Nhà máy Thủy điện Thác Bà

Bản hùng ca trên dòng sông Chảy

13:39 | 05/06/2018

495 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) đề ra mục tiêu xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà trên sông Chảy. Ngày 19-8-1964, công trình được khởi công và đến năm 1972, cả 3 tổ máy đã hòa lưới điện quốc gia. Trong quá trình xây dựng cũng như vận hành, nhà máy đã phải hứng chịu nhiều trận bom oanh tạc của máy bay Mỹ.

Ông Vũ Văn Đang (76 tuổi), quê ở Đoan Hùng, Phú Thọ, là người đã tham gia xây dựng và gắn bó với Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Thác Bà 44 năm liên tục cho đến lúc nghỉ hưu. Ông Đang kể, thời điểm đó đại công trường xây dựng NMTĐ Thác Bà có khoảng 7.000 kỹ sư, công nhân, lao động và bộ đội chuyển ngành tình nguyện về đây cống hiến sức trẻ xây dựng công trình trọng điểm của đất nước. Lúc đó, Bộ Thủy lợi là chủ đầu tư; Bộ Xây dựng là tư vấn, thiết kế và thi công, còn Bộ Điện - Than thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị sản xuất, trực tiếp vận hành nhà máy sau này.

ban hung ca tren dong song chay
Toàn cảnh đập Thủy điện Thác Bà

Khi đại công trường đang ngày đêm căng sức làm việc, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965-1968) và công trình Thủy điện Thác Bà là mục tiêu trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ. Toàn công trường lập tức được chuyển đổi nhiệm vụ, vừa xây dựng, vừa chiến đấu. Lực lượng tự vệ công trường đã phối hợp với bộ đội chủ lực và Tỉnh đội Yên Bái chiến đấu kiên cường, dũng cảm, trực tiếp bắn rơi 2 máy bay Mỹ.

“Sự hy sinh ở công trường xây dựng NMTĐ Thác Bà rất lớn, hàng trăm lao động đã hy sinh vì bom đạn của giặc Mỹ. Vì vậy, Chính phủ quyết định tạm dừng thi công. Đến năm 1968, khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, công trình mới tiếp tục được xây dựng. Ngày 22-2-1970 là ngày hội lấp sông. Ngày 5-10-1971, Tổ máy số 1 chính thức hòa lưới điện quốc gia. Đến ngày 19-5-1972, hoàn thành 3 tổ máy với công suất 108MW, sản lượng điện bình quân 400 triệu kWh/năm. Nhà máy đóng vai trò chủ lực trong việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia”, ông Đang nhớ lại.

Tuy nhiên, ngày 16-4-1972, đế quốc Mỹ lại tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2 ác liệt hơn, đặc biệt, tất cả cơ sở điện lực đều là mục tiêu hủy diệt của máy bay Mỹ.

ban hung ca tren dong song chay
Phòng Điều khiển trung tâm Thủy điện Thác Bà

Ông Nguyễn Đình Vi (84 tuổi, quê Thanh Hóa), lúc đó là công nhân sửa chữa điện nhớ lại: Đầu tháng 6-1972, NMTĐ Thác Bà liên tiếp bị ném bom, phá hủy trạm biến áp cũng như hầu hết các thiết bị trong nhà máy. Với lòng căm thù giặc Mỹ xâm lược và tinh thần yêu nước nồng nàn, cán bộ, công nhân nhà máy đã nhanh chóng sửa chữa, sớm đưa thiết bị và trạm biến áp vào vận hành.

Ông Vi cũng không thể quên vụ máy bay Mỹ ném bom nhà máy vào thứ Bảy, ngày 10-6-1972. Sáng hôm đó, khi ông Vi đang ở khu tập thể thì nhận được điện thoại báo cầu dao tiếp đất Tổ máy số 2 không đóng ngắt được. Ông và tổ trưởng tổ sửa chữa điện Nguyễn Văn Tụng đến Phòng điều khiển trung tâm kiểm tra thiết bị. Vừa ra đến cửa nhà máy thì nghe thấy tiếng máy bay Mỹ gầm rú vang trời. Máy bay Mỹ bay là là bám theo dòng sông, khi gần đến khu vực nhà máy, chúng ngóc đầu lên rồi thả bom. Loạt bom đầu tiên có sức công phá rất mạnh được ném xuống khu vực nhà vận hành. Cánh cửa Phòng điều khiển trung tâm bật tung ra. Công nhân vận hành Hồ Thị Hồng bị một cánh cửa đè lên. Ông Vi cùng ông Tụng nhanh chóng đưa cô Hồng xuống hầm cấp cứu.

Nhớ lại thời điểm đó, ông Ngô Quang Thiều (77 tuổi, quê Hà Đông, Hà Nội) lúc đó là công nhân sửa chữa turbine (sau làm Giám đốc NMTĐ Thác Bà) chia sẻ: “Thời điểm đó, cả 3 tổ máy đang đầy tải, kỹ sư Nguyễn Thành Các, Trưởng ca vận hành đã cho anh em ngừng máy, sơ tán an toàn vào hầm cáp. Bình dầu bị vỡ, ống nước bị đứt, mất điện, phòng tối đen như mực, các máy turbine không tự động dừng được. Trong khi đó, máy bay Mỹ gầm rú trên đầu, bom đạn nổ rầm rầm, bụi bay mù mịt, khói và hơi cay làm mọi người nhức mắt. Các anh Ngoạn (trưởng kíp máy), Phước (trực chính máy) và Quỳnh đã mò mẫm, tìm cách ngắt cần đóng đường dẫn nước của từng máy, tránh cho máy bị lồng tốc. Sau khi ngừng máy an toàn, 3 anh nhanh chóng rút vào hầm cáp”.

Sau 35 phút ném bom liên tiếp, máy bay Mỹ rút đi, để lại đống đổ nát hoang tàn tại khu vực nhà máy, đồng thời nhiều thiết bị của cả 3 tổ máy bị hỏng nặng. Xác định đây là nhà máy có vai trò hết sức quan trọng trong cung cấp điện cho miền Bắc phục vụ chiến đấu, sản xuất, bảo đảm điện cho các bệnh viện, ngay buổi chiều hôm đó, nhiều đoàn lãnh đạo Trung ương và tỉnh Yên Bái đã đến thăm hỏi, động viên cán bộ, công nhân, kỹ sư nhà máy. Một cuộc mít-tinh đã được tổ chức nhằm lên án sự tàn bạo, dã man của giặc Mỹ, đồng thời ca ngợi tinh thần chiến đấu của cán bộ, công nhân, kỹ sư nhà máy, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của NMTĐ Thác Bà khi các nhà máy nhiệt điện khác đã bị tê liệt vì bom đạn của máy bay Mỹ.

Biến căm thù thành hành động, cán bộ, công nhân, kỹ sư NMTĐ Thác Bà, được sự hỗ trợ của các đơn vị bạn, đã khẩn trương sửa chữa thành công Tổ máy số 2 trong thời gian 2 tháng, khởi động lại lúc 10 giờ 20 phút ngày 12-8-1972, cung cấp điện cho các tỉnh Đồng bằng sông Hồng kịp thời cứu lúa, chống úng. Tiếp đó, mọi người tập trung sức lực sửa chữa Tổ máy số 1 bị hư hỏng nặng hơn, hoàn thành vào ngày 15-12-1972, kịp thời hỗ trợ cho Nhà máy Điện Yên Phụ (Hà Nội) công suất 22MW, là nhà máy cuối cùng trong hệ thống điện lực bị máy bay Mỹ phá hoại.

Giặc Mỹ không thể ngờ rằng, dưới đống đổ nát hoang tàn, NMTĐ Thác Bà vẫn có sức sống diệu kỳ, phát công suất 72MW với sản lượng điện năng 1 triệu kWh/ngày cung cấp cho các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là cho thủ đô Hà Nội, phục vụ chiến đấu và sản xuất, góp phần đánh thắng cuộc tập kích bằng B52 của đế quốc Mỹ vào thủ đô cuối năm 1972, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam ngày 27-1-1973.

Nhà máy Thủy điện Thác Bà:

- Công suất đặt 108MW (3x36MW).

- Năm 1978, nhà máy được nâng cấp công suất lên 120MW.

- Ngày 30-3-2005, nhà máy chuyển thành Công ty Thủy điện Thác Bà thuộc EVN.

- Năm 2006, Công ty Thủy điện Thác Bà chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần.

- Nhà máy được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1999).