Ấn tượng nơi “đất học” Ba Nghè

07:00 | 30/04/2018

3,649 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nơi vùng quê xứ Phuống (nay là xã Thanh Giang, Thanh Chương, Nghệ An) có một địa danh gợi niềm tự hào của một làng quê ven sông Lam: Bến Ba Nghè. Dòng chảy thời gian đã đi qua hàng mấy thế kỷ, cảnh vật đã đổi thay nhiều, nhưng truyền thống hiếu học luôn được người dân nơi đây gìn giữ.

Từ bến đò xưa…

Đầu năm, xứ Phuống dường như tấp nập hơn, dòng người khắp nơi về đây trao đổi hàng hóa, nét mặt ai cũng vui tươi. Dải bãi bồi chạy dọc hữu ngạn sông Lam mùa này xanh mướt màu ngô, những bãi ngô sắp trổ cờ mơn mởn và tràn đầy sức sống. Những ruộng cải đang trổ hoa vàng, điểm tô vào sắc xanh bạt ngàn của bãi ngô khiến bức tranh đồng bãi càng thêm sinh động và hấp dẫn.

an tuong noi dat hoc ba nghe
Sông Lam đoạn qua xóm Ba Nghè, xã Thanh Giang, Thanh Chương

Xa hơn một chút là dòng Lam trong xanh uốn lượn hiền hòa, con nước miệt mài xuôi dòng để ra biển lớn. Xứ Phuống có đồng, bãi, có núi, sông đã phác họa nên cảnh non nước hữu tình, mang đậm dấu ấn của vùng quê bán sơn địa.

Qua chợ Phuống chừng 1 cây số, chúng tôi bước chân vào một xóm nhỏ với những ngôi nhà khang trang và con đường làng rải bê tông thẳng tắp. Xóm nhỏ ấy mang một cái tên rất gợi: Xóm Ba Nghè. Ba Nghè là quê hương hay điểm dừng chân của 3 vị tiến sĩ thời xưa? Không thể tự mình lý giải, chúng tôi quyết định tìm lời giải đáp cho câu hỏi ấy, về gốc tích của tên gọi ấy.

Phía trước, một ông lão đang rảo bước trên đường, tay cầm tập sách báo, chắc hẳn ông là người đam mê sách vở, chữ nghĩa, có thể giải thích được nguồn gốc tên gọi của xóm Ba Nghè. Bắt chuyện, chúng tôi được biết ông tên là Phạm Sỹ Bớ, tộc trưởng họ Phạm, một trong những dòng họ lớn ở Thanh Giang. Ông Bớ chính là hậu duệ của Phạm Kinh Vỹ, người từng đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Giáp Thìn (1724), có nhiều đóng góp cho triều đình Hậu Lê.

Bên ấm chè xanh nóng hổi, tỏa hương thơm phức, vị tộc trưởng họ Phạm giải thích cặn kẽ cho khách về gốc tích của xóm Ba Nghè: Tên gọi xóm Ba Nghè bắt nguồn từ bến Ba Nghè ở phía trước làng, ngày xưa có 3 vị tiến sĩ của đất Thổ Hào xưa (nay là xã Thanh Giang) ghé thuyền về vinh quy bái tổ. Đó là Nguyễn Tiến Tài (đăng khoa năm 1664), Phạm Kinh Vỹ (đăng khoa năm 1724). Còn vị thứ 3 chưa có sự thống nhất, người thì cho là Nguyễn Lâm Thái (đăng khoa năm 1739), người thì cho đó là Nguyễn Sỹ Giáo - đỗ đại khoa cùng năm với Nguyễn Tiến Tài. Tra cứu tài liệu lịch sử, Nguyễn Sỹ Giáo người xã Mi Sơn (Thanh Mai ngày nay), còn Nguyễn Lâm Thái người xã Thổ Hào (Thanh Giang ngày nay) nên tạm khẳng định Nguyễn Lâm Thái là 1 trong 3 ông Nghè ghé thuyền lên đất Thổ Hào là hợp lý hơn. Nhà thờ Nguyễn Tiến Tài hiện ở xóm Tiên Cầu, nhà thờ Phạm Kinh Vỹ ở xóm Ba Nghè, cả hai đều được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hóa. Còn Nguyễn Lâm Thái được bà con nhân dân xóm Bàu Sen quyên góp tiền của, công đức xây dựng miếu thờ, quanh năm hương khói. Như vậy, 3 vị tiến sĩ của xã Thổ Hào xưa hiện đang được con cháu và nhân dân vùng quê xứ Phuống thờ phụng với tất cả niềm tự hào, tôn kính và ngưỡng vọng.

Dẫn khách ra bến Ba Nghè, những bước chân của ông Bớ như lần tìm về từng dấu tích lịch sử, từng bước đi của người xưa.

Mấy thế kỷ trước, 3 vị tiến sĩ đất Thổ Hào đã vượt sông Lam, đi vào dòng Hói Nậy và ghé thuyền tại đây bến Ba Nghè để bước về làng làm lễ vinh quy bái tổ trong niềm vui mừng, hân hoan của xóm làng, dòng họ.

Bến Ba Nghè thuộc sông Hói Nậy, dòng sông chảy về từ các xã giáp biên giới Việt - Lào và hợp lưu với sông Lam tại xứ Phuống. Ngày trước, khi nước sông Hói Nậy còn lớn, điểm hợp lưu được xác định ở đầu xóm Ba Nghè này nay, cách bến khoảng 200m. Nhưng trải qua hàng trăm năm cùng những biến động “tang thương dâu bể” đã tạo thành một cồn nổi lớn nằm giữa hai con sông, đẩy vị trí hợp lưu xuống địa phận xã Thanh Lâm, cách đó chừng 3km.

Sông Hói Nậy giờ nhỏ hẹp hơn xưa nhưng dấu tích bến Ba Nghè vẫn còn hiện hữu. Đó là doi đất nhô ra phía hữu ngạn, mấy thế kỷ trước, 3 vị tiến sĩ đất Thổ Hào đã vượt sông Lam, đi vào dòng Hói Nậy và ghé thuyền tại đây để bước về làng làm lễ vinh quy bái tổ trong niềm vui mừng, hân hoan của xóm làng, dòng họ. Và xóm có bến Ba Nghè được đặt tên là xóm Ba Nghè, tên gọi hết mực dân dã nhưng chứa đựng biết bao niềm tự hào và truyền thống được vun đắp qua hàng trăm năm lịch sử.

...Đến sự học hôm nay

Chuyện trò với chúng tôi, xóm trưởng Võ Đình Huân, sau khi rít một hơi thuốc lào đầy sảng khoái, tiếp chuyện: “Ở xóm Ba Nghè này, việc quan trọng nhất đối với mỗi gia đình là chăm lo sự học. Nhà nào cũng có ý thức đầu tư cho con cái học hành, lập thân và lập nghiệp bằng con đường chữ nghĩa, cho dù bố mẹ có phải rau cháo thay cơm”.

an tuong noi dat hoc ba nghe
Nhà thờ Phạm Kinh Vỹ - di tích lịch sử - văn hóa

Xóm Ba Nghè có 138 hộ (548 nhân khẩu). Ở vùng quê bán sơn địa này nguồn thu nhập chủ yếu nhìn vào bãi ngô, đồng lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bao đời nay, người dân Ba Nghè luôn chất phác, cần cù và chăm chỉ làm ăn và tạo dựng tương lai cho con cái. Ngày thường, ở xóm đa số là người già và lứa tuổi trung niên, lớp trẻ đều đang học tập và công tác ở xa, chỉ về quê vào các dịp lễ tết. Anh Huân “bật mí” thêm, người dân Thanh Giang và các xã trong vùng đều muốn về mua đất và định cư ở xóm Ba Nghè, nguyên do đầu tiên vì cái danh “đất học”.

Được tiếp nối mạch nguồn hiếu học từ đời xưa, con cháu Ba Nghè ngày nay hiểu được những giá trị của truyền thống và ra sức bồi đắp cho truyền thống ấy ngày một dày thêm. Chưa có con số thống kê chính xác, áng chừng số người có bằng đại học là con cháu của Ba Nghè không dưới 50, trên 10 người có bằng thạc sĩ và 6 người có bằng tiến sĩ. Để khuyến khích sự học, xóm đã xây dựng được nguồn quỹ khuyến học để trao thưởng cho các em có thành tích học tập tốt vào dịp tết Trung thu. Các dòng họ cũng đều vận động xây dựng nguồn quỹ này để động viên con cháu cố gắng vươn lên trong học tập. Bởi lẽ, người Ba Nghè quan niệm, thành công của một người không chỉ là niềm vui của gia đình, mà của cả dòng họ và làng xã. Không thể tính hết bao nhiêu người học đại học nhưng Xóm trưởng Võ Đình Huân có thể kể ra những hoàn cảnh tiêu biểu trong việc vượt khó, vươn lên trên con đường chinh phục tri thức.

Đó là gia đình ông Võ Đình Tựu, bố mẹ làm nông nghiệp nuôi 2 con học đại học, đến nay đã ra trường và có công việc ổn định.

Cũng làm nông nghiệp, gia đình bà Trần Thị Tâm có 2 con theo học đại học, con út đang học THPT và đang có nhiều triển vọng vào đại học.

Vợ chồng ông Phạm Đức Uyên làm nghề phụ hồ và làm ruộng nuôi 3 con học đại học, trong đó 2 người học Đại học Y khoa.

an tuong noi dat hoc ba nghe
Nhà thờ họ Trần Sỹ ở xóm Ba Nghè (Thanh Giang, Thanh Chương)

Đặc biệt, phải kể đến hoàn cảnh gia đình bà Lê Thị Hiển. Chồng mất sớm, bà sang Đài Loan giúp việc đã 12 năm nay, ở nhà 3 người con bảo ban nhau học tập. Đến nay, cả 3 con của bà Hiển đã vào đại học, trong đó 2 người học Đại học Y khoa, 1 người học tại Học viện An ninh nhân dân. Điều khiến bà con lối xóm và tất cả mọi người khâm phục là ý thức tự giác và tinh thần vượt lên hoàn cảnh. Bố mất, mẹ đi làm ăn xa, 3 anh em ở nhà che chở, động viên nhau học tập. Người anh đầu vào đại học, còn 2 chị em tiếp tục ở nhà đỡ đần nhau. Đến lúc chị thứ 2 vào đại học, một mình cậu út Võ Đình Sử tự lo liệu cuộc sống và việc học hành. Không phụ lòng yêu thương của mọi người, kỳ thi vừa rồi Sử đã trúng tuyển vào Học viện An ninh nhân dân. Người làng, người xã luôn lấy tấm gương của anh chị em Sử để nhắc nhở, động viên con cháu mình trong việc rèn luyện ý chí, quyết tâm trong sự học.

Về Ba Nghè, chúng tôi không chỉ ấn tượng về ngôi làng thơ mộng ven sông Lam với những ngôi nhà, con đường khang trang, tên gọi giàu sức gợi và những kỳ tích trong học hành, khách ở xa còn trầm trồ trước vẻ đẹp cổ kính, rêu phong của những ngôi từ đường. Về xóm nhỏ này, ai cũng cảm nhận rằng, việc xây dựng, chăm sóc các ngôi từ đường được thế hệ con cháu của các dòng họ quan tâm gìn giữ, xây dựng khang trang. Tất cả những điều ấy nói lên rằng Ba Nghè là nơi “đất lề, quê thói”, nơi đây dòng chảy từ quá khứ đến hiện tại không hề bị đứt đoạn, người đời sau luôn biết nâng niu, trân trọng và gìn giữ những điều tốt đẹp, nhân văn của tổ tiên truyền lại.

Bên cạnh nhà thờ tiến sĩ Phạm Kinh Vỹ đã được xếp hạng di tích - lịch sử, nhà thờ dòng họ Trần Sỹ được biết đến ở độ lớn về quy mô và vẻ đẹp về kiến trúc. Hệ thống nhà thờ từ đại tôn đến trung tôn và các tiểu chi đều thống nhất về nét kiến trúc, khuôn viên được quy hoạch bài bản, mang dáng dấp của một công viên. Không chỉ nổi tiếng ở Ba Nghè, dòng họ Trần Sỹ còn được khắp Thanh Giang biết đến với truyền thống hiếu học và thành đạt. Trong số 6 tiến sĩ có gốc gác ở Ba Nghè thì có tới 5 vị là con em của dòng họ này.

Riêng gia đình ông Trần Sỹ Xân có 2 con là Trần Sỹ Bùi Quang và Trần Sỹ Bùi Trung vừa mới bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Cũng là con cháu của dòng họ, ở xã Thanh Mai có anh Trần Sỹ Quốc Lâm cả hai vợ chồng đều bảo vệ luận án tiến sĩ ở nước ngoài. Con cháu thành đạt và công tác khắp nơi trên mọi miền đất nước đều trở về góp phần xây dựng từ đường, khuôn viên của dòng họ ngày một khang trang, bề thế để ghi nhớ ơn đức của tổ tiên. Tiến sĩ Trần Sỹ Kháng từng công tác tại Bộ Quốc phòng được đánh giá là người con tâm huyết, có nhiều đóng góp cho dòng họ và quê hương. Không chỉ đóng góp cho dòng họ, ông Kháng đang có dự định vận động những người con quê hương thành đạt góp tiền khôi phục lại bến Ba Nghè. Ý tưởng này nếu trở thành hiện thực sẽ hết sức ý nghĩa, bởi niềm tự hào về truyền thống sẽ tiếp tục được bồi đắp, bến Ba Nghè sẽ là điểm dừng chân tham quan của du khách gần xa...

an tuong noi dat hoc ba nghe
Một góc xứ Phuống (Thanh Giang, Thanh Chương ngày nay)

Không chỉ nổi tiếng ở Ba Nghè, dòng họ Trần Sỹ còn được khắp Thanh Giang biết đến với truyền thống hiếu học và thành đạt. Trong số 6 tiến sĩ có gốc gác ở Ba Nghè thì có tới 5 vị là con em của dòng họ này. Riêng gia đình ông Trần Sỹ Xân có 2 con là Trần Sỹ Bùi Quang và Trần Sỹ Bùi Trung vừa mới bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Cũng là con cháu của dòng họ, ở xã Thanh Mai có anh Trần Sỹ Quốc Lâm cả hai vợ chồng đều bảo vệ luận án tiến sĩ ở nước ngoài. Con cháu thành đạt và công tác khắp nơi trên mọi miền đất nước đều trở về góp phần xây dựng từ đường, khuôn viên của dòng họ ngày một khang trang, bề thế để ghi nhớ ơn đức của tổ tiên.

Tiến sĩ Trần Sỹ Kháng từng công tác tại Bộ Quốc phòng được đánh giá là người con tâm huyết, có nhiều đóng góp cho dòng họ và quê hương. Không chỉ đóng góp cho dòng họ, ông Kháng đang có dự định vận động những người con quê hương thành đạt góp tiền khôi phục lại bến Ba Nghè. Ý tưởng này nếu trở thành hiện thực sẽ hết sức ý nghĩa, bởi niềm tự hào về truyền thống sẽ tiếp tục được bồi đắp, bến Ba Nghè sẽ là điểm dừng chân tham quan của du khách gần xa...

Rời Ba Nghè, rời xứ Phuống, chúng tôi còn xiết bao niềm lưu luyến. Lưu luyến vì cảnh vật nên thơ, vì tình người sâu lắng và vì những nét đẹp truyền thống hiếu học được hun đúc từ bao đời.

Con cháu Ba Nghè ngày nay hiểu được những giá trị của truyền thống hiếu học và ra sức bồi đắp cho truyền thống ấy ngày một dày thêm. Chưa có con số thống kê chính xác, áng chừng số người có bằng đại học là con cháu của Ba Nghè không dưới 50, trên 10 người có bằng thạc sĩ và 6 người có bằng tiến sĩ.

Trần Công Kiên

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps