ASEAN cam kết nỗ lực giải quyết tranh chấp Biển Đông

07:19 | 15/04/2012

453 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Philippines triệu Đại sứ Trung Quốc tới giải quyết tranh chấp chủ quyền bãi đá ngầm Scarborough, Bộ trưởng Hải quân Mỹ thăm Malaysia, Đài Loan đóng tàu ngầm với sự trợ giúp của Nga và Đức, ASEAN cam kết nỗ lực giải quyết tranh chấp Biển Đông là những tin quân sự đáng chú ý trong thời gian gần đây.

Philippines triệu Đại sứ Trung Quốc tới giải quyết tranh chấp chủ quyền bãi đá ngầm Scarborough

Theo AP/AFP, ngày 11/4, Chính phủ Philippines cho biết tàu chiến lớn nhất của nước này đã gặp rắc rối với hai tàu hải giám của Trung Quốc khi các tàu này ngăn cản tàu Philippines bắt giữ các ngư dân Trung Quốc neo đậu tàu tại bãi đá ngầm Scarborough mà hai nước cùng tuyên bố có chủ quyền. Phía Philippines cho biết, hiện có tám tàu cá Trung Quốc neo đậu trong phạm vi lãnh hải ngoài khơi bãi đá ngầm kể trên.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario đã cho triệu Đại sứ Trung Quốc tại Manila Mã Khắc Kính tới để giải quyết vấn đề này thông qua con đường ngoại giao. Văn phòng ông Rosario ra tuyên bố rằng, bãi đá ngầm Scarborough “là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Philippines” và giới hữu trách Manila sẽ tái khẳng định chủ quyền đối với vùng lãnh hải này.

Bãi đá ngầm Scarborough nằm ở ngoài khơi tỉnh Zambales, Tây Bắc Philippines. Bắc Kinh và Manila đang tranh cãi về chủ quyền khu vực này tại Biển Đông. Bãi đá ngầmScarborough không thuộc quần đảo Trường Sa.

Bộ trưởng Hải quân Mỹ thăm Malaysia

Theo Hãng Thông tấn quốc gia Malaysia Bernama, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus đã thăm nước này từ ngày 6 đến 8/4/2012 và đã được Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) tiếp tại căn cứ Sepanggar Bay và đưa đi thăm tàu mới nhất của RMN, tàu ngầm KD Tun Razak. Thông cáo của Văn phòng Quan hệ công chúng RMN cho biết, hai bên đã trao đổi quan điểm về nhiều khía cạnh khác nhau và Malaysia có thể học hỏi một vài điều từ công nghệ hiện đại của Hải quân Mỹ.

Hôm 2/4, các tàu hải quân Mỹ bao gồm USS Emory S. Land, tàu ngầm lớp Tender, tàu USS Louisville và tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles, đã cập cảng Sepanggar, thành phố Kota Kinabalu cho thấy hải quân hai nước này đã có mối quan hệ tốt đẹp.

Đài Loan đóng tàu ngầm với sự trợ giúp của Nga và Đức

Sau nhiều năm cố gắng tìm mua từ Mỹ và Đức mà không được, Đài Loan rốt cuộc đã quyết định tự chế tạo tầu ngầm tấn công. Theo tiết lộ ngày 7/4 của mạng thông tin WorldNetDaily (WND) tại Mỹ thì mới đây, chính quyền Đài Bắc đã đạt được đồng thuận chính trị nội bộ để sản xuất tàu ngầm riêng của mình, với sự giúp đỡ kỹ thuật của Nga và Đức.

Chiếc tàu ngầm chạy bằng diesel đầu tiên, được cho là thuộc lớp 1.500 tấn, dự kiến sẽ được đóng trong thời hạn 5 năm tới. Quyết định tự chế tạo tàu ngầm bắt nguồn từ một công trình nghiên cứu khả thi được Hội đồng An ninh Đài Loan khởi xướng vào năm 2009. Theo các nguồn tin khu vực, thiết kế chiếc tàu này sẽ được dựa trên công nghệ loại tàu lớp Kilo của Nga. Vào tháng 10/2010, Nga đã đồng ý trợ giúp Đài Loan về mặt kỹ thuật để đóng thân tàu ngầm. Ngoài ra, Đài Loan cũng dựa vào cấu trúc kiểu tàu ngầm 209 của Đức.

Đài Loan nuôi ý định trang bị cho mình tổng cộng 8 tàu ngầm, nhưng trong nhiều năm qua đã hoài công tìm mua của nước khác, kể cả từ đồng minh Mỹ hay từ Đức. Thế nhưng, Trung Quốc Đại Lục trong thời gian qua ngày càng tăng cường sức mạnh hải quân, kể cả chiến hạm và tàu ngầm nguyên tử, để dễ dàng khống chế Biển Đông. Đài Bắc càng lúc càng lo ngại trước khả năng Trung Quốc có thể dùng lực lượng hải quân được tăng cường đó để tấn công Đài Loan nên việc trang bị tầu ngầm do đó đã trở thành cần thiết.

ASEAN cam kết nỗ lực giải quyết tranh chấp Biển Đông

Tại cuộc họp báo sáng ngày 4/4, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, tuyên bố chung kết thúc hội nghị Thượng đỉnh ASEAN là quyết tâm giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình: “Vấn đề Biển Đông là vấn đề giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. Điều này là không thể chối cãi. Lý do là đã có 10 nước thành viên ASEAN ký DOC với Trung Quốc. Do đó, không thể nào giải quyết vấn đề Biển Đông với bất cứ nước nào khác ngoài ASEAN và Trung Quốc. Campuchia sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và can thiệp không cho phép bất cứ nước nào ngoài ASEAN và Trung Quốc tham gia giải quyết vì nó dẫn đến sự phức tạp hơn nếu quốc tế hóa vấn đề này”.

Nguyễn Hoài

tổng hợp