Bài 3: Án mạng Lục Chắn và sự suy tàn của “đế chế” Phương “Linh Hột”

11:39 | 30/07/2012

6,187 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ở những bài viết trước, chúng tôi đã nói về con đường Phương “Linh Hột” tạo ra thứ quyền lực “doanh nhân giang hồ”. Tuy nhiên, chẳng ai ngờ rằng vụ va chạm “nhỏ cỏn con” đã kết thúc cả một “đế chế” của Nguyễn Tiến Phương. Nguy hiểm hơn, án mạng Lục Chắn đã kích động hiềm thù giữa nhiều băng nhóm giang hồ ở vùng biên Móng Cái. Đã có thời điểm Công an Quảng Ninh phải huy động cả trung đội cảnh sát cơ động trang bị vũ khí để bảo vệ thân nhân những người liên quan.

>> 'Ông trùm vùng biên' Phương 'Linh Hột' không thoát được án tử hình

>> Bài 1: Lật lại kỳ án Lục Chắn và “ông trùm vùng biên” Phương “Linh Hột”

>>Bài 2: Con đường khoác áo doanh nhân của giang hồ Phương “Linh Hột”

Vụ nổ súng và 2 người mất tích

22 giờ 30 phút, đêm 22-5-2009, các cán bộ trực ban của Công an TP Móng Cái thấy một thanh niên đến trụ sở trong trạng thái hốt hoảng. Anh này xưng là Lê Hữu Vinh (SN 1972, trú tại 152 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Ka Long, Móng Cái). Sau khi trấn tĩnh, anh Vinh trình báo vụ việc như sau:

Hồi 16 giờ chiều cùng ngày, anh cùng với các anh Lê Văn Điệp (SN 1974, xã Minh Thành, Yên Hưng); Nguyễn Văn Sỹ (SN 1974, phường Trại Cau, Lê Chân, Hải Phòng); Đoàn Quyết Chiến (SN 1988, trú tại phường Hòa Lạc, Móng Cái); Hà Thanh Tùng (SN 1979, phường Hồng Hải, TP Hạ Long) đến đến Đồn biên phòng số 15 xã Hải Sơn – Móng Cái xin làm thủ tục xuất hàng đông lạnh sang Trung Quốc.

Sau khi hỏi rõ thủ tục, anh Vinh và anh Tùng đi về thị trấn Hà Khẩu trước, còn lại các anh Chiến, Điệp, Sỹ ở lại khu vực thôn Lục Chắn để đón số hàng đông lạnh làm thủ tục.

Đến khoảng 17 giờ, ba người trên đang đứng đón hàng thì có một nhóm người đi trên hai xe ô tô xông xuống đánh, bắn và bắt giữ 2 anh Điệp và Sỹ mang đi đâu không biết.

Người chạy thoát là anh Đoàn Quyết Chiến sau đó cũng trình báo rằng: không biết nhóm người đã va chạm và có nghe tiếng súng nổ nhưng không biết là súng gì.

Sau khi nhận thông tin về vụ việc, Công an TP Móng Cái đã huy động lực lượng, lập tức khám nghiệm hiện trường. Tại hiện trường, thu được 1 vỏ đạn và phát hiện vết máu.

Hai anh Vinh và anh Chiến đều khẳng định không có mâu thuẫn với ai và không biết vì sao lại có va chạm như vậy. Vụ án ngay lập tức được báo cáo lên Ban GĐ Công an tỉnh Quảng Ninh và Phòng CSĐT tội phạm về TTXH được giao trực tiếp thụ lý vụ việc.

Bằng con mắt nghiệp vụ và nhờ quá trình trinh sát, các cán bộ của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH đã nhận ra được sự bất thường trong lời khai của Vinh và Chiến. Cả Vinh và Chiến đều không có thái độ hợp tác tốt và cung cấp đủ thông tin vụ việc xảy ra.

Vỏ đạn thu được tại hiện trường vụ va chạm Lục Chắn.

Bước ngoặt…

Người khai báo vụ việc Lê Hữu Vinh là PGĐ Công ty xuất nhập khẩu Hồng Kông có trụ sở tại Móng Cái. Tuy nhiên, khi ra soát hồ sơ các điều tra viên lại phát hiện Vinh có tên trong diện quản lý nghiệp vụ ma túy của Công an. Đáng chú ý hơn, Vinh đang có lệnh bắt giữ liên quan đến hành vi mua bán trái phép các chất ma túy.

Nhận thấy đây là vụ việc bất thường và lời khai cũng có nhiều uẩn khúc nên BGĐ Công an tỉnh Quảng Ninh đã quyết định đi một nước cờ táo bạo: hoãn thi hành lệnh bắt với Lê Hữu Vinh để tận dụng, khai thác thêm thông tin về vụ việc xảy ra ở Lục Chắn.

Một mặt, các điều tra viên cũng đấu tranh, động viên người trốn thoát lúc đó là anh Chiến trình báo đầy đủ. Phải sau 2 ngày kiên trì thuyết phục, anh Chiến mới chấp nhận khai ra vụ việc.

Chiều hôm đó, ba anh Chiến, Điệp, Sỹ đang đứng đón hàng thì gặp xe của Công ty Quang Phát (do Nguyễn Tiến Phương làm GĐ). Tại đây có xảy ra mâu thuẫn giữa anh Điệp, anh Chiến và anh Sỹ với lái xe và những người điều hành của Công ty Quang Phát.

Cãi cọ xong, biết kiểu gì cũng có chuyện, Lê Văn Điệp quay sang bảo Chiến về nhà lấy mìn và súng lên để sẵn sàng “chiến” lại.

Chiến gọi điện cho một đối tượng người Hải Phòng làm ăn ở Quảng Ninh trực tiếp đến nhà anh Điệp ở phường Hải Hòa lấy một khẩu súng và 2 quả lựu đạn, bỏ túi xách và đi xe máy lên.

Ba người Chiến, Điệp, Sỹ đỗ xe ô tô BKS: 29LD – 1187 đỗ tại ngã 3 đường đứng đợi “hàng nóng”. Vì có mang theo súng, lại đứng sát biên giới nhóm này sợ lực lượng Biên phòng kiểm tra, Điệp, Sỹ mới bảo Chiến và đối tượng người Hải Phòng đi xe máy ôm và súng chạy lên phía trên một đoạn.

Một lúc sau, một xe Huyndai màu đen và một xe Inova màu bạc ở đâu trờ tới. Trận hỗ chiến nổ ra giữa nhóm người đi trên 2 chiếc xe này và các anh Điệp, Sỹ. Lê Văn Điệp bị quây đánh nên mới hô to: “Chiến ơi, châm cho anh quả mìn!”

Nghe tiếng gọi, Chiến và đối tượng người Hải Phòng cầm mìn chạy xuống chỗ đang có xô xát thì thấy Điệp và Sỹ đang bị 5-7 người đàn ông quây đánh. Vừa lò dò đến nơi thì một tiếng súng chát chúa vang lên, Chiến và đối tượng người Hải Phòng không dám xuống nữa mà quay đầu chạy ngược vào rừng.

Khi bỏ chạy, Chiến vẫn kịp nhìn thấy trong đám người đó có Nguyễn Tiến Chung – tức Chung “Linh Hột”, em trai của Phương “Linh Hột”.

Ban đầu, Chiến đã định không khai báo đúng vụ việc với cơ quan Công an mà để tự xử lý. Theo nguồn tin mà các trinh sát thu thập được thì Chiến ý định chơi lại với Chung “Linh Hột” bằng “luật giang hồ”.

Vì lẽ đó, có lẽ không phải tình cờ mà trong 4 ngày, từ 30 - 5 đến 2 - 6, xuất hiện một nhóm lưu manh người Hải Phòng mang súng, lựu đạn lên thẳng Quảng Ninh để sẵn sàng ăn thua đủ với nhóm của Chung. Bọn chúng đã tính đến chuyện giàn trận bắn nhau như… phim Hồng Kông. Nhiều đối tượng còn mang cả tiền vàng, áo khăn đến trước cửa nhà Chung “Linh Hột” đốt.

Trước tình hình cấp bách đó, Công an tỉnh Quảng Ninh đã điều một trung đội Cảnh sát cơ động trang bị vụ khí để ngăn chặn việc các đối tượng trên manh động, dàn trận thanh toán lẫn nhau.

Trước bước ngoặt bất ngờ của vụ việc, gia đình nạn nhân thì bức xúc, dư luận hoang mang, BGĐ Công an tỉnh họp khẩn cấp với các đơn vị nghiệp vụ và đưa ra các phương án hành động.

Đồng thời với việc điều tra, Công an Quảng Ninh cũng phát động cuộc truy tìm hai người mất tích là anh Nguyễn Văn Sỹ và anh Lê Văn Điệp. Tất cả các bệnh viện, trạm xá, phòng khám tư nhân ở Quảng Ninh đồng loạt được rà soát nhưng vẫn không có tung tích hai nạn nhân. Ban Chuyên án cũng đặt ra khả năng hai nạn nhân đã bị bọn bắt cóc mang sang bên kia biên giới.

Đoàn xe của Công an Quảng Ninh và Công an Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức truy tìm tang vật và các nạn nhân.

Cuộc truy tìm xuyên biên giới

Vụ việc được báo cáo lên Bộ Công an và Bộ Công an đã có văn bản gửi Bộ Công an Trung Quốc yêu cầu phối hợp. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Tước, khi đó là Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cũng viết thư tay gửi ông Lương Thắng Lợi – Trưởng ty Công an Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây để hai tỉnh có cơ chế phối hợp phá án. Phó giám đốc Công an Quảng Ninh khi đó là Đại tá Nhâm Ngọc Tám được giao nhiệm vụ trực tiếp mang thư sang trao tận tay.

Nhận được yêu cầu, Công an Quảng Tây đã tiến hành rà soát các địa bàn phức tạp, đặt ra khả năng nếu hai nạn nhân bị thủ tiêu thì cũng phải tìm ra xác. Chiến dịch phát động quần chúng tố giác tội phạm và truy tìm tung tích nạn nhân tích nạn nhân được phát động ở nước bạn.

Ngày 4 - 6 - 2009, Công an Quảng Ninh thực hiện lệnh khám xét và bắt khẩn cấp Nguyễn Tiến Chung về hành vi “Bắt giữ người trái pháp luật”. Chung được đưa thẳng về Công an tỉnh Quảng Ninh giam giữ, chuẩn bị đấu tranh.

Trong các ngày 18 và 19 – 7 - 2009 lệnh bắt khẩn cấp tiếp tục được thực hiện với 3 đối tượng có hành vi “Che giấu tội phạm” gồm: Phạm Văn Kiên (SN 1952, trú tại khu 3 phường Hải Hòa); Nhâm Đức Thông (SN 1958, trú tại phường Ka Long); Bùi Hải Bài (SN 1957, trú tại khu 3 phường Ka Long).

Riêng Nguyễn Tiến Phương tức Phương “Linh Hột” và Nguyễn Thế Cường (SN 1964, trú tại Lạc Viên, Ngô Quyền, Hải Phòng) bị bắt vì hành vi “Không tố giác tội phạm”.

Ngày 27 - 7, sau 2 ngày mò tìm trên sông Ka Long, Công an Quảng Ninh đã vớt được khẩu súng mà nhóm của Chung đã bắn hai anh Điệp, Sỹ ở thôn Lục Chắn. Khẩu súng được ném xuống lòng sông Ka Long phi tang khi bọn chúng trên đường đưa 2 nạn nhân sang Trung Quốc.

Khẩu súng đã được tìm thấy, chỉ có tung tích 2 nạn nhân thì vẫn như bóng chim tăm cá…

(Còn tiếp)

Phóng viên Petrotimes