KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2013):

Bác Hồ bàn về chữ LIÊM

06:00 | 04/02/2013

5,413 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thuở sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều bài viết về vấn đề tự phê bình và phê bình, vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Năm 2005, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đã ấn hành cuốn sách “Đảng, Bác Hồ về tự phê bình và phê bình”, tập hợp những bài viết, bài nói chuyện của các đồng chí lãnh đạo Đảng ta qua các thời kỳ.

Báo Năng lượng Mới trích đăng dưới đây bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về chữ LIÊM đối với cán bộ, đảng viên và bài của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về Tự phê bình và phê bình, xây dựng và chỉnh đốn Đảng:

Liêm là trong sạch, không tham lam.

Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là liêm, chữ liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp.

Cũng như ngày xưa trung là trung với vua. Hiếu là hiếu với cha mẹ mình thôi.

Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hòa, chữ liêm có nghĩa rộng hơn; là mọi người đều phải liêm. Cũng như trung là trung với Tổ quốc, hiếu là hiếu với nhân dân; ta thương cha mẹ ta, mà còn phải thương cha mẹ người, phải cho mọi người đều biết thương cha mẹ.

Chữ liêm phải đi đôi với chữ kiệm. Cũng như chữ kiệm phải đi đôi với chữ cần.

Có kiệm mới liêm được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam.

Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm.

Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư.

Người buôn bán, mua 1 bán 10, hoặc mua gian bán lậu chợ đen chợ đỏ, tích trữ đầu cơ.

Người có tiền, cho vay cắt cổ, bóp hầu bóp họng đồng bào. Người cày ruộng, không ra công đào mương mà lấy cắp nước ruộng của láng giềng.

Người làm nghề (bất cứ nghề gì) nhân lúc khó khăn mà bắt chẹt đồng bào.

Người cờ bạc, chỉ mong xoay của người làm của mình. Đều là tham lam, đều là bất liêm.

Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm).

Gặp việc phải, mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm, là tham vật úy lạo.

Gặp giặc mà rút ra, không dám đánh là tham sinh úy tử.

Đều làm trái với chữ liêm.

Do bất liêm mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp.

Cụ Khổng Tử nói: “Người mà không liêm, không bằng súc vật”.

Cụ Mạnh Tử nói: “Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy”. Để thực hiện chữ liêm, cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống, từ dưới lên trên.

Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”.

Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân.

“Quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm cũng phải hóa ra liêm.

Vì vậy, dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ liêm.

Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì.

Mỗi người phải nhận rằng, tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân.

Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân.

Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ.

Dân tộc ta đang kháng chiến và kiến quốc, đang xây dựng một đời sống mới trong nước Việt Nam mới. Chẳng những chúng ta phải cần kiệm, chúng ta còn phải thực hành chữ liêm.

Báo Năng lượng Mới số tất niên Nhâm Thìn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc