn trọng, ở thế người nhờ vả (nhờ thầy, cô trông nom, dạy bảo, giúp đỡ, tha thứ… cho cháu) hoặc giả vờ như thế.

Sự thiếu hiểu biết, trải nghiệm về đời sống, xã hội của người giáo viên gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giáo dục của họ với tư cách người thầy giáo trong truyền dạy kiến thức cũng như trong vai trò tấm gương “dạy làm người” cho các thế hệ học trò. Tình trạng học sinh, phụ huynh phản ứng, bất hợp tác, giả tạo trong mối quan hệ với giáo viên thường xuyên xảy ra nhưng được ẩn giấu kín đáo do sự bất bình đẳng, thiếu dân chủ mà họ phải chấp nhận. Vai trò “hình mẫu”, “tấm gương” về tri thức, nhân cách, vốn sống, cá tính… của người giáo viên trược học sinh rất khó thực hiện. Không khí trường học, mối quan hệ thầy - trò - phụ huynh học sinh luôn chứa đựng “sóng ngầm”, đồng thời làm nảy sinh ra nhiều hiện tượng tiêu cực, phản ứng trong một bộ phận học sinh, làm suy giảm đáng kể kết quả giáo dục mà giáo viên, nhà trường, phụ huynh học sinh mong muốn...

PV: Với những tồn tại của ngành giáo dục, đặc biệt là sự lơ là trong việc đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm, theo đạo diễn, các nhà lãnh đạo, nhà quản lý giáo dục cần làm gì để “thầy ra thầy, trò ra trò”?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Cũng như bất cứ ngành kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật nào, ngành GD&ĐT nước ta cũng đã đạt được những thành tựu lớn là tạo ra những thế hệ công dân có đủ tri thức, nhân cách để thực hiện mọi nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong những giai đoạn lịch sử vừa qua, Trước những đòi hỏi của thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập quốc tế ngày nay, Đảng, Nhà nước, ngành GD&ĐT và toàn xã hội đều đã nhận ra, thẳng thắn nhìn nhận vào những yếu kém, lạc hậu của cả nền giáo dục và trong từng lĩnh vực hoạt động của ngành. Những cuộc tranh luận nảy nửa, những quyết sách được đề ra, những cuộc thể nghiệm đã được thực hiện… nhưng việc thay đổi cơ bản việc dạy và học, hệ thống nhà trường, nội dung giảng dạy vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Với suy nghĩ cá nhân của mình, tôi rất mong muốn các nhà làm chính sách, những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục không chỉ quan tâm đến những vấn đề lý luận, chủ trương, chính sách… mà phải nhìn nhận vào thực tế của các hệ thống giáo dục, trong đó quan trọng nhất là giáo dục phổ thông, để mọi chủ trương chính sách gắn bó và có tác dụng thực sự với mục tiêu cải cách mà chúng ta đang tiến hành.

Tất nhiên, những ý kiến trên chỉ mang tính cá nhân, chủ quan với góc nhìn của riêng tôi. Vì thế, cá nhân tôi rất hy vọng sẽ nhận được sự hồi đáp của các tầng lớp xã hội, đặc biệt là các nhà nghiên cứu giáo dục đang làm việc hết sức mình cho sự thay đổi, phát triển nền giáo dục nước nhà.

PV: Xin cảm ơn ông!

P.V

Năng lượng Mới 515