Mô hình trường học VNEN:

Bài học thất bại từ nóng vội

22:36 | 04/08/2017

1,555 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau 3 năm triển khai thực hiện, Dự án mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) đã xuất hiện nhiều bất cập. Nhiều tỉnh đã tẩy chay VNEN và chính Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thừa nhận nóng vội khi triển khai.

Bê nguyên mô hình Colombia

Mô hình trường học mới VNEN xuất phát từ mô hình trường học mới được thực hiện tại Colombia; được tổ chức và chuyên gia giáo dục quốc tế từ các nước có nền giáo dục tiên tiến hỗ trợ và phát triển. Mô hình này mau chóng đạt được những thành công và được nhân rộng khắp châu Mỹ Latinh nhưng khi đi vào thực tiễn giáo dục Việt Nam, VNEN không đạt được như kỳ vọng, thậm chí trở thành nỗi sợ hãi của nhiều học sinh, phụ huynh và cả các thầy, cô giáo.

Không ít các tỉnh như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk… lên tiếng muốn dừng đi theo mô hình học này. Và gần đây nhất là trong kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa VI, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) của tỉnh này đã phải lên tiếng xin lỗi về việc tham mưu mô hình trường học mới VNEN trên địa bàn. Ông Giang tự nhận, trong quá trình tham mưu cho tỉnh về việc thí điểm mô hình trường học mới VNEN, đã nóng vội, vì mong muốn đổi mới nhanh mà không tính toán được hết thực tế về cơ sở vật chất trường lớp cũng như đội ngũ giáo viên, cùng với đó là tư tưởng, nguyện vọng của học sinh. Dẫn đến việc, nhiều trường thực hiện nhưng không theo kịp, thậm chí không nắm bắt được phương pháp dạy học mới.

bai hoc that bai tu nong voi
Học sinh tiểu học học theo mô hình VNEN

Được biết, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong số các địa phương triển khai VNEN sớm, thậm chí VNEN còn nhanh chóng được triển khai trên diện rộng ở tỉnh này. Tuy nhiên, trước những bất cập mà đội ngũ giáo viên cũng như học sinh đã trải qua, ông Giang hứa, sắp tới UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tổ chức một hội nghị để đánh giá lại mô hình học VNEN, sau hội nghị này tỉnh sẽ có những định hướng cụ thể.

Trước đó, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng thừa nhận: Hạn chế của mô hình VNEN là cơ sở vất chất ở các địa phương chưa đảm bảo, trong khi đó sĩ số tại các lớp quá đông, khiến các học sinh yếu sẽ không theo kịp chương trình, không tham gia thảo luận, dễ chán nản… Những hạn chế này là căn nguyên chủ yếu khiến nhiều giáo viên phát phiền với mô hình dạy học mới.

Ai chịu trách nhiệm?

Chia sẻ với phóng viên Báo Năng lượng Mới, một giáo viên tại Hải Phòng cho hay: Những khó khăn này chúng tôi đã lường trước khi được tập huấn về chương trình. Khi được phân công dạy lớp VNEN, tôi phải mất nhiều tháng để xây dựng giáo án cho phù hợp, cho đến giờ khi đã có hơn 3 năm dạy chương trình VNEN, với kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng, mô hình VNEN không hề phù hợp với học sinh Việt Nam. Tôi thấy, học sinh của tôi ngày càng kém đi, ở lứa tuổi tiểu học các em chưa đủ ý thức để chủ động tiếp cận kiến thức như VNEN mong muốn nên nhiều em đã bị hổng kiến thức khá nhiều.

Còn nếu dạy theo chương trình VNEN, tôi nghĩ không ít học trò sẽ biến thành con vẹt thực sự trong tương lai, bởi không phải học sinh nào cũng có khả năng tự tìm tòi kiến thức, nhất là khi một lớp học có sĩ số lên đến 40 em. Đơn cử như không ít lần tôi gọi học sinh đứng lên nhận xét ý kiến của bạn. Hầu hết các con đều nói: “Con đồng ý với bạn”, nhưng khi tôi yêu cầu học sinh nhắc lại ý của bạn là gì thì không nói nổi. Còn giáo viên thì diễn nhiều hơn dạy. Bởi khi nhận dạy chuyên đề trong mô hình VNEN, đầu tiên học sinh và giáo viên đều phải tập diễn cho giờ dạy mẫu: Nào là giới thiệu bản thân, sở thích, tập luyện các trò chơi, tập tự học… Nhiều hôm cả cô trò diễn tới mệt nhoài mà vẫn chưa đạt đúng nội dung của mô hình VNEN. Nhiều khi giáo viên diễn còn chưa chuẩn thì học sinh làm sao mà diễn được? Cũng không thể kỳ vọng hơn, khi cả một chương trình mới hoàn toàn xa lạ nhưng chúng tôi chỉ được tập huấn vỏn vẻn trong vài buổi, có những giáo viên tập huấn xong còn hoang mang hỏi không biết sau này dạy cái gì, vì tập huấn chỉ diễn ra trong vài buổi theo kiểu chắp vá như vậy.

Mô hình giáo dục VNEN đã được triển khai suốt 3 năm qua ở đồng loạt 63 tỉnh, thành phố. Vậy việc “vỡ trận” thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Mô hình giáo dục VNEN đã được triển khai suốt 3 năm qua ở đồng loạt 63 tỉnh, thành phố. Vậy việc “vỡ trận” thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Nhiều trường đang rơi vào tình trạng “bỏ thì thương mà vương thì tội”, bởi nếu tiếp tục vẫn rơi vào tình trạng cũ, mà từ bỏ mô hình thì cũng không biết nên quay lại như thế nào?

Ở một khía cạnh khác, trước nhiều ý kiến về mô hình học mới, Bộ GD&ĐT đã có phản hồi các trường về việc “không bắt buộc phải thực hiện chương trình VNEN”. Nghĩa là các địa phương có quyền tự quyết việc có theo mô hình học này hay không? Thực tế, không phải đến bây giờ mô hình trường học mới VNEN mới vấp phải nhiều ý kiến bất thuận từ giáo viên và cả các bậc phụ huynh. Trước đó, tháng 8-2016, sau khi tổng kết 2 năm quá trình thực hiện mô hình, Bộ GD&ĐT cũng đã thẳng thắn nhận rõ những điểm yếu từ chương trình. Vậy nhưng, suốt một năm qua tình trạng vẫn không được thay đổi.

Thiết nghĩ, đã đến lúc lãnh đạo Bộ GD&ĐT cần có những biện pháp thiết thực để giải quyết tình trạng trì trệ này. Bộ cần xuống các địa phương lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, những người trực tiếp triển khai mô hình để có những nắm rõ cái hay hoặc dở. Nếu thực hiện cần có sự đồng bộ giữa các địa phương còn quá nhiều bất cập thì nên dừng lại để tránh lãng phí.

Dự án Mô hình trường học mới VNEN được thực hiện ở Việt Nam với tổng số vốn là 87,6 triệu USD, gồm vốn viện trợ không hoàn lại của Tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu USD và vốn đối ứng trong nước. Cơ sở lý thuyết của mô hình là “Thuyết kiến tạo”, đại ý mỗi học sinh tự hoạt động làm ra sản phẩm học tập bằng cách vận dụng kiến thức đã có để giải quyết tình huống mới nảy sinh và sắp xếp kiến thức mới nhận được vào cấu trúc các kiến thức hiện có của mình; lúc đó kiến thức mới được gia tăng, có giá trị ứng dụng thực tiễn. Lý thuyết thì hấp dẫn là vậy nhưng đến nay, khi chương trình thực hiện được 3 năm ở Việt Nam đã rất nhiều trường học xin được dừng đi theo mô hình này.

Huyền Anh