Arập Xêút sẽ lột xác thành công?

07:05 | 02/05/2016

808 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 25-4, Arập Xêút công bố kế hoạch chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ phụ thuộc vào dầu mỏ sang các ngành kinh tế phi dầu mỏ. Cách đây vài năm khi có tới 700 tỉ USD tiền dự trữ Arập Xêút cũng đã bắn tiếng sẽ tìm cách thoát dầu mỏ nhưng trong gần 2 năm qua, núi tiền của Arập Xêút đã co lại như miếng da lừa. Liệu kế hoạch lột xác của Arập Xêút có thành công?  

Bản kế hoạch chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế của Arập Xêút tầm nhìn năm 2030 được Phó vương Mohammed bin Salman tiết lộ. Đây là một nhân vật đang lên trong vương triều Arập Xêút. Trọng tâm của kế hoạch trên là tập trung vào các cải cách kinh doanh và đầu tư. Trong đó, tỷ trọng đóng góp của nguồn thu dầu mỏ vào ngân sách sẽ giảm từ 72% xuống còn 16%. Ngoài ra, Arập Xêút cũng đề ra các mục tiêu như giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng cường vai trò của ngành kinh tế tư nhân và nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động.

arap xeut se lot xac thanh cong
Phó vương Mohammed bin Salman, người  sẽ chủ trì cuộc “lột xác” của Arập Xêút

Kế hoạch trên sẽ được hỗ trợ bởi một quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, với quy mô 2.000 tỉ USD. Một phần số tiền này đến từ việc phát hành cổ phiếu ra công chúng của tập đoàn dầu mỏ quốc gia của Arập Xêút là Aramco. Giới chức Arập Xêút tin tưởng với kế hoạch đầy tham vọng này, đến năm 2020, nước này có thể tồn tại mà không cần dầu mỏ.

Để thực hiện được kế hoạch trên Arập Xêút sẽ tiến hành tái cấu trúc chính phủ một cách toàn diện và liên tục dựa trên các kế hoạch ưu tiên. Theo đó, vương quốc này bắt đầu nâng cao hình ảnh bộ máy chính phủ bằng cách xóa bỏ Ủy ban Tối cao và thay vào đó thành lập Ủy ban Chính trị - An ninh và Ủy ban Kinh tế phát triển.

Ngoài ra, Arập Xêút dự kiến thành lập Công ty Cổ phần Quốc phòng - An ninh vào cuối năm 2017, bù đắp sự thiếu hụt lực lượng quốc phòng tại quốc gia. Vương quốc sẽ tổ chức lại và giải quyết vấn đề chi tiêu không hợp lý trong ngành quốc phòng - an ninh. Bản kế hoạch có đoạn: “Chúng tôi hướng đến việc cắt giảm 50% chi tiêu nhập khẩu thiết bị quân sự bằng phương thức địa phương hóa. Một số ngành sản xuất ít phức tạp đã bắt đầu được triển khai như sản xuất phụ tùng, xe bọc thép và đạn dược cơ bản. Chúng tôi hướng đến mở rộng sản xuất những thiết bị phức tạp và có giá trị cao như máy bay quân sự”.

Giá dầu thấp kéo dài đòi hỏi các nước cần thúc đẩy việc đa dạng hóa nguồn thu. Arập Xêút là quốc gia đi đầu trong vấn đề này với kế hoạch tầm nhìn kinh tế 2030 cho giai đoạn hậu kỷ nguyên dầu mỏ. Vấn đề đặt ra là Arập Xêút sẽ thực hiện nó bằng cái gì và như thế nào?

Ngày 26-4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra bản đánh giá mới nhất về mức độ thiệt hại do giá dầu giảm đối với các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Ðông. Theo IMF, kể từ năm ngoái cho đến nay, các đại gia dầu mỏ Trung Ðông đã mất số lợi tức vào khoảng 390 tỉ USD do giá dầu xuống thấp. Tuy nhiên, theo ước tính của tổ chức tài chính quốc tế này, số thiệt hại trên sẽ còn cao hơn, có thể lên tới 500 tỉ USD trong năm nay.

Hồi tháng 10-2015, IMF từng đưa ra ước tính rằng, các quốc gia xuất khẩu dầu trong khu vực Trung Đông sẽ mất đi số lợi tức khoảng 360 tỉ USD trong năm 2015. Tuy nhiên, do giá dầu xuống thấp hơn nữa vào cuối năm ngoái nên thiệt hại tăng thêm khoảng 30 tỉ USD nữa.

Trong bản báo cáo được điều chỉnh lại về tình hình kinh tế tương lai, được công bố hôm 26-4, IMF cho hay, số tiền các quốc gia Trung Đông thu được nhờ dầu mỏ sẽ còn xuống thấp hơn nữa trong năm 2016, giảm từ 490 tỉ tới 540 tỉ USD so với năm 2014, khi giá dầu cao hơn. Giá dầu thô giảm xuống còn khoảng 30USD/thùng hồi tháng 1-2016 so với 115USD/thùng vào giữa năm 2014.

Giám đốc IMF đặc trách Trung Ðông và Trung Á, Masood Ahmed cho hay, những thiệt hại này sẽ khiến tạo ra các vấn đề thiếu hụt ngân sách và làm chậm mức phát triển kinh tế, nhất là ở các quốc gia như Arập Xêút, vốn còn phải trông chờ rất nhiều từ dầu mỏ để có tiền chi tiêu. Tuy vương quốc này đang tìm cách thay đổi cấu trúc kinh tế, dầu mỏ vẫn chiếm khoảng 72% số lợi tức hồi năm ngoái và Arập Xêút dự trù sẽ bị thâm thủng ngân sách vào khoảng 90 tỉ USD trong năm nay.

Ông Ahmed nói rằng, giá dầu thô sẽ lên trở lại, nhưng sẽ mất rất lâu mới lên tới mức của năm 2013 và 2014. Ðiều này có nghĩa là nhiều quốc gia phải giảm chi tiêu và tìm các nguồn lợi tức khác bên ngoài dầu mỏ.

Sau nhiều năm thặng dư thương mại lớn nhờ bán dầu, núi tiền dự trữ của Arập Xêút (700 tỉ USD) đang co lại khá nhanh. Ngày 15-4 vừa qua, Hãng tin Bloomberg cho biết, kể từ sau khi giá dầu bắt giảm vào tháng 11-2014 đến nay, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đã phải móc hầu bao 315 tỉ USD từ kho dự trữ ngoại tệ quốc gia để bù cho nguồn thu mất đi do giá dầu giảm. Trong đó, Arập Xêút phải xuất ra 138 tỉ USD từ nguồn dự trữ ngoại tệ, chiếm gần một nửa trong tổng số tiền các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ phải bỏ ra để bù cho nguồn thu từ giá dầu giảm. Trong 3 tháng cuối năm ngoái, Arập Xêút phải chi ra 381 triệu USD từ kho dự trữ ngoại tệ, mức cao nhất tính theo quý từ năm 1962 đến nay.

Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings hôm 13-4 đã hạ mức tín nhiệm của Arập Xêút xuống còn AA-. Standard & Poor cũng như Moody cũng đã thực hiện điều tương tự trước đó. Fitch cho rằng, Riyadh sẽ phải đối mặt với thâm hụt ngân sách lớn trong năm nay và một “phần lớn các nhu cầu tài chính của chính phủ sẽ được tài trợ bằng cách vay nợ nước ngoài”.

IMF ngày 12-4 dự báo thâm hụt ngân sách của Arập Xêút trong năm nay sẽ bằng 10,2% GDP, cao nhất kể từ năm 1998, khi giá dầu giảm xuống 10USD/thùng.

Phần xương sống của bản kế hoạch tái cơ cấu kinh tế Arập Xêút là việc bán cổ phần của công ty mẹ của Aramco và chuyển đổi gã khổng lồ dầu mỏ này thành một tập đoàn công nghiệp đa quốc gia. Dự kiến Saudi Aramco sẽ lên sàn sớm nhất vào năm 2017, bán ra gần 5% tổng số cổ phần. Từ đó thu về  trên 1.000 tỉ USD. Nhưng trong thời buổi giá dầu rẻ mạt như hiện nay và không biết khi nào mới trở lại mức 100USD/thùng, cộng với sự suy giảm trông thấy của nền kinh tế Arập Xêút, các chuyên gia cho rằng, kế hoạch của Saudi Aramco sẽ là một thất bại nặng nề với Arập Xêút.

Chuyển đổi mô hình kinh tế như Arập Xêút là niềm mơ ước của tất cả các nước sống chủ yếu sống nhờ vào dầu mỏ. Việc chuyển đổi này cần nhiều thời gian và tiền bạc. Trong bối cảnh giá dầu thấp và tiền dự trữ giảm dần, không hiểu Arập Xêút sẽ chuyển đổi khi nào mới xong?

S.Phương

Năng lượng Mới 518+519

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc