Arập Xê út không dễ gì thoát được dầu mỏ!

16:00 | 13/09/2016

467 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Arập Xê út gần đây thông báo kế hoạch đưa nền kinh tế thoát ly khỏi dầu mỏ. Báo Washington Post (Mỹ) ra ngày 8/9 có bài phân tích, mô tả con đường cải cách mà Arập Xê út chọn để giải thoát khỏi nền kinh tế (phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu dầu mỏ) chứa đầy cạm bẫy và nhiều khả năng sẽ thất bại.
tin nhap 20160913155605
Phái đoàn Arập Xê út tới dự G20 tại Trung Quốc hôm 5/9

Bản kế hoạch chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế của Arập Xê út tầm nhìn năm 2030 được Phó vương Mohammed bin Salman lần đầu tiết lộ và cuối tháng 4/2016 với trọng tâm là tập trung vào các cải cách kinh doanh và đầu tư. Trong đó, tỷ trọng đóng góp của nguồn thu dầu mỏ vào ngân sách sẽ giảm từ 72% xuống còn 16%. Ngoài ra, Arập Xê út cũng đề ra các mục tiêu như giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng cường vai trò của ngành kinh tế tư nhân và nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động...

Kế hoạch trên sẽ được hỗ trợ bởi một quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, với quy mô 2.000 tỉ USD. Một phần số tiền này đến từ việc phát hành cổ phiếu ra công chúng của tập đoàn dầu mỏ quốc gia của Arập Xê út là Aramco. Giới chức Arập Xêút tin tưởng với kế hoạch đầy tham vọng này, đến năm 2020, nước này có thể tồn tại mà không cần dầu mỏ.

Bản kế hoạch có đoạn: “Chúng tôi hướng đến việc cắt giảm 50% chi tiêu nhập khẩu thiết bị quân sự bằng phương thức địa phương hóa. Một số ngành sản xuất ít phức tạp đã bắt đầu được triển khai như sản xuất phụ tùng, xe bọc thép và đạn dược cơ bản. Chúng tôi hướng đến mở rộng sản xuất những thiết bị phức tạp và có giá trị cao như máy bay quân sự”.

Nhưng theo Washington Post nếu muốn phát triển các loại hình kinh tế, kinh doanh, doanh nghiệp khác nhau (như các nền kinh tế tư bản khác) thì đòi hỏi nền quản trị quốc gia phải minh bạch và đáng tin cậy. Tuy nhiên, việc đòi hỏi minh bạch ở các đại công ty nhà nước do Hoàng gia Saud nắm giữ khác nào đòi họ giao thẻ ATM kèm theo mật khẩu. Do đó, khả dĩ nhất với Arập Xê út vẫn là lấy tiền lời từ dầu mỏ để lập ra các quỹ đầu tư công, bỏ vốn vào các ngành công nghiệp khác, thậm chí là cả ngành du lịch và giải trí- những ngành hầu như không tồn tại ở Arập Xê út cho tới nay.

Tuy nhiên, con đường hiện đại hóa theo kiểu hòa nhập sẽ kéo theo những thay đổi lớn về đời sống văn hóa xã hội. Một quốc gia vẫn cấm phụ nữ lái xe và đi ra ngoài một mình sẽ làm cách nào phát triển các ngành kinh doanh dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, du lịch, giải trí...? Hơn nữa, ý thức hệ Hồi giáo cứng rắn vốn gần như là một hệ thống pháp luật tồn tại song hành với nhà nước sẽ thích nghi thế nào với thời đại mới?

Một quan chức hoàng gia phụ trách cải cách Arập Xê út nói rằng tiến trình hiện đại hóa là không thể đảo ngược và Arập Xê út sẽ chứng tỏ cho thế giới thấy họ là quốc gia tân thời chứ không còn sống trong mớ ý thức hệ cổ hủ nữa.

Những lời lẽ đó quả thật khiến giới trẻ Arập Xê út, nhất là những thành phần không phải con ông cháu cha hoặc dòng dõi hoàng tộc... vui mừng khôn siết. Với giới trẻ, còn gì thu hút hơn với việc sống một cuộc đời tự do hơn, phóng khoáng hơn, cởi mở hơn.

Nhưng Washington Post nhận định, bất kỳ sự cải tổ nào cũng sẽ chỉ có tính hình thức nếu không bắt nguồn từ cải tổ hệ thống kinh tế- chính trị. Làm thế nào mà Hoàng gia Saud có thể vẫn giữ được quyền lực độc tôn (về kinh tế và chính trị), trong khi xã hội được tự do phát triển? E rằng, những thế lực thủ cựu về kinh tế lẫn tôn giáo sẽ tìm mọi cách để bóp chết tiến trình đổi mới của Arập Xê út...

Th.Long

AP, AFP, Reuters